Cuộc chiến Israel-Hamas ảnh hưởng đến Việt Nam?
Theo ông Nguyễn Thế Phương, lập trường của Việt Nam từ trước tới nay là ủng hộ giải pháp hai nhà nước, dựa trên đường biên giới năm 1967. Đó là một giải pháp mà nhiều quốc gia đồng tình và quan điểm ngoại giao đó của Việt Nam là phù hợp. Ở đây có 2 vấn đề: Một là, Việt Nam sẽ không ủng hộ Hamas vì về mặt đạo đức là không phù hợp và về mặt chính sách thì không thực tế. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ Palestin giành độc lập, nhưng ủng hộ Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) chứ không phải Hamas.
Cuộc chiến Israel-Hamas có một số ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam, nhưng không lớn bằng cuộc chiến Nga-Ukraine. Nga là một cường quốc lớn, có ảnh hưởng lớn, có quan hệ song phương lâu đời với Việt Nam, nên ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine tới Việt Nam sẽ lớn hơn. Còn xung đột Israel-Hamas chỉ ảnh hưởng gián tiếp, thông qua tác động của cuộc chiến đó tới tâm lý và môi trường quan hệ quốc tế, rồi từ đó tác động ngược trở lại Việt Nam.
Mỹ và phương Tây có bị phân tâm khỏi Đông Bắc Á và Biển Đông?
Đa số giới phân tích đều nhận định rằng cuộc chiến này sẽ là một điểm thay đổi căn bản tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông, nhưng thay đổi như thế nào thì ở thời điểm hiện nay rất khó đoán định.
Có tín hiệu cho thấy cuộc chiến này sẽ khu biệt trong dải Gaza chứ không mở rộng ra, vì cả Hezbollah và Iran đều công khai tuyên bố không ủng hộ Hamas và không trực tiếp tham gia. Với tín hiệu này, thế bố trí chiến lược của Mỹ sẽ không thay đổi, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn ở các khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong trường hợp cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng, hoàn toàn có khả năng Mỹ bị thu hút cả về mặt nguồn lực và chính sách đối ngoại về khu vực Trung Đông. Điều đó có nghĩa là nguồn lực của Mỹ bị dàn trải ra. Rất khó đoán nếu kịch bản này xảy ra thì Mỹ sẽ làm gì.
Hiện khả năng Trung Quốc gây ra một cuộc chiến ở Biển Đông là có, nhưng không cao. Có vẻ Trung Quốc chưa đủ lực để tiến hành một cuộc tấn công và chiến thắng toàn diện trước Đài Loan, nhưng họ có đủ lực để đẩy căng thẳng Biển Đông lên một nấc thang mới. Trong trường hợp xung đột Trung Đông lan rộng, điểm “nóng” sẽ không phải là Đài Loan mà là các tranh chấp “vùng xám” ở Biển Đông. Đó là các tranh chấp với Philippines, Việt Nam và các thực thể địa lý ở phía Nam Biển Đông như Bãi Tư Chính. Đặc biệt, đối đầu hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scaborough khá căng thẳng. Điểm “nóng” này có thể gia tăng nếu cuộc chiến Trung Đông lan rộng hơn và Mỹ bị hút sự chú ý vào khu vực đó./.