Việt Nam - đối thủ đáng gờm trên trường sản xuất toàn cầu

Thứ Hai, 19/05/2025

7:18 pm(VN)

-

10:18 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Việt Nam - đối thủ đáng gờm trên trường sản xuất toàn cầu

20/09/2023

Theo trang immago.com (Mỹ) ngày 18/9, trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã là “công xưởng của thế giới”. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, một đối thủ khác đang xuất hiện. Với dân số trẻ và các sáng kiến chiến lược, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một đối thủ đáng gờm trên trường sản xuất toàn cầu.
 

Sự trỗi dậy và tính toán của Trung Quốc


Sau nhiều thập kỷ đầu tư, Trung Quốc khẳng định vị thế là nước có năng lực sản xuất vô song. Từ quần áo đến đồ điện tử, các nhà máy của Trung Quốc đã sản xuất một lượng lớn hàng hóa của thế giới, trong đó ngành may mặc thúc đẩy sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc.


Tuy nhiên, thành công đó có những vấn đề riêng. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã bộc lộ những điểm yếu: vấn đề môi trường và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Từng bị khói mù bao phủ, các thành phố ở Trung Quốc phải đối mặt với hậu quả từ sự tăng trưởng công nghiệp nóng. Thế giới đã có những đánh giá đối với Trung Quốc cũng như vấn đề môi trường và lao động của nước này. Điều này khiến Trung Quốc phải hứng chịu những lời chỉ trích và áp lực phải cải cách.


Trung Quốc khó có thể tuột mất vị trí thống lĩnh ngành sản xuất toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi rõ rệt trong việc tìm nguồn cung ứng sau thời kỳ COVID-19.


Cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam


Việt Nam, vốn đã lấy Trung Quốc làm kim chỉ nam để học hỏi cả những thành công và sai lầm trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, nay đang khẳng định vị thế là địa điểm thay thế hấp dẫn cho các chủ sở hữu thương hiệu và chuỗi cung ứng muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc và giày dép.  Lực lượng lao động trẻ và đầy tham vọng của Việt Nam chính là điểm nổi trội. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận ra rằng quan điểm đang thay đổi và người dân nhận thức rất rõ ràng về cộng đồng quốc tế.


Đổi mới là chìa khóa dẫn đến thành công lâu dài, bắt đầu từ giáo dục. Các sáng kiến và quy trình giáo dục trên toàn quốc được triển khai hiệu quả để tập trung cải thiện năng suất tại nơi làm việc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các dịch vụ đổi mới, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Những sáng kiến này bao gồm việc Việt Nam tích cực tìm kiếm và ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, chú trọng thiết lập một địa điểm cạnh tranh và hấp dẫn cho sản xuất và kinh doanh.


Dù có những khác biệt rõ ràng trong cách Việt Nam đạt được thành công nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng với cách Trung Quốc xây dựng con đường của nước này, đặc biệt liên quan đến chiến lược phát triển tập trung vào việc sử dụng hệ thống thuế ưu đãi và thành lập các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư. Những đặc điểm này có phần hơi lệch so với các triết lý kinh doanh và phát triển xã hội chủ nghĩa/cộng sản truyền thống nhưng đã được chứng minh là công cụ thúc đẩy tăng trưởng.


Sự thành công của mô hình Trung Quốc chủ yếu là nhờ các khu công nghiệp, đặc biệt là trong những ngày đầu. Việt Nam đã nhận ra sức mạnh của các khu công nghiệp và đưa các khu công nghiệp vào lộ trình phát triển. Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã thành lập các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc/giày dép và công nghệ cao. Hiện có khoảng 400 khu công nghiệp tập trung ở khắp Bắc, Trung, Nam.


Một tương lai bền vững


Cách tiếp cận của Việt Nam không chỉ là sự bắt chước đơn thuần. Việt Nam mong muốn xây dựng cách tiếp cận xanh hơn, cân bằng hơn để tăng trưởng bền vững hơn so với Trung Quốc. Điều quan trọng đối với Việt Nam là xây dựng tư duy thân thiện với môi trường vì thế giới đòi hỏi sự bền vững. Cùng với các nước đang phát triển khác, Việt Nam phải duy trì phát triển bền vững để đảm bảo đất nước và các dịch vụ luôn hấp dẫn đầu tư.


Chính phủ Việt Nam đã dẫn dắt sự phát triển và nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Điều này đã được chứng minh bằng các chính sách khuyến khích như miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất cho các nhà đầu tư đáp ứng các quy định bảo vệ môi trường. Cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả và khẳng định vị thế của Việt Nam trước các nước láng giềng.


Sự nổi lên của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất toàn cầu là điều không thể bàn cãi. Các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Indonesia đang tranh giành miếng bánh và nhận ra các cơ hội. Dù có thể chưa phải là “công xưởng của thế giới”, nhưng chắc chắn Việt Nam đã trở thành đối thủ tiềm năng và là một ngôi sao đang lên trên thị trường may mặc và giày dép toàn cầu./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn immago.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage