THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo Đài RFI, xung đột bùng phát trở lại giữa Israel và Palestine sẽ có lợi cho cả Nga lẫn Trung Quốc, vì tình hình này buộc Mỹ phải phân tán lực lượng, không thể can dự hoàn toàn vào cả 3 mặt trận Trung Đông, Ukraine và châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy bày tỏ “mối quan ngại to lớn” khi chứng kiến bạo lực tái diễn tại Trung Đông, Moskva đã không hề lên án các tội ác của lực lượng Hamas đối với thường dân ở Israel, mà chỉ kêu gọi hai phía Israel và Palestine “ngừng bắn ngay lập tức”. Thậm chí, theo trang mạng responsiblestatecraft.org, một số nhà bình luận nổi tiếng của Nga đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ Israel và bày tỏ thiện cảm với người Palestine (nếu không muốn nói là với chính Hamas). Mặc dù những tuyên bố này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Điện Kremlin, nhưng người ta nghi ngờ rằng liệu những nhà bình luận này có đưa ra chúng nếu Điện Kremlin phản đối mạnh mẽ hay không. Bên cạnh đó, cho đến ngày 10/10, theo tờ Washington Post, Điện Kremlin vẫn chưa gửi lời chia buồn tới Israel cũng như Tổng thống Vladimir Putin chưa gọi điện cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu, mặc dù hai người được cho là có mối quan hệ thân thiết.
Nga đang hưởng lợi
Trên thực tế, theo nhận định của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 10/10, giới lãnh đạo Nga quan tâm nhiều hơn đến tác động của xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đối với chiến sự Ukraine. Tờ báo trích dẫn phân tích mà Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington đưa ra ngày 7/10, tức là khi các chiến binh Hamas bất ngờ vượt biên tấn công vào Israel: “Nga đã bắt đầu khai thác và rất có thể sẽ tiếp tục khai thác các vụ tấn công của Hamas ở Israel để làm suy giảm sự yểm trợ cũng như sự quan tâm của Mỹ và của phương Tây đối với Ukraine”.
Trong khi đó, theo Bloomberg, cuộc chiến mới này lại đặt ra câu hỏi về cuộc xâm lược toàn diện kéo dài 19 tháng của Nga vào Ukraine, nơi Putin phát động một cuộc xung đột khiến khoảng 500.000 người thiệt mạng hoặc bị thương. Yêu cầu của Israel về viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ có thể chuyển hướng vũ khí và sự tập trung của Washington khỏi Ukraine, trong khi giá dầu tăng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nga. Mặc dù Mỹ đang tìm cách trấn an các đồng minh rằng nước này có thể giúp cung cấp cho hai cuộc chiến tranh cùng một lúc, nhưng ngày càng rõ ràng rằng Điện Kremlin có thể được hưởng lợi từ cuộc xung đột.
Đồng quan điểm trên, Thomas Friedman, cây bút thời luận của nhật báo Mỹ The New York Times, cũng đánh giá từ cuối tuần qua: “Leo thang xung đột Israel-Palestine chỉ có thể có lợi cho Moskva. Nếu Israel đánh chiếm Gaza và khởi động một cuộc chiến tranh kéo dài, Ukraine sẽ phải cạnh tranh với Israel để được nhận các tên lửa Patriot hay các đạn pháo 155 mm cùng các loại vũ khí khác mà Kiev đang rất cần để chống Nga”.
Theo nhận xét của Le Figaro, điểm đáng chú ý là sự thay đổi giọng điệu của báo chí Nga từ 3 ngày qua. Sau khi tường thuật xung đột Israel-Hamas một cách tương đối trung lập, kể từ ngày 8/10, báo chí Nga chủ yếu đả kích Mỹ, dựa theo tuyên bố của cựu Tổng thống Dmitri Medvedev rằng Washington và các đồng minh lẽ ra nên tập trung giải quyết xung đột Israel-Palestine thay vì “xen vào chuyện nội bộ” của Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine. Có lẽ Moskva đang hy vọng tình hình tại Israel sẽ buộc Mỹ giảm bớt áp lực ở Ukraine và ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Ngay sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển được” đối với Israel, để bảo vệ uy tín của Mỹ đối với các đồng minh và để duy trì sự ủng hộ của giới cử tri gốc Do Thái. Chưa biết là sự yểm trợ của Washington cho Tel Aviv sẽ kéo dài bao lâu, nhưng trước mắt rõ ràng là quân đội Mỹ sẽ không đủ khả năng để can dự hoàn toàn vào cả 3 mặt trận Trung Đông, Ukraine và châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình này sẽ có lợi không chỉ cho Nga, mà còn cho cả Trung Quốc.
Và cả Trung Quốc
Theo RFI, xung đột bùng phát giữa Hamas và Israel còn là dịp để Bắc Kinh cố chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc vì hòa bình. Ngày 9/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh “lên án mọi hành động nhắm vào những thường dân”. Tuy vậy, trước đó tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã không thẳng thừng lên án cuộc tấn công của Hamas, tức là không muốn hoàn toàn ngả theo lập trường của Washington.
Theo trang franceinfo.com của Pháp, đang trong chuyến thăm Bắc Kinh, thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer đã tuyên bố với Ngoại trưởng Trung Quốc rằng “Tôi mong muốn ông và nhân dân Trung Quốc hãy sát cánh với nhân dân Israel và lên án các cuộc tấn công hèn hạ và tàn nhẫn. Tôi rất thất vọng vì những tuyên bố của ông không thể hiện một chút cảm thông nào đối với Israel trong giai đoạn khó khăn, đầy xáo trộn này”.
Đáp lời thượng nghị sĩ Schumer, Ngoại trưởng Vương Nghị nói thẳng: “Làm ơn tôn trọng khác biệt quan điểm giữa hai nước chúng ta”.
Gần đây, Trung Quốc ít can dự vào hồ sơ Israel-Palestine, nhưng hiện nay thường xuyên khẳng định muốn tham gia vào tiến trình hòa bình giữa hai bên, vốn đã gặp bế tắc kể từ năm 2014. Nói chung, nhân lúc xung đột tái diễn, Bắc Kinh cố tỏ cho thấy Mỹ là một cường quốc hiếu chiến, có thái độ thiên vị Israel, trong khi Trung Quốc mới là nhà trung gian hòa giải có uy tín, cụ thể là gần đây đã giúp Iran và Saudi Arabia xích lại gần nhau./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn vna tổng hợp
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved