Giấc mơ của Tập Cận Bình về tổ hợp công nghiệp-quân sự

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:50 am(VN)

-

7:50 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Giấc mơ của Tập Cận Bình về tổ hợp công nghiệp-quân sự

03/10/2023

Theo trang Financial Times mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) thăng chức cho các nhà kỹ trị vào các vị trí chủ chốt là vì muốn tiếp tục thúc đẩy một trong những chính sách cốt lõi của ông.
 

Khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung tại Bắc Kinh tham dự đại hội 5 năm một lần vào tháng 10/2022, giới truyền thông đã đổ dồn sự chú ý vào việc Chủ tịch Tập Cận Bình đảm nhiệm một nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo không bị thách thức của Trung Quốc. Đây là điều chưa có tiền lệ.


Vào thời điểm đó, nhiều người đã bỏ qua sự nổi lên của một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị mới ở cấp độ quyền lực cao nhất, mà xuất thân của họ không phải là từ chính quyền cấp tỉnh hay hệ thống Đảng Cộng sản như thường thấy. Thay vào đó, tất cả những quan chức này đều có kinh nghiệm chuyên sâu trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc.


Sự thăng tiến nhanh chóng của đội ngũ này là một phần trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm tiếp thêm sức sống cho dự án dài hạn “tích hợp dân sự-quân sự” của Trung Quốc, một chính sách tìm cách khai thác các công nghệ mới từ khu vực tư nhân để phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa nhanh chóng quân đội đang được tiến hành.


Chuyên gia Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), người từng là cố vấn cho cựu Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) và hiện đang làm việc cho Asia Society - một tổ chức tư vấn chiến lược của Mỹ, xác định 5 trong số 13 thành viên mới của Bộ Chính trị ĐCSTQ gồm 24 thành viên được bổ nhiệm năm 2022 là đại diện cho “một thế hệ mới trong ban lãnh đạo ĐCSTQ”.


Những người này bao gồm các tân Phó Thủ tướng, gồm Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing), từng là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp sản xuất vũ khí và Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong), người được đào tạo để trở thành kỹ sư vũ khí. Kỹ sư hạt nhân Lý Cán Kiệt (Li Ganjie) hiện giám sát việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao của ĐCSTQ với tư cách là người đứng đầu ban tổ chức trung ương đầy quyền lực. Ngoài ra, còn có chuyên gia công nghệ hàng không vũ trụ Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui) được chọn để lãnh đạo đảng ở khu vực Tân Cương đầy biến động và nhà khoa học tên lửa Viên Gia Quân (Yuan Jiajun) lãnh đạo siêu đô thị Trùng Khánh, một địa bàn quan trọng phía Tây Nam.


Ông Ngô Quốc Quang đã viết trong một bài phân tích gần đây rằng sự thăng tiến “chưa từng có” của họ, đã nêu bật niềm tin của ông Tập rằng lĩnh vực công nghiệp-quân sự của Trung Quốc là nơi mà sự kiểm soát của đảng-nhà nước và các hoạt động của khu vực tư nhân có thể được kết hợp thành công.


Theo một báo cáo của MacroPolo - tổ chức tư vấn chiến lược thuộc Viện Paulson ở Chicago, hơn 1/3 trong số 205 thành viên của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ hiện có trình độ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Con số này thể hiện mức tăng 35% so với cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương tiền nhiệm 5 năm trước.


Khắp các chính quyền thành phố, tỉnh và quốc gia ở Trung Quốc, có rất nhiều người khác với nền tảng giáo dục và chuyên môn về khoa học và kỹ thuật cũng đã thăng tiến để trở thành lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước liên kết với quốc phòng, sau đó được chọn vào các vị trí chính trị quan trọng.


Chuyên gia Ngô Quốc Quang nói: “Ông Tập rất kỳ vọng vào việc tích hợp đổi mới công nghệ và các yếu tố thị trường, chủ yếu để nâng cao sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, qua đó đưa Trung Quốc trở thành trung tâm trên trường quốc tế, theo cách nói của ông Tập”. Ông Ngô nói thêm: “Sự thăng tiến nhanh chóng của những kỹ sư công nghiệp-quân sự này trong chính trị Trung Quốc là rất ngoạn mục, thậm chí có thể so sánh với xu hướng đi lên nói chung của tầng lớp các nhà kỹ trị trong thời kỳ hậu Mao”.


Điều này có ý nghĩa rất sâu sắc. Các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc ở phương Tây, vốn đã lo ngại về việc mở rộng năng lực quân sự của Trung Quốc, càng lo sợ rằng tốc độ và phạm vi của các đột phá công nghệ quân sự sẽ được nâng lên một tầm cao mới.


Nhiều người đã chú ý đến sự xuất hiện của Tập Cận Bình trước các lãnh đạo của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Bắc Kinh vào tháng 3/2023. Mặc bộ đồ kiểu Mao Trạch Đông màu xanh đậm, ông nhắc nhở họ về sự cần thiết phải xây dựng sự tự lực tự cường của Trung Quốc và hối thúc họ đẩy nhanh “đổi mới hợp tác trong khoa học và công nghệ, tập trung vào đổi mới độc lập và bản địa”.


Ở Trung Quốc, một số chuyên gia nhận thấy những rủi ro dài hạn khi Tập Cận Bình định hình lại chính sách theo hướng tăng cường tập trung vào an ninh thay vì tăng trưởng kinh tế. Họ lưu ý rằng một chiến lược tương tự đã từng hủy hoại Liên Xô trước đây. Những người khác cho rằng Tập Cận Bình đang có các bước đi nhằm giảm khả năng xuất hiện sự phản đối trong tương lai đối với sự lãnh đạo của ông, vì nhiều người mới được bổ nhiệm thiếu cơ sở quyền lực cố hữu trong đảng.


Nhưng theo Greg Levesque - nhà đồng sáng lập công ty tư vấn tình báo chiến lược Strider của Mỹ, sự kết hợp giữa giám sát chính sách của cá nhân Tập Cận Bình, tăng chi tiêu và các quyết định bổ nhiệm cấp cao gần đây nhất của đảng và chính phủ phản ánh “sự thay đổi đáng kể” trong việc sử dụng hợp nhất quân sự-dân sự để giải quyết những lo ngại về an ninh của Trung Quốc.


Ông nói: “Đây là những cá nhân hiểu rõ mối quan hệ trong ngành công nghiệp quốc phòng giữa các trường đại học và các phòng thí nghiệm trọng điểm của nhà nước, các doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và các công ty công nghệ mới nổi. Tôi vẫn không nghĩ rằng mọi người đã thức tỉnh về vấn đề này”.


Tiến độ chậm chạp


Trung Quốc quả thật có vị thế đặc biệt để theo đuổi chính sách tích hợp công nghệ và đổi mới của khu vực tư nhân với quân đội. Nước này có quyền kiểm soát to lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân, trong khi các doanh nghiệp và trường đại học lớn thuộc sở hữu nhà nước – đương nhiên cũng chịu sự kiểm soát của nhà nước – tiến hành một lượng lớn các nghiên cứu và phát triển tập trung vào quốc phòng.


Nhiều nhà quan sát nước ngoài cho rằng Bắc Kinh dễ dàng chỉ đạo các cá nhân, dù là trong khu vực công hay tư nhân, chia sẻ nghiên cứu tiên tiến và công nghệ mới với quân đội, bất chấp quyền sở hữu trí tuệ.


Tuy nhiên các nhà nghiên cứu Đài Loan Arthur Ding và Tristan Tang khẳng định rằng, bất chấp những tiến bộ gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn “hoạt động yếu kém” và “phần lớn không thể cải cách”.


Elsa Kania, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), một tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ, coi việc Tập Cận Bình nâng chính sách dân sự-quân sự lên thành một “chiến lược quốc gia” trong những năm gần đây không phải là dấu hiệu của thành công, mà phản ánh mối quan tâm của lãnh đạo đối với tiến độ chậm chạp trong việc giảm bớt các rào cản về quy định, văn hóa và thể chế giữa quân đội Trung Quốc và các doanh nghiệp tư nhân.


Trong nhiều thập kỷ, quân đội Trung Quốc được các doanh nghiệp nhà nước lãnh đạo và chậm thích ứng với khu vực tư nhân. Theo một người có quan hệ mật thiết với Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng đang phải vật lộn để đạt được sự cân bằng giữa việc kiếm tiền và hỗ trợ các mục tiêu chính sách.


Người giấu tên này cho biết: “Các nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ quân sự, vốn ít hiểu biết về cách thức hoạt động của thị trường, đột nhiên phải học cách kinh doanh. Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ. Nhưng hầu hết các đồng nghiệp của tôi vẫn giữ tâm lý doanh nghiệp nhà nước, tức là phải hoàn thành dự án bất chấp chi phí”.


Trong khu vực tư nhân, một số công ty và doanh nhân có xu hướng e ngại về việc hợp tác với quân đội. Các luật sư đã nhận thấy sự mâu thuẫn giữa các luật và quy định về quyền tiếp cận các dự án quân sự và hoạt động mua sắm của các công ty thuộc khu vực tư nhân. Ngoài ra, các lĩnh vực như bảo mật, tiêu chuẩn sản phẩm và quyền sở hữu cũng có những rủi ro pháp lý nghiêm trọng.


Người có quan hệ mật thiết với Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, quân đội cuối cùng đã cho thấy rằng họ “không tin tưởng vào các tập đoàn tư nhân”, điều này đã thu hẹp phạm vi những gì khu vực tư nhân có thể cung cấp. Ông nói: “Bạn không thể mong đợi một công ty tư nhân Trung Quốc nghĩ ra thứ gì đó giống như SpaceX”, đề cập đến việc công ty tên lửa thương mại của Elon Musk hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).


Thái độ cứng rắn gần đây ở các thủ đô như Tokyo, Seoul, Canberra và nhất là Washington càng làm gia tăng động lực cải cách ở Bắc Kinh. Chính quyền Biden đã đơn phương áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cấm các công ty Mỹ bán chip bán dẫn cao cấp và thiết bị chính để sản xuất chúng, đồng thời vận động các đồng minh của mình làm theo.


Chính phủ Mỹ rất rõ ràng về những gì họ coi là nền tảng ác ý của chính sách hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông cáo rằng mục tiêu của chính sách này là cho phép Trung Quốc phát triển quân đội tiên tiến nhất trên thế giới. ĐCSTQ đang thực hiện chiến lược này không chỉ thông qua nghiên cứu và phát triển trong nước mà còn “bằng cách mua lại và chuyển hướng các công nghệ tiên tiến của thế giới - bao gồm cả thông qua hành vi trộm cắp”.


Chuyển giao công nghệ


Cộng đồng quốc phòng Mỹ bất mãn nhất với việc Bắc Kinh sử dụng ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc để có được công nghệ và chuyên môn nước ngoài mà sau này quân đội có thể sử dụng, bằng bất kỳ phương thức nào.


Một ví dụ được các chuyên gia quốc phòng trích dẫn là Tập đoàn Quang Khải (Kuang-Chi). Công ty này có trụ sở tại Thâm Quyến, đứng đầu là các giám đốc điều hành được đào tạo tại Mỹ, và có các đối tác ở Mỹ, Israel, Canada, châu Âu và Singapore. Trước khi bị Cục Công nghiệp và an ninh Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào cuối năm 2020, Tập đoàn Quang Khải đã đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng quân sự. Một báo cáo năm 2020 do Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ-Trung nhận định: “Kuang-Chi là một ví dụ khác về việc Trung Quốc đưa công nghệ và bí quyết quan trọng từ Mỹ về Trung Quốc”.


Levesque - nhà sáng lập công ty Strider - chỉ ra rằng kể từ cuối năm 2017, ông Tập ngày càng thể hiện quyền lãnh đạo cá nhân trực tiếp đối với chính sách hợp nhất quân sự-dân sự thông qua một nhóm công tác cấp cao do ông chủ trì. Levesque cho biết hiện đã có “chỉ thị từ trên xuống” nhằm mở rộng chính sách sang “tất cả các lĩnh vực cạnh tranh” với Mỹ, mở rộng phạm vi không chỉ từ các công nghệ vũ khí cốt lõi mà còn sang các lĩnh vực mạng, tài chính, không gian và hàng hải.


Sự ủng hộ về chính trị được củng cố nhờ nguồn tài chính. Các ước tính của CNAS cho thấy rằng từ năm 2015 đến 2019, ít nhất 35 quỹ mới đã được thành lập với khoảng 68,5 tỷ USD được dành để phân phối cho các công ty tham gia các dự án hợp nhất quân sự-dân sự. Đến năm 2018, ít nhất 38 cơ sở trưng bày các dự án hợp nhất quân sự-dân sự đã được thiết lập trên khắp Trung Quốc, trong khi theo dữ liệu từ Quân ủy trung ương do công ty tư vấn Qianji trích dẫn, số lượng các tổ chức được cấp phép nghiên cứu và phát triển hoặc sản xuất thiết bị quân sự đã mở rộng từ dưới 3.800 năm 2017 lên hơn 22.400 năm 2019.


Các nhà nghiên cứu cho biết trong 3 năm qua, chi tiêu ở Trung Quốc đã trở nên khó theo dõi hơn nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã dừng lại. Tại một triển lãm thương mại nhắm vào lĩnh vực hợp nhất quân sự-dân sự được tổ chức gần đây với sự tham dự của hàng trăm công ty thuộc khu vực tư nhân, những người tham gia tỏ ra lạc quan về triển vọng của ngành.


Tờ Financial Times không tiết lộ địa điểm diễn ra sự kiện hay tên của những người tham dự vì lý do bảo mật, nhưng đã xuất hiện các video quảng cáo về các sản phẩm có thể “phá vỡ thế độc quyền của phương Tây” trong công nghệ quốc phòng. Một người có mặt tại sự kiện đã mô tả chính sách hợp nhất quân sự-dân sự là “lợi ích” cho các doanh nghiệp nội địa khi Trung Quốc thay thế các thành phần nước ngoài bằng sản phẩm của các nhà cung cấp nội địa mới.


Các sản phẩm mới do Trung Quốc sản xuất được trưng bày bao gồm xe quân sự, máy chủ và phần mềm thu thập thông tin tình báo. Một người tham dự khác hào hứng nói: “Công nghệ của chúng tôi đã tốt hơn các đối thủ phương Tây”.


Khi công nghệ được cải thiện, các công ty quốc phòng Trung Quốc cũng đang vạch ra kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí. Một người có liên hệ mật thiết với Tập đoàn Cơ giới số 1 Nội Mông, một trong những nhà sản xuất xe tăng lớn nhất Trung Quốc, tiết lộ rằng tập đoàn này đang mở rộng thị trường mới ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Người này nói thêm: “Chúng tôi có thể khắc phục tình trạng chậm chạp trong xuất khẩu vũ khí do Nga và Ukraine để lại. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu quá bận tâm đến chiến tranh nên không chú ý đến nhu cầu của một số khách hàng ở các nước đang phát triển”.


Ý nghĩa kinh tế


Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia là điều dễ hiểu trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng họ có những quan điểm khác nhau về cách ông Tập cân bằng an ninh với các mối quan tâm khác trong nước.


Theo Keyu Jin - giáo sư tại Trường Kinh tế London và là tác giả cuốn sách “The New China Playbook” (tạm dịch: Cẩm nang mới về Trung Quốc), Bắc Kinh tin rằng việc Trung Quốc phát triển “phần lớn” công nghệ trong nước cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà nhận định: “Điểm mấu chốt là tính hợp pháp của đảng vẫn phụ thuộc vào các cơ hội kinh tế”.


Tuy nhiên, Zhang Ming và Lu Xianfeng - các học giả tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - đã viết vào tháng 12/2022 rằng Bắc Kinh cũng phải tránh “lặp lại những sai lầm của Liên Xô” và đảm bảo rằng sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng không “kéo chân” tăng trưởng kinh tế. Họ kêu gọi Bắc Kinh học hỏi từ Mỹ bằng cách “tự do hóa có chừng mực” lĩnh vực quốc phòng, cho phép cạnh tranh lớn hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường vốn của các công ty tập trung vào quân sự.


Alfred Chan, người viết tiểu sử của chủ tịch Trung Quốc và là giáo sư danh dự tại Đại học Huron ở Canada, nói rằng việc xoay trục sang an ninh là kết quả của thế giới quan của Bắc Kinh. Ông Chan nói: “Dưới thời Chính quyền Trump, người ta nhấn mạnh nước Mỹ là trên hết, một kiểu chủ nghĩa tân trọng thương. Điều đó cũng tiếp tục dưới thời Chính quyền Biden. Nhiều chính sách của Trung Quốc trong 6 năm qua thực ra là phản ứng đối với vấn đề đó”.


Trong một bản tóm tắt nghiên cứu của Trung Quốc được xuất bản vào năm 2021, do các chuyên gia Mỹ Peter Singer và Alex Stone phát hiện, các nhà nghiên cứu cấp cao của PLA đã dự đoán rằng các biện pháp kìm hãm công nghệ của phương Tây sẽ trở nên tinh vi và hiệu quả hơn, đồng thời cho rằng Trung Quốc phải đáp trả bằng “các biện pháp đối phó có mục tiêu hơn”.


Ông Chan nói thêm rằng xây dựng chuyên môn khoa học và công nghệ là một mục tiêu quan trọng của Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ cải cách của nước này. Nhưng một loạt quyết định bổ nhiệm được đưa ra tại Đại hội ĐCSTQ năm 2022 đã phản ánh “sự nhấn mạnh mới vào việc đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ để nước này không còn phải chịu nguy cơ cấm vận nữa”. Ông nói thêm: “Sự tự cường và độc lập tương đối thực ra là phản ứng đối với môi trường bên ngoài khá thù địch”.
Những người khác cho rằng các mối quan tâm về chính sách đối ngoại phụ thuộc vào hoạt động chính trị của Tập Cận Bình trong nội bộ đảng, điều mà họ cho rằng nằm ở trung tâm của tất cả các quyết định nhân sự của ông.


Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học California San Diego, tin rằng việc bổ nhiệm cán bộ từ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt có thể không “thuần túy” dựa trên việc thúc đẩy chính sách hợp nhất quân sự-dân sự.


Ông Shih cho rằng mạng lưới bè phái của những nhà lãnh đạo như vậy trong đảng có xu hướng hẹp hơn vì họ đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong các công ty hay lĩnh vực riêng lẻ chứ không phải để nỗ lực thăng tiến trong đảng. Ông nói thêm rằng ngay cả khi nổi lên với tư cách là quan chức tỉnh cấp cao và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, họ cũng không có được những trải nghiệm vốn thường mang lại cho các chính trị gia cấp cao ở Trung Quốc những mạng lưới rất sâu rộng. Ông Shih nhận định: “Họ không đe dọa nhiều tới cơ sở quyền lực của Tập Cận Bình”.


Sự thăng tiến có thể thúc đẩy sự nghiệp của họ. Các nhà nghiên cứu của MacroPolo phân tích rằng các nhà kỹ trị cấp tỉnh “sẽ trên đà thăng tiến nhanh chóng vào năm 2027 hay sớm hơn” nếu họ có thể đạt được mục tiêu của mình. Họ nhận định: “Số liệu quan trọng không còn là tăng trưởng GDP mà là ‘nanomet’, hay việc giành được các công nghệ”.


Bất kể các nhà kỹ trị này và Tập Cận Bình có động cơ nào, thì cũng có rất nhiều người nhất trí rằng kết quả rõ ràng nhất sẽ là Trung Quốc trở thành một cường quốc quân sự hùng mạnh hơn.


Hai học giả Đài Loan Ding và Tang lưu ý, trong một báo cáo gần đây cho Quỹ Jamestown, rằng nếu các nỗ lực hợp nhất quân sự-dân sự mới này đạt được thành công, sự phát triển công nghệ quốc phòng của Trung Quốc “chắc chắn sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, đặt ra thách thức quân sự lớn hơn nhiều đối với Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc so với trước đây”./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Times

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage