Toan tính của Trung Quốc đối với cuộc chiến Israel-Hamas

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:35 am(VN)

-

8:35 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Toan tính của Trung Quốc đối với cuộc chiến Israel-Hamas

18/12/2023

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang diễn ra ngày càng khốc liệt, thị trường toàn cầu đang nín thở quan sát, lo sợ kẻ thù truyền thống của Israel là Iran hoặc Liban sẽ tham chiến và mở rộng tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế toàn cầu. So với nỗ lực hòa giải cuộc chiến này của Mỹ, Trung Quốc kiên trì lập trường trung lập.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cho rằng trên thực tế, Trung Quốc không ủng hộ Israel hay Hamas, các nước Arập mới chính là mục tiêu mà Trung Quốc muốn lôi kéo, bởi Trung Quốc là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Trung Đông và khu vực này cũng đang nổi lên là thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Trung Quốc như máy bay không người lái… và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Họ cho rằng Trung Quốc ưu tiên thương mại trước rồi mới đến chính trị, mặc dù vẫn chưa thể so sánh với Mỹ về ảnh hưởng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc đã và đang là nước có ảnh hưởng lớn thứ hai ở khu vực này.


Xung đột Israel-Hamas đã kéo dài hơn 1 tháng, giao tranh vẫn chỉ giới hạn ở Dải Gaza tiếp giáp với Israel và chưa lan rộng. Các nhà phân tích thị trường cho rằng ngoài việc đẩy giá dầu thô lên cao, tác động của chiến tranh đến nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ có hạn. Tuy nhiên, họ lại có quan điểm khác nhau về việc Trung Quốc, nước đã xây dựng được cơ sở kinh tế ở Trung Đông trong nhiều năm qua, có thể sẽ lợi dụng tình hình này để nâng cao ảnh hưởng địa chính trị và chi phối tình hình Trung Đông.


Trung Quốc có lợi ích kinh tế gì ở Trung Đông?


Thứ nhất, Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Trung Đông. Theo số liệu thống kê mới nhất do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố vào giữa tháng 9/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 379 triệu tấn dầu thô từ tháng 1-8/2023, chiếm khoảng 73% tổng lượng tiêu thụ của cả nước. Ngoài ra, theo số liệu thống kê do Trung tâm tin tức dầu khí Trung Quốc công bố cuối tháng 3/2023, Trung Quốc nhập khẩu 272 triệu tấn dầu thô từ Trung Đông trong năm 2022, chiếm khoảng 53% lượng dầu nhập khẩu và 1/3 lượng dầu tiêu thụ cả năm của Trung Quốc.


Nói cách khác, cứ 3 thùng dầu thô được tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2022 thì có 1 thùng đến từ Trung Đông. Trong số 5 nước nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, Saudi Arabia và Nga chiếm thị phần nhiều nhất, trong khi Iraq, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Oman lần lượt chiếm từ vị trí thứ 3 đến thứ 5. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nước xuất khẩu lớn thứ nhất hoặc thứ hai của 5 nước lớn này.


Lý Bách Cường, Viện trưởng Viện chính sách năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết tác động của cuộc chiến Israel-Hamas đối với nguồn cung dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc vẫn đang trong tầm kiểm soát. Ông nói với trang mạng voachinese.com rằng: "Vẫn chưa có những tác động rõ rệt đến việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc, hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Giá dầu đã tăng cao đáng kể, do Trung Quốc hiện đang phải nhập khẩu hơn 70% lượng dầu mỏ nên phải trả mức giá cao hơn”.


Liệu nguồn cung dầu thô của Trung Quốc có bị ảnh hưởng?


Giáo sư Hồng Mỹ Lan thuộc Học viện quan hệ quốc gia, Đại học chính trị Đài Loan, cho rằng chỉ cần cuộc chiến Israel-Hamas không mở rộng thì xuất khẩu dầu thô ở Trung Đông sẽ không bị ảnh hưởng ngay lập tức, trong khi Trung Quốc cũng có nguồn cung thay thế từ Nga dù dư địa mặc cả còn hạn chế. Bà nói: “Nếu thực sự có áp lực, Trung Quốc vẫn có thể nhập khẩu dầu từ các nơi khác như Nga, nhưng Trung Quốc đã không còn không gian để đàm phán giá dầu với Nga”. 


Ngày 11/10, Reuters trích dẫn số liệu của các công ty theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler cho biết lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga, Iran và Venezuela, vốn chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế, thông qua đường biển từ tháng 1-9/2023 đạt mức kỷ lục với mức 2,765 triệu thùng/ngày. Theo nguồn thạo tin, dầu thô mà Trung Quốc mua từ Venezuela rẻ hơn 10 USD/thùng so với dầu thô cùng loại của Colombia, dầu thô Iran rẻ hơn dầu thô Oman khoảng 15 USD/thùng. Tóm lại, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng hàng chục tỷ USD.


Tuy nhiên, Lý Bách Cường phản bác rằng do bị hạn chế về cơ sở hạ tầng như đường ống… và có giá hợp đồng cố định, nên Trung Quốc không thể mua dầu thô giá rẻ từ Nga và Nga cũng không thể bán dầu cho Trung Quốc. Còn về việc mua dầu từ Iran, ông cho biết không nắm được về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc cũng chưa từng chính thức thừa nhận nhập khẩu dầu từ Iran.


Hồng Mỹ Lan phân tích rằng nguồn cung dầu dài hạn của nhiều nước quả thực phải có giá hợp đồng cố định, nhưng giá nhập khẩu ngắn hạn lại biến động theo thị trường. Dầu nhập khẩu qua đường biển có thể là khoản mua ngắn hạn của Trung Quốc và là nguồn dự trữ năng lượng chiến lược.
 

Hàng hóa Trung Quốc tiêu thụ tại thị trường Trung Đông


Ngoài nguồn cung dầu mỏ, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất ở các nước Arập, các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Trung Đông bao gồm điện tử tiêu dùng, máy móc và thậm chí cả mạng 5G của Huawei cũng là đối tượng được 5 nước vùng Vịnh là Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Bahrain và Qatar quan tâm.


Theo Tân Hoa Xã cuối tháng 9/2023, kim ngạch thương mại Trung Quốc-UAE tăng gấp đôi từ 222,4 tỷ USD trong năm 2012 lên 431,4 tỷ USD trong năm 2022. Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-UAE tăng trưởng ổn định, đạt 199,9 tỷ USD.


Trung Đông cũng là điểm tựa quan trọng cho BRI của Trung Quốc. Tờ báo điện tử The Wire China của Mỹ ngày 15/10 dẫn số liệu thống kê của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho biết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Đông chiếm 23% tổng số giá trị của BRI trên toàn cầu trong năm 2022, Trong đó có Saudi Arabia, quốc gia đã ký "Kế hoạch tầm nhìn 2030" nhằm giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ, khuyến khích sáng tạo, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, bao gồm cả việc đầu tư 5,6 tỷ USD với công ty ô tô Human Horizons của Trung Quốc để thành lập liên doanh sản xuất xe điện.


Liệu Trung Quốc có dựa vào sức mạnh kinh tế để tăng cường sức mạnh địa chính trị?


Theo Hồng Mỹ Lan, cùng với làn sóng giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu ngày càng tăng, các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông nhận thức được sự cấp thiết phải chuyển đổi mô hình kinh tế. Do đó, cơ hội kinh doanh cho hàng hóa Trung Quốc hoặc các dự án hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện. Tuy nhiên, các nước Trung Đông cũng có những nguồn hàng thay thế nhập khẩu khác, hình thành sự cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc. Đặc biệt là về máy bay không người lái và thiết bị mạng 5G, nhiều khách hàng tại Trung Đông lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin. Vì vậy, trong bối cảnh này, Hồng Mỹ Lan cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này chưa đủ lớn để chuyển hóa thành ảnh hưởng địa chính trị có thể chi phối tình hình Trung Đông. Bà cho biết: "Trung Quốc dường như có thế mạnh nhất định về Huawei hay máy bay không người lái, nhưng các nước Trung Đông cũng có một chút lo ngại. Giống như vấn đề mạng 5G, các nước châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác đều lo ngại phần mềm của Trung Quốc sẽ đánh cắp các bí mật của đất nước họ. Điều này khiến cho mong muốn mở rộng thị trường của Trung Quốc ở Trung Đông có bất lợi nhất định".


Tuy nhiên, một nhà xuất khẩu phụ tùng ô tô giấu tên phát biểu với trang mạng voachinese.com rằng từ kinh nghiệm 30 năm hoạt động ở thị trường Trung Đông của ông cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn, nếu không sẽ không thể thúc đẩy Saudi Arabia với Iran khôi phục quan hệ ngoại giao chỉ trong thời gian 3 tháng. Ông cho rằng ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông vẫn là lớn nhất, nhưng Trung Quốc đã trở thành nước có ảnh hưởng lớn thứ hai tại khu vực này. Ngoài Saudi Arabia để duy trì vị thế lãnh đạo tại Trung Đông phải để ý thái độ của Trung Quốc, Iran đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ hầu như tất cả hàng hóa phục vụ đời sống của người dân đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.


Trung Quốc lợi dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ


Trung Quốc đã lợi dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sử dụng đồng nhân dân tệ để giao dịch với Iran và Brazil, đồng nhân dân tệ ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực này. Chiến tranh Israel-Hamas sẽ không kéo dài vì nền kinh tế của Iran hậu thuẫn phía sau không mấy khởi sắc, không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hamas, Hezbollah ở Liban và Tổ chức giải phóng Palestine. Ngoài ra, các tổ chức này cho đến nay có quan hệ mật thiết với Iran đều đang rất kiềm chế, có thể buộc phải ngồi yên nhìn Israel đẩy cư dân ở Dải Gaza về phía Nam và chiếm phía Bắc Gaza.


Lần này Trung Quốc kỳ thực không ủng hộ Israel hay Hamas, nước mà Trung Quốc thực sự muốn lấy lòng là các nước Arập, bởi vì họ mới là những nước mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Nếu chiến tranh giữa Israel-Hamas lan rộng thì sẽ không có lợi cho Mỹ, nhưng Trung Quốc lại “ngư ông đắc lợi”.


Doanh số bán vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông ngày càng tăng, nhiều quốc gia đi theo chủ nghĩa toàn trị ở Trung Đông lo ngại rằng nếu Mỹ từ chối bán vũ khí vì lý do vi phạm nhân quyền, họ sẽ chuyển sang mua sắm vũ khí của Trung Quốc, đặc biệt là máy bay không người lái có trang bị vũ khí.


The Wire China trích dẫn số liệu thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết kể từ năm 2012, 59% máy bay không người lái của Trung Quốc được bán cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Saudi Arabia năm 2017 đã mua 50 máy bay không người lái vũ trang Wing Loong II.


Việc sử dụng máy bay không người lái được trang bị vũ khí là rất phổ biến trong các cuộc xung đột diễn ra ở khu vực Trung Đông hiện nay, và máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất đúng lúc này đã lấp đầy kịp thời khoảng trống thị trường ở khu vực này.


Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất bay vào chiến trường Trung Đông


Alexander Neill, chuyên gia phân tích của Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii, cho biết Trung Quốc có lịch sử né tránh các biện pháp trừng phạt khi xuất khẩu hệ thống tên lửa sang Iran và  Saudi Arabia, nhưng máy bay không người lái có trang bị vũ khí vẫn là giao dịch rất nhạy cảm. Mỹ luôn cảnh giác trước bất kỳ vũ khí quân sự mang tính tấn công nào mà Trung Quốc xuất khẩu sang Trung Đông và cũng sẽ can thiệp thông qua các đồng minh ở khu vực Trung Quốc. Alexander Neil nói: "Đối với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu máy bay không người lái quả thực đang phát triển nhanh chóng. Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất có nhiều chủng loại và có đầy đủ các chức năng chỉ huy, kiểm soát, giám sát và trinh sát. Tôi nghĩ rằng nhiều khách hàng ở Trung Đông sẽ có hứng thú với máy bay không người lái có vũ trang”.


Ông tiết lộ, 15 năm trước, Israel đã bán vũ khí quân sự nhạy cảm cho Trung Quốc, trong đó có radar quân sự và công nghệ máy bay không người lái, mãi đến khi Mỹ can thiệp để kiểm soát và hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự sang Trung Quốc thì quan hệ Mỹ-Israel mới hòa dịu. Vì vậy, xét thấy sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel trong tương lai, Trung Quốc nên thận trọng hơn khi xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông.


Hạ Giang Binh, học giả tài chính ở Hà Bắc, Trung Quốc, chỉ trích rằng Trung Quốc đã “lấy oán báo ơn”. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là sản phẩm bán thành phẩm của xưởng đóng tàu Ukraine vào năm 1983. Israel cũng từng hỗ trợ công nghiệp quân sự, nước khử muối và công nghệ nông nghiệp cho Trung Quốc khi Trung Quốc đang phải đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đều ở phía đối lập với Ukraine và Israel trong chiến tranh Nga-Ukraine và Israel-Hamas. Ông lo ngại việc Trung Quốc đắc tội với Israel để đổi lấy liên minh với các nước Arập nhằm chống lại phương Tây sẽ là hành động thiếu khôn ngoan. Ông nói: "Các nước Arập có hệ tư tưởng, cơ cấu và hệ thống quản trị hoàn toàn khác với Trung Quốc. Họ giống như đống cát nằm rải rác đang cố gắng tụ lại để giữ ấm cho nhau”.


Ông chỉ trích Trung Quốc chỉ muốn trở thành nhà lãnh đạo của các nước thuộc thế giới thứ ba ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi và ngày càng quay lưng lại với các nước văn minh trên thế giới như các nước ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ./.

 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn voa, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage