Bức tranh toàn cảnh về tình hình địa chính trị ở Biển Đông

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:15 am(VN)

-

7:15 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bức tranh toàn cảnh về tình hình địa chính trị ở Biển Đông

04/10/2023

Trang mạng geopoliticalmonitor.com mới đây đăng bài viết có tựa đề “Thế trận biển: Tình hình địa chính trị ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”. Nội dung bài viết như sau.


Biển Nam Trung Hoa là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. Với nguồn thủy sản dồi dào, biển Nam Trung Hoa chiếm khoảng 12% tổng sản lượng cá đánh bắt toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực. Ngoài ra, vùng biển này còn có trữ lượng lớn dầu và khí đốt tự nhiên chưa được khai thác, ước tính chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190.000 tỷ foot khối khí đốt tự nhiên. Những nguồn tài nguyên này đóng góp vào sự giàu có và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia giáp ranh.


Biển Nam Trung Hoa còn có tầm quan trọng chiến lược đối với thương mại quốc tế, đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch thiết yếu phục vụ hơn 1/3 lượng phương tiện vận tải trên biển toàn cầu, vận chuyển lượng hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỷ USD hằng năm, và kết nối các nền kinh tế lớn ở châu Á với các thị trường ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Do đó, biển Nam Trung Hoa trở thành nơi các nước đưa ra các yêu sách lãnh thổ cạnh tranh nhau, thực hành quyền tài phán chồng chéo và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.


Những vấn đề lịch sử phức tạp liên quan đến biển Nam Trung Hoa xuất hiện cách đây nhiều thế kỷ. Nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đang tranh giành chủ quyền đối với nhiều đảo và rạn san hô. Sự cạnh tranh này đã tạo ra những tranh chấp phức tạp, vốn được cho là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố như cách diễn giải lịch sử, lòng tự tôn dân tộc và lợi thế chiến thuật. Sự tham gia của các cường quốc toàn cầu quan trọng như Mỹ sẽ bổ sung thêm nhiều khía cạnh vào vấn đề vốn đã bao gồm nhiều mặt này.


Trong bối cảnh của những mối quan hệ phức tạp này, vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu Philippines trong khu vực tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa mới đây được xem là tâm điểm đáng lo ngại. Sự cố này không phải là hiện tượng bất thường, nhưng phản ánh tình trạng căng thẳng tiềm ẩn khó lường đang lan rộng khắp khu vực. Đó là bằng chứng cụ thể cho thấy mối liên hệ giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và lực lượng dân quân biển, làm sáng tỏ định hướng chiến lược của Trung Quốc và cho thấy rủi ro ngày càng tăng trong lĩnh vực hàng hải.


Bài viết này sẽ tìm hiểu chi tiết sự việc trên, xem xét kỹ lưỡng tầm quan trọng và đặt nó trong khuôn khổ mở rộng hơn của tình hình an toàn khu vực. Luận điểm chính cho rằng khả năng xảy ra xung đột quân sự còn hạn chế ở biển Nam Trung Hoa dễ nhận thấy hơn là tranh chấp về Đài Loan.


Đối đầu Trung Quốc-Philippines báo hiệu một kỷ nguyên mới nguy hiểm


Ngày 5/8, vốn có thể được xem là thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột ở biển Nam Trung Hoa, một tàu Philippines, được giao nhiệm vụ tiếp tế cho một tiền đồn ở xa trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, đã vấp phải sự cản trở của tàu Trung Quốc. Trong nhóm tàu của Trung Quốc, có ít nhất 2 tàu vỏ xanh đáng chú ý, tương tự như tàu đánh cá, ám chỉ mối liên hệ của chúng với lực lượng dân quân biển. Cuộc đối đầu leo thang khi một tàu hải cảnh Trung Quốc chĩa vòi rồng vào tàu nhỏ hơn của Philippines, đây là một hành động mang tính gây hấn.


Tài liệu video do Philippines cung cấp đã mang lại bức tranh rõ ràng về sự kiện này, không chỉ vạch trần chiến thuật hung hăng của tàu Trung Quốc mà còn cho thấy một điều đáng chú ý hơn: bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng dân quân biển được gọi là “nhóm người trên tàu vỏ xanh” của Bắc Kinh. Sự tồn tại của những con tàu vỏ xanh này, được các nhà phân tích xem là một yếu tố trong cách tiếp cận chiến tranh nhiều mặt của Trung Quốc, làm dấy lên nhiều nghi vấn về động cơ của Trung Quốc và sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước vào các tranh chấp hàng hải.


Tác động của sự cố này lan rộng hơn tranh chấp trước mắt, ra khắp khu vực và toàn cầu. Nó làm tăng thêm sự xích mích và mối nghi ngờ vốn có giữa Trung Quốc và Philippines, bổ sung một khía cạnh mới vào ma trận phức tạp của các cuộc xung đột ở biển Nam Trung Hoa. Vụ việc làm rõ hơn những điểm dễ bùng nổ trong khu vực, nhấn mạnh sự tương tác phức tạp giữa quyền lực, sự thống trị và sự liên kết chiến lược.


Hơn nữa, vụ việc này còn là dấu hiệu rõ ràng về sự cân bằng mong manh và có khả năng phát triển thành một cuộc xung đột lớn hơn. Việc sử dụng các nguồn lực hải quân phi truyền thống, chẳng hạn như lực lượng bị nghi ngờ là dân quân biển, nhấn mạnh tính chất đang thay đổi của các bất đồng trên biển cũng như sự cần thiết của việc nắm bắt các thực thể và động lực khác nhau.


Vụ việc ngày 5/8 liên quan đến tàu Trung Quốc và Philippines ở biển Nam Trung Hoa không phải là trường hợp cá biệt, mà là biểu hiện của căng thẳng địa chính trị ngày càng lan rộng. Đó là ví dụ minh họa cho tính chất đa dạng của các cuộc tranh chấp trong khu vực, đồng thời mang lại hiểu biết sâu sắc về phương pháp chiến lược của Trung Quốc và khả năng leo thang. Sự việc này nhấn mạnh tính cấp bách của các cuộc thảo luận ngoại giao, các biện pháp xây dựng lòng tin và sự hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn các hành động thù địch tiếp theo và duy trì môi trường biển ổn định, bình yên.


Đánh giá triển vọng đối đầu ở Biển Đông


Biển Nam Trung Hoa, với đặc trưng là các yêu sách lãnh thổ chồng chéo và ý nghĩa chiến lược, là khu vực chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp và mối bất hòa tiềm ẩn. Vụ việc ngày 5/8 liên quan đến các tàu Trung Quốc và Philippines đã gói gọn một loạt tranh chấp ở khu vực lân cận, đồng thời đóng vai trò là tín hiệu cảnh báo và phản ánh tình trạng căng thẳng vốn có.


Trong lịch sử, biển Nam Trung Hoa là nơi chứa đựng sự bất đồng và đối kháng. Lập trường rõ ràng của Trung Quốc, các công sự trên các đảo nhân tạo, sự giám sát hải quân toàn diện và sự bất đồng mang tính lịch sử với các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đã tạo ra một kịch bản dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng nghiêm trọng do vô tình hay cố ý.


Đối với các bên tham gia trong khu vực, rủi ro là rất lớn. Các quốc gia bao gồm Philippines, Việt Nam và Malaysia luôn quan ngại về việc bảo vệ sự gắn kết lãnh thổ và khả năng tiếp cận các mặt hàng tự nhiên thiết yếu. Với vai trò duy trì trạng thái cân bằng trong khu vực, Mỹ ủng hộ yêu sách của một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc, tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và duy trì các cam kết theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 với Philippines. Hiệp ước này, quy định việc hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công, làm tăng tính phức tạp của các tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa.


Những yếu tố có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự có giới hạn ở biển Nam Trung Hoa bao gồm:


Sự leo thang không chủ ý: Các cuộc chạm trán cự ly gần giữa các tàu quân sự, như đã thấy trong vụ việc gần đây, có thể vô tình trở nên gay gắt hơn nếu không được kiểm soát thỏa đáng.


Sự khiêu khích có chủ ý: Cử chỉ có chủ ý của một thực thể nhằm đánh giá quyết tâm của một thực thể khác có thể gây ra hành động trả đũa và khiến căng thẳng leo thang.


Sự bế tắc về pháp lý và ngoại giao: Việc không thể giải quyết tranh chấp thông qua các con đường pháp lý và ngoại giao có thể dẫn đến những quan điểm cứng rắn hơn và xu hướng sử dụng biện pháp cưỡng ép ngày càng tăng.


Sự xâm nhập từ bên ngoài: Sự tham gia của các cường quốc bên ngoài có thể gây ra căng thẳng và làm nảy sinh những động lực bất thường.


Tình hình địa chính trị phức tạp ở biển Nam Trung Hoa, xen lẫn với căng thẳng lịch sử, tranh chấp lãnh thổ, kế hoạch và lợi ích của các bên tham gia trong khu vực, khiến khả năng xảy ra xung đột quân sự trở nên đáng báo động. Cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Philippines nhấn mạnh một cách sinh động rằng căng thẳng có thể tăng nhanh đến mức độ nào. Để ngăn chặn một cuộc xung đột như vậy, tất cả các bên liên quan buộc phải bắt tay vào đối thoại thực chất, nuôi dưỡng lòng tin, xây dựng các biện pháp ngăn chặn xung đột và tuân thủ luật pháp quốc tế.


Biển Đông và Đài Loan: Đánh giá khả năng xung đột lớn hơn


Trong bối cảnh địa chính trị Đông Á đầy biến động, vấn đề biển Nam Trung Hoa và Đài Loan dẫn đến những kịch bản tương phản, phản ánh sự phức tạp hơn nữa của vấn đề quyền lực khu vực, di sản lịch sử và lợi ích chiến lược.


Vấn đề Đài Loan, bắt nguồn từ xung đột lịch sử và chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan, cho thấy sự cân bằng mong manh, được duy trì thông qua ngoại giao thận trọng và sự kiềm chế mang tính chiến lược. Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện những lời đe dọa, nhưng cả hai bên đều thể hiện thái độ sẵn sàng duy trì hiện trạng cũng như thừa nhận hậu quả thảm khốc mà một cuộc xung đột về Đài Loan có thể gây ra.


Trong khi đó, biển Nam Trung Hoa dẫn đến một kịch bản bất ổn và khó lường hơn. Khu vực này có đặc trưng là các tranh chấp nhiều mặt liên quan đến một số quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc bên ngoài, chẳng hạn như Mỹ. Các yêu sách lãnh thổ chồng chéo, các lợi ích chiến lược, cuộc cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên và tiến trình củng cố sức mạnh quân sự đầy quyết đoán của Trung Quốc đã dẫn đến một môi trường phức tạp và thường xuyên căng thẳng. Vụ việc ngày 5/8 giữa Trung Quốc và Philippines càng nhấn mạnh tính chất bấp bênh của những tranh chấp này, phản ánh mô hình leo thang có thể dẫn đến xung đột.


Góp phần làm tăng tính chất phức tạp này là mạng lưới lợi ích và liên minh phức tạp, bao gồm cả các nghĩa vụ hiệp ước như Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 với Philippines, khiến tình hình biển Nam Trung Hoa thêm phức tạp, làm tăng khả năng leo thang một cách vô ý và làm phát sinh các hành động cố ý khiêu khích.


Đánh giá dựa trên việc so sánh vấn đề biển Nam Trung Hoa với vấn đề Đài Loan cho thấy những diễn biến đa sắc thái vượt ra ngoài phạm vi các tranh chấp lãnh thổ đơn thuần. Trong khi vấn đề Đài Loan đã được giải quyết thông qua kiềm chế chiến lược và áp lực quốc tế, thì vấn đề biển Nam Trung Hoa, với nhiều bên tham gia, các lợi ích xung đột nhau và các sự cố xảy ra gần đây, cho thấy kịch bản xung đột dễ xảy ra hơn.


Tóm lại, mặc dù biển Nam Trung Hoa và Đài Loan đều là những điểm nóng đáng chú ý trong cục diện địa chính trị Đông Á, nhưng phân tích chỉ ra rằng khả năng xảy ra xung đột vũ trang rõ ràng hơn ở biển Nam Trung Hoa. Đánh giá này kêu gọi phải có các cơ chế ngăn chặn xung đột mạnh mẽ, sự can dự ngoại giao một cách thận trọng, cũng như sự tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực và hiệp ước quốc tế.


Điều hướng sự đối đầu tiềm ẩn ở Biển Đông


Sự đối đầu tiềm ẩn ở biển Nam Trung Hoa, được nhấn mạnh bởi các sự kiện như cuộc đối đầu ngày 5/8, vượt ra ngoài sự hiểu biết đơn giản trong khu vực. Nó thể hiện sự tương tác nhiều mặt của mối thù lịch sử, khát vọng lãnh thổ, động cơ chiến lược và các cam kết quốc tế. Tác động mang tính sâu rộng, len lỏi vào các lĩnh vực khu vực và quốc tế, do vậy phải có sự nỗ lực và phối hợp để giảm thiểu tác động đó.


Một cuộc xung đột quân sự có giới hạn ở biển Nam Trung Hoa chắc chắn sẽ phá vỡ sự cân bằng trong khu vực. Hậu quả trước mắt sẽ là về kinh tế, với ảnh hưởng đáng kể đến các tuyến thương mại thiết yếu có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Việc tiếp cận nguồn thủy sản và dự trữ năng lượng, vốn không thể thiếu trong việc bảo vệ nguồn cung thực phẩm và năng lượng cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hậu quả chính trị có thể làm tăng tình trạng căng thẳng hiện có, làm suy yếu các nỗ lực hợp tác khu vực và làm giảm niềm tin giữa các quốc gia đang kiên trì giải quyết những tranh cãi về lãnh thổ.


Tác động thứ cấp sẽ không tập trung vào khu vực. Bất hòa công khai ở biển Nam Trung Hoa có thể gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế ở giai đoạn sự hợp tác toàn cầu là hết sức quan trọng. Các cường quốc vượt trội, như Mỹ và Trung Quốc, vốn có những lợi ích được đảm bảo trong khu vực, có thể làm xáo trộn các khuôn khổ an ninh và tài chính toàn cầu. Nguy cơ căng thẳng gia tăng, có khả năng lôi kéo sự can dự của các cường quốc khác và ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, góp phần làm tăng tính phức tạp của tình hình và do đó nhấn mạnh tính cấp bách của các biện pháp phòng ngừa.


Trước những nguy cơ đáng kể, chiến thuật phòng ngừa là không thể thiếu. Những chiến thuật đó có thể bao gồm:


Can dự ngoại giao, bao gồm cả việc tham gia các cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả giữa các bên tranh chấp, có sự tham gia của các trọng tài khách quan nếu được yêu cầu.


Thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm cả việc áp dụng các thủ tục để tăng cường tính minh bạch, sự liên lạc và tin cậy lẫn nhau giữa các thực thể trong khu vực.


Tuân thủ các thông lệ quốc tế, bao gồm cả việc tuân thủ và củng cố Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng.


Hợp tác khu vực, bao gồm cả việc củng cố các tổ chức và khuôn khổ khu vực để khuyến khích hợp tác và phân xử tranh chấp một cách hòa bình.


Tóm lại, khả năng xảy ra xung đột ở biển Nam Trung Hoa là mối nguy hiểm thực sự với hậu quả sâu rộng. Cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Philippines là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình hình căng thẳng có thể leo thang nhanh chóng như thế nào. Bằng cách thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề phức tạp và tiến hành giải quyết một cách thận trọng và có trách nhiệm, cộng đồng quốc tế có thể nỗ lực hướng tới một môi trường biển an toàn và ổn định. Những chiến lược giảm nhẹ hậu quả này có vai trò quan trọng trong việc điều hướng sự đối đầu tiềm ẩn ở khu vực biển Nam Trung Hoa đầy biến động.


Nhìn Biển Đông qua lăng kính địa chính trị


Tầm quan trọng của biển Nam Trung Hoa vượt ra ngoài phạm vi biên giới các nước lân cận, ảnh hưởng đến những khu vực địa chính trị rộng lớn hơn, và là hình ảnh thu nhỏ của sự tổng hòa những mong muốn, trở ngại và triển vọng. Được xem là chiến trường chiến lược, biển Nam Trung Hoa thu hút những động thái có tính toán của các cường quốc hàng đầu, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, vốn có mục tiêu riêng và đang triển khai các cách tiếp cận riêng.


Mỹ đã theo đuổi các chính sách nhằm duy trì cán cân quyền lực và luật pháp quốc tế trong khu vực thông qua các hiệp định như Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 với Philippines và các hoạt động tự do hàng hải. Trong khi đó, Trung Quốc đã có những hành động quyết đoán, tăng cường quân sự và theo đuổi các yêu sách lãnh thổ, phản ánh lợi ích của nước này trong việc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Các chủ thể khác trong khu vực như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ, với những lợi ích được đảm bảo ở biển Nam Trung Hoa, cũng đóng vai trò nhất định trong bối cảnh địa chính trị nhiều mặt, khiến bối cảnh thêm phức tạp.


Các xu hướng địa chính trị không ngừng phát triển cung cấp những hiểu biết có giá trị về phương hướng của các tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, việc tái tổ chức các liên minh, những đổi mới trong công nghệ hàng hải và những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu đều là những yếu tố quan trọng quyết định vận mệnh khu vực. Những biến động ở biển Nam Trung Hoa không tồn tại biệt lập, mà gắn liền với những biến động rộng lớn hơn về sức mạnh và sự thống trị quốc tế.


Tuy nhiên, biển Nam Trung Hoa không chỉ là địa điểm tranh chấp, mà còn phản ánh triển vọng hợp tác và sự thịnh vượng chung. Những bất đồng dai dẳng về vấn đề lãnh thổ, những lo ngại về hệ sinh thái và nạn cướp biển đặt ra những thách thức, nhưng những nỗ lực trong khu vực, các sáng kiến hợp tác phát triển và các thỏa thuận an ninh hợp tác có khả năng thay đổi. Khả năng biến biển Nam Trung Hoa từ chỗ là biểu tượng xung đột thành biểu tượng của sự hợp tác và hội nhập khu vực là tầm nhìn có thể thành hiện thực.


Tóm lại, biển Nam Trung Hoa có vị thế quan trọng trong cục diện địa chính trị khu vực và quốc tế, phản ánh lăng kính vạn hoa về lợi ích và bối cảnh nhiều sắc thái. Quỹ đạo tương lai của vùng biển này dễ bị ảnh hưởng, được định hình bởi các lựa chọn, chiến lược và sự tham gia của các chủ thể khu vực và toàn cầu. Việc nắm rõ tình hình hiện tại và nhận ra các cơ hội hợp tác cùng có lợi có vai trò quan trọng trong việc điều hướng cục diện địa chính trị nhiều mặt thời hiện đại. Quỹ đạo tương lai của biển Nam Trung Hoa đòi hỏi phải có sự điều hướng và sự dự đoán một cách khôn ngoan, cũng như cam kết không đổi về hòa bình và ổn định./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn geopoliticalmonitor.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage