Dư luận xung quanh việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc "mất tích" 

Thứ Sáu, 16/05/2025

5:00 am(VN)

-

8:00 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Dư luận xung quanh việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc "mất tích" 

18/09/2023

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

 

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/9, trước câu hỏi về sự “mất tích” của Lý Thượng Phúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh (Mao Ning) không phủ nhận. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Trung Quốc cũng cho dừng hoạt động máy bay quân sự tuần tra trên không diễn ra trong 9 ngày liên tiếp ở eo biển Đài Loan. Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào năm 2022, máy bay quân sự Trung Quốc hầu như ngày nào cũng quần thảo ở khu vực eo biển Đài Loan, điều vốn đã trở thành trạng thái bình thường mới, nhưng giờ đây bất ngờ im ắng, điều này thực sự bất thường. Liệu có phải nội bộ quân đội Trung Quốc xảy ra biến động?


Giáo sư Chương Thiên Lượng, nhà bình luận chính trị đã đưa ra phân tích dưới đây:


Ngày 8/9, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đăng một dòng tweet mang tính bông đùa trên mạng xã hội Twitter: “Đội ngũ nhân sự của Tập Cận Bình (Xi Jinping) giống như tiểu thuyết trinh thám ‘Và rồi chẳng còn ai’ của Agatha Christie”. Emanuel bày tỏ rằng đầu tiên là sự “biến mất” của Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang), tiếp theo đó là Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) cũng “mất tích”, sau đó là đến Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng không lộ diện trong hai tuần. Cuối cùng, Emanuel đặt câu hỏi một cách châm biếm: “Rốt cuộc ai sẽ thắng trong cuộc đua thất nghiệp này? Là thanh niên Trung Quốc hay thuộc cấp của Tập Cận Bình?”.
 

Sở dĩ những dòng tweet của Emanuel thu hút sự chú ý của dư luận là vì ông từng giữ chức Chánh Văn phòng Nhà Trắng thời Obama, nên có mối quan hệ rộng rãi và ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ. Vì vậy, Emanuel dùng giọng điệu châm biếm như vậy là rất bất thường. Lần xuất hiện gần đây nhất của Lý Thượng Phúc là vào ngày 29/8 tại Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-châu Phi, khi đó Lý Thượng Phúc cũng có bài phát biểu.


Như chúng ta đã biết, Bộ trưởng Quốc phòng là nhân vật không cần thiết phải xuất hiện thường xuyên như Bộ trưởng Ngoại giao hay Thủ tướng Quốc vụ viện, nên việc không lộ diện trong hai tuần là điều bình thường. Tuy nhiên, khi Emmanuel nhắc đến, thì sự việc này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của thế giới. Bởi một thành viên cốt cán của đảng Dân chủ như ông rất có khả năng có được thông tin tình báo nội bộ nào đó. Do đó, nhiều phương tiện truyền thông bắt đầu chú ý đến vấn đề này.


Vì vậy, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/9, một phóng viên đã hỏi người phát ngôn Mao Ninh về tin đồn Lý Thượng Phúc mất tích. Điều kỳ lạ là Mao Ninh không hề phủ nhận mà chỉ trả lời đơn giản: “Tôi không hiểu tình huống mà bạn đang nói đến”.


Câu trả lời của Mao Ninh khiến người ta liên tưởng đến đến câu trả lời của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khi được hỏi về tin đồn liên quan đến cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) vài ngày trước. Ngô Khiêm cũng không phủ nhận mà chỉ nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ điều tra mọi trường hợp và xử lý mọi quan chức tham nhũng, Quân đội Trung Quốc tuân thủ pháp luật sẽ không dung thứ cho hành vi tham nhũng. Nói cách khác, khi bị hỏi về cấp trên trước đây của mình - Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, rằng có phải ông đã xảy ra chuyện, thì Ngô Khiêm không phủ nhận mà nói rằng sẽ điều tra và xử lý mọi quan chức tham nhũng.


Trong khoảng thời gian Lý Thượng Phúc bị nghi ngờ mất tích, dư luận bên ngoài nhận thấy máy bay quân sự của Trung Quốc đã ngừng bay quanh Đài Loan ít nhất 9 ngày. Tờ United Daily News của Đài Loan đưa tin từ cuối tháng 8 đến nay, có một khoảng thời gian 9 ngày liên tiếp không có máy bay quân sự nào của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến cũng như không phận phía Tây Nam và Đông Nam của eo biển Đài Loan.


Trong 2 năm gần đây, máy bay quân sự Trung Quốc không ngừng gia tăng hành vi khuấy đảo ở khu vực eo biển Đài Loan. Đặc biệt là kể từ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vào năm 2022, hành vi khuấy đảo của Trung Quốc không ngừng leo thang, mỗi ngày đều cho máy bay quân sự bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và chỉ rút đi khi Đài Loan cho máy bay xua đuổi.


Cho đến ngày 10/9, Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa tin Trung Quốc sau 9 ngày im ắng lại bắt đầu hành động gây rối Đài Loan bằng máy bay quân sự. Trong ngày hôm đó, có tổng cộng 17 lần máy bay quân sự Trung Quốc xuất kích gây hỗn loạn khu vực eo biển Đài Loan.


Như vậy, thời điểm máy bay quân sự của Trung Quốc ngừng quấy rối Đài Loan trùng với thời điểm Lý Thượng Phúc bị nghi ngờ mất tích, liệu có mối liên hệ nào ở đây không? Lý Thượng Phúc gặp sự cố? Khả năng này không thể loại trừ vì chí ít khả năng Lý Thượng Phúc xảy ra chuyện còn cao hơn là Tần Cương.


Gần đây có một sự kiện quan trọng. Theo Hãng thông tấn Sputnik của Nga, Valery Levenko, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quân sự quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Belarus tiết lộ trong một chương trình truyền hình ngày 10/9 rằng Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin sắp tới sẽ có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Ông cũng cho biết chuyến thăm này có ý nghĩa to lớn và là chuyến thăm cấp chiến lược. Có cảm giác như lần giao lưu quân sự này giữa Belarus và Trung Quốc sắp diễn ra một động thái lớn nào đó.


Lý do vấn đề này được quan tâm là vì Bộ trưởng Quốc phòng Belarus sắp tới sẽ đến thăm Trung Quốc, và người tiếp đón ông tất nhiên sẽ là người đồng cấp - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Cần lưu ý rằng, cách đây chưa đầy một tháng, hai người họ đã gặp gỡ tại Belarus. Bây giờ họ lại sắp gặp nhau trong chuyến thăm đáp lễ, điều đó có nghĩa là trong cuộc gặp trước họ đã đạt được một số thỏa thuận và cần phải thực hiện trong thời gian ngắn, đồng thời cần bàn bạc về kế hoạch tiếp theo, nên mới phải sắp xếp một cuộc gặp vội vã như vậy. Như vậy, trong chuyến thăm sắp tới của Viktor Khrenin tới Trung Quốc, liệu ông có gặp Lý Thượng Phúc hay không, đây chính là nút thắt vấn đề rất đáng được quan tâm.


Các tướng lĩnh và quan chức cấp cao của ĐCSTQ liên tiếp “mất tích” hoặc tử vong


Theo The Epoch Times ngày 11/ 9/2023, gần đây, hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc liên tiếp “biến mất”. Mới đây nhất, các trang web tiếng Trung ở nước ngoài hôm 7/9 đưa tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đang bị điều tra, làm dấy lên sự quan tâm của dư luận.


Ngày 10/9, Cựu Trung tá Hải quân Diêu Thành tiết lộ trên một trang mạng xã hội rằng Lý Thượng Phúc có lẽ đã bị bắt. Ông cho hay: “Quân ủy Trung ương từng gửi đi thông báo sẽ điều tra tình hình mua sắm của Ban Phát triển Trang bị từ năm 2017 đến nay. Nhiều người trong quân đội đã nói với tôi về vấn đề này, họ đang điều tra tình hình mua sắm thiết bị khi Lý Thượng Phúc còn đương chức”. Tháng 9/2017, Lý Thượng Phúc kế nhiệm Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) làm Trưởng ban Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương. Ngày 26/7 năm nay, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ra thông báo yêu cầu truy tìm manh mối tham nhũng trong các vụ đấu thầu mua sắm vũ khí kể từ tháng 10/2017. Lý Thượng Phúc là do Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp đề bạt, nên khả năng cao người tiếp theo sẽ là Trương Hựu Hiệp: “Mọi người thấy rằng gần đây Trương Hựu Hiệp rất ít khi lên tiếng. Không loại trừ khả năng ông có ý kiến với Tập Cận Bình”. Cách đó mấy ngày, có cư dân mạng tiết lộ rằng Tư lệnh Hải quân Chiến khu miền Bắc Vương Đại Trung cũng bị đình chỉ công tác và điều tra. Những ngày gần đây, Tập Cận Bình đang thị sát Tập đoàn quân 78 thuộc Chiến khu miền Bắc, tháp tùng ông còn có các quan chức như Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp. Vào ngày 8/9, trong chuyến thị sát, Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh việc chuẩn bị cho chiến tranh và “duy trì sự tập trung, đoàn kết cao độ cũng như an ninh và ổn định của quân đội”. Tin tức về chuyến thị sát của Tập Cận Bình sau đó 2 ngày mới được truyền thông của ĐCSTQ công bố.


Tin tức thu hút sự chú ý nhất của thế giới bên ngoài thời gian gần đây là sự “mất tích” tập thể của ban lãnh đạo Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF). PLARF là lực lượng “át chủ bài” mới thành lập năm 2015 của Tập Cận Bình, lực lượng này được trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa, mang theo “hoài bão về một quân đội hùng mạnh” của Tập Cận Bình.


Ngụy Phượng Hòa, Tư lệnh đầu tiên của PLARF, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, được cho là đã bị miễn nhiệm trong cuộc cải tổ Quốc vụ viện của ĐCSTQ hồi tháng 3, đến nay vẫn chưa xuất hiện. Tờ South China Morning Post hồi tháng 7 tiết lộ rằng Tư lệnh PLARF Lý Ngọc Siêu đã bị cơ quan chống tham nhũng của quân đội bắt giữ và điều tra, bị đưa đi cùng còn có Phó Tư lệnh Lưu Quang Bân và Phó Tư lệnh tiền nhiệm Trương Chấn Trung.


Một cựu Phó Tư lệnh khác của PLARF là Ngô Quốc Hoa được cho là đã tự sát. Cáo phó đăng trên mạng ngày 25/7 cho thấy Ngô Quốc Hoa qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 4/7. Trang mạng The Paper đã xác nhận thông tin này vào ngày 27/7 và gỡ xuống rất nhanh sau đó. Có nguồn tin cho biết Ngô Quốc Hoa chết vì treo cổ tự tử. Ngày 31/7, Tập Cận Bình bổ nhiệm tư lệnh mới và chính ủy mới của PLARF, gián tiếp xác nhận tin đồn PLARF bị thanh trừng.


Ngoài ra, còn có những tin tức khác về quân đội. Ngày 1/9, Trình Đông Phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự mới nhậm chức được 8 tháng, đã bị cách chức và không rõ tung tích. Ngày 24/7, sau 3 tháng cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương Vương Thiếu Quân qua đời, thông báo chính thức về cái chết của ông mới được đưa ra./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn soundofhope

 

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage