Tại sao Hamas tấn công và Israel bị bất ngờ? 

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:03 am(VN)

-

9:03 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tại sao Hamas tấn công và Israel bị bất ngờ? 

10/10/2023

Sáng 7/10, nhóm Hamas của Palestine đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Israel với quy mô chưa từng thấy: phóng hàng nghìn quả rocket, đưa lực lượng thâm nhập lãnh thổ Israel và bắt giữ một số lượng lớn con tin.

 

Ít nhất 100 người Israel đã thiệt mạng và 1.400 người bị thương. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước đang trong “tình trạng chiến tranh”. Lực lượng Israel đã đáp trả, khiến 200 người Palestine thiệt mạng và khoảng 1.600 người bị thương.


Để hiểu rõ diễn biến mới này tác động ra sao tới Israel, Palestine và khu vực, tạp chí Foreign Affairs (-) đã có cuộc trao đổi với Martin Indyk (+), học giả danh dự tại Chương trình Chính sách đối ngoại Mỹ-Trung Đông thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Mỹ. Indyk đã hai lần làm Đại sứ Mỹ tại Israel, nhiệm kỳ 1995-1997 và 2020-2021. Ông cũng là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Barack Obama về đàm phán Israel-Palestine giai đoạn 2013-2014. Trước đó, Indyk là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton và là Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề khu vực Cận Đông và Nam Á tại Hội đồng an ninh quốc gia. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:


- Nhiều nhà quan sát cho rằng những diễn biến trong ngày 7/10 đã tác động đến Israel tương tự như cuộc tấn công ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Nhưng Israel đã trải qua nhiều đợt xung đột bạo lực trong vài thập kỷ gần đây, và đương nhiên Palestine cũng vậy. Điểm khác biệt lần này là gì?
 

+ Đó thực sự là thất bại hoàn toàn về mặt hệ thống đối với Israel. Israel đã quá quen với việc có thể nắm được chính xác và chi tiết những gì phía Palestine đang làm nhờ vào các phương thức do thám tinh vi. Họ đã chi một khoản tiền khổng lồ để xây dựng bức tường ngăn cách dải Gaza với các cộng đồng dân cư ở phía biên giới Israel. Họ luôn tự tin rằng lực lượng Hamas sẽ không dám phát động một cuộc tấn công quy mô lớn: Hamas không dám làm vậy vì lực lượng này sẽ bị tiêu diệt, vì Palestine sẽ quay lưng với Hamas nếu họ gây ra một cuộc chiến tranh nữa. Và Israel tin rằng Hamas hiện ở một trạng thái khác: tập trung theo đuổi lệnh ngừng bắn dài hạn mà ở đó mỗi bên đều được hưởng lợi từ thỏa thuận cùng chung sống. Khoảng 19.000 người Palestine từ Gaza qua lại làm việc tại Israel mỗi ngày, và điều đó mang lại lợi ích kinh tế cũng như tạo ra nguồn thu thuế.


Nhưng hóa ra tất cả chỉ là ảo tưởng. Và vì thế người ta bị sốc. Giống như cuộc khủng bố 11/9, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao một nhóm tay súng khủng bố nghèo nàn lại có thể tiến hành được vụ tấn công lớn như vậy? Làm sao Hamas có thể đánh bại cộng đồng tình báo lớn mạnh và lực lượng phòng vệ hùng hậu của Israel? Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng tôi chắc một phần nguyên nhân nằm ở sự ngạo mạn – Israel tin rằng sức mạnh tuyệt đối có thể đủ sức răn đe Hamas và Israel không cần phải giải quyết các vấn đề lâu dài.


- Tại sao Hamas lại chọn thực hiện một cuộc tấn công đặc biệt vào thời điểm hiện nay? Logic chiến lược là gì?


+ Tôi chỉ có thể phỏng đoán – thú thực là tôi vẫn còn sốc. Nhưng tôi nghĩ rằng cần phải xem xét sự việc trong bối cảnh hiện tại. Thế giới Arập đang xích lại gần Israel. Saudi Arabia đang thảo luận việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Là một phần trong thỏa thuận tiềm năng đó, Mỹ đang gây sức ép buộc Israel phải nhượng bộ Chính quyền Palestine (PA) – đối thủ của Hamas. Vì thế, đây là cơ hội để Hamas và những kẻ hậu thuẫn từ Iran phá vỡ tiến trình, mà nếu ngẫm lại, tôi nghĩ đó chính là mối đe dọa sâu sắc đối với cả Hamas và Iran. Tôi cho rằng không phải Hamas làm theo chỉ đạo từ Iran, nhưng tôi tin hai bên có phối hợp, có lợi ích chung trong việc phá hỏng tiến trình đàm phán đang diễn ra và giành được sự ủng hộ từ cộng đồng Arập. Ý tưởng là nhằm gây bẽ bàng cho những nhà lãnh đạo Arập từng ký thỏa thuận hòa bình với Israel, hoặc những ai có thể sẽ làm như vậy; và để chứng minh rằng Hamas và Iran là những bên đủ sức gây ra thất bại quân sự cho Israel.


Các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia đang diễn ra, trong đó có cả thảo luận về bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Saudi Arabia. Vì thế, động cơ chủ chốt của Hamas và Iran là mong muốn đạp đổ thỏa thuận, bởi thỏa thuận đó có nguy cơ khiến hai lực lượng này bị cô lập. Đó là cách thức hữu hiệu để hủy hoại triển vọng bình thường hóa, ít nhất là trong ngắn hạn. Một khi vấn đề người Palestine trở thành trọng điểm và người Arập ở Trung Đông đang dõi theo những vũ khí của Mỹ trong tay Israel giết hại được bao nhiêu người Palestine, điều đó sẽ kích động phản ứng mạnh mẽ. Nhiều nhà lãnh đạo như Mohammad bin Salman (Thái tử Saudi Arabia) sẽ do dự không dám lên tiếng phản đối, bởi làm vậy sẽ đòi hỏi bin Salman phải đứng lên tuyên bố trước người dân rằng: “Đó không phải là cách thức đúng đắn. Tôi sẽ làm theo cách mang lại cho người Palestine nhiều lợi ích hơn so với cách Hamas đang làm, vốn chỉ gây ra đau thương”. Tôi nghĩ rằng không thể trông đợi vào sự dũng cảm như vậy ở bất kỳ nhà lãnh đạo Arập nào trong tình hình khủng hoảng này.


- Đâu là lựa chọn dành cho Chính phủ Israel?


+ Đây là lần thứ 5 chúng ta chứng kiến những chuyện như vậy, thậm chí có cả sách lược rõ ràng. Họ sẽ huy động quân đội, tấn công từ trên không, gây thiệt hại ở Gaza. Họ sẽ tìm cách diệt trừ các thủ lĩnh của nhóm Hamas. Và nếu những hành động đó vẫn chưa đủ để buộc Hamas ngừng phóng rocket và quay lại bàn đàm phán về vấn đề phóng thích con tin, thì tôi tin rằng Israel sẽ tính đến chuyện tấn công tổng lực vào Gaza.


Hiện có hai vấn đề. Một là, Israel sẽ phải giao tranh ở những khu vực tập trung đông dân cư. Cộng đồng quốc tế sẽ phản đối kịch liệt nếu Israel gây thương vong cho dân thường khi đang sử dụng vũ khí công nghệ cao của Mỹ, chuyển hướng sang lên án nhằm vào Mỹ và Israel, buộc Israel phải ngừng tấn công. Thứ hai, nếu Israel thành công trong một cuộc chiến tranh tổng lực và nắm quyền kiểm soát Gaza, thì họ sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi: Rút lui như thế nào? Khi nào thì rút lui? Rút lui vì lợi ích của ai? Nên nhớ rằng Israel từng rút khỏi Gaza vào năm 2005 và họ không muốn quay lại đó.


- Là người biết rõ và từng làm việc với Netanyahu dưới góc độ cá nhân và công việc trong nhiều thập kỷ qua, ông nghĩ Netanyahu sẽ lựa chọn tiến trình nào?


+ Điều đầu tiên cần hiểu chính là việc Netanyahu thường lấy làm tự hào về sự thận trọng của mình khi phát động chiến tranh. Vì thế, tôi cho rằng Netanyahu trước hết sẽ ưu tiên sử dụng không kích để trừng phạt Hamas, đủ để buộc Hamas phải đồng ý ngừng bắn và đàm phán trao trả con tin. Nói cách khác, Hamas phải đưa tình hình trở lại nguyên trạng như trước. Đó là điều Netanyahu sẽ tìm cách đạt được – ông sẽ cố gắng lôi kéo Mỹ, Ai Cập và Qatar gây sức ép buộc Hamas ngừng giao tranh. Nếu không thành công, mà tôi nghĩ chắc sẽ khó thành, Netanyahu sẽ phải tìm đến các giải pháp khác.


- Tại sao ông lại nghi ngờ khả năng thành công?


+ Vì tôi sợ rằng ý đồ của Hamas là buộc Israel trả đũa ồ ạt và làm leo thang xung đột: kích động các cuộc nổi dậy ở Bờ Tây, các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah và các cuộc phản kháng ở Jerusalem.


- Nói cách khác, có phải Hamas sẽ không chấp nhận bất cứ bước đi nào của Israel nhằm phục hồi nguyên trạng?


+ Đúng vậy. Và liên quan đến leo thang, cần chú ý theo dõi sát sao lực lượng Hezbollah. Nếu con số thương vong bên phía Palestine gia tăng, thì Hezbollah sẽ tìm cách gia nhập “chảo lửa”. Lực lượng Hezbollah sở hữu 150.000 quả tên lửa có thể trút xuống các thành phố chính của Israel và sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực không chỉ ở Gaza mà còn ở Liban. Khi đó nhiều bên sẽ bị kéo vào cuộc chiến.


Mặt khác, Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan cùng với những nước ký kết Hiệp định Abraham với Israel – Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Bahrain – đều có lợi khi căng thẳng hạ nhiệt và các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Vì giao tranh càng kéo dài, các nước này sẽ càng khó có thể duy trì quan hệ với Israel.


- Liệu bất ổn chính trị hiện nay ở Israel có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định ở đây hay không?


+ Tôi nghĩ tất cả mọi cân nhắc đang được gạt sang một bên. Đây là cuộc khủng hoảng sâu sắc vẫn chưa rõ quy mô. Thủ tướng Israel đang đối mặt với một thách thức thực sự, không chỉ về việc bảo vệ người dân trong nước mà còn phải tránh nguy cơ bị quy kết trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Tôi không hiểu ông ấy sẽ làm điều đó bằng cách nào. Vì thế, Netanyahu sẽ phải tìm cách sửa chữa sai lầm thông qua cuộc xung đột này. Ông không thể để các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền quyết định tình hình, vì họ sẽ đẩy Israel vào tình thế tồi tệ. Vì thế, Netanyahu phải kiểm soát họ – điều mà ông chưa làm được – hoặc phải loại trừ họ. Ngày 7/10, thủ lĩnh lực lượng đối lập đã đề xuất tham gia một chính phủ khẩn cấp diện hẹp, bao gồm đảng Likud của Netanyahu, đảng của Lapid và đảng của Benny Gantz. Netanyahu có thể sẽ thuận theo cách này để loại bỏ những kẻ cực đoan, thể hiện trách nhiệm của mình và gắn kết đất nước.


- Vụ tấn công xảy ra đúng dịp 50 năm ngày liên minh Arập tấn công Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Có điểm gì đáng chú ý chăng?


+ Điều này đáng chú ý và không phải tình cờ. Nên nhớ rằng chiến tranh Yom Kippur được coi là một chiến thắng đối với người Arập. Ai Cập và Syria đã thành công khi khiến quân đội Israel bất ngờ; họ đã vượt kênh đào Suez và tiến vào Cao nguyên Golan, tới mức nhiều người Israel nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc với Israel. Cuối cùng, Israel là bên thắng thế, nhưng chiến thắng trong những ngày đầu vẫn được thế giới Arập hân hoan chào mừng. Vì vậy, 50 năm sau, Hamas cũng muốn chứng tỏ rằng họ có thể làm điều tương tự và từ đó thúc đẩy mạnh mẽ vị thế của mình trong thế giới Arập, nhưng đó cũng là thách thức lớn đối với những quốc gia và những nhà lãnh đạo đã đặt quan hệ với Israel trong 50 năm qua. Cũng cần phải nhớ rằng Hamas là một đối thủ rất khác. Năm 1973, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã gây chiến với Israel để thiết lập hòa bình với Israel. Hamas phát động chiến tranh để hủy diệt Israel, hoặc ít nhất là cố gắng hết sức để làm suy yếu và hạ bệ nước này. Hamas không hề quan tâm đến việc tạo dựng hòa bình với Israel.


Năm 1973, chính thói ngạo mạn đã khiến người Israel tin rằng họ bất khả chiến bại, rằng Israel là siêu cường ở Trung Đông, không cần chú ý đến những mối quan ngại của Ai Cập và Syria vì Israel quá mạnh. Sự ngạo mạn tương tự đã xuất hiện trở lại trong vài năm gần đây, ngay cả khi nhiều người chia sẻ với Israel rằng tình hình với Palestine không ổn định. Israel cho rằng vấn đề đã được kiểm soát. Nhưng giờ đây, mọi giả định của họ đã bị xóa sạch, giống như những gì đã xảy ra vào năm 1973. Israel sẽ phải thích ứng với điều đó./. 
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Affairs

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage