Thời khắc khó khăn của Ukraine trên nhiều mặt trận

Thứ Sáu, 16/05/2025

5:00 am(VN)

-

8:00 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Thời khắc khó khăn của Ukraine trên nhiều mặt trận

06/10/2023

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times số ra ngày 26/9 nhận định khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, người Mỹ ngày càng nghi ngờ về vấn đề viện trợ được yêu cầu. Ở châu Âu, mối quan hệ của Ukraine với Ba Lan và các nước láng giềng khác đã trở nên căng thẳng. Nội dung bài báo như sau.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trở về nhà sau chuyến công du Bắc Mỹ kéo dài một tuần với tâm trạng lạc quan. Ông giữ vị trí trung tâm tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông đã làm gia tăng sự ủng hộ đối với Ukraine ở Mỹ, nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của ông. Và ở Canada – quê hương của cộng đồng người Ukraine lớn thứ hai thế giới – Thủ tướng Justin Trudeau đã cố gắng tận dụng sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Zelensky.


Tuy nhiên, những thành tựu trong các chuyến công du nước ngoài của Zelensky chỉ mang tính nhất thời. Trên thực tế, khi Ukraine đang phải chiến đấu trong một cuộc chiến tranh tiêu hao đẫm máu chống lại Nga, nước này cũng phải đối mặt với một cuộc chiến ngoại giao đầy mệt mỏi để duy trì sự hỗ trợ về chính trị và kinh tế. Và khi một thắng lợi quân sự vẫn còn khó nắm bắt, thì thành công về ngoại giao cũng khó được đảm bảo. Hãy lấy sự hiện diện của Zelensky tại Liên hợp quốc làm ví dụ. Với sự giúp đỡ của những người phương Tây ủng hộ Ukraine, nhà lãnh đạo nước này mới vượt qua được sự phản đối của Nga để phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


Zelensky đã khéo léo tận dụng cơ hội này để nêu quan điểm rằng Ukraine có thể vượt xa mục tiêu trước mắt là chiếm ưu thế trong cuộc chiến bằng cách đóng góp nhiều hơn vào an ninh toàn cầu. Ông đã dành phần lớn bài phát biểu của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để kêu gọi cải tổ cơ quan quốc tế này, đặc biệt là các thủ tục bỏ phiếu phủ quyết đáng hổ thẹn của tổ chức này.


Zelensky cũng nỗ lực hết sức hòng lôi kéo các quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latinh mà cho đến nay vẫn từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì hành động tấn công Ukraine của nước này. Một cuộc gặp tại Liên hợp quốc với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người thường xuyên chọc giận các chính phủ phương Tây khi tuyên bố rằng Nga và Ukraine cùng chịu trách nhiệm đối với cuộc xung đột này, đã được người Ukraine ca ngợi là một thành tựu nổi bật.


Tuy nhiên, ngoài bức ảnh Zelensky bắt tay Lula với khuôn mặt lạnh lùng, người Ukraine không nhận được sự hỗ trợ mới từ các nước đang phát triển. Hầu hết các quốc gia này không cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có điểm gì khác biệt so với vô số cuộc chiến tranh hoặc xung đột chưa được giải quyết trên khắp thế giới. Và – trước sự thất vọng tràn trề của Ukraine – sự tuyên truyền của Nga rằng người Ukraine phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu hàng hóa và lạm phát lương thực tăng vọt đã thu hút sự chú ý của công chúng ở thế giới đang phát triển.


Sự bất lực dai dẳng của Ukraine trong việc thu phục thế giới đang phát triển đồng nghĩa với việc bất chấp các nỗ lực của phương Tây, Nga không hề bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Đúng là Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận thấy khó khăn khi đi đến một nước mà ông thậm chí không có nguy cơ bị bắt giữ theo lệnh của Tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại không gặp vấn đề gì khi công du nước ngoài.


Và ảnh hưởng của Nga ở châu Phi không hề suy giảm mà đang tăng lên. Trong bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ukraine tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ đa số các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc ấn nút biểu quyết tại Đại hội đồng lại mang tính tương đối “miễn phí”.


Những thay đổi trong sự ủng hộ của Mỹ


Các cuộc gặp của Zelensky ở Washington mang lại kết quả ngọt ngào lẫn cay đắng. Một mặt, ông nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong khi ở chuyến đi đến Washington vào năm 2022, Tổng thống Zelensky đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ và được đón nhận nồng nhiệt với những tràng pháo tay liên tục, thì trong chuyến đi này, yêu cầu của ông về việc được phát biểu trước Quốc hội Mỹ đã bị Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy từ chối vì lo sợ rằng một cử chỉ như vậy có thể gây ra cuộc nổi loạn trong hàng ngũ đảng Cộng hòa.


Thay vào đó, Zelensky được các nhà lãnh đạo quốc hội tiếp đón trong một cuộc gặp riêng, nơi không cho phép các phóng viên truyền thông chụp ảnh. Và nhà lãnh đạo Ukraine đã phải đọc bài phát biểu quan trọng của mình ở Washington tại một hội trường thuộc Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ – bối cảnh hoành tráng nhưng khó có thể cho thấy sự liên quan chính trị hiện tại. Tuy nhiên, những thay đổi chính trị này là không đáng kể, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Trong 18 tháng chiến tranh vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn tổng cộng 119 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, và các nhà lập pháp gần như chắc chắn sẽ chấp thuận yêu cầu mới nhất của Chính quyền Joe Biden về khoản hỗ trợ thêm trị giá 24 tỷ USD.


Hơn nữa, các thành viên hàng đầu trong đảng Cộng hòa tiếp tục bảo vệ chính sách của Chính phủ Mỹ, coi đó không chỉ là chính sách đúng đắn mà còn là sự đầu tư tương đối rẻ vào an ninh Mỹ. Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Lindsey Graham chỉ rõ rằng với chi phí chỉ bằng 5% tổng ngân sách quân sự của Washington, Mỹ đang gián tiếp giúp đánh bại một trong những đối thủ nổi bật nhất của Mỹ. Ông giải thích: “Chúng ta đang tiêu diệt quân đội Nga mà không mất một người lính Mỹ nào. Nếu chúng ta đánh bại được Putin ở Ukraine, thì thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Tất cả những gì cần thiết là sự hỗ trợ quân sự của Mỹ”.


Tuy nhiên, tâm trạng đang thay đổi ở Washington. Quan điểm của những người như Donald Trump thì ai cũng biết; cựu Tổng thống Mỹ này luôn coi Ukraine là một nước không liên quan. Trump khẳng định nếu ông lại bước chân vào Nhà Trắng, thì ông sẽ “kết thúc cuộc chiến tranh này trong vòng 24 giờ”, có lẽ bỏ rơi Ukraine cho sự thương xót dịu dàng của người Nga.
Tuy nhiên, ngoài quan điểm cực đoan của Trump, ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa theo trào lưu chính thống chấp nhận lập luận rằng Ukraine nên được hỗ trợ, nhưng cũng cho rằng Mỹ đã làm đủ và giờ đến lượt các nước khác – đặc biệt là ở châu Âu – phải chịu trách nhiệm. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Scott Perry phát biểu: “Tôi cho rằng mỗi người trong Quốc hội này – dù là đảng viên Dân chủ, Cộng hòa hay trung lập – đều kinh ngạc, bị sốc và không đồng tình với những gì nước Nga và Vladimir Putin đã và đang làm. Như đã nói, các đường biên giới của chúng ta rộng mở. Người dân của chúng ta không đủ khả năng chi trả các hóa đơn tiền điện, gas và thực phẩm của họ, và trước khi chúng ta gửi một tấm séc trắng đến một quốc gia nào khác, chúng ta cần phải quan tâm đến chính người dân của mình”.


Tổng thống Biden có thể làm chậm lại sự suy giảm mức độ ủng hộ đối với Ukraine trong những người ra quyết định ở Washington. Những chiếc xe tăng US Abrams đầu tiên đã bắt đầu đến Ukraine, và Lầu Năm Góc giờ đây dường như cũng đã đồng ý chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội Mỹ, một cột mốc quan trọng khác trong sự ủng hộ quân sự của Mỹ.


Tuy nhiên, nếu người Ukraine không đạt được sự đột phá trong cuộc chiến hiện nay, thì sẽ khó có thể hình dung Chính quyền Biden hiện nay làm thế nào để có thể một lần nữa yêu cầu Quốc hội tài trợ thêm trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Bởi vậy, thật công bằng khi cho rằng mặc dù Biden tiếp tục cam kết hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể, nhưng chúng ta đang chứng kiến giới hạn sự trợ giúp của Mỹ đối với nước này.


Căng thẳng với các nước láng giềng châu Âu


Và nếu điều này vẫn chưa đủ, thì sự không hài lòng về nông sản Ukraine đang gây tổn hại đến mối quan hệ với một số đồng minh thân cận nhất của nước này ở Đông Âu. Việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine đã tước đi phương tiện xuất khẩu các sản phẩm ngũ cốc quan trọng của nước này. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Theo một thỏa thuận được Liên hợp quốc bảo trợ, người Ukraine có thể xuất khẩu một phần ngũ cốc của mình. Sau khi Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận này, Ukraine có cơ hội xuất khẩu bằng cách vận chuyển ngũ cốc của mình qua các cảng ở nước láng giềng Romania.


Tuy nhiên, lưu lượng qua các cảng này bị hạn chế về công suất, và việc vận chuyển thêm đòi hỏi phải tăng chi phí. Kết quả là các nhà xuất khẩu nông sản Ukraine thích bán phá giá sản phẩm của họ sang các thị trường châu Âu; tác động đối với họ là lợi nhuận ít hơn so với chi phí thêm mà họ phải trả để vận chuyển ngũ cốc đến các khách hàng truyền thống của Ukraine ở Trung Đông và châu Phi.


Cơn lũ ngũ cốc giá rẻ này đang đe dọa sinh kế của những người nông dân khác ở các quốc gia như Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Ba Lan, nơi chính phủ đang phải đối mặt với một cuộc tổng tuyển cử sắp tới, và người nông dân đang đổ xô ủng hộ đảng cực hữu theo chủ nghĩa dân túy, thậm chí ủng hộ những người hiện đang nắm quyền tại Vacsava. Bởi vậy, Ba Lan đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.


Không còn nghi ngờ gì nữa, lệnh cấm này rất tàn khốc: Nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của Ukraine đang tuyệt vọng về doanh thu. Tuy nhiên, phản ứng của Tổng thống Zelensky – người đã cáo buộc Ba Lan dựng lên một “sân khấu chính trị” về tranh chấp xuất khẩu ngũ cốc và đổ lỗi cho một số nước châu Âu “giả vờ đoàn kết bằng cách gián tiếp hỗ trợ Nga” – đã khiến Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phản ứng gay gắt. Phát biểu tại một cuộc mít tinh, ông nói: “Tôi muốn nói với Tổng thống Zelensky rằng đừng bao giờ xúc phạm người Ba Lan”.


Phát biểu của Zelensky đã khiến các nhà lãnh đạo Ba Lan giật mình và tức giận vì những lý do chính đáng: Không ai ở châu Âu làm được nhiều điều cho Ukraine hơn Ba Lan, cả về mặt cung cấp quân sự lẫn việc tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn Ukraine. Cuộc tranh cãi không mấy tốt đẹp này giữa hai nước sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn; cơn giận sẽ nguôi ngoai, đặc biệt là khi cuộc bầu cử ở Ba Lan kết thúc giữa tháng 10. Tuy nhiên, tình tiết này là lời nhắc nhở về căng thẳng lịch sự lâu đời giữa Ukraine và các nước láng giềng.


Phần lớn miền Tây Ukraine – bao gồm cả thành phố lịch sử Lviv – từng là lãnh thổ của Ba Lan, bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Một số vùng đất phía Đông Nam Ukraine – bao gồm cả đảo Snake ở Biển Đen, nơi phát súng đầu tiên của cuộc chiến tranh hiện tại nổ ra vào tháng 2/2022 – từng thuộc về Romania trước khi bị Liên Xô thâu tóm. Không nước láng giềng nào của Ukraine mơ ước về sự trở lại của những vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, họ hy vọng Ukraine sẽ đối xử tốt với những người sắc tộc Ba Lan và Romania còn ở lại trên đất Ukraine. Họ muốn Ukraine thừa nhận trách nhiệm lịch sử của mình về vụ những người theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan liên kết với Đức Quốc xã thảm sát hàng trăm nghìn người Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai.


Ukraine ngày nay là một quốc gia khoan dung và hòa nhập. Tổng thống nước này là người Do Thái và Bộ trưởng Quốc phòng là người Hồi giáo. Chỉ riêng điều đó cũng bác bỏ những tuyên bố tuyên truyền của Nga rằng Chính phủ Ukraine là phát xít. Tuy nhiên, thực tế vẫn là cho đến gần đây, rất ít chính trị gia Ukraine thừa nhận trách nhiệm của đất nước họ đối với một số tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử gần đây. Và cho đến khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu, các mối quan hệ của Ukraine với hầu hết các nước láng giềng đều rất phức tạp, nếu không muốn nói rõ ràng là không thân thiện.


Quá khứ không nhất thiết là dấu hiệu của tương lai. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi mới nhất đã cảnh báo các quốc gia Trung và Đông Âu về khả năng Ukraine nổi lên từ cuộc chiến tranh hiện nay có thể không hợp tác hoặc cải cách về bản chất và hành vi như một số nhà lãnh đạo châu Âu đã giả định.


Khi tất cả đã được nói và làm, Tổng thống Zelensky và người dân của ông có thể tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ đáng kể ở Bắc Mỹ và châu Âu. Nhưng ở cả hai lục địa này, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ ngày càng phải tìm cách có được nó thay vì chỉ đơn giản mong đợi sự giúp đỡ tự động đến. Và một phần của nỗ lực đó sẽ đòi hỏi phải xem xét nhiều hơn đến lợi ích và sự nhạy cảm của các nước khác ngay cả khi Ukraine theo đuổi các nỗ lực chiến tranh của mình. Đó là hành động khó thực hiện, nhưng là hành động Zelensky hiện phải theo đuổi. Và cuộc chiến này càng kéo dài, thì trò tung hứng ngoại giao của Ukraine sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn The Straits Times

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage