Nhìn lại giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine

Thứ Bảy, 17/05/2025

4:21 am(VN)

-

7:21 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nhìn lại giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine

10/11/2023

Có lẽ phải vài tuần hoặc vài tháng nữa cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza mới kết thúc. Tuy nhiên, ngày đó rồi cũng sẽ tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã nói: “Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần phải có tầm nhìn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước”.
        

Trong bối cảnh các chu kỳ bạo lực và chiến đóng quân sự lặp đi lặp lại và kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, các nhà ngoại giao và giới phân tích đều nhất trí rằng sau cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine, hòa bình lâu dài phải được thiết lập.
        

Giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột gay gắt này - chia cắt vùng đất giữa sông Jordan và Địa Trung Hải để hình thành 2 quốc gia độc lập, có chủ quyền, tồn tại cạnh nhau là Israel và Palestine - đã được khắp khu vực công nhận trong gần một thế kỷ qua và được các nhà lãnh đạo thế giới nhiều lần lên tiếng ủng hộ.
        

Tuy nhiên, việc Israel và Palestine đạt được thỏa thuận đã được chứng minh là điều không thể. Kể từ khi các cuộc đàm phán do Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Kerry làm trung gian sụy đổ hồi năm 2014, và khi các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem ngày càng phát triển, mọi người đều nhất trí rằng giải pháp hai nhà nước “đã chết”.
        

Quan điểm đó đã được củng cố bởi các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ngay trước vụ tấn công đẫm máu của Hamas nhằm vào các công dân Israel hôm 7/10. Vào tháng 9 vừa qua, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy chỉ 35% người Israel tin rằng “có thể tìm ra cách để Israel và một quốc gia Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình” – giảm 15 điểm phần trăm so với năm 2013.
        

Và một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy chỉ 24% người Palestine sống ở Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem ủng hộ giải pháp hai nhà nước, giảm từ mức 59% hồi năm 2012. Thanh niên Palestine kém nhiệt tình hơn đáng kể so với cha mẹ họ trong việc ủng hộ giải pháp này.
        

Liệu giải pháp hai nhà nước có thể được hồi sinh hay không? Và, trong bối cảnh chiến tranh, căng thẳng trong khu vực và sự hiện diện của người định cư ở nơi sẽ là một nhà nước Palestine vẫn đang tiếp tục diễn ra, giải pháp hai nhà nước sẽ trông như thế nào?
        

Yossi Mekelberg, nhà nghiên cứu làm việc tại Chatham House, nhận định: “Không có lựa chọn thay thế khả thi nào khác. Giải pháp hai nhà nước là lựa chọn ít tồi tệ nhất để cho phép cả người Israel và người Palestine thực hiện các quyền chính trị, dân sự và con người của họ”.
        

Còn Yossi Beilin, từng là nhà đàm phán hòa bình của Israel, đánh giá: “Đó là giải pháp duy nhất – không có phương án cạnh tranh nào có tính thực tế”.
        

Nhưng theo Aaron David Miller - cố vấn về Trung Đông cho cả chính quyền Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ, “chúng ta phải phân biệt giữa khát vọng và thực tế”. Ông cũng cảnh báo: “Tỷ lệ thành công là rất, rất thấp. Về cơ bản, đó là nhiệm vụ bất khả thi”. Miller cho biết có rất nhiều trở ngại trên lộ trình đạt được giải pháp hai nhà nước, đặc biệt là ngay sau chiến tranh, “chúng ta sẽ chỉ còn lại 2 xã hội bị tổn thương sâu sắc”.
        

Theo bản năng, chính phủ cực hữu của Israel phản đối ý tưởng về một nhà nước Palestine độc lập, và nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu đã ngăn cản tiến trình giải quyết vấn đề này trong nhiều năm. Hầu như không nhiều người cho rằng ông sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng không ai trong số những người có khả năng thay thế Netanyahu thể hiện ủng hộ hòa bình một cách rõ ràng.
        

Chính quyền Palestine dưới sự lãnh đạo của Mahmoud Abbas - người hầu như không xuất hiện trước công chúng trong tháng qua - hoạt động kém hiệu quả và thiếu uy tín đối với công chúng. Ông Abbas hiện đã 87 tuổi và nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông tính đến nay đã kéo dài gần 19 năm.
        

Người kế nhiệm hợp lý duy nhất của ông là Marwan Barghouti - một lãnh đạo cấp cao của phe chính trị Fatah và là anh hùng đối với nhiều người Palestine - đã bị giam giữ trong nhà tù của Israel suốt 21 năm qua, chịu 5 án chung thân vì tội giết người.
        

Mekelberg nói: “Điều còn thiếu của cả hai bên là khả năng lãnh đạo và ý chí chính trị. Cả hai bên cần phải thức tỉnh sau cuộc chiến khủng khiếp này và tìm ra ban lãnh đạo mới”.
        

Ở Mỹ - theo truyền thống là động lực của tiến trình hòa bình Trung Đông, Tổng thống Biden chắc chắn sẽ phải dồn sức vào cuộc chiến để giữ chức tổng thống của ông trong 12 tháng tới. Nếu thất bại trước Donald Trump, cơ hội khôi phục giải pháp hai nhà nước gần như bằng không.
        

Các quốc gia Arab, vốn sẽ là những bên tham gia quan trọng trong bất kỳ tiến trình nào, có thể sẽ bị hạn chế trong hành động bởi sự giận dữ của người dân trước số lượng lớn dân thường thiệt mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo tuyệt vọng ở Gaza.
        

Và ngay cả khi Israel, Palestine, Mỹ và các nước Arab quyết tâm thúc đẩy một tiến trình hòa bình mới, những thách thức chính của bất kỳ thỏa thuận nào – vấn đề biên giới và các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, tương lai của Jerusalem, “Quyền trở về” của người tị nạn Palestine và con cháu của họ, an ninh và Gaza – vẫn còn nằm trên bàn đàm phán.
        

Tuy nhiên, Hiba Husseini - một luật sư người Palestine làm việc tại Ramallah - cho rằng các nguyên tắc chung của một thỏa thuận đã được các bên chấp nhận từ nhiều năm qua. Bà nói: “Chúng tôi biết giải pháp hai nhà nước sẽ như thế nào”. Hiba Husseini và Beilin đã đề xuất thành lập một liên bang Israel-Palestine - một “sự chung sống của hai quốc gia có chủ quyền” - để giải quyết một số chi tiết.
        

Một số khu định cư của người Do Thái gần “đường xanh” trước năm 1967 – ranh giới đình chiến được các bên thỏa thuận vào năm 1949, vào cuối Chiến tranh Arab-Israel, và theo sau tuyên bố thành lập nhà nước của Israel vào năm 1948 – sẽ được sáp nhập vào Israel, và nhà nước Palestine mới sẽ được đền bù đất. Đây là nguyên tắc được tất cả các bên chấp nhận rộng rãi.
        

Theo kế hoạch thành lập liên bang này, người Israel sống tại các khu định cư sâu hơn ở Bờ Tây sẽ có thể lựa chọn chuyển đến các ngôi nhà bên trong Israel hay ở lại nơi họ đang ở với tư cách là công dân Israel thường trú tại Palestine, đồng ý tuân thủ luật pháp của nhà nước mới. Một số lượng tương đương công dân Palestine sẽ có thể chuyển đến Israel với các điều kiện tương tự.
        

Thành phố cổ Jerusalem - nơi có các thánh địa quan trọng của người Hồi giáo, Do Thái và Thiên Chúa giáo - sẽ trở thành một thành phố mở”, do cả hai quốc gia cùng quản lý. Thành phố mở sau này sẽ được mở rộng để bao gồm tất cả các khu vực của người Do Thái và người Hồi giáo ở Jerusalem.
        

Husseini cho rằng Gaza “không thể bị loại ra khỏi” một nhà nước Palestine trong tương lai. Sẽ cần phải có các hành lang trên bộ giữa Bờ Tây và Gaza để cho phép tiếp cận các khu vực này, và hiện “đã có các thiết kế cho những hành lang đó”. Theo những kế hoạch chi tiết hiện có đó, một nhà nước Palestine sẽ có lực lượng cảnh sát nhưng không có quân đội hay không quân; và một số lượng tượng trưng con cháu của những người tị nạn Palestine sẽ được phép quay trở lại sống ở Israel.
        

Theo Husseini, nguyên tắc 2 quốc gia cùng tồn tại song song “không chỉ khả thi mà còn rất quan trọng”. Bà cho rằng “trước cuộc chiến này, đã có chính sách ‘quản lý’ xung đột. Giờ đây rõ ràng đó là một chính sách thất bại”.
        

Trong khi đó, giải pháp một nhà nước đã thu hút được sự chú ý, đặc biệt là từ người Palestine và những người ủng hộ họ, trong bối cảnh thiếu vắng những động thái nhằm hướng tới một nhà nước Palestine bên cạnh một nhà nước Israel.
        

Ý tưởng về cơ bản là để một quốc gia dân chủ tồn tại trên vùng đất ngày nay là Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, và tất cả mọi người đều có các lá phiếu như nhau. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của nhà nước Do Thái, vì người Do Thái trở thành thiểu số trong dân số của quốc gia duy nhất này.
        

Các con số đã không bằng nhau. Theo Cục thống kê Israel năm ngoái, người Do Thái chiếm 74% dân số Israel, ở mức 7 triệu người. Dân số Arab tại Israel là 21%, tương đương gần 2 triệu người. Năm nay, Cục Thống kê Trung ương Palestine ước tính dân số Bờ Tây và Gaza là gần 5,5 triệu người. Khi cộng thêm 2 triệu người Palestine sống ở Israel, tổng số sẽ là gần 7,5 triệu người - nhiều hơn dân số Do Thái của Israel. Và dân số Palestine trẻ hơn đáng kể và do đó sẽ phát triển nhanh hơn.
        

Yehuda Shaul - người đồng sáng lập Ofek, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Israel chuyên thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước – đánh giá rằng giải pháp một nhà nước là không thực tế. Ông nói: “Liệu bạn có bao giờ thấy một thực tế trong đó người Do Thái ở Israel từ bỏ quyền bá chủ về nhân khẩu học của họ trong ‘đường xanh’, quyết định chia sẻ đất đai và trở thành thiểu số không?”. Ông nói thêm: “Tôi có tin rằng giải pháp hai nhà nước sắp thành sự thật không? Không. Tôi có tin rằng dự án quốc gia của nhà nước Israel là nhằm ngăn chặn kết quả hai nhà nước không? Có".
        

Husseini dự đoán rằng công chúng Palestine sẽ sớm chấp nhận giải pháp hai nhà nước. Bà nói: “Ý kiến của dư luận phản ứng những gì đang xảy ra. Tâm trạng phản ánh thời điểm, và thời điểm hiện nay rất đen tối. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy đường chân trời, nơi chúng ta có thể thấy điểm kết thúc, tâm trạng sẽ thay đổi”.
        

Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ “sẵn sàng góp phần khôi phục tiến trình chính trị trên cơ sở giải pháp hai nhà nước”. Liên minh này đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình trong vòng 6 tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, phát biểu: “Hòa bình sẽ không tự nhiên mà có; nó phải được xây dựng. Giải pháp hai nhà nước vẫn là giải pháp khả thi duy nhất mà chúng ta biết. Và nếu chúng ta chỉ có một giải pháp, chúng ta phải dồn toàn bộ sức lực chính trị để đạt làm được điều đó”.
        

Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng cần có sự lãnh đạo chính trị mới và lòng can đảm của cả hai bên. Miller nói: “Cả hai bên sẽ phải tính toán. Điều chúng ta cần là một (Nelson) Mandela và một (FW) de Klerk, hoặc ai đó gần giống như vậy”. Các nhà lãnh đạo có thể chưa xuất hiện, vậy hãy nhìn vào (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelenskiy”.
        

Theo Beilin, với sự lãnh đạo và ý chí chính trị, một thỏa thuận khung có thể đạt được tương đối nhanh chóng, nhưng “không phải chỉ trong vài tuần, mà có thể là cả năm”. Sau đó công chúng sẽ ủng hộ thỏa thuận đó. Ông nói thêm: “Trong thời gian chuẩn bị cho hiệp định Oslo (hiệp định hòa bình lịch sử năm 1993), người ta đã cực lực phản đối bất kỳ liên hệ nào với PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine). Tuy nhiên khi thỏa thuận được ký kết, thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ lớn. Và tôi tin rằng, nếu một thỏa thuận có thể đạt được sau cuộc chiến hiện nay, thỏa thuận đó cũng sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn theguardian.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage