Nga được hưởng lợi gì từ bất ổn ở Trung Đông?

Thứ Sáu, 16/05/2025

10:28 am(VN)

-

1:28 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Nga được hưởng lợi gì từ bất ổn ở Trung Đông?

31/10/2023

Trang euronews.com ngày 25/10 đăng bài viết của chuyên gia David Kirichenko, cộng tác viên nghiên cứu tại Hiệp hội Henry Jackson - tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, về việc Nga được hưởng lợi bao nhiêu từ bất ổn ở Trung Đông. Nội dung cụ thể như sau:


Với mối quan hệ tốt đẹp của Putin với Israel và thế giới Arập, Nga có lợi ích bất di bất dịch khi tiếp tục đứng giữa hai bên trong khi thế giới đang bị phân tâm bởi cuộc chiến thất bại của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, lợi thế chỉ là tạm thời.


Khi căng thẳng bùng phát ở Trung Đông, sự chú ý của thế giới đã chuyển hướng sang khu vực này, điều này mang lại cho Vladimir Putin thứ mà ông vô cùng cần: Đó là thế giới tạm quên đi cuộc xung đột Nga-Ukraine. 
 

Một cuộc chiến tranh cường độ thấp kéo dài ở Trung Đông là điều Putin đang hy vọng, bởi nó chưa đủ để biến thành một cuộc xung đột khu vực lớn nhưng kéo dài đủ để khiến phương Tây chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực ra khỏi Ukraine. Thay vào đó, ông muốn Washington và các nước khác hỗ trợ và cung cấp nguồn lực cho Israel, kết quả là tạo ra “tấm bình phong” cho cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Và đây chính xác là những gì đã xảy ra: khi thế giới đang hướng sự chú ý đến cuộc tấn công đẫm máu của nhóm Hồi giáo Hamas vào Israel sau ngày 7/10, các lực lượng Nga đã phát động một cuộc phản công quy mô lớn ở Avdiivka chỉ hai ngày sau đó.


Nga nỗ lực tận dụng lợi thế ở Donbass


Khi Nga đã dành 2 năm cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine mà không thể giành được thắng lợi, tình trạng hỗn loạn tại khu vực Trung Đông hiện nay diễn ra vào thời điểm không thể tốt hơn đối với Putin. Việc kiểm soát được vùng Avdiivka ở ngoại ô phía Bắc thành phố Donetsk - nơi bị lực lượng Nga chiếm đóng một phần - đã cho phép quân đội Ukraine hành động chống lại kẻ thù bằng ưu thế pháo binh, và đây có thể là bàn đạp để giải phóng toàn bộ trung tâm đô thị. 


Nhấn mạnh tầm quan trọng của thành phố Avdiivka, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tán dương binh lính của ông vì đã “ngăn chặn thành công bước tiến của Ukraine” tới gần Avdiivka. Tuy nhiên, sau 20 tháng xung đột, việc ông không giúp Nga tạo được bất kỳ bước tiến nào đã cho thấy tình trạng khó khăn hiện tại của quân đội Nga.


Điện Kremlin tiếp tục tung thêm nguồn lực vào quanh thành phố Avdiivka, chuẩn bị cho nơi được xem là “cỗ máy xay thịt” của Bakhmut mới với mục đích làm tiêu hao đạn dược của Ukraine, dựa trên dự đoán nguồn tài trợ chiến tranh của Mỹ đang cạn kiệt. 


Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng gắn liền viện trợ cho Ukraine với Israel, 9 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kêu gọi cân nhắc viện trợ riêng cho từng quốc gia. Tất cả đều diễn ra trước khi Nhà Trắng thúc đẩy kế hoạch tài trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD (94 tỷ euro), trong đó bao gồm tài trợ cho cả Israel và Ukraine.


Viện trợ quân sự của phương Tây vẫn rất cần thiết


Ngay cả trước khi bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas, khoảng một nửa số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ gần đây đã phản đối gói viện trợ tương đối nhỏ trị giá 300 triệu USD (282 triệu euro) dành cho Ukraine. Đây có lẽ là dấu hiệu ban đầu cho thấy hướng đi mà chính quyền do Trump lãnh đạo sẽ thực hiện đối với Ukraine khi đảng Cộng hòa của Trump, đặc biệt là những người cực hữu, đang cố gắng cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ ngân sách đề xuất.


Bất chấp việc xung đột Israel-Hamas có khả năng làm chuyển hướng các nguồn lực, Biden vẫn cố gắng đảm bảo với các đồng minh rằng Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho Ukraine.


Gần đây, Mỹ đã triển khai Hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) tới Ukraine, hệ thống này vốn được lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công các sân bay của Nga ở Berdyansk và Luhansk. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, những cuộc tấn công này đã gây ra tổn thất đáng kể cho Nga khi phá hủy 9 máy bay trực thăng, thiết bị phòng không và kho đạn dược của Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh ước tính lực lượng Nga chịu thiệt hại lớn hơn, ước tính 9 chiếc trực thăng bị phá hủy chỉ riêng ở Berdyansk và thêm 5 chiếc nữa ở Luhansk. Tình báo Anh cũng tin rằng mức độ nghiêm trọng của những cuộc tấn công này có thể buộc Nga phải di dời các căn cứ của mình ra xa tiền tuyến, làm phức tạp thêm công tác hậu cần.


Tờ Telegraph đưa tin Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp tên lửa tiên tiến cho Ukraine, gây thêm nhiều sức ép cho lực lượng Nga. 


Hệ thống ATACMS có khả năng làm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến nếu được cung cấp với số lượng lớn hơn, cho phép lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào các tuyến tiếp tế, căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt của Nga mà trước đây quân đội Ukraine không thể tiếp cận được trong các khu vực bị chiếm đóng. Đây cũng là ví dụ điển hình về lý do tại sao việc tiếp tục viện trợ vũ khí là cần thiết nếu Ukraine muốn đẩy các lực lượng xâm lược ra khỏi lãnh thổ của mình.


Cuộc giao tranh Israel-Hamas có thể làm suy yếu sự thống nhất thế giới
 

Sergey Mardan, một trong những nhà tuyên truyền nổi tiếng nhất của Nga, gần đây đã viết trên kênh Telegram của mình rằng “sự hỗn loạn này có lợi cho Nga vì tất cả những bên theo chủ nghĩa toàn cầu hóa sẽ bị phân tâm khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine và sẽ bận rộn cố gắng dập tắt ngọn lửa vĩnh cửu ở Trung Đông”. Mardan kết luận: "Iran là đồng minh quân sự thực sự của chúng tôi. Israel là đồng minh của Mỹ. Vậy nên chọn phe là điều dễ dàng". Kết luận này khiến ý định của Điện Kremlin càng rõ ràng hơn.


Kiev cũng tin rằng Nga là nước hưởng lợi lớn từ cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Nga quan tâm đến việc gây ra một cuộc chiến ở Trung Đông để có thể làm suy yếu sự đoàn kết thế giới, gia tăng bất hòa và mâu thuẫn, từ đó giúp Nga phá hủy sự tự do ở châu Âu”.


Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (DIU), tuyên bố rằng Nga đã cung cấp cho nhóm Hồi giáo Hamas vũ khí bộ binh mà họ chiếm được ở Ukraine và đã dạy cho phiến quân Hamas cách sử dụng máy bay không người lái FPV để chống lại khí tài bọc thép. 


Liệu tình trạng thiếu đạn dược có trở thành vấn đề lớn hơn?


Các loại vũ khí do Nga sản xuất bao gồm tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai từng được đưa vào Dải Gaza trong quá khứ, rất có thể thông qua Iran. Tuy nhiên, thông tin về việc Nga cung cấp vũ khí cho Hamas vẫn chưa rõ ràng. Cho đến nay, một quan chức Israel khẳng định một số vũ khí được Hamas sử dụng có nguồn gốc từ Nga. Trong khi đó, báo chí quốc tế bước đầu đưa tin Mỹ đang có ý định chuyển hàng chục nghìn quả đạn pháo từ Ukraine sang Israel. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ đã bác bỏ tuyên bố này. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, đã bày tỏ lo ngại về việc nguồn cung cấp đạn dược của các nước đồng minh sắp cạn kiệt, và nguy cơ là Ukraine không có đủ số đạn dược mà nước này đang rất cần.


Tuy nhiên, chính Budanov của DIU đã nhấn mạnh: “Nếu tình hình kéo dài thì chắc chắn sẽ có một số vấn đề vì Ukraine không phải là quốc gia duy nhất cần cung cấp vũ khí và đạn dược”. Tác động này đã thể hiện rất rõ trên chiến trường. Các khẩu pháo binh do Anh cung cấp cho Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn khiến việc sử dụng chúng bị hạn chế. Các binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng pháo L119 cho biết số pháo này không được đưa vào sử dụng thường xuyên do thiếu đạn trầm trọng. 


Ngược lại, điều này lại là nguyên nhân để ăn mừng ở Moskva. Nhà phân tích quân sự Nga Boris Dzherelievsky cũng tin rằng “một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ dẫn đến Thỏa thuận Minsk-3 và những vùng đất rộng lớn của Ukraine, bao gồm cả Odesa và Mykolaiv, đều chịu khuất phục dưới tay Nga”.


Không phải tất cả đều thuận lợi đối với Nga


Không phải mọi thứ đều màu hồng đối với Điện Kremlin. Nếu các sự kiện tiếp tục làm căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, Nga cũng có lý do riêng để lo ngại: pháo binh Syria tấn công Israel và Israel nhắm mục tiêu vào các tài sản được Nga hậu thuẫn ở Syria, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc không kích vào các sân bay Syria. Điều này sẽ chỉ làm tăng nguy cơ Israel giao chiến với lực lượng Nga ở Syria.


Nga mong muốn cân bằng giữa đồng minh quân sự chính của mình là Iran và mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Israel vì Tổng thống Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có mối quan hệ gần gũi. Đại diện của nhóm Hamas được cho là đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 3, nói rằng tổ chức này đã hết kiên nhẫn với Israel. Các cuộc gặp khác giữa các thành viên cấp cao của Hamas và Nga cũng diễn ra vào tháng 5 và tháng 9/2022.


Quân đội Liên Xô trong lịch sử đã hỗ trợ quân đội Arập, đặc biệt là Ai Cập và Syria, trong nỗ lực chống lại Israel, cụ thể là trong các cuộc chiến tranh vào những năm 1960 và 1970. Ngược lại, mối quan hệ hiện nay giữa Israel và Nga có điểm chung là sự phối hợp quân sự, đặc biệt là ở Syria. Israel đánh giá cao mối quan hệ tích cực với Nga, thừa nhận ảnh hưởng đáng kể của Moskva đối với quốc gia láng giềng bị chiến tranh tàn phá này. Nếu Nga bị phát hiện hỗ trợ cho Hamas, điều đó sẽ làm rạn nứt mối quan hệ chặt chẽ giữa Putin và Netanyahu, điều mà Nga đang cố gắng duy trì.


Lợi ích tốt nhất chỉ là tạm thời


Bầu không khí đầy biến động có lẽ được minh họa rõ nhất qua cuộc phỏng vấn gần đây với Amir Weitman, chủ tịch phe Tự do của đảng Likud cầm quyền ở Israel, người đã công khai đe dọa Nga trên kênh tuyên truyền RT của mình: “Sau khi chúng tôi thắng cuộc chiến này, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Ukraine cũng thắng và Nga sẽ phải trả giá cho những gì họ đã làm”. Dù sao đi nữa, lời nói của Wietman cho thấy một cuộc cải tổ lớn giữa các bên có thể sẽ xảy ra, tất cả tùy thuộc vào việc Nga chọn đứng về phía ai - một quyết định mà Điện Kremlin có thể không thể trì hoãn mãi mãi.


Nga có thể được hưởng lợi tạm thời khi phương Tây chuyển hướng sự tập trung sang Trung Đông, nhưng một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel, có khả năng liên quan đến Syria, sẽ làm tiêu hao nguồn lực của nước này. Và vì quân đội của Nga chủ yếu dồn vào Ukraine, một cuộc chiến quy mô như vậy chắc chắn sẽ đe dọa vị thế cũng như lực lượng của nước này ở Syria. Vì vậy, tại một thời điểm nào đó, sức mạnh của Điện Kremlin chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột đang diễn ra. 


Hơn hết, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell gần đây đã gọi Trung Quốc, Nga và Iran là “trục ma quỷ mới”. Điều này báo hiệu rằng sớm hay muộn, Israel cũng sẽ phải có lập trường cứng rắn chống lại Nga.


Chúng ta nên chú ý đến “tấm bình phong” Nga 


Moskva tiếp tục coi trọng quan hệ với Israel và các quốc gia Arập, ngay cả khi nước này ngày càng thân thiết hơn với Iran. Sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10, Nga đã nhanh chóng tự coi mình là nhà trung gian hòa giải ở Trung Đông khi trình bày dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng không giành được sự ủng hộ của đa số. 


Việc Putin gửi lời chia buồn chậm trễ tới Netanyahu sau vụ tấn công và lập trường truyền thông thân Palestine của Nga cũng phản ánh sự ràng buộc của ông. Tuy nhiên, chiến lược của Moskva vẫn xoay quanh việc cân bằng mối quan hệ với nhiều nước Trung Đông để tối đa hóa lợi ích của mình, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, Nga đã sớm hưởng lợi từ tình hình này bằng cách mở rộng hoạt động quân sự ở Ukraine, đồng thời hết sức thận trọng khi mọi việc có thể nhanh chóng kéo Nga đi theo hướng mà họ không muốn. Và chúng ta không thể ngừng chú ý đến hành động của họ vào lúc này và tạo điều kiện cho Moskva lợi dụng tình hình hỗn loạn khác làm “tấm bình phong” cho các mục tiêu hủy diệt của mình./. 
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn euronews.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage