Liệu còn có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel-Hamas?

Thứ Sáu, 16/05/2025

2:24 pm(VN)

-

5:24 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Liệu còn có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel-Hamas?

08/11/2023

Lần gần đây nhất cuộc xung đột Israel-Hamas có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến quy mô lớn hơn là vào tháng 5/2021. Khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bay sang Cairo và làm việc với các quan chức Ai Cập để đàm phán về lệnh ngừng bắn. Ông Sullivan đã rút kinh nghiệm của chính mình khi vào tháng 11/2012 với tư cách là trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, ông và những người đồng cấp Ai Cập đã giúp hai bên đạt được một lệnh ngừng bắn sau khi xảy ra một cuộc xung đột khác. 
        

Trong quá khứ, những lệnh ngừng bắn này đã có tác dụng đối với cả Israel và Hamas, cho đến khi không còn hiệu quả nữa. Tuy nhiên, logic trước đó về các cuộc chiến Israel-Hamas đã không còn đúng nữa sau các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel, khiến 1.400 người thiệt mạng và 242 người bị bắt làm con tin. Sự kiện này đã làm thay đổi tư duy của Israel về an ninh. Giờ đây, Tel Aviv muốn loại bỏ hoàn toàn Hamas và được thể hiện bằng các vụ oanh kích dữ dội vào Gaza và tấn công trên bộ vào vùng lãnh thổ chiếm đóng này, khiến 9.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 3.000 trẻ em.
        

Mô hình ngừng bắn cũ giữa Israel và Hamas dường như đã bị phá vỡ, nhưng điều đó không có nghĩa là việc hai bên tham gia đàm phán và duy trì các thỏa thuận là không còn phù hợp. Ngay cả khi Israel bị mắc kẹt trong cái mà họ coi là cuộc chiến sinh tồn với Hamas, cánh cửa ngoại giao vẫn để ngỏ.
          

Với việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 3/11 nhấn mạnh rằng nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực vào các chiến dịch quân sự ở Gaza, có vẻ như lệnh ngừng bắn sẽ chỉ đến từ sáng kiến của Mỹ. Phát biểu tại một sự kiện tổ chức ở bang Minnesota ngày 1/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói bóng gió về sự cần thiết phải có “lệnh ngừng bắn nhân đạo” và trao trả con tin, trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 2/11 đã thực hiện chuyến đi tới Trung Đông. 
          

Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất rút ra từ những lệnh ngừng bắn trước đây giữa Israel và Hamas là sự thất bại của các lệnh ngừng bắn này. Chúng không thể được duy trì trong dài hạn vì không bị ràng buộc bởi một khuôn khổ chính trị lớn hơn có thể dẫn đến một nhà nước Palestine bên cạnh Israel. Chúng sẽ không dẫn đến điều gì có thể đảm bảo tương lai cho cả Israel và Palestine. 
        

Bất kể tình trạng bạo lực này kết thúc như thế nào – Israel tuyên bố giành chiến thắng, lệnh ngừng bắn hoặc một kết quả khác – cuộc chiến sẽ chỉ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao đầy gian nan và sự lãnh đạo của Mỹ đối với một nhà nước Palestine.
        

Theo chuyên gia Tareq Baconi của mạng nghiên cứu chính sách Palestine Al-Shabaka, kể từ năm 2007, Hamas và nhà nước Israel đã tồn tại trong “trạng thái cân bằng bạo lực”. Nhìn lại các cuộc chiến Israel-Hamas gần đây có thể thấy rằng sau khi các cuộc xung đột dừng lại, trạng thái cân bằng bạo lực đó đã được khôi phục. Đôi khi có những cuộc đàm phán hòa bình, nhưng chúng không thực sự gắn liền với một tiến trình chính trị lớn hơn có thể dẫn đến một giải pháp lớn hơn cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
        

Mỗi lần xảy ra xung đột Israel-Hamas, Mỹ và Ai Cập đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lệnh ngừng bắn giữa hai bên. Vì Mỹ coi Hamas là nhóm nhóm khủng nên nên nước này phải phụ thuộc vào các bên thứ ba để đàm phán với Hamas. Cựu nhà ngoại giao Ai Cập Ezzedine Choukri Fishere nói: “Đàm phán giữa Israel và Hamas là một trong những hoạt động đặc biệt mà Ai Cập thực hiện. Trong 16 năm qua, chính sách của Ai Cập đối với Gaza là giảm căng thẳng - một giải pháp tạm thời”. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas.
        

Khi Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden phải đối mặt với một cuộc xung đột Israel-Hamas khác vào tháng 5/2021, các quan chức Mỹ đã học hỏi kinh nghiệm từ hai cuộc chiến xảy ra dưới thời Tổng thống Barack Obama là ngăn chặn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bí mật làm việc với Hamas.
        

Tuy nhiên, cuộc chiến hiện nay ở Trung Đông này có thể kéo dài hơn bất kỳ cuộc xung đột nào gần đây giữa Israel và Hamas. Phạm vi tấn công của Hamas, các vụ oanh kích và tấn công trên bộ sau đó của Israel cũng như mức độ thiệt hại về người nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc bạo lực trước đó. Thủ tướng Netanyahu cho biết mục tiêu của Israel là tiêu diệt Hamas và trao trả con tin. Nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào loại bỏ Hamas chỉ bằng vũ lực, cũng như nếu điều này xảy ra thì ai sẽ tiếp quản Gaza. Các quan chức Mỹ và Israel đã bóng gió về một Chính quyền Palestine mới, Ai Cập hoặc một lực lượng đa quốc gia can thiệp và Biden đã kêu gọi Israel không chiếm lãnh thổ này. Tất cả những lựa chọn này đều không phải là lựa chọn tốt. Bất kỳ kế hoạch nào sau này đối với Gaza sẽ cần sự chấp thuận từ giới lãnh đạo Hamas, cần tới một thỏa thuận rằng cánh quân sự và các lực lượng liên kết như Nhóm Hồi giáo Jihad sẽ hạ vũ khí.
        

Sự kiện ngày 7/10 đã khiến giới lãnh đạo Israel tin rằng cần phải tiêu diệt hoàn toàn Hamas, song có rất ít bằng chứng cho thấy Tel Aviv có thể đạt được mục tiêu này. Trong quá khứ, Israel hài lòng với việc gây thiệt hại cho Hamas trước khi thiết lập tình trạng ngừng bắn. Nhưng lần này, Israel không tìm kiếm kiểu chấm dứt thù địch như bốn vòng xung đột trước đó. Cựu nhà ngoại giao Fishere cho rằng lệnh ngừng bắn khả thi duy nhất là sẽ là lệnh ngừng bắn cho phép giải giáp vũ khí của Hamas, đồng thời cho rằng không ai có thể đưa ra lời đề nghị như vậy.
        

Ngoài ra, điểm khác biệt trong cuộc chiến này là này Hamas đang bắt giữ 242 con tin, mang lại lợi thế cho Phong trào Hồi giáo này và gần như ngăn cản Israel đồng ý ngừng tấn công đơn phương vào Gaza. Về mặt công khai, dường như không có con đường nào phía trước: Hamas cho biết họ sẽ không đàm phán về con tin cho đến khi có lệnh ngừng bắn trong khi Israel cho biết họ sẽ chỉ thỏa thuận ngừng bắn với việc thả con tin vô điều kiện. 
        

Những gì được đưa ra là một lệnh ngừng bắn tạm thời, theo đó Hamas đổi các con tin để Israel tạm dừng giao tranh và có thể là thả các tù nhân Palestine. Cơ chế chính xác của các cuộc trao đổi như vậy được giữ bí mật. Thủ tướng Netanyahu nói rằng cuộc tấn công của quân đội Israel sẽ gây áp lực buộc Hamas phải thả các con tin. Nhưng hiện tại, các hoạt động không kích của Israel vào Gaza dường như không khuyến khích Hamas thả con tin. 
        

Tờ "Financial Times" là tờ báo quốc tế đầu tiên kêu gọi ngừng bắn. Cho đến nay, Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Giáo hoàng cũng đã kêu gọi ngừng bắn. Israel kiên quyết bác bỏ những lời kêu gọi này. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể cho thấy sự hỗ trợ quốc tế đang ngày càng giảm đối với chiến dịch quân sự của Israel, điều này dường như đang gây áp lực nhất định lên Biden. Có thể thấy điều đó qua sự thay đổi dần dần trong hành động và giọng điệu của chính quyền của ông. Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi về “nhu cầu cấp bách về việc tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza”. Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông và thúc giục Thủ tướng Israel Netanyahu tạm dừng chiến dịch quân sự để cho phép viện trợ nhân đạo.
        

Không có cách nào dễ dàng để đảm bảo một lệnh ngừng bắn. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ và Israel cùng cảm thấy đã tiêu diệt đủ giới lãnh đạo Hamas và khiến năng lực quân sự của nhóm này bị tác động đủ cũng như có cơ hội để đàm phán về một số hình thức trao đổi con tin. 
        

Mặc dù các lệnh ngừng bắn được đàm phán trước đây được thực hiện ở mức hạn chế nhưng chúng đã mang lại ba bài học mờ nhạt. Thứ nhất, các bên thứ ba như Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là không thể thiếu trong quá trình này. Thứ hai, Mỹ phải đóng một vai trò quan trọng ở "hậu trường". Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất là phải có một bức tranh rõ ràng hơn về những gì sẽ xảy ra sau bất kỳ lệnh ngừng bắn nào./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vox.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage