Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:22 am(VN)

-

7:22 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông

16/10/2023

Theo trang orfonline.org (Ấn Độ) ngày 11/10, 4 đặc khu kinh tế gồm Thâm Quyến, Quảng Châu, Hạ Môn và Hải Nam đều nằm ở vị trí chiến lược dọc theo bờ biển phía Nam Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các tuyến thương mại quan trọng, bao gồm cả các tuyến ở Biển Đông.

 

Các đặc khu kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua và là động lực quan trọng đằng sau các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.


Vai trò chiến lược


4 đặc khu kinh tế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc, đồng thời là nơi thực hiện thí điểm các cải cách kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy các yêu sách và quyền về lãnh thổ trên biển là một phần trong nỗ lực vươn lên của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các lý do cơ bản liên quan đến việc đảm bảo quyền kiểm soát các tuyến đường biển đi qua Biển Đông và eo biển Malacca lại liên quan mật thiết đến việc bảo vệ các đặc khu kinh tế này.


Các đặc khu này là những trung tâm sản xuất, lắp ráp và phân phối, hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế. Các cảng và công trình vận tải ở Biển Đông càng tăng cường khả năng kết nối của các khu vực này với nền kinh tế toàn cầu. Lợi thế địa lý này giúp vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu hiệu quả, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp tại các khu vực này. Việc thành lập và sự thành công của các đặc khu kinh tế này cho thấy Trung Quốc đã khéo léo tận dụng địa lý hàng hải để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Kế hoạch thành lập HFTP “đổ dầu vào lửa ở Biển Đông”


Dù xúc tiến hàng loạt cải cách chính trị và hành chính, đặc khu kinh tế Hải Nam vẫn không theo kịp các đặc khu kinh tế khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch thành lập mới Cảng thương mại tự do Hải Nam (HFTP), được đề xuất lần đầu trong năm 2018, hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển đặc khu kinh tế này thông qua những cải cách và mở cửa toàn diện. Năm 2022, Cảng thương mại tự do Hải Nam chuyển đổi thành khu hải quan riêng biệt. Đây là bước đầu tiên trong việc biến tỉnh Hải Nam thành cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới vào năm 2025.


Ngoài kế hoạch liên kết Cảng thương mại tự do Hải Nam với Khu vực Vịnh Lớn gồm 11 thành phố (Hong Kong, Ma Cao, Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Hoản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh) thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tổng thể, đồng thời cũng có kế hoạch phát triển Hải Nam thành một trung tâm du lịch khu vực vì nơi đây còn được gọi là Hawaii của Trung Quốc.


Bên cạnh vai trò kinh tế, Hải Nam còn có một chức năng quan trọng khác đối với Biển Đông. Thành phố Tam Sa, nơi quản lý các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông, nằm ở tỉnh Hải Nam và thành phố này đã đóng 3 vai trò quan trọng: hậu thuẫn cho yêu sách và lập trường của Trung Quốc, chủ động định hình lợi ích của Trung Quốc trong các tranh chấp và đóng góp tích cực nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây cũng là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc và là một phần của Hạm đội Nam Hải. Đảo Hải Nam mới đây cũng được chú ý vì là địa điểm phóng khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, một trong số đó đã bị Mỹ bắn hạ vào tháng 2/2023. Trung Quốc cũng đang xây dựng một cảng chuyên dụng ở Tam Á để hỗ trợ nghiên cứu biển sâu.


Do vị trí địa lý, các nước ASEAN sẵn sàng trở thành đối tác nước ngoài, nhà đầu tư, nhân tố tham gia và là nguồn du khách tự nhiên nhất của Hải Nam. Đây dự kiến sẽ là thị trường xuất khẩu quan trọng cho các sản phẩm trung gian của ASEAN và cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.


Tuy nhiên, Cảng thương mại tự do Hải Nam có thể làm phức tạp thêm tình hình địa chính trị ở phía Nam Trung Quốc vì những năm gần đây khu vực này không chỉ tăng số lượng các sự cố bất lợi trên biển với các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, thậm chí cả Indonesia mà các quốc gia này và ASEAN, với tư cách là một tổ chức, còn ngày càng lên tiếng phản đối những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Những sự cố trong thời gian gần đây đều không mới mà chỉ là những vụ việc lặp lại thường xuyên trên biển. Thời gian sẽ cho biết liệu Cảng thương mại tự do Hải Nam có góp phần siết chặt mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN hay không, hay tình hình vẫn như cũ. Dù mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của Cảng thương mại tự do Hải Nam, nhưng các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông dường như “lạc lõng” với các kế hoạch kinh tế đối với đặc khu kinh tế Hải Nam./.

 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn orfonline.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage