THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Trang nghiên cứu chính trị fanpage.it của Italy ngày 15/10 đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế-chính trị Daniele Angrisani đánh giá tổng thể về cuộc giao tranh Israel-Hamas, trong đó đưa ra góc nhìn về khả năng Israel rơi vào bẫy của nhóm Hồi giáo Hamas và giải pháp giúp Israel tránh rơi vào bẫy của tổ chức này. Nội dung bài phân tích như sau:
Trong những ngày tới, Israel dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa do Hamas gây ra và đáp trả vụ tấn công khủng bố khủng khiếp xảy ra cách đây không lâu khiến hơn 1.300 người, chủ yếu là dân thường, bị sát hại dã mạn tại nhà và trên đường phố. Mặc dù chiến dịch quân sự này nhằm mục đích giải quyết dứt điểm vấn đề Hamas, nhưng người ta vẫn có lý do chính đáng để lo ngại về hậu quả lâu dài của nó.
Cuộc xâm lược trên bộ hiện ở giai đoạn sơ bộ. Vì vậy, Israel đã kêu gọi hơn 1 triệu công dân, cư trú ở khu vực phía Bắc Dải Gaza (bao gồm cả thành phố Gaza), sơ tán về phía Khan Younis, nằm ở phía Nam Dải Gaza. Đồng thời, Israel bắt đầu triển khai chiến dịch ném bom đáng kể. Theo tuyên bố của Không quân Israel, chỉ trong 6 ngày, hơn 6.000 quả bom đã được thả xuống khu vực rộng 365 km2 và là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Để so sánh, trong giai đoạn 2016-2017, Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thả trung bình 2.500 quả bom/tháng trên một vùng lãnh thổ rộng hơn nhiều, khoảng 46.000 km2, ở Syria và Iraq.
Theo Chính phủ Israel, mặc dù chiến dịch quân sự này là nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề Hamas, nhưng người ta vẫn có lý do chính đáng để lo ngại về hậu quả lâu dài của nó. Một số người tin rằng điều này có thể gây ra căng thẳng khu vực nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua. Phần sau của bài viết sẽ phân tích chi tiết hơn các sự kiện diễn ra để đưa ra cái nhìn rõ ràng về những gì đang xảy ra.
Phản ứng quốc tế trước hành động của Israel ở Dải Gaza
Để đối phó với cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng của Hamas ở miền Nam Israel, quân đội Israel đã nhanh chóng áp dụng biện pháp đầu tiên là chiêu mộ 300.000 quân dự bị và áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ Dải Gaza. Bằng cách này, họ đã làm gián đoạn các nguồn cung thiết yếu, bao gồm nước, điện và khí đốt, đồng thời cản trở việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của các bệnh viện bị phong tỏa ở Dải Gaza và cho biết những bệnh viện này có thể trở thành nhà xác do thiếu điện. Theo các nguồn tin địa phương của người Palestine, các vụ đánh bom của Israel cũng đã khiến ít nhất 2.200 người, trong đó có 724 trẻ em và 458 phụ nữ thiệt mạng. Một trong những tình tiết bị chỉ trích nhiều nhất của chiến dịch ném bom này chắc hẳn là vụ đánh bom một đoàn xe dân thường chạy trốn về phía Nam Dải Gaza, xảy ra sau khi Israel ra tối hậu thư yêu cầu người dân rời khỏi khu vực phía Bắc và khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh này, mặc dù các đồng minh chủ yếu của Israel ở phương Tây, chẳng hạn như Mỹ và một số nước châu Âu, lập tức lên án các cuộc tấn công của Hamas, bày tỏ tình đoàn kết với Israel và nhiều lần nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công vũ trang, nhưng những nghi ngờ đầu tiên về giá trị chiến thuật của Israel đã xuất hiện.
Mặc dù Josep Borrell, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, lên án các cuộc tấn công của Hamas, nhưng ông vẫn chỉ trích quyết định của Israel về việc phong tỏa Gaza vì cho rằng quyết định này trái với luật pháp quốc tế. Trong cuộc phỏng vấn của tờ El Pais, ông tuyên bố: “Israel không thể cắt nước và các dịch vụ thiết yếu của người dân”.
Tại Mỹ, Chính quyền Biden tuy đã bày tỏ tình đoàn kết với Israel, nhưng vẫn kêu gọi Israel giảm tốc các hoạt động quân sự để cho phép một lượng lớn dân cư rời khỏi các khu vực đã được lên kế hoạch cho hoạt động quân sự. Trong bài phát biểu tại Philadelphia tối 14/10, Tổng thống Biden đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Đồng thời, ông cho biết: “Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng phần lớn người Palestine không liên quan gì đến Hamas”.
Tuy nhiên, tại Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Türk đã bày tỏ quan ngại về hành động của Israel, đồng thời nhấn mạnh lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza vi phạm luật pháp quốc tế. Hơn nữa, các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn như Tổ chức theo dõi nhân quyền cũng đã lên án các chiến thuật của Israel, đồng thời nêu bật các tội ác chiến tranh tiềm ẩn như việc sử dụng nạn đói khát làm vũ khí chiến tranh.
Trong một nhận xét ngắn gọn trực tiếp, Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group, đã nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan với cảnh báo: “Việc tiêu diệt Hamas sẽ khiến Israel an toàn hơn, nhưng việc hủy hoại sinh mạng của 2 triệu người Palestine ở Dải Gaza cũng sẽ khiến Israel trở nên kém an toàn. Việc bảo vệ mạng sống của dân thường Palestine chính là bảo vệ các quyền cơ bản của những người có cùng lợi ích với thường dân Israel”.
Phản ứng của thế giới Arập và Thổ Nhĩ Kỳ
Mặc dù các quốc gia Arập và Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng với chiến dịch mà Israel đang tiến hành ở Dải Gaza với những sắc thái khác nhau, phản ánh cả các liên minh địa chính trị lẫn căng thẳng khu vực, nhưng tất cả đều nhất trí lên án Israel.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án gay gắt việc Israel phong tỏa và ném bom Dải Gaza. Ông cho rằng đây là một “cuộc thảm sát”, đồng thời nói thêm rằng việc cắt điện, nước, nhiên liệu và lương thực đối với 2 triệu người dân tập trung trong khu vực rộng 365 km2 là hành động vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Tổng thư ký Liên đoàn Arập Ahmed Aboul Gheit, người Ai Cập, đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Dải Gaza và vòng xoáy đối đầu vũ trang giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh việc Israel tiếp tục thực hiện các chính sách bạo lực, cực đoan và gọi đây là “quả bom hẹn giờ” đối với sự ổn định khu vực.
Là quốc gia giáp ranh Dải Gaza và Israel, Ai Cập kêu gọi cả Israel và Palestine kiềm chế và cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc leo thang căng thẳng. Cùng với lời kêu gọi này, Chính phủ Ai Cập đã kiên quyết bác bỏ đề xuất của Israel về việc tạm thời di dời một phần dân thường Palestine ở Dải Gaza đến Sinai, thậm chí còn đóng cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới với Dải Gaza bằng các khối bê tông.
Cũng giáp ranh với Israel, Jordan có phản ứng gay gắt không kém – họ bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực đang leo thang ở Gaza và nêu bật hậu quả nghiêm trọng mà tình trạng này có thể gây ra ở Bờ Tây. Vua Abdullah II của Jordan đã nhấn mạnh bạo lực leo thang là mối đe dọa đối với an ninh toàn khu vực.
Các quốc gia Arập khác như Algeria, Maroc, Sudan, Oman, Yemen và Qatar cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine, đồng thời cho rằng bạo lực leo thang do Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Chỉ có Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020, coi việc Hamas quyết định tấn công Israel là động thái khiến căng thẳng leo thang nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng chỉ trích phản ứng của Israel.
Về phần mình, Saudi Arabia cho Mỹ biết rằng họ đã dừng mọi cuộc thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel, vốn đã diễn ra sôi nổi trước khi Hamas tiến hành vụ thảm sát. Điều này được thông tin tới Mỹ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trong chuyến thăm Riyadh sau khi đến Israel và sau đó là các nước Arập khác trong chuyến công du ngoại giao ở Trung Đông nhằm mục đích ngăn chặn từ trong trứng nước mọi hành động có thể khiến căng thẳng leo thang.
Chính phủ Saudi Arabia cũng tỏ ra ngày càng lo ngại về số phận của người Palestine ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát, đồng thời lên án gay gắt việc di dời người Palestine ở Dải Gaza và các cuộc tấn công nhằm vào những người dân thường không có khả năng tự vệ.
Do đó, Saudi Arabia cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), một khối gồm 57 quốc gia Hồi giáo, vào ngày 18/10 tại Jeddah. Trong một tuyên bố, OIC cho biết cuộc họp sẽ giải quyết tình hình quân sự leo thang ở Dải Gaza và xung quanh khu vực này, cũng như các vấn đề khiến tình hình xấu đi, gây nguy hiểm đến tính mạng dân thường cũng như an ninh và ổn định chung của khu vực.
Tất cả những phản ứng này làm nổi bật sự phức tạp của các động lực khu vực xung quanh cuộc xung đột Israel-Palestine và nêu bật những rủi ro liên quan đến tình hình bất ổn hiện nay.
Bờ Tây – “nồi áp suất” sẵn sàng nổ tung
Sự leo thang bạo lực và căng thẳng gần đây ở Dải Gaza cũng đi kèm với những diễn biến đáng lo ngại ở Bờ Tây. Trong những ngày gần đây, hàng loạt vụ bạo lực đã xảy ra, trong đó có vụ một người định cư Israel bị bắt quả tang quay video và giết chết một người biểu tình Palestine cách đó không xa.
Ngày 13/10, Khaled Mashal, nhà lãnh đạo lâu năm của Hamas, đã kêu gọi tổ chức “ngày phẫn nộ toàn cầu” để ủng hộ người Palestine, đồng thời kêu gọi chính phủ và người dân các nước Trung Đông biểu tình.
Tại Jerusalem, thành phố thường xuyên xảy ra bạo lực, một lượng lớn tín hữu dự kiến sẽ đến tham dự buổi cầu nguyện quan trọng nhất trong tuần tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự không nhiều bởi các hạn chế do Israel áp đặt và các mối đe dọa từ một nhóm Do Thái cực hữu.
Tuy nhiên, điều này không ngăn được các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel ở một số khu vực bị chiếm đóng thuộc Bờ Tây và Đông Jerusalem. Chỉ riêng ngày 14/10, 16 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc đụng độ. Tổng cộng 46 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây trong vài ngày qua, nhiều hơn tổng số người thiệt mạng hàng tháng cao nhất được Liên hợp quốc ghi nhận kể từ năm 2005.
Để đối phó với các hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza, một cuộc tổng đình công cũng được tổ chức ở Bờ Tây với sự tham gia của đông đảo người dân. Hiện tại, mặc dù tình hình ở Bờ Tây nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng điều ngày càng trở nên rõ ràng là căng thẳng đang gia tăng. Do đó, không thể loại trừ khả năng giao tranh gia tăng ở Dải Gaza có thể dẫn đến việc bạo lực cũng gia tăng ở những nơi này.
Điều này xảy ra trong bối cảnh nhiều người tin rằng Hamas ngày càng được ủng hộ ở Bờ Tây do họ nhận thức được sức ì và những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Chính quyền dân tộc Palestine. Tóm lại, tình hình căng thẳng và bất ổn tới mức cộng đồng quốc tế nói chung và thế giới Arập nói riêng cần đặc biệt chú ý để tránh những diễn biến phức tạp hơn xảy ra.
Hezbollah, Liban và Iran: những điều chưa biết về khả năng leo thang
Sự đan xen vai trò phức tạp của Liban, Hezbollah và Iran trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Dải Gaza làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn nữa. Thái độ của Hezbollah, lực lượng dân quân người Shiite ở Liban do Hassan Nasrallah lãnh đạo, đặc biệt được chú ý.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Hezbollah đã bắn nhiều tên lửa từ Liban về phía Israel. Những động thái như vậy cho thấy khả năng một mặt trận tiếp theo sẽ được mở ra, buộc Israel phải tham gia một cuộc chiến tranh hai mặt trận tiềm tàng, cho dù hành động của Hezbollah cho đến nay vẫn tương đối ôn hòa. Trong khi đó, cả Hezbollah và Iran đều gửi tín hiệu rõ ràng tới Mỹ. Theo đó, Mỹ nên tránh can thiệp thay mặt Israel, nếu không muốn lực lượng của họ trong khu vực trở thành mục tiêu trực tiếp.
Sau cuộc gặp với lãnh đạo phong trào Hezbollah, Hassan Nasrallah, ở Liban, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh xung đột có thể leo thang nếu Hezbollah quyết định vào cuộc để đáp trả các hành động quân sự đang diễn ra ở Dải Gaza, dẫn đến nguy cơ Israel phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Sau đó, Ngoại trưởng Iran kêu gọi ngừng các cuộc tấn công vào Dải Gaza để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Amir-Abdollahian cũng nhắc lại rằng Hezbollah đang đánh giá các kịch bản khác nhau để tiến hành các bước chuẩn bị phù hợp. Đáp lại điều này, Sheikh Naim Qassem, cấp phó của Nasrallah, cho biết: “Hezbollah giám sát chặt chẽ hành động của kẻ thù. Chúng tôi đã sẵn sàng và sẽ hành động khi cần thiết”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bất chấp sự chuẩn bị và thái độ cảnh giác của Hezbollah, người dân Liban vốn đã trải qua nhiều năm chiến tranh và khủng hoảng kinh tế sâu sắc, có thể là lực lượng ngăn chặn một cuộc chiến tranh quy mô lớn ngay cả ở miền Bắc Israel.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông quốc tế đang lan truyền tin đồn về khả năng Iran có liên quan trực tiếp đến Hamas trong các cuộc tấn công mới đây vào Israel. Mặc dù Iran có lịch sử hỗ trợ Hamas, nhưng vẫn cần phải thận trọng trước khi thiết lập quan hệ trực tiếp do còn thiếu bằng chứng hữu hình.
Điều cần lưu ý đặc biệt là khoản tiền 6 tỷ USD mà Mỹ lẽ ra phải thanh toán cho Iran (thông qua Qatar) để đổi lấy việc các tù nhân Mỹ được thả, với điều kiện số tiền đó phải được sử dụng vào mục đích viện trợ nhân đạo. Những khoản tiền như vậy đang bị đóng băng để chờ làm rõ về loại hỗ trợ mà Iran đã cung cấp cho Hamas trước cuộc tấn công khủng bố mới đây.
Tuy nhiên, dù Iran giữ vai trò trực tiếp hay gián tiếp, thì việc họ được hưởng lợi nhiều nhất xét về quan điểm địa chính trị từ tình hình mới được tạo ra, nhất là sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia bị tạm dừng, ngày càng trở nên rõ ràng.
Trong bối cảnh này, tình trạng bất ổn dọc biên giới giữa Israel và Liban vẫn tiếp diễn. Những sự cố gần đây, chẳng hạn như nỗ lực xâm nhập Margaliot và cái chết gây sốc của một nhà báo Reuters trong cuộc đột kích của Israel, cho thấy sự cần thiết của việc ngăn chặn sự leo thang trên quy mô lớn hơn.
Những rủi ro và tác động của một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza
Bất chấp những lo ngại này, khả năng Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày càng trở nên thực tế hơn sau mỗi giờ trôi qua. Những xung đột trong quá khứ giữa Israel và Hamas đã cho thấy mô hình về cách thức diễn ra các hoạt động quân sự: Các cuộc xâm nhập quy mô lớn trước các cuộc ném bom dữ dội thường nhắm vào các vị trí chiến lược của Hamas.
Tuy nhiên, mật độ đô thị của Dải Gaza sẽ cản trở đáng kể các hoạt động quân sự. Trong nhiều năm qua, Hamas đã hoàn thiện các chiến thuật kháng cự của mình trong môi trường này, khiến những bước tiến của Israel thường trở nên dễ đoán định và dễ bị phục kích. Mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas, được kết nối bằng hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, là yếu tố rủi ro hơn nữa, tạo cơ hội cho các cuộc tấn công bất ngờ ngay cả từ phía sau các lực lượng đối lập.
Cuộc chiến đô thị căng thẳng này có nguy cơ gây thương vong đáng kể, mà lịch sử gần đây là minh chứng rõ ràng. Đi kèm với đó là nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo. Một cuộc tấn công có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã thảm khốc ở Dải Gaza, khiến hàng trăm nghìn người nữa phải di dời và gây thiệt hại hơn nữa cho cơ sở hạ tầng.
Sự hiện diện của các con tin, trong đó có nhiều người nước ngoài, làm tăng áp lực cho tình hình và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gay gắt, điều này có thể buộc Israel phải rút quân, nhất là nếu cuộc tấn công vẫn tiếp tục. Theo thời gian, cái giá phải trả về con người sẽ ngày càng khủng khiếp.
Tuy nhiên, những câu hỏi cơ bản vẫn là: “Chiến thắng” của Israel sẽ như thế nào? Có thực tế không khi nghĩ đến việc loại bỏ hoàn toàn Hamas? Và triển vọng tương lai cho Dải Gaza sẽ ra sao?
Lời nói của Moshe Ya'alon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nghe giống như lời cảnh tỉnh. Ông nói: “Chúng ta không thể hy vọng loại bỏ hệ tư tưởng của Hamas chỉ bằng một chiến dịch quân sự”. Lời cảnh tỉnh này phản ánh quan điểm ngày càng phổ biến ở Israel, nơi niềm tin vào Chính quyền Netanyahu đang dao động. Những sự kiện như việc trục xuất Bộ trưởng Môi trường Idit Silman khỏi bệnh viện là minh chứng cho điều này.
Các cuộc biểu tình của thành viên gia đình các con tin bên ngoài Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv kêu gọi Benjamin Netanyahu từ chức càng làm tăng thêm nhận thức này. Nếu cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza không mang lại kết quả cụ thể trong thời gian ngắn, thì tương lai chính trị của Thủ tướng Netanyahu có lẽ vẫn trong tình trạng bất định.
Israel phải làm gì để tránh bị mắc bẫy?
Kịch bản hiện tại đặt ra câu hỏi then chốt: Phải chăng Hamas đang cố dụ Israel vào bẫy? Theo phân tích của các chuyên gia như Thomas Friedman của tờ New York Times, điều này thực sự đúng và có 2 biến số chính cần tính đến:
Một là bẫy quân sự. Cuộc tấn công của Hamas diễn ra trên quy mô lớn đến mức buộc Israel phải tiến hành một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn ở Dải Gaza, có thể khiến căng thẳng leo thang, gây ra một vụ thảm sát dân thường và làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh của Israel trên trường thế giới. Cho đến nay, đó vẫn là chủ đề của làn sóng đồng cảm toàn cầu sau khi những hình ảnh khủng khiếp về vụ tấn công khủng bố của Hamas được lan truyền.
Hai là bẫy ngoại giao. Ngoài tác động quân sự, phản ứng mạnh mẽ của Israel có thể khiến họ bị các quốc gia Arập xa lánh trong một thời gian dài, do đó làm tổn hại đến các sáng kiến hòa bình và tiến trình bình thường hóa gần đây – và chúng ta đã thấy một số dấu hiệu về điều này.
Để tránh rơi vào những cái bẫy này, Israel cần nhận ra bản chất của chúng và có hành động phù hợp. Cụ thể, Israel cần nhận thức rõ ý định của Hamas về việc phá vỡ tiến trình bình thường hóa và tìm cách cô lập Israel, từ đó tích cực hành động để ngăn chặn điều này. Do đó, Israel cần áp dụng chiến lược chính trị chứ không chỉ chiến lược quân sự. Về vấn đề này, những hành động như phong tỏa hoàn toàn và hạn chế các nguồn tài nguyên thiết yếu không chỉ phản tác dụng mà còn có nguy cơ thúc đẩy hơn nữa sự ủng hộ dành cho Hamas trong thế giới Arập và giữa những người Palestine. Vì vậy, những hành động này cần phải bị loại bỏ ngay lập tức.
Bên cạnh đó, với tư cách là lực lượng chiếm đóng, Israel cần chịu trách nhiệm về sự an toàn của dân thường ở Dải Gaza, đồng thời tránh mọi thiệt hại về tài sản hết mức có thể. Cùng với đó, Israel cần có những cuộc đàm phán về việc thả con tin thông qua trung gian Arập, cũng như duy trì và tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước Arập. Trên hết, Israel nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường khả năng tình báo để bảo vệ công dân Israel khỏi các cuộc tấn công kiểu này trong tương lai.
Bên cạnh hành động của Israel, cộng đồng quốc tế cũng có vai trò quan trọng. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế có thể gây sức ép để buộc các nước như Qatar hạn chế hỗ trợ và cô lập Hamas, đảm bảo các hoạt động quân sự có thời hạn xác định và các sáng kiến hòa bình đi kèm, và đảm bảo người dân Palestine có thể trở về nhà ở Dải Gaza sau khi chiến dịch quân sự kết thúc, thông qua việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do Liên hợp quốc ủy quyền. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc nối lại tiến trình hòa bình với các đại diện của người dân Palestine được quốc tế công nhận (tức Chính quyền dân tộc Palestine và Tổ chức giải phóng Palestine) và với phần còn lại của thế giới Arập trong trung hạn.
Mục tiêu chính trị cuối cùng của quá trình này phải là mang lại cho người Palestine một nhà nước được quốc tế công nhận và do đó đảm bảo cho họ có được những cơ hội mới và cụ thể trong tương lai. Đây là cách duy nhất mang lại cho người Palestine giải pháp thay thế thực sự cho chương trình nghị sự nhằm xóa bỏ Hamas, đồng thời cho phép thường dân Israel có được an ninh và hòa bình mà họ xứng đáng có được.
Mặc dù tình hình hiện tại còn khó khăn và phức tạp, nhưng với ý chí chính trị, nhận thức đúng đắn về bản chất của những cạm bẫy tiềm ẩn, cũng như hành động khôn ngoan và thận trọng, Israel nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung có thể tìm ra giải pháp lâu dài để thoát khỏi cuộc xung đột và biến một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử gần đây thành sự khởi đầu cho một giải pháp dứt khoát cho vấn đề Palestine./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn fanpage.it
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved