Vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:35 am(VN)

-

7:35 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel

16/10/2023

Tehran đã dành nhiều tháng để kích động một cuộc leo thang như hiện tại. Sự âm ỉ của cuộc xung đột Arập-Israel hầu như không đến được nước Mỹ. Thỉnh thoảng những cuộc tấn công gây sốc và những trận chiến kéo dài len lỏi vào các trang báo lớn nhưng sau đó lại chìm vào quên lãng.


Nhưng vào sáng 7/10, Hamas đã có bước đi đột phá khi tấn công Israel trên nhiều mặt trận, giết hại và bắt cóc dân thường và binh lính, bắn liên tiếp hàng nghìn quả tên lửa. Khi màn đêm buông xuống, hàng trăm người Israel và Palestine đã thiệt mạng. Hàng chục người Israel đang bị bắt làm con tin ở Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đây là chiến tranh.


Hiện tại, cuộc tấn công có thể coi là dữ dội nhất nhằm vào Israel kể từ Chiến tranh Arập-Israel năm 1973 có vẻ là kết quả của một thất bại lớn về tình báo của Israel. Tình báo Israel được cài cắm rất sâu rộng, cả ở Gaza và Bờ Tây. Họ là những đặc vụ tình báo tài năng đã đánh cắp rất nhiều dữ liệu từ bên trong Iran mà không bị phát hiện, và đã đưa vào Iran một khẩu súng máy do vệ tinh điều khiển và ám sát nhà khoa học hạt nhân chủ chốt của Iran mà không gặp trở ngại nào.


Tuy nhiên, họ đã bỏ lỡ kế hoạch này của Hamas nhằm lật ngược tình hình. Và họ đã bỏ lỡ nó mặc dù trong hơn một năm qua, Iran - vốn từ lâu đã ủng hộ Hamas, Hezbollah và các nhóm dân quân chống Israel khác - đã công khai nói về kế hoạch thực hiện một động thái như vậy.


Chính quyền Biden cho biết tại thời điểm này họ không có bằng chứng cho thấy Iran có liên quan trực tiếp đến cuộc tấn công mới nhất của Hamas, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lưu ý: “Iran và Hamas có mối quan hệ từ lâu. Hamas sẽ không còn là Hamas nếu không có sự hỗ trợ từ Iran suốt nhiều năm qua”. Tuy nhiên, vào ngày 8/10, người phát ngôn của Hamas nói với BBC rằng họ đã nhận được sự hỗ trợ từ Iran, cũng như các nguồn giấu tên khác, cho cuộc tấn công mà Iran đã công khai ca ngợi. Tạp chí Wall Street Journal cũng đưa tin hôm 8/10 rằng, theo các thành viên cấp cao của Hamas và Hezbollah, các sĩ quan Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) “đã làm việc với Hamas kể từ tháng 8 để lên kế hoạch cho các cuộc tấn công trên không, trên bộ và trên biển” và các quan chức an ninh Iran đã “bật đèn xanh cho vụ tấn công tại một cuộc họp ở Beirut vào ngày 2/10”.


Khoảng cách giữa luận điệu của các kẻ thù của Israel với thắng lợi họ đạt được trên thực địa vốn đang có xu hướng gia tăng. Quả thật, đã có một vài cuộc tấn công khủng bố thành công nhằm vào quân đội và dân thường Israel, nhưng chính phủ này khó có thể sụp đổ và nhà nước Israel ngày càng được củng cố vững chắc hơn, với các đối tác ngoại giao Arập từ Levant đến Vịnh Ba Tư (sắp tới là Saudi Arabia). Và trong một sự thừa nhận hiếm hoi, có vẻ như giới lãnh đạo cấp cao nhất của lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran đã nhận thấy điều đó.


Vào ngày 8/8/2022, trong một bài phỏng vấn được đăng tải trên trang web của nhà Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, người đứng đầu IRGC Hossein Salami đã nói: “Người Palestine hôm nay đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trên bộ. Điểm yếu lớn nhất của Israel là chiến tranh trên bộ. Chiến đấu bằng tên lửa không phải là điểm chính của cuộc đấu tranh. Họ biết rằng các vùng lãnh thổ phải được giải phóng bằng lực lượng trên bộ. Mặc dù tên lửa có tác dụng răn đe tuyệt vời và rất phù hợp với các cuộc chiến tranh tĩnh, nhưng chúng không thể giúp giải phóng các vùng đất. Một lực lượng trên bộ phải được triển khai và từng bước giải phóng đất đai - như trong ‘cuộc chiến phòng thủ thiêng liêng’ (tức là Chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988). Kết quả của trận chiến sẽ được quyết định khi cuộc đấu tranh diễn ra trên bộ, và những con người dũng cảm và giàu kinh nghiệm của Hezbollah và Palestine sẽ di chuyển trên bộ theo đội hình chung duy nhất”.


Tóm lại, đây chính là quá trình đang diễn ra hiện nay.


Chỉ cách đây vài năm, đã có những rạn nứt sâu sắc giữa các nhóm người Palestine khác nhau. Một mặt là Fatah, vốn chiếm đa số trong PLO – tổ chức mà sau khi Hiệp định Oslo được ký kết vào những năm 1990 đã trở thành đại diện hợp pháp được người dân Palestine chấp thuận và cuối cùng trở thành Chính quyền Palestine (PA), có trụ sở chính tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây.


Mặt khác là các nhóm vẫn cam kết tiến hành phản kháng vũ trang, đứng đầu trong số đó là Hamas, Hezbollah, và cuối cùng là nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ). Không giống như Fatah, những nhóm này không chấp nhận sự tồn tại của nhà nước Israel và quyết tâm hủy diệt nhà nước này. Tất cả đều được Iran hậu thuẫn, cả về tài chính và quân sự. Hamas cũng quản l‎ý vùng lãnh thổ ly khai Gaza, trên danh nghĩa là một phần lãnh thổ do PA quản l‎ý nhưng thực tế do Hamas kiểm soát.


Không có sự so sánh giữa Hezbollah và các nhóm khác. Họ từng là nhóm khủng bố bán quân sự lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Trên thực tế, họ cũng là một đảng chính trị, bởi Hezbollah kiểm soát Chính phủ Liban và đã ngăn chặn việc tổ chức bầu cử tổng thống mới trong gần một năm. Lãnh đạo tinh thần của Hezbollah, Hassan Nasrallah, đã nói rõ ràng rằng nhóm này tuân theo mệnh lệnh từ Tehran và rằng Khamenei là “lãnh tụ của chúng tôi, lãnh đạo của chúng tôi, chủ nhân của chúng tôi”.


Trong khi đó, dù được Iran và Qatar hậu thuẫn, Hamas và PIJ hoạt động trong phạm vi địa phương ở Gaza. Hamas bất đồng với người Iran vì ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2011 và bị trừng phạt bằng việc cắt hoàn toàn viện trợ. Tehran đã tiếp nhận PIJ một cách phô trương, tôn vinh giới lãnh đạo bằng các cuộc họp ở cấp cao nhất ở Tehran. Hamas đã cúi đầu quay lại. Nhưng các nhóm vẫn giữ hòa khí với nhau. Tehran đang hợp tác với Hezbollah nhằm cố gắng khắc phục điều đó.


Trong năm 2023, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã hai lần đến thăm Beirut để điều phối giữa các phe phái Palestine và thực hiện một số mục đích khác. Trong cả tháng 4 và tháng 8, ông đã gặp các quan chức và lãnh đạo cấp cao của PIJ, Hamas và Hezbollah, nhấn mạnh hai ưu tiên: đoàn kết giữa các nhóm và yêu cầu mở rộng cuộc chiến từ Gaza đến Bờ Tây.


Sự phối hợp đó đã trở thành chủ đề của giới lãnh đạo Iran ít nhất kể từ năm 2021, khi các tờ báo liên kết với Hezbollah đưa tin về việc Hamas và IRGC có sự phối hợp quan trọng ở Beirut trong Chiến dịch Người bảo vệ Bức tường, một nỗ lực kéo dài 11 ngày của Lực lượng Phòng vệ Israel nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa liên tục từ Gaza vào các thành phố của Israel.


Trong khi đó, cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gia tăng ở Bờ Tây, khi các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Gaza cố gắng xóa bỏ tính hợp pháp của Fatah và có thể là lật đổ PA. Trong nỗ lực này, họ được sự ủng hộ từ Tổng thống 80 tuổi của PA, Mahmoud Abbas, khi ông từ chối chỉ định người kế nhiệm, không từ chức, và cũng không cho phép tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống hoặc lập pháp mà gần đây nhất diễn ra vào năm 2006.


Có thể thấy rõ bất ổn đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng người Palestine khi họ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và nghèo đói, bị tội phạm và các băng đảng chia cắt, đồng thời cảm nhận được sự bất lực của chính mình trước cuộc chiến đang diễn ra với Israel. Căng thẳng bùng phát ở thành phố Jenin phía Bắc Bờ Tây vào mùa Hè này. Ở đây, các cuộc tấn công trực tiếp và dọc đường nhằm vào quân đội Israel ngày càng leo thang, kết thúc bằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel khiến ít nhất hơn chục người Palestine thiệt mạng. Điều đáng lo ngại là những người Palestine không liên kết với Hamas hoặc các nhóm khủng bố nổi tiếng khác đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến ở Jenin, tạo ra cơ hội mà Iran và các đồng minh của họ đã nhanh chóng tìm cách khai thác để mở rộng ảnh hưởng của họ ở Bờ Tây.


Ngoài ra, những tháng gần đây đã chứng kiến các cuộc tấn công bằng rocket, vốn quen thuộc với các nhóm ở Gaza, ngày càng xuất hiện nhiều ở Bờ Tây. Các đường hầm, vốn tạo điều kiện cho việc di chuyển khỏi tầm nhìn của máy bay không người lái, lần đầu tiên được phát hiện trong lãnh thổ do PA kiểm soát. Nhờ có kế hoạch dài hạn của Iran, vũ khí hiện cũng đang được vận chuyển với tốc độ ngày càng nhanh từ Hezbollah vào Bờ Tây và rơi vào tay Hamas, PIJ và một số nhóm nhỏ hoạt động tích cực hơn do sự kiểm soát ngày càng mờ nhạt của Fatah và thất bại của các nhà lãnh đạo Fatah trong việc giải phóng Palestine.


Ngoài ra còn có những nỗ lực ngày càng nghiêm túc nhằm đào tạo và trang bị vũ khí cho người Israel gốc Arập và công dân Israel gốc Palestine sống bên trong lãnh thổ Israel. Năm 2023, lực lượng an ninh Israel đã phát hiện ra các tuyến đường buôn lậu mới của Hezbollah nhằm đưa vũ khí của Iran vào Israel. Mặc dù những nỗ lực tuyển quân của Iran ở trong Israel không còn mới mẻ, Hezbollah đã tận dụng được mối liên hệ hữu ích giữa tội phạm và khủng bố. Bằng việc khai thác các tuyến đường buôn lậu ma túy và vũ khí được bọn tội phạm sử dụng, Hezbollah và Iran có thể dễ dàng thâm nhập vào Israel.


Iran cũng đã tăng cường đe dọa ở khu Bờ Tây và hiện bị nghi ngờ chuyển giao các thiết bị nổ tự chế (IED) - loại vũ khí chưa từng thấy trong cuộc xung đột Israel-Palestine - cho các bên tham gia trong khu vực. (IED do Iran sản xuất thường xuyên gây khó khăn cho các lực lượng Mỹ ở Iraq). Điều đáng lo ngại hơn nữa là giới lãnh đạo Iran đã đưa ra quyết định chiến lược là bắt đầu chuyển giao cách thức chế tạo cho các nhóm người Palestine ủng hộ Iran, để trong trường hợp việc buôn lậu trở nên khó khăn hơn, họ có thể tiếp tục sản xuất. (Đây là phương thức hoạt động đặc trưng của Iran, bởi nhiều lực lượng ủy nhiệm và đồng minh của họ - Hezbollah, Houthis, Hamas - có khả năng sản xuất tên lửa. Tuy nhiên, IED sẽ là sự leo thang đáng kể).


Nếu bên trong Israel và Bờ Tây là các mặt trận mới hơn của Iran và Hezbollah, thì biên giới Israel-Liban là điểm nóng đã tồn tại từ lâu. Và không làm giảm đi mối đe dọa nảy sinh từ một Hezbollah được trang bị tận răng, một loạt các vụ xâm nhập xuyên biên giới và nhiều động thái trong những tháng gần đây gần như mang tính biểu diễn: bắn tên lửa, đối đầu giữa các chiến binh Hezbollah và Israel ở biên giới, dựng hai căn lều ở các khu vực tranh chấp và tiến hành tấn công xuyên biên giới ở miền Bắc Israel.


Những nỗ lực gạt Fatah sang một bên cũng đang diễn ra ở Liban. Hãy nhìn vào trường hợp Ein el-Hilweh, trại tị nạn Palestine lớn nhất ở Liban. Ein el-Hilweh trên danh nghĩa được Cơ quan Cứu trợ và việc làm Liên hợp quốc (UNRWA) quản lý. Được thành lập vào năm 1949, UNRWA trong nhiều thập kỷ đã gây quan ngại cho Quốc hội Mỹ, khiến họ nhiều lần cắt tiền và hàng viện trợ vì nghi ngờ trại tị nạn này có mối quan hệ với Hamas và các chương trình giảng dạy cực đoan, chống Israel và chống Do Thái. Ein el-Hilweh là khu vực cấm đi lại đối với Lực lượng vũ trang Liban do Mỹ hậu thuẫn, và số người tị nạn hiện đã tăng lên rất nhiều so với con số 1948 người ban đầu, với việc bổ sung những người Palestine khác cũng như những người tị nạn Syria sau cuộc tàn sát ở phía Bắc.


Dù các cuộc giao tranh lẻ tẻ đã diễn ra tại Ein el-Hilweh trong những năm qua, năm 2023 chứng kiến nhiều trận chiến nghiêm trọng hơn nổ ra. Một quan chức cấp cao của Fatah đã bị ám sát bởi các nhóm Hồi giáo, và giao tranh hiện đang leo thang một lần nữa. Các trận chiến bắt đầu vào tháng 7 vẫn chưa hề lắng xuống, và vào tháng 8, giám đốc an ninh Fatah ở Sidon (thị trấn phía Nam Liban nơi có Ein el-Hilweh) đã cáo buộc UNRWA cho phép những kẻ giết người có vũ trang đặt căn cứ trong các trường học do UNRWA điều hành, và từ các căn cứ này, chúng đã giết người tiền nhiệm của ông là Abu Ashraf al-Armoushi.


Cuộc giao tranh ở Ein el-Hilweh rất dễ bị bỏ qua, nhất là vì các cuộc đụng độ vẫn nổ ra tại đây trong nhiều năm qua. Nhưng quan điểm ở Beirut là Iran và Hezbollah đã hợp tác để đảm bảo rằng Fatah vẫn bị vây hãm. Quả thật, bất chấp các cuộc họp liên tục giữa các phe phái khác nhau trong trại và các cuộc đàm phán hòa bình có trung gian, giao tranh vẫn không có dấu hiệu chậm lại.


Lý lẽ đằng sau sự leo thang đa mặt trận này của Iran là gì? Hossein Salami cho biết: “Cuộc chiến sẽ diễn ra ở đâu? Ở nơi mà xã hội, chính trị và chủ nghĩa quân phiệt hoàn toàn chồng chéo lẫn nhau. Thời điểm các chiến dịch trên bộ nổ ra, các làn sóng di cư ồ ạt dân thường và binh sĩ Israel sẽ hòa vào nhau, và sự cân bằng trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự của những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái sẽ bị phá vỡ. Đừng nhìn vào tình hình hiện tại (tháng 8/2022), khi họ không ở trong tình trạng chiến tranh và máy bay của họ vẫn bay như thường lệ, giao thông ổn định, các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu hoạt động, trật tự hành chính được duy trì, chế độ có thể quản lý một cách bình tĩnh và không có áp lực. Trong điều kiện chiến tranh, tất cả trật tự này sẽ sụp đổ vì lãnh thổ của Israel nhỏ và đông dân cư. Và ai sống ở Israel? Người ta tìm đến vùng lãnh thổ này để có được sự thịnh vượng và cuộc sống thoải mái. Trong một kịch bản chiến tranh như vậy, chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát và sự di chuyển không gì có thể ngăn chặn được của các chiến binh thánh chiến. Sau đó bạn sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra”.


Đây là bức tranh được lãnh đạo IRGC hình dung cách đây hơn một năm. Tại sao ông tin rằng bây giờ có thể là thời điểm thuận lợi cho sự leo thang dẫn đến chiến tranh tổng lực? Có thể kể ra một số yếu tố quan trọng: Abbas đã già – ông sẽ bước sang tuổi 88 vào tháng 11 này – và sẽ để lại khoảng trống không thể tránh khỏi khi ông qua đời; xung đột chính trị nội bộ đang diễn ra liên quan đến cải cách tư pháp của Chính phủ Israel và kết quả là những mối đe dọa chưa từng có từ lính dự bị không tham chiến; cảm giác về sự rút lui của Mỹ, được củng cố bởi sự nhấn mạnh nhiều lần vào việc tái cân bằng sang châu Á và cuộc chiến Nga-Ukraine; niềm tin ở cấp cao nhất ở Tehran rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Israel trong một cuộc xung đột; việc giảm bớt các mối đe dọa đang khiến cả Iran và Hezbollah ở Syria bận tâm; và cuối cùng, niềm tin ngày càng tăng của Iran rằng khi tiệm cận đến vị thế quốc gia có vũ khí hạt nhân, nước này sẽ trở nên miễn nhiễm trước sự trả đũa của Israel, bất kể hành động của họ trong khu vực có khiêu khích đến mức nào.


Iran hình dung ra tương lai của một cuộc giao tranh trên nhiều mặt trận, từ thành phố này sang thành phố khác mà Israel chưa từng thấy kể từ năm 1948. Dưới góc nhìn của Jerusalem, kế hoạch đó có thể có vẻ viển vông khi đối mặt với một lực lượng Israel vượt trội hơn rất nhiều. Và việc Hossein Salami đưa ra hình dung của mình về thất bại của Israel bằng những từ ngữ rõ ràng hẳn phải có nghĩa là đất nước này đã chuẩn bị tốt cho một cuộc tấn công tương tự như những gì đã xảy ra. Nhưng thực tế là không./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Policy

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage