Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam. Điều đáng quan tâm nhất trong chuyến thăm lần này của Biden là việc Mỹ và Việt Nam đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương từ “quan hệ đối tác toàn diện” lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Các quan chức Mỹ tuyên bố Mỹ và các đối tác có thể giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Mục đích của Mỹ khi tặng tàu tuần tra cho Việt Nam là muốn dựa vào điều này để can dự và gây bất ổn ở Nam Hải (Biển Đông), Việt Nam lại lợi dụng tâm lý này của Mỹ để giành lấy một số trang thiết bị quân sự, mỗi bên đều có mục đích riêng và điều này không có lợi cho hòa bình và ổn định của Nam Hải.
Mỹ liên tục viện trợ trang thiết bị quân sự để lôi kéo Việt Nam
Theo nguồn thạo tin, một trong những mục đích mà chuyến thăm đạt được là giúp Việt Nam mở rộng nguồn cung vũ khí. Trên máy bay tới Việt Nam cùng Biden, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Feiner đã chỉ ra rằng lĩnh vực an ninh cũng thuộc cấp độ hợp tác của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt. Ông cho biết chưa có thỏa thuận vũ khí song phương nào được công bố trong giai đoạn này, nhưng Mỹ và các đối tác hợp tác của mình có thể giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Mặc dù Mỹ và Việt Nam từng đối đầu với nhau trong chiến tranh, quan hệ như nước với lửa, nhưng cùng với thời gian, tuy vẫn còn nhiều di chứng của chiến tranh, nhưng hai bên đã dần xích lại gần nhau dưới sự thúc đẩy của một số lợi ích chung. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Việt đang được cải thiện, hợp tác trong lĩnh vực quân sự cũng đang được tiếp xúc một cách “thận trọng”. Năm 2007, Mỹ sửa đổi các điều khoản mua bán vũ khí, cho phép bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2007-2010, Mỹ đã bán vật tư quốc phòng trị giá 98,5 triệu USD cho Việt Nam.
Năm 2014, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, cho phép bán vũ khí, khí tài liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam. Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, tuy nhiên “sẽ xét duyệt từng giao dịch cụ thể”, đây là động thái mang tính đột phá, sau đó Mỹ tặng Việt Nam chiếc tàu tuần tra đã loại biên. Ngày 15/12/2017, tàu tuần tra USCGC Morgenthau do Mỹ trao tặng đã đến Việt Nam. Tàu tuần tra này phục vụ trong Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 của Cảnh sát biển Việt Nam và được mang số hiệu CSB8020.
Tàu Morgenthau thuộc lớp tàu tuần tra Hamilton của Mỹ, được đưa vào sử dụng năm 1969, dài 115mét, có lượng giãn nước đủ tải 3.250 tấn, được trang bị pháo chủ lực 76mm, pháo phòng thủ tầm gần Phalanx 20 mm và máy bay trực thăng, tương đương với tàu khu trục pháo binh. Đối với Việt Nam, tàu tuần tra "Morgenthau" được coi là tàu lớn thực sự, lớn hơn gần 1.000 tấn so với tàu hộ vệ tên lửa lớp Cheetah của Việt Nam. Điều đáng nói là tàu tuần tra Morgenthau từng tham gia chiến tranh Việt Nam, đánh chìm và làm hư hại nhiều tàu của miền Bắc Việt Nam.
Tháng 5/2020, Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ 2 (John Midgett) do Mỹ tặng, sau đó Việt Nam đổi tên thành CSB8021. Mỹ đã quyết định tặng Việt Nam tàu tuần tra thứ 3 thuộc lớp này (USS Mellon) nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao. Xét từ hình ảnh do Việt Nam công bố, tàu tuần tra Mỹ trao tặng đã loại bỏ pháo phòng thủ tầm gần Phalanx và radar nhưng vẫn giữ lại pháo chủ lực 76mm, Việt Nam cũng không bổ sung thêm loại vũ khí nào.
Ngoài tàu tuần tra, Mỹ còn tặng cho Việt Nam hơn 10 tàu tuần tra lớp Metal Shark do công ty đóng tàu Metal Shark ở bang Louisiana, Mỹ sản xuất và cũng được trang bị cho Lực lượng tuần duyên Mỹ, tàu có tốc độ tối đa 70km/h, động cơ linh hoạt và có thể chở tối đa 10 thuyền viên.
Mỗi bên đều có ý đồ riêng, cơ sở của hợp tác quân sự rất mong manh
Nếu việc tặng tàu tuần tra thuộc phạm trù hợp tác trên lĩnh vực an ninh, thì việc cung cấp máy bay huấn luyện, ngầm cho phép Israel bán vũ khí cho Việt Nam thuộc phạm trù giao dịch vũ khí. Sau khi hoàn tất việc trao tặng tàu tuần tra, Việt Nam bắt đầu tìm kiếm máy bay huấn luyện sơ cấp của Mỹ. Năm 2021, Không quân Mỹ đồng ý bán 3 máy bay huấn luyện sơ cấp dòng T-6 cho Việt Nam, và theo thông tin được công bố khi đó, còn kèm theo cả hoạt động đào tạo phi công và cung cấp phụ tùng thay thế, dự kiến việc bàn giao máy bay sẽ diễn ra từ giữa năm 2023.
T-6 là máy bay huấn luyện sơ cấp có 1 động cơ tuabin do công ty Hawker Beechcraft của Mỹ nghiên cứu và chế tạo, chủ yếu được sử dụng cho các học viên phi công học các kỹ năng bay cơ bản. Trên thực tế, máy bay này có nguồn gốc từ máy bay huấn luyện PC-9 của Thụy Sĩ, đây là loại máy bay huấn luyện sơ cấp nổi tiếng quốc tế và được Không quân Mỹ đặt tên là T-6 Texan II. Máy bay T-6 được sản xuất và cất cánh lần đầu tiên vào năm 1998, chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Mỹ vào năm 2000.
Lần này Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ song phương từ “quan hệ đối tác toàn diện” lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Mỹ còn tuyên bố sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Điều này cho thấy sự hợp tác quân sự giữa hai nước có thể được nâng cấp hơn nữa trong tương lai, vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Việt Nam không chỉ là tàu tuần tra, khí tài sơ cấp như hiện nay nữa, mà còn có thể bao gồm vũ khí có tính sát thương như pháo, tên lửa và máy bay tuần tra chống tàu ngầm.
Khí tài mà Hải quân Việt Nam hiện muốn sở hữu nhất là máy bay tuần tra chống ngầm cỡ lớn, Mỹ có thể sẽ cung cấp cho Việt Nam máy bay tuần tra chống ngầm P-3C đã loại biên trong thời gian tới. Trước đó, có phương tiện truyền thông đưa tin Việt Nam có kế hoạch mua 6 máy bay tuần tra hàng hải P-3C đã qua sử dụng của Mỹ để tuần tra bờ biển dài 3.500 km và vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Mỹ đã tán thành với kế hoạch này của Việt Nam, thậm chí còn đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi.
P-3C là máy bay tuần tra chống ngầm đa năng do Mỹ nghiên cứu, chế tạo thành công trong những năm 1960. Máy bay này trang bị 4 động cơ, có tầm hoạt động tối đa gần 9.000km và được trang bị các thiết bị chống tàu ngầm như radar, quang điện, phao siêu âm và máy dò từ tính…, có thể mang theo các loại vũ khí chống tàu ngầm như ngư lôi, bom chìm. Nếu cần thiết nó còn có thể mang theo tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa không đối đất Maverick và thủy lôi, thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên biển và rải thủy lôi, là máy bay tuần tra chống ngầm đa năng với tính năng vượt trội, không chỉ được trang bị số lượng lớn cho Hải quân Mỹ mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Australia. Sau khi thế hệ máy bay tuần tra chống ngầm mới P-8A được đưa vào sử dụng, P-3C về cơ bản đã được cho dừng hoạt động, những chiếc P-3C đã qua sử dụng này cũng trở thành công cụ để Mỹ lôi kéo một số nước và vùng lãnh thổ. Một số máy bay P-3C được tân trang lại để bán, một số dùng để tặng cho các nước khác như món quà để đổi lại được tham gia cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Máy bay tuần tra hiện được quân đội Việt Nam trang bị là máy bay M-28 được nhập khẩu từ Ba Lan. Năm 2003, Việt Nam đạt được thỏa thuận với Ba Lan nhập khẩu 10 máy bay tuần tra biển M-28 từ Ba Lan, đây là loại máy bay tuần tra cỡ nhỏ được cải tiến dựa trên máy bay vận tải An-28 của Liên Xô, có tầm bay khoảng 1.500km. Vì là máy bay tuần tra cỡ nhỏ nên chỉ được trang bị radar ARS-400 và không có các thiết bị chống ngầm như máy dò từ tính, phao siêu âm, hơn nữa tầm phát hiện tối đa của radar chỉ khoảng 160 km. Khó có thể hoàn thành nhiệm vụ ở khu vực Nam Hải rộng lớn cho dù là về khoảng cách bay hay năng lực của hệ thống thăm dò, hầu như không có khả năng chống ngầm. Nếu Việt Nam có được P-3C, thì phạm vi và thời gian tuần tra sẽ được mở rộng đáng kể, khả năng chống tàu ngầm trên không cũng sẽ được cải thiện.
Ngoài máy bay tuần tra chống ngầm, Việt Nam còn có thể mua các loại vũ khí như radar cảnh báo sớm, máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C đã qua sử dụng, radar chống pháo và tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. Đây đều là những loại vũ khí mà quân đội Việt Nam đang thiếu và muốn trang bị bổ sung. Ví dụ như radar chống pháo, Việt Nam đã chịu tổn thất rất lớn do radar chống pháo trong chiến tranh, thậm chí hiện nay chưa có radar chống pháo hiện đại. Vì vậy, việc Việt Nam có trang bị các loại radar chống pháo hiện đại do Mỹ nghiên cứu và chế tạo như AN /TPQ-53 và AN/TPQ-37 trong tương lai hay không là vấn đề đáng để quan tâm.
Phần lớn trang thiết bị vũ khí của quân đội Việt Nam đều do Liên Xô sản xuất. Với tư cách là đồng minh của nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam số lượng lớn vũ khí. Sau Chiến tranh Lạnh, Nga với tư cách là nước kế thừa Liên Xô đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, ví dụ như số lượng lớn các loại vũ khí chủ lực hiện đại như máy bay chiến đấu Su-30, tàu hộ vệ lớp Cheetah, tàu ngầm lớp Kilo, xe tăng T-90, tên lửa phòng không S-300… đều được mua từ Nga. Mỹ tuyên bố sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, nhưng tuyên bố này có chút cường điệu, bởi quân đội Việt Nam vẫn phải dựa vào Nga trong việc hậu cần, bảo trì một số lượng lớn vũ khí chiến đấu chủ lực. Chi phí thay thế vũ khí của Nga bằng vũ khí phương Tây rất lớn, không chỉ tốn kém mà cần thời gian để vũ khí phương Tây hình thành khả năng tác chiến, đồng thời hệ thống huấn luyện cũng phải thay đổi rất nhiều.
Vũ khí phương Tây mà Việt Nam mua nhiều nhất là tên lửa phòng không và bệ phóng tên lửa của Israel. Ngoài nỗ lực đa dạng hóa nguồn vũ khí, Việt Nam còn thông qua việc mua vũ khí để đạt được một số yêu cầu chính trị, đó là lợi dụng sức mạnh của các nước lớn để tìm kiếm sự cân bằng. Vì vậy, Việt Nam không những sẽ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga trong thời gian dài tới, mà cơ sở hợp tác mang mục đích riêng của Việt Nam và Mỹ cũng sẽ hạn chế sự triển khai hợp tác quân sự giữa hai nước./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn thepaper.cn