Lực lượng vũ trang Trung Quốc giờ đây có năng lực hơn – nhưng Bắc Kinh lại cảm thấy kém an toàn.
Trong nhiều tháng qua, mọi con mắt đều đổ dồn vào tình trạng hỗn loạn nhân sự cấp cao trong quân đội Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần, làm dấy lên câu hỏi về việc ông có còn giữ chức vụ của mình hay không. Một nhân vật khác cũng đã bị thay thế là Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), chỉ huy Lực lượng tên lửa thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA), lực lượng giám sát kho tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát giải thích những thay đổi này là dấu hiệu cho thấy những vấn đề sâu sắc đang đe dọa đến cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc, hoặc rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) có ý định tiếp tục củng cố quyền lực của mình.
Tuy nhiên, những đồn đoán tùy tiện của giới truyền thông xung quanh những thay đổi nhân sự này không làm lu mờ sự thật rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang đạt được những bước tiến ấn tượng trong quá trình hiện đại hóa.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã giám sát một loạt cải cách nhằm củng cố và hiện đại hóa khả năng chiến đấu của PLA, đồng thời nhấn mạnh lại vai trò chính trị của lực lượng này với tư cách là “cánh vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Việc đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng; những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây nhằm cải tổ PLA thường thất bại do tính chất biệt lập của quân đội. Trong suốt cuối những năm 1970 và 1980, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đã tìm cách tái vũ trang và tổ chức lại PLA để bảo vệ tốt hơn biên giới đất liền của Trung Quốc trước sự hiện diện đầy đe dọa của quân đội Liên Xô ở phía Bắc và Việt Nam ở phía Nam. Nhưng ngày nay, những thách thức quân sự lớn nhất của Trung Quốc nằm ở xa hơn. Do đó, Tập Cận Bình và các tướng lĩnh của ông đã tìm cách tạo ra một PLA hội nhập và hướng ngoại hơn – một lực lượng có thể định hình môi trường an ninh bên ngoài đất nước ở châu Á, đảm bảo các yêu sách biển rộng lớn của Bắc Kinh ở khu vực lân cận, hỗ trợ các mục tiêu chính trị và kinh tế toàn cầu của Tập Cận Bình, và thách thức đáng kể các quân đội tiên tiến khác đang hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nói tóm lại, họ muốn xây dựng một PLA có thể triển khai sức mạnh quân sự cả ở gần và xa để hỗ trợ cho chương trình nghị sự toàn cầu lớn hơn của Bắc Kinh.
Tiến bộ của Tập Cận Bình cho đến nay trong việc cải tổ quân đội Trung Quốc rất ấn tượng. Nhưng ngay cả khi làm cho PLA mạnh hơn, những nỗ lực của ông cũng tạo ra những rủi ro mới. Năng lực quân sự được cải thiện, cùng với mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo nước ngoài về cách Bắc Kinh dự định sử dụng quân đội của mình, đã gây ra sự phản kháng từ nước ngoài ở mức độ mà Bắc Kinh có thể không lường trước được. Hơn nữa, việc Tập Cận Bình cải tổ ban lãnh đạo có thể gây lo lắng cho các quan chức quân sự Trung Quốc chịu trách nhiệm về quốc phòng. Khi Tập Cận Bình chuẩn bị cho tương lai của PLA, ông phải nhận ra rằng chỉ hiện đại hóa quân sự thì không thể làm cho Trung Quốc an toàn hơn – và nếu ông không kết hợp với công tác thông tin liên lạc phù hợp, đặc biệt là với Mỹ, thì việc đó thậm chí có thể phản tác dụng.
Tái khẳng định quyền kiểm soát
Quá trình hiện đại hóa PLA đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ nỗ lực của Đặng Tiểu Bình nhằm cải tổ quân đội trong những năm sau Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Trong những năm 1990, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đã sửa đổi đáng kể chiến lược quân sự quốc gia của Trung Quốc, định hướng lại PLA để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài và tăng ngân sách quốc phòng của đất nước. Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, thừa nhận rằng ngoài các nhiệm vụ truyền thống là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), PLA còn phải trở thành lực lượng hỗ trợ các tham vọng toàn cầu lớn hơn của Bắc Kinh. Quả thực, trong báo cáo công tác của mình trước Đại hội XVIII của ĐCSTQ năm 2012, Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố rằng đất nước cần “các lực lượng vũ trang hùng mạnh”, “tương xứng với vị thế quốc tế của Trung Quốc”.
Nhờ những nỗ lực này, năng lực của các lực lượng vũ trang dần được cải thiện. Tuy nhiên, quân đội mà Tập Cận Bình kế thừa vẫn có những sai sót cơ cấu quan trọng – điều mà chính PLA cũng thừa nhận. Dù PLA đang sở hữu kho vũ khí ấn tượng, nhưng cơ cấu tổ chức của họ không phù hợp để chống lại các chiến dịch đa quân chủng ngoài khơi có thể sẽ xuất hiện trong các cuộc xung đột trong tương lai của Bắc Kinh. Điều đáng lo ngại hơn là PLA được quản lý không đồng đều, việc truyền bá chính trị trong lực lượng vũ trang bị đánh giá là yếu kém và nạn tham nhũng diễn ra tràn lan.
Đối mặt với những thách thức này, Tập Cận Bình đã dẫn dắt công cuộc tái trang bị quan trọng nhất cho PLA kể từ khi Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, tìm cách làm cho lực lượng này vừa “hồng” – tức là liên kết chính trị với ĐCSTQ, vừa “chuyên” – tức là có khả năng tiến hành chiến tranh hiện đại. Ông coi việc xây dựng quân đội giàu năng lực và được tái củng cố về mặt chính trị là yếu tố quan trọng trong nỗ lực lớn hơn nhằm phục hưng dân tộc Trung Hoa. Cá nhân Tập Cận Bình tham gia nhiều hơn so với Hồ Cẩm Đào trong các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tiếp thêm sinh lực cho PLA, và sự tham gia trực tiếp của ông vào các vấn đề của quân đội nhiều khả năng đã cho phép ông thành công trong các lĩnh vực mà những người tiền nhiệm của ông không thể làm được.
Tập Cận Bình đã thận trọng củng cố và thể chế hóa quyền lực cá nhân của mình đối với quân đội. Năm 2014, truyền thông Trung Quốc bắt đầu quảng bá cái gọi là hệ thống trách nhiệm của chủ tịch, trong đó quyền kiểm soát quân đội được đặt hoàn toàn vào tay Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, và đó chính là Tập Cận Bình. Hai năm sau, như một phần của cuộc cải tổ sâu rộng, Bắc Kinh đã bãi bỏ hệ thống tổng tham mưu của PLA, cho phép Quân ủy Trung ương tiếp nhận nhiều chức năng trước đây của nó. Tập Cận Bình cũng là lãnh đạo đảng đầu tiên đảm nhận chức vụ tổng tư lệnh Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp của PLA, vốn được thành lập vào năm 2016 để thực thi quyền chỉ huy tối cao đối với các hoạt động thời chiến. Một trong những chính sách đối nội đặc trưng của Tập Cận Bình là tăng cường vai trò của đảng trong tất cả các thể chế của Trung Quốc. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông tập trung vào định hướng chính trị của PLA. Nhiều cải cách thể chế và thay đổi về tổ chức mà Tập Cận Bình thực hiện đã tập trung vào việc đảm bảo rằng giữa đảng và quân đội không có khoảng cách. Trong số này phải kể đến các bước để đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan cũng như tái khẳng định quyền kiểm soát của ĐCSTQ đối với các lực lượng vũ trang thông qua mạng lưới đảng ủy trong các đơn vị PLA. Một phần công việc được tổ hợp quân sự-chính trị này thực hiện trong lực lượng vũ trang là đảm bảo rằng họ hiểu được đánh giá của đảng về tình hình an ninh bên ngoài của Trung Quốc. Chẳng hạn, câu chuyện được truyền đạt tới quân đội là Trung Quốc đang bị bao vây bởi các thế lực thù địch bên ngoài đang tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của đất nước này, làm suy yếu chủ quyền của nước này và ủng hộ nền độc lập của Đài Loan để khiến cho Trung Quốc không thể thống nhất. Theo thông điệp này, chính vì những mối đe dọa như vậy mà PLA phải trở thành một lực lượng chiến đấu có năng lực hơn.
Xây dựng lực lượng mạnh mẽ hơn
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, PLA cũng đã trải qua những thay đổi sâu rộng về hành chính, tổ chức và học thuyết để nâng cao năng lực chiến đấu. Trong vài năm qua, quân đội đã dỡ bỏ cơ cấu tổ chức lấy cảm hứng từ Liên Xô những năm 1950 và hợp lý hóa hệ thống chỉ huy và kiểm soát các lực lượng tác chiến trong thời chiến. Các tổ chức cấp quân chủng mới, chẳng hạn như Lực lượng hỗ trợ chiến lược, đã được thành lập để quản lý và triển khai công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực tác chiến mới, bao gồm không gian mạng và không gian vũ trụ. Năm 2016, PLA cũng đã tái cơ cấu lực lượng tên lửa hạt nhân và thông thường, trước đây là một nhánh của lực lượng mặt đất, thành một lực lượng riêng biệt được gọi là Lực lượng tên lửa PLA và thành lập bộ chỉ huy hậu cần tập trung.
Cùng năm đó, 5 quân khu chia theo khu vực địa lý, vốn đã được thiết lập từ lâu ở Trung Quốc, đã bị bãi bỏ, và thay thế chúng là các bộ chỉ huy chiến khu liên hợp, tập trung vào các tình huống chiến tranh bất ngờ ở khu vực ngoại vi đất nước. Các quân chủng được tái cân bằng để lực lượng hải quân, không quân và tên lửa được định hướng phù hợp hơn với nhu cầu của quân đội nhằm triển khai sức mạnh quân sự vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở rộng quy mô và khả năng tồn tại của kho vũ khí hạt nhân của mình. Vào năm 2020, PLA đã áp dụng bộ nguyên tắc học thuyết mới để hướng dẫn các chỉ huy tiến hành các cuộc chiến trong tương lai như là một lực lượng liên hợp đa nhiệm trong tất cả các lĩnh vực chiến đấu, bao gồm trên không, trên bộ, trên biển và không gian mạng. Quân đội Trung Quốc cũng đã ban hành vô số quy định nhằm quản lý và điều tiết lực lượng của mình tốt hơn.
Tập Cận Bình có lẽ không phải là “kiến trúc sư” của chương trình cải cách PLA, mặc dù ông được cho là đã chủ trì một số cơ quan của quân đội giám sát việc phát triển và thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, đóng góp của ông rất quan trọng: Ông đã cung cấp cơ chế chính trị cần thiết mà trước đây còn thiếu để tiến hành những thay đổi triệt để và gây xáo trộn đối với một thể chế mà trong đó các lợi ích quan liêu bất di bất dịch từ lâu đã cản trở những thay đổi cần thiết. Tập Cận Bình giải quyết sự phản kháng này bằng cách thúc đẩy cuộc cải tổ phá bỏ các cơ sở quyền lực về thể chế và địa lý, loại bỏ nhân sự không cần thiết, thực hiện nghỉ hưu bắt buộc và mở rộng chiến dịch chống tham nhũng đang được tiến hành trong toàn bộ ĐCSTQ tới PLA.
Những thay đổi này có thể đã giúp PLA được chuẩn bị tốt hơn nhiều để chiến đấu trong chiến tranh hiện đại so với 10 năm trước. Được tổ chức sắp xếp hợp lý với các hướng dẫn học thuyết mở rộng, PLA tiến gần hơn đến khả năng tiến hành các hoạt động liên hợp đa quân chủng – mục tiêu mà Bắc Kinh đã nhắm đến kể từ khi quan sát cách Mỹ và các lực lượng liên minh tiến hành các hoạt động như vậy trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991. Và PLA dường như ngày càng có khả năng hoạt động ngoài phạm vi Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một diễn biến đang gây lo ngại cho Mỹ và các nơi khác.
Phô trương sức mạnh
Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên mà với ông, PLA rốt cuộc có thể đưa ra một loạt phương án quân sự đáng tin cậy cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm sơ tán phi chiến đấu, các cuộc khủng hoảng dưới ngưỡng chiến tranh và các xung đột lớn, tất cả đều được tiến hành với sự hậu thuẫn ngầm của khả năng hạt nhân tăng cường. Điều đáng chú ý là dưới thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng phô trương một số sức mạnh mới. Ở biên giới với Ấn Độ, các cuộc đối đầu giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã bùng phát do tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, dẫn đến thương vong cho cả hai bên.
Ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), các lực lượng của Trung Quốc bao gồm hải quân và cảnh sát biển đang thực thi mạnh mẽ hơn các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh thông qua các hành động uy hiếp các bên yêu sách khác. Chẳng hạn, vào tháng 8, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn tàu thuyền của Philippines đến bãi Cỏ Mây, một địa điểm tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế do Philippines thiết lập. PLA đang ngày càng sử dụng các chiến thuật mạo hiểm để thách thức Mỹ và các lực lượng quân sự khu vực khác hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế gần đó, đồng thời tăng cường sức ép quân sự nhằm vào Đài Loan.
Bắc Kinh ít có khả năng áp dụng lập trường quân sự mềm mỏng hơn. Trong trường hợp của Đài Loan, PLA rõ ràng đã được “bật đèn xanh” để duy trì sức ép quân sự liên tục lên hòn đảo này. Trong khoảng một năm qua, quân đội đã tiến hành các cuộc biểu dương lực lượng lớn, với sự tham gia của nhiều quân chủng nhắm vào Đài Loan để trả đũa những sự kiện như chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tới Đài Bắc vào tháng 8/2022, hay cuộc gặp của Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Kevin McCarthy với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến quá cảnh Mỹ vào tháng 4/2023. Điều quan trọng không kém là PLA đã cho hàng chục máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo gần như hằng ngày, đôi khi vượt qua ranh giới phân chia eo biển Đài Loan. Hải quân Trung Quốc cũng tiếp tục thể hiện khả năng tác chiến ở khu vực xung quanh Đài Loan. Những hoạt động này không chỉ gửi đi thông điệp chính trị, mà còn thể hiện những khả năng mới của Trung Quốc.
PLA đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Đài Loan. Trong vài năm qua, họ đã tham gia các cuộc tập trận hải quân kết hợp với các đối tác nước ngoài, như Nga và Iran, tại các địa điểm rộng khắp như biển Baltic, vịnh Oman và biển Địa Trung Hải. Ở châu Á, Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân hoặc tuần tra chung ở biển Hoa Đông, biển Nhật Bản và thậm chí ở vùng lân cận quần đảo Aleut của Alaska. PLA đã thành lập cơ sở quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017. Bề ngoài được thành lập để phục vụ các đội tàu hải quân Trung Quốc tham gia các hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden, cơ sở này cũng mang lại cho Bắc Kinh sự hiện diện hải quân thường trực ở đầu xa của các tuyến đường biển quan trọng mà Trung Quốc phụ thuộc vào để nhập khẩu năng lượng. Báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào năm 2022 cho thấy cơ sở Djibouti sẽ không phải là căn cứ nước ngoài cuối cùng mà PLA thành lập. Theo đánh giá của bộ này, quân đội Trung Quốc có thể đang xem xét hơn chục địa điểm khác ở châu Á và châu Phi để hỗ trợ các lực lượng lục quân, không quân và hải quân của mình trong tương lai.
Trả giá
Bất chấp những tiến bộ không thể chối cãi mà PLA đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, một quân đội có năng lực hơn cũng không khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy an tâm hơn. Trong báo cáo tại Đại hội XX ĐCSTQ vào tháng 10/2022, Tập Cận Bình đã đưa ra những đánh giá nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ về tình hình an ninh đối ngoại của đất nước. Ông nói: “Những nỗ lực bên ngoài nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc có thể leo thang bất cứ lúc nào”, và đất nước “do đó phải lưu tâm hơn đến những mối nguy hiểm tiềm tàng” và “sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất”. Vào thời điểm Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn, được triệu tập vào tháng 3/2023, Tập Cận Bình đã không còn nặng lời nữa. Theo hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa xã, ông nói: “Các nước phương Tây do Mỹ dẫn dắt đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc, mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”.
Bắc Kinh có thể đúng khi khẳng định rằng môi trường an ninh của họ gần đây trở nên căng thẳng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như không nhận thức được vai trò của họ trong việc gây ra căng thẳng này. Việc Trung Quốc phô trương năng lực quân sự mới của mình đã thúc đẩy một số bên tham gia khu vực tìm cách phòng ngừa hoặc thậm chí đẩy lùi thế trận quân sự quyết đoán hơn của nước này. Không còn nghi ngờ gì nữa, các hành động của Trung Quốc đã tạo ra cơ sở chiến lược để Mỹ và các đối tác hợp tác theo những cách thức mới mà Bắc Kinh cho là vô cùng đáng lo ngại. Thể thức hợp tác mới bao gồm Bộ tứ, một cơ chế đối thoại giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; AUKUS, một nhóm hợp tác quốc phòng gồm Australia, Anh và Mỹ; và một thỏa thuận vào tháng 4/2023 giữa Washington và Manila cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm 4 địa điểm trên quần đảo Philippines. Công bố chiến lược an ninh quốc gia mới nhất vào tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố ý định trang bị khả năng phản công mới bằng tên lửa. Các lực lượng của Mỹ và đồng minh đã tăng cường sự hiện diện quân sự cũng như các cuộc tập trận đa phương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thể lập luận rằng thế trận quân sự của Mỹ ở châu Á trong nhiều thập kỷ qua chưa từng mạnh mẽ như vậy – đây nhìn chung là phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự. Kết quả là, trớ trêu thay, Trung Quốc lại cảm thấy kém an toàn hơn bất chấp những tiến bộ ấn tượng trong các chương trình hiện đại hóa quân sự của mình.
Cách xây dựng an ninh dài hạn
Gạt những thách thức này sang một bên, Tập Cận Bình đang trên đường hiện thực hóa mục tiêu của mình về một PLA hướng ngoại. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa, phô trương sức mạnh mới và thách thức các nước láng giềng cũng như các bên tham gia khác được cho là đang làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc theo định nghĩa của Bắc Kinh. Trong một bài xã luận dài trên Nhân dân Nhật báo vào tháng 11/2022, Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương sắp mãn nhiệm, khuyến khích PLA sẵn sàng “chiến đấu giành từng tấc đất trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Thế giới nên tin tưởng rằng quân đội Trung Quốc sẽ chú ý đến lời kêu gọi của Hứa Kỳ Lượng.
Đây là thực tế mới. Một thực tế khác là quân đội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của họ sẽ không từ bỏ. Và cái giá phải trả nếu xảy ra đối đầu đang ngày càng cao hơn. Nếu một sự cố xảy ra giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc leo thang và trở thành khủng hoảng, hai cường quốc hạt nhân này có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột thảm khốc mà không bên nào muốn hoặc có thể gánh chịu được. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh đã quyết định hạn chế liên lạc quân sự với Mỹ ở mức tối thiểu và tránh các cuộc thảo luận nghiêm túc với Washington về quản lý khủng hoảng. Điều này không chỉ đáng lo ngại mà còn nguy hiểm.
Với những bước tiến mà PLA đã đạt được, Tập Cận Bình nên có đủ tự tin để các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc có thể ngồi lại với những người đối thoại Mỹ và làm việc để tìm cách giảm khả năng xảy ra hiểu lầm. Trong vài tháng qua, các quan chức dân sự cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đã nỗ lực mở lại các đường dây liên lạc song phương bằng một loạt cuộc gặp ngoại giao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo quân sự đã vắng mặt trong quá trình này.
Về phần mình, Bắc Kinh phải hiểu rằng sự can dự là có lợi cho họ. Tập Cận Bình muốn một PLA được củng cố để Trung Quốc có thể thể hiện chủ quyền và quyền lực nhiều hơn. Tuy nhiên, ông cần thừa nhận rằng một quân đội hùng mạnh hơn đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn – không chỉ sử dụng vũ lực một cách khôn ngoan mà còn phải thảo luận các cách để ngăn chặn và quản lý các cuộc khủng hoảng tiềm tàng với lực lượng vũ trang của các quốc gia khác. Đã đến lúc PLA và Lầu Năm Góc có các cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm vạch ra lộ trình cho một mối quan hệ quân sự có thể giải quyết các mối quan tâm chiến lược của cả hai bên. Washington đã và đang chủ động tiếp cận; quyền quyết định hiện thuộc về Bắc Kinh. Việc từ chối các cuộc đối thoại như vậy mà chỉ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho PLA có nguy cơ làm suy yếu chính nền an ninh mà Bắc Kinh đang tìm kiếm./.