Tác động đối với chính sách của Tập Cận Bình khi nhiều quan chức "mất tích"

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:41 am(VN)

-

9:41 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tác động đối với chính sách của Tập Cận Bình khi nhiều quan chức "mất tích"

23/09/2023

Theo trang upmedia.mg (Đài Loan) ngày 21/9, có thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đang bị điều tra vì ông đã không xuất hiện trước công chúng trong nửa tháng. Tác giả bài viết cho rằng việc hai ủy viên Quốc vụ Trung Quốc là Tần Cương và Lý Thượng Phúc lần lượt gặp vấn đề thì ít nhiều sẽ có tác động nhất định đến chính sách đối nội, đối ngoại của Tập Cận Bình, đồng thời một số thông lệ hoặc quy định sẽ được điều chỉnh hoặc thay đổi.


Lấy Lý Thượng Phúc làm ví dụ, ông đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt trong thời gian làm Tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị vì lý do mua vũ khí phòng không của Nga. Sau khi được thăng chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3/2023, với mục đích triển khai các cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, Biden từng muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, song không thực hiện được do vấp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung Quốc cũng nhiều lần từ chối yêu cầu đối thoại của Mỹ vì Lý Thượng Phúc vẫn trong danh sách bị trừng phạt. Nếu chính quyền Biden không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ không thể đối thoại trong vòng 5 năm và sẽ khó thiết lập kênh liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước. Trong giai đoạn này, nếu xảy ra vấn đề sẽ không được xử lý thỏa đáng, đây chính là lý do mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nóng lòng gây áp lực với phía Trung Quốc phải gặp Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc là do Quốc hội Mỹ đưa ra và trong bối cảnh tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ hiện nay, Biden cũng không muốn giải quyết vấn đề này.
 

Theo quan điểm của Bắc Kinh, mặc dù việc Lý Thượng Phúc bị đưa vào danh sách trừng phạt có thể coi như một sự sỉ nhục, nhưng Bắc Kinh cũng chơi con bài này theo chiều ngược lại, coi đó như một chiến lược bất đối xứng để đe dọa Mỹ. Bắc Kinh hiểu rằng Austin rất muốn đối thoại với Lý Thượng Phúc, mục đích là để kiểm soát một số vấn đề xảy ra ngoài ý muốn giữa quân đội hai nước và thiết lập quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán trên không và trên biển. Quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành trinh sát chặt chẽ Trung Quốc, điều tàu chiến đi qua Biển Đông và Eo biển Đài Loan với lý do tự do hàng hải, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng không tỏ ra yếu kém mà đã cử máy bay quân sự và tàu chiến giám sát và đánh chặn, tình huống này khiến hai bên có thể xảy ra một số việc ngoài ý muốn. Kể từ tháng 5 đến nay, các vụ đánh chặn thiếu chuyên nghiệp của máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc đã xảy ra ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, suýt dẫn đến va chạm. Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Mỹ mong muốn thiết lập lại quy tắc ứng xử trong các cuộc chạm trán trên không và trên biển giữa quân đội Mỹ và PLA. Trong tương lai, cả hai bên có thể tuân theo quy tắc này để xử lý các vụ việc xảy ra ngoài ý muốn và Mỹ cho rằng bộ quy tắc và quy trình này phải do Mỹ giữ vai trò chủ đạo.
 

Bắc Kinh hiểu rõ điều đó và không muốn bộ trưởng quốc phòng hai nước thảo luận vấn đề này. Do không có bộ quy tắc như vậy để xử lý các cuộc chạm trán trên không và trên biển, PLA có thể theo dõi và đánh chặn máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ theo cách riêng của mình, điều này rất dễ dẫn đến nổ súng, gây ra một số xung đột giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, quân đội Mỹ hay chính quyền Biden hiện nay đều không muốn gây chiến với Trung Quốc ở Biển Đông hay Eo biển Đài Loan nên cần tránh những tình huống bất ngờ như vậy. Bắc Kinh nắm bắt được tâm lý này và phớt lờ mong muốn thảo luận về quy tắc ứng xử từ phía Mỹ. Nhưng nếu không bàn thì phải tìm lý do chính đáng và hình phạt đối với Lý Thượng Phúc đã có sẵn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đang trong danh sách trừng phạt của Mỹ, lại được yêu cầu hợp tác với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, điều này chẳng phải chứng tỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ là hợp lý sao?
 

Có thể suy đoán, Tập Cận Bình thực ra không muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh lệnh trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, ông sẽ không tìm ra lý do chính đáng như vậy để từ chối yêu cầu gặp mặt của hai bộ trưởng quốc phòng. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã thẳng thắn nói rằng nếu Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt thì bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ không thể đàm phán và Mỹ chứ không phải Trung Quốc sẽ là bên chịu thiệt nhất. Chính quyền Biden đương nhiên hiểu ý đồ của Bắc Kinh, nhưng do bị kiềm chế bởi chính trị nội bộ của Mỹ, nên vấn đề hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc buộc phải tạm gác lại.
Hiện nay, có thông tin Lý Thượng Phúc đang gặp vấn đề, nếu một quan chức khác thay thế ông, vấn đề của Biden đương nhiên sẽ được giải quyết, đây là một món quà bất ngờ dành cho nước Mỹ. Điều khiến Tập Cận Bình không vui là công cụ không còn có thể sử dụng được nữa. Tập Cận Bình khó có lý do khác để tiếp tục từ chối cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng hai nước. Nếu bộ trưởng quốc phòng hai nước nối lại đối thoại, đây sẽ là một khía cạnh tác động của vụ việc Lý Thượng Phúc đến chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình.

 

Tác động đối với PLA có thể bao gồm việc tăng cường quản lý quy trình hoặc bổ sung một số liên kết giám sát trong việc mua sắm vũ khí. Bên ngoài sẽ không biết được chính xác những vấn đề bộc lộ trong việc mua sắm vũ khí sẽ được khắc phục như thế nào, nhưng sự điều chỉnh là chắc chắn. Tất nhiên, đây không phải là sự thay đổi lớn trong chính sách của PLA mà là sự thay đổi về những vấn đề và thực tiễn cụ thể.
 

Xét một cách tương đối, tác động của việc Tần Cương bị miễn nhiệm đối với chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình không trực tiếp và rõ ràng như chính sách quốc phòng của Lý Thượng Phúc. Do Tần Cương mới giữ chức ngoại trưởng được nửa năm nên phong cách ngoại giao của ông vẫn chưa hình thành, nên dù có tác động thì cũng rất ít. Điều này cho thấy tác động của việc một quan chức cấp cao bị miễn nhiệm vì lý do bất thường đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Tập Cận Bình phụ thuộc vào tầm quan trọng của con người, chức vụ và không thể khái quát hóa được.
 

Tất nhiên, tác động này ở một khía cạnh cụ thể chứ không phải đến sự phát triển, định hướng của đất nước, trừ khi vấn đề là do một thành viên Thường vụ Bộ Chính trị gây ra. Nhưng ngay cả đối với một thành viên Thường vụ, điều đó còn phụ thuộc vào lĩnh vực mà người đó chịu trách nhiệm, vai trò của người đó cũng như ảnh hưởng của người đó trong hệ thống ra quyết định trong đảng và đất nước. Nói chung, quyền quyết định của đảng và đất nước tập trung trong tay Tập Cận Bình. Với việc một mình nhà lãnh đạo này đưa ra mọi quyết định, quyền lực của các quan chức cấp cao khác đã bị suy yếu và việc ra quyết định cũng bị hạn chế, đặc biệt là về phương hướng phát triển đất nước, phương châm các chính sách lớn và một số vấn đề quan trọng nhất định, về cơ bản không bị ảnh hưởng do những thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực chính sách cụ thể sẽ ít nhiều có tác động sau khi thay đổi nhân sự do tham nhũng hoặc các vấn đề chính trị khác./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn upmedia.mg

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage