Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ, Trung Quốc và Nga “bất an”?

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:39 am(VN)

-

9:39 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ, Trung Quốc và Nga “bất an”?

06/10/2023

Theo Reuters, Chính quyền Joe Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử hai nước. Mặc dù vẫn còn nhiều biến số trước khi đạt được thỏa thuận nhưng truyền thông phương Tây đã bắt đầu dự đoán rằng cả Trung Quốc và Nga đều không hài lòng về điều này.
 

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam một lô máy bay chiến đấu F-16 và giúp Việt Nam xây dựng các điều khoản tài chính đặc biệt để trang trải chi phí mua sắm vũ khí. Theo nguồn thạo tin, công tác đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu, các điều khoản cụ thể vẫn chưa được xác định, cũng có thể cuối cùng sẽ không đạt được kết quả gì.


Có vẻ như những gì đang diễn ra giống như dự báo trước đó, Mỹ và Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 10/9. Như Reuters nhận định, thỏa thuận vũ khí này có thể giúp “hoàn thiện” hơn nữa việc nâng cấp quan hệ của hai nước. Tuy nhiên, thỏa thuận này có hai điểm khiến mọi người lo lắng.


Thứ nhất, bài báo của Reuters chỉ ra rằng Washington không chỉ tin rằng sẽ làm cho Việt Nam mua thêm nhiều vũ khí của nước này trong tương lai, mà còn làm cho vũ khí từ các nước Hàn Quốc, Ấn Độ… tiến vào Việt Nam.


Thứ hai, Mỹ dường như có tham vọng “một mũi tên trúng hai đích”, khiến Việt Nam xa lánh Trung Quốc và Nga, hai nước có quan hệ mật thiết truyền thống và buộc Việt Nam phải xích lại gần Washington. Các phương tiện truyền thông của phương Tây như Reuters, VOA, RFI… đều đề cập đến Trung Quốc trong bài báo của mình, cho rằng thỏa thuận này sẽ làm cho Trung Quốc “bực tức” và cảm thấy “bất an”. Giới truyền thông cho rằng do tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông) từ lâu nay giữa Trung Quốc và Việt Nam có xu hướng nóng lên, nên Việt Nam đang tìm cách tăng cường lực lượng phòng thủ trên biển, và thỏa thuận vũ khí quy mô lớn giữa Mỹ và Việt Nam chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận.


Đồng thời, giới truyền thông cũng đang chú ý đến tác động của thỏa thuận này đối với Nga, cho rằng nó sẽ đẩy Nga ra khỏi Việt Nam. Vũ khí giá rẻ của Nga chiếm khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam, mối quan hệ bền chặt này không bị gián đoạn bởi xung đột Nga-Ukraine.


Nhìn lại lịch sử mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam có thể thấy thỏa thuận mua bán vũ khí lần này phù hợp với xu hướng phát triển của hai bên trong gần một thập kỷ qua, nếu đạt được thỏa thuận sẽ là một bước tiến lớn để quan hệ hai nước phát triển theo hướng hiện có.


Nửa thế kỷ trước, Mỹ và Việt Nam là kẻ thù đối đầu với nhau trên bán đảo Đông Dương. Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam. Phải đến gần 40 năm sau, Chính quyền Barack Obama mới tuyên bố dỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế vào năm 2014, phê duyệt một phần hoạt động thương mại liên quan đến thiết bị hàng hải. Yếu tố Trung Quốc đã trở thành vấn đề then chốt trong đó. Reuters dẫn lời các quan chức giấu tên khi đó tiết lộ rằng những khí tài này có thể giúp Việt Nam đối phó với các thách thức trên biển đến từ Trung Quốc.


Ngày 23/5/2016, Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Mặc dù Obama giải thích rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm không phải vì Trung Quốc hay những cân nhắc khác, nhưng phân tích của giới truyền thông khi đó hầu đều gắn động thái này với chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Obama, cho rằng nó có mục đích nhằm vào Trung Quốc.


Kế hoạch của Chính quyền Biden ngày nay là sự kế thừa về phương hướng mà các tổng thống thuộc đảng Dân chủ tiền nhiệm đã vạch ra. Tuy nhiên, sự phát triển trong gần một thập kỷ diễn ra tương đối chậm. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ nhưng giao dịch vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam trong gần một thập kỷ qua vẫn chỉ giới hạn ở các tàu tuần tra ven biển và máy bay huấn luyện. Trong giai đoạn này, quy mô nhập khẩu vũ khí hàng năm của Việt Nam vào khoảng 2 tỷ USD, nhưng tổng giá trị vũ khí mua từ Mỹ chưa đến 400 triệu USD.


Donald Trump không liên quan nhiều đến cục diện này. Trên thực tế, ông không có ý định đảo ngược đường lối của chính quyền tiền nhiệm về vấn đề bán vũ khí cho Việt Nam. Khi đến thăm Hà Nội vào tháng 2/2019, ông nói với nhà lãnh đạo Việt Nam một cách đầy kỳ vọng rằng: “Tôi đánh giá cao việc các ngài đang quan tâm đến rất nhiều khí tài quân sự của chúng tôi".


Có thể nói, 3 đời tổng thống Mỹ kể từ thời Obama đều quan tâm đến việc bán vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là trong những năm gần đây, quân đội Việt Nam mỗi năm trung bình mua khoảng 80% khí tài vũ khí của Nga. Đây là mối liên hệ thân thiết có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bắt đầu từ việc Moskva viện trợ cho Việt Nam trong chiến tranh. Tại Triển lãm hàng không Việt Nam 2022, các khí tài của Nga như tiêm kích Su-30MK2, trực thăng Mi vẫn là lực lượng chủ lực của quân đội Việt Nam.


Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nguồn vũ khí, nhưng các nhà cung cấp được hưởng lợi nhiều nhất từ động thái này là Israel, Ấn Độ và nhiều nước Đông Âu. Lý do rất đơn giản, vũ khí do các nước này cung cấp tương thích với các khí tài của Nga mà Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều. Mỹ rõ ràng không có lợi thế về vấn đề này. Cũng có phân tích cho rằng giá thành cao đã cản trở hoạt động bán vũ khí của Mỹ. Vì vậy, thỏa thuận vũ khí quy mô lớn giữa Mỹ và Việt Nam lần này có thể đạt được và thực hiện hay không vẫn còn là dấu hỏi.


Một chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á cho rằng cả Mỹ và Việt Nam hiện đều có động cơ thúc đẩy thỏa thuận mua bán vũ khí. Đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc nâng cao năng lực phòng thủ của Việt Nam là nhu cầu chiến lược rõ ràng của Mỹ. Đối với Việt Nam, tranh chấp với Trung Quốc về các đảo ở Nam Hải trong những năm gần đây đòi hỏi nước này phải hiện đại hóa quân đội, xây dựng khả năng phòng thủ bất đối xứng với Trung Quốc, đương nhiên cũng cần phải có vũ khí mới.


Tuy nhiên, chỉ có mong muốn thôi vẫn chưa đủ. Chính phủ Mỹ từng có thời điểm lấy ý thức hệ hoặccái gọi là địa chính trị làm ngọn cờ, nhưng khi thảo luận về vấn đề tài chính thì cũng không bao giờ mơ hồ. Nếu không có lợi ích, nước này sẽ không cung cấp vũ khí.


Vì vậy, “các điều khoản tài chính đặc biệt” mà Mỹ đặt ra cho Việt Nam như tin đồn thực sự rất quan trọng. Đối với các nước Đông Nam Á, việc mua vũ khí của Mỹ là một khoản chi phí tốn kém. Nếu không có cách tiếp cận “ưu đãi” nào đó, sẽ khó đạt được thỏa thuận.


Đồng thời, cả Mỹ và Việt Nam đều không muốn quan hệ với Trung Quốc bế tắc hoàn toàn vì thỏa thuận này.


Về phía Mỹ, các chuyên gia cho rằng gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đã phát đi tín hiệu tan băng, thậm chí còn có tin đồn nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ có thể gặp nhau tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023. Vì vậy, Mỹ cũng không muốn khiêu khích Trung Quốc vào thời điểm này; cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 cũng sẽ làm gia tăng biến số cho thỏa thuận này.


Có vẻ như triển vọng của thỏa thuận này như thế nào vẫn phải chờ quan sát thêm. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho những tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thỏa thuận có hiệu lực. Theo các chuyên gia, tác động tiêu cực nằm ở hai khía cạnh.


Trước tiên, trong những năm gần đây, nhận thức về biển của nhiều nước mới nổi ở Đông Nam Á đang dần tăng cao, và tăng cường sức mạnh hải quân và không quân đã trở thành xu thế chung ở khu vực này. Nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận mua vũ khí với Mỹ, sẽ chỉ khiến tình hình “chống giải trừ quân bị” xung quanh Nam Hải gia tăng.


Thứ hai, các cuộc đàm phán hiện nay về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã bước vào giai đoạn quan trọng, nếu các nước dựa nhiều hơn vào việc xây dựng năng lực hàng hải và hàng không để bảo vệ lợi ích của mình ở Nam Hải, chắc chắn sẽ gây bất lợi cho các cuộc đàm phán./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn military.china.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage