“Quả bom hẹn giờ” Israel-Palestine tiếp tục phát nổ

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:07 am(VN)

-

9:07 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

“Quả bom hẹn giờ” Israel-Palestine tiếp tục phát nổ

11/10/2023

Theo trang Hk01.com ngày 8/10, Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 7/10 đã tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ cả trên bộ, trên biển và trên không vào lãnh thổ Israel. Giao tranh ở Dải Gaza gần miền Nam Israel vẫn chưa dừng lại, một số phiến quân đã bắt giữ con tin Israel ở nhiều nơi. Số người Israel thiệt mạng đang tăng lên. Các cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel ở Dải Gaza cũng khiến nhà cửa đổ sụp và nhiều người ở cả hai phía bị thương.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ban bố tình trạng chiến tranh ngay sau các cuộc đột kích của Hamas. Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid, từng phản đối chính phủ về cải cách tư pháp, cũng bày tỏ sẵn sàng thành lập chính phủ liên minh với Netanyahu.


Cuộc tấn công của Hamas diễn ra chỉ một ngày trước dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur, trong đó Ai Cập và Syria đồng loạt tấn công Israel. Vào thời điểm Israel chưa đưa ra cảnh báo nào, Hamas chuyển hướng chú ý bằng các cuộc tấn công với hơn một nghìn rocket, tiếp tục sử dụng máy ủi và các thiết bị khác để chọc thủng hàng rào "công nghệ cao" của Israel nhằm vào Gaza, thực hiện các cuộc đột kích xuyên biên giới, thậm chí một số tay súng Hamas còn bay qua hàng rào bằng tàu lượn. Quân đội Israel đã mất cảnh giác và phản ứng chậm chạp.


Theo Hamas, vụ tấn công mới có tên "Cơn lũ Al-Aqsa" (Al-Aqsa là tên của nhà thờ Hồi giáo trên Núi Đền ở Jerusalem) là để chứng minh rằng sự tàn bạo của Israel sẽ gây ra hậu quả. Thủ lĩnh phong trào Hamas Mohammed al-Deif trích dẫn việc Israel chiếm đóng bất hợp pháp Bờ Tây, nhiều cuộc truy quét của cảnh sát Israel tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và hàng nghìn chiến binh Palestine đang ngồi tù là những ví dụ.


Hiện nay, Israel đang huy động lực lượng dự bị tham gia chiến tranh, một số người Israel ở nước ngoài cũng vội vã trở về nước tham gia chiến sự. Thủ tướng Netanyahu cho biết đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn, đồng thời tuyên bố rằng sẽ biến các nơi ẩn náu của Hamas thành đống đổ nát.
 

Mặc dù cuộc đột kích của Hamas đã thành công, người Palestine ở Gaza và Bờ Tây xuống đường ăn mừng nhưng cuộc trả đũa của Israel mới chỉ bắt đầu. Trong cuộc chiến kéo dài, trừ khi các nước khác can thiệp (Netanyahu đã cảnh báo các nước láng giềng không nên hành động vội vàng), nếu không Hamas sẽ khó tránh khỏi thất bại. Israel nhiều khả năng sẽ áp dụng chính sách đàn áp hơn ở Gaza  (thậm chí cả Bờ Tây) so với trước đây và nạn nhân cuối cùng có thể sẽ chỉ là thường dân.


Lỗ hổng của cơ quan tình báo


Không giống cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, các cơ quan tình báo Israel hiện nay luôn theo dõi chặt chẽ Hamas ở Gaza. Không chỉ tuyển dụng những người cung cấp thông tin (đặc biệt là những người không hài lòng với giới luật Hồi giáo hoặc những người muốn vượt biên sang Israel làm việc) mà Israel cũng dẫn đầu thế giới về công nghệ tình báo như liên lạc điện tử và giám sát thực địa. Kể từ khi Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005 và Gaza chính thức nằm dưới sự kiểm soát của Hamas vào năm 2007, chiến lược của Israel nhằm vào Hamas là sử dụng sự giám sát chặt chẽ để ngăn chặn bất kỳ cuộc đọ súng nào trong phạm vi Dải Gaza.


Cuộc tấn công của Hamas lần này không chỉ được đánh giá là bất ngờ mà còn được triển khai phối hợp trên biển, trên bộ và trên không, sử dụng rocket để che đậy các cuộc tấn công dưới mặt đất. Đồng thời, Hamas không hành động một mình mà thực hiện các cuộc tấn công chung với các nhóm vũ trang khác (chẳng hạn như Thánh chiến Hồi giáo). Rõ ràng, Hamas đã phải mất ít nhất vài tháng chuẩn bị, tổ chức nhân sự, tiến hành huấn luyện tác chiến chung và tích lũy đủ trang thiết bị trong bối cảnh Israel phong tỏa nghiêm ngặt Dải Gaza.


Mặc dù Hamas đang cố gắng thiết lập phương thức liên lạc có thể vượt qua sự giám sát của các cơ quan tình báo Israel, nhưng Israel với đủ các loại giám sát trên bầu trời và đủ loại máy cảm biến, dường như không hề hay biết về sự chuẩn bị trong nhiều tháng của Hamas. Đây có thể coi là thất bại tình báo cực kỳ nghiêm trọng. Khi cuộc chiến mới nổ ra, dư luận Israel đã tập trung chỉ trích những sai lầm này, các nhà hoạt động chống Netanyahu chỉ ra những cải cách tư pháp của chính phủ trong 6 tháng qua, gây ra các cuộc phản đối trong quân đội, trong khi những người ủng hộ Netanyahu đổ lỗi cho cơ quan tình báo.


Nhưng trong mọi trường hợp, khi Hamas hiện đã chuyển đổi từ một tổ chức vũ trang thành chính phủ trên thực tế ở Gaza, các cuộc tấn công của Hamas mà Israel hình dung sẽ chỉ là các cuộc tấn công bằng rocket mà hệ thống phòng không “Vòm Sắt” của Israel có thể đánh chặn hiệu quả. Ví dụ, trong cuộc xung đột ở Dải Gaza vào tháng 11/2021 do xung đột ở Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa gây ra, cuộc đọ súng giữa Hamas và Israel bị chi phối bởi rocket và các cuộc không kích của Hamas, cuối cùng, hơn 200 người Palestine và hàng chục người Israel thiệt mạng.


Israel giả định rằng Hamas tiếp tục tấn công nước này vì “nhu cầu chính trị” là muốn cho người dân thấy Hamas cứng rắn với Israel để giành được sự ủng hộ của dư luận với các tổ chức vũ trang mới nổi cấp tiến hơn khác. Tuy nhiên, dưới sự phong tỏa của Israel, tỷ lệ thất nghiệp ở Dải Gaza lên tới gần 50% và chỉ 10% người dân được tiếp cận trực tiếp với nước sạch, các cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ dừng ở đây.


Trên thực tế, Israel gần đây đã dần nới lỏng phong tỏa ở Dải Gaza, trong đó cho phép gần 20.000 người đến Israel làm việc mỗi ngày - tất nhiên điều này không thể giải quyết được tình trạng bi thảm của con người trong các “nhà tù ngoài trời” ở Dải Gaza nhưng logic của Israel là ít nhất việc cho phép người dân Gaza tiếp tục sống trong mức độ đau khổ có thể chấp nhận được sẽ một mặt bí mật giúp Hamas duy trì sự ổn định, mặt khác sẽ cố gắng duy trì tình hình nhân đạo không thể giải quyết được ở Dải Gaza.


Có thể suy đoán, chính tâm lý này đã khiến cơ quan tình báo Israel mắc phải sai lầm lớn này.


Tại sao lại bắt đầu chiến tranh vào lúc này?


Thực tế là mặt trận chính của cuộc xung đột Israel trong 2 năm qua không chỉ ở Dải Gaza mà còn ở Bờ Tây. Tổng thống  Palestine Mahmoud Abbas năm nay 87 tuổi và Palestine 18 năm qua không tổ chức thêm một cuộc bầu cử nào nữa, chính quyền của ông đã hợp tác với Israel từ lâu và cũng sớm đã mất đi sự ủng hộ của người dân. Kết quả là một số nhóm vũ trang cực đoan nổi lên ở Bờ Tây, được giới trẻ ủng hộ, không còn theo đuổi ảo tưởng về “giải pháp hai nhà nước” mà dùng vũ lực để đấu tranh đòi quyền lợi. Những nơi như thành phố Jenin ở phía Bắc Bờ Tây từ lâu đã không còn nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Chính quyền Palestine.


Tháng 7 vừa qua, quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng thấy trong vòng 20 năm nhằm vào Jenin, khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người Do Thái cũng đã xảy ra ở nhiều thành phố của Israel. Sau khi Netanyahu trở lại nắm quyền với sự ủng hộ của đảng cực hữu Israel vào cuối tháng 12/2022, Chính phủ Israel cũng nhiều lần cho phép những người Do Thái định cư trái phép ở Bờ Tây phá hoại tài sản của người Palestine, mối quan hệ giữa hai bên càng khó hàn gắn hơn. Số người thiệt mạng ở cả hai phía trong cuộc xung đột Israel-Palestine năm nay (không tính vụ tấn công lần này) đã lên mức cao nhất trong gần 20 năm.


Cùng với sự đàn áp của Israel ở Bờ Tây ngày càng leo thang, bất kỳ thế lực chính trị nào muốn lãnh đạo người Palestine sẽ phải có các hành động đáp trả một cách cụ thể. Mặc dù lần này Hamas hành động với danh nghĩa bảo vệ Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa nhưng nhà thờ này quả thực đã trở thành một trong những địa điểm chính của cuộc xung đột Israel-Palestine những năm gần đây. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là một hoạt động tuyên truyền mang tính biểu tượng, trên thực tế đây là một cuộc phản kháng quy mô lớn nhằm tái lập quyền lãnh đạo của Hamas và dựa trên nhu cầu của người dân Palestine. Hamas hiện đã kêu gọi người Arập ở Israel và Bờ Tây hưởng ứng hành động của họ cũng như tự tiến hành tấn công và có xu thế trở thành "cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Palestine", nhưng liệu có thể thành công hay không thì vẫn cần phải quan sát.


Diễn biến duy nhất gần như chắc chắn hiện nay là Israel sẽ tiến hành các cuộc không kích và truy quét quy mô lớn ở Gaza (lần đầu tiên kể từ năm 2014) và tình hình leo thang là không thể tránh khỏi. Mục tiêu của một cuộc chiến tranh khác ở Gaza có thể không chỉ là trừng phạt Hamas như trước đây mà là để đảm bảo rằng các cuộc tấn công tương tự sẽ không xảy ra nữa, như Netanyahu đã nói. Điều này dường như có nghĩa là Israel sẽ không tiếp tục chính sách an ninh bao vây Gaza nữa mà sẽ trực tiếp trấn áp Hamas và các tổ chức vũ trang khác ở Gaza ở cự ly gần. Đây là cuộc chiến lâu dài của quân đội Israel nhằm chiếm đóng Dải Gaza.


Nếu chỉ cần đối phó với riêng Gaza thì đây cũng sẽ là cục diện mà Israel có thể kiểm soát. Nhưng nếu xảy ra một cuộc giao tranh lớn khác ở Bờ Tây và Hezbollah ở Liban tham gia vào cuộc chiến, Israel sẽ phải đối mặt với một tình thế khó khăn bị bao vây bởi kẻ thù từ ba phía.


Bố cục địa chính trị bị phá vỡ


Hơn nữa, dù cuộc chiến này diễn biến theo hướng nào, bố cục địa chính trị của Israel trong những năm gần đây cũng đã bị phá hủy trong một ngày. Những năm qua, bất kể Chính phủ Israel dưới thời Netanyahu làm tổng thống hay không, kế hoạch của Israel trong khu vực là hòa giải với thế giới Arập.

 

Dưới thời Trump đã có Hiệp định Abraham, trong đó Israel bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bahrain, Maroc, Sudan và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Hiện Chính quyền Biden cũng đang tích cực thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia. Bộ trưởng Du lịch Israel vừa trở thành quan chức cấp bộ đầu tiên trong lịch sử đến thăm Saudi Arabia. Saudi Arabia cũng lần đầu tiên cử đại sứ tới Palestine để xoa dịu người dân. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng cho rằng Israel và Saudi Arabia đang ngày càng tiến gần hơn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao.


Hơn nữa, khi Chính quyền Biden từng bước ổn định quan hệ với Iran thông qua trao đổi tù nhân, thì Netanyahu lại trở nên im lặng một cách đáng ngạc nhiên về chính sách ngoại giao Mỹ-Iran, không phản đối như khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân thời Obama.


Từ những diễn biến này, có thể thấy Israel đã nhận ra rằng các nước trong khu vực nhìn chung đã chán ngán vấn đề Palestine. Cho dù không thực hiện “giải pháp hai nhà nước”, chỉ cần Israel xoa dịu người Palestine ở một mức độ nhất định, việc xích lại gần nhau với thế giới Arập sẽ không bị cản trở và sự đối kháng của Israel với Iran có thể được quản lý trong giới hạn có thể chấp nhận được.


Nói một cách đơn giản, Israel và thậm chí cả các nước Arập trong khu vực đều tin rằng vấn đề Palestine đủ nhỏ và có thể gạt sang một bên. Tuy nhiên, cuộc đột kích lần này của Hamas cho thấy vấn đề Palestine tuy nhỏ nhưng lại là một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ liên tục nếu không được giải quyết thỏa đáng. Nếu Israel thay đổi chiến lược phong tỏa Gaza bằng "nhà tù ngoài trời", chuyển sang gửi quân đến để kiểm soát khu vực này, thì xung đột Israel-Palestine sẽ leo thang hơn nữa, ít nhất là dưới hình thức chiến tranh ở Gaza. Ngay cả khi thế giới Arập đứng sang một bên, nó sẽ phá hủy hoàn toàn cục diện địa lý của Israel.


“Giải pháp hai nhà nước” luôn là giải pháp duy nhất cho vấn đề Israel Palestine. “Giải pháp hai nhà nước” nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng các chi tiết lại đầy khó khăn. Tuy nhiên sau hơn 2 thập kỷ, ít người còn thực sự tin rằng “giải pháp hai nhà nước” là phù hợp với thực tế.


Tuy nhiên, không có định hướng và tầm nhìn tương lai nào có thể mang lại hòa bình, hòa hợp lâu dài giữa Israel và Palestine như “giải pháp hai nhà nước”. Nếu Israel chỉ dùng sức mạnh cứng để đàn áp người Palestine đang trong đau khổ thì vấn đề Israel-Palestine hay vấn đề Palestine sẽ luôn là quả bom hẹn giờ tiếp tục phát nổ. Bất kể ai thắng trong cuộc chiến mới ở Dải Gaza, tình hình bất ổn sẽ còn tiếp tục kéo dài./. 
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Hk01.com, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage