Không có hoà bình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Sáu, 16/05/2025

2:54 am(VN)

-

5:54 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Không có hoà bình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

19/09/2023

Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thành công trong việc vô hiệu hóa chiếc ô hạt nhân của Mỹ, thì điều gì có thể ngăn ông tấn công Hàn Quốc?


Quan điểm gây tranh cãi về vũ khí hạt nhân là chúng bảo vệ hòa bình bằng cách khiến chiến tranh trở nên nguy hiểm đến mức các quốc gia phải cố gắng né tránh. Nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế thuộc trường phái tân hiện thực tán thành quan điểm này. Họ chỉ ra rằng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Liên Xô tuy kéo dài nhiều thập kỷ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng chưa chuyển hóa thành chiến tranh nóng.


Nguyên nhân chính có thể là do mối lo ngại rằng ngay cả một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí thông thường cũng sẽ leo thang thành chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân mà không bên nào có đủ năng lực tự vệ. Washington và Moskva ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, nhưng bóng ma về sự hủy diệt hoàn toàn khiến cả hai phải hành xử hết sức thận trọng đối với lực lượng quân sự của nhau. 


Liệu có thể áp dụng cách diễn giải này về lịch sử Chiến tranh Lạnh với Đông Bắc Á ngày nay hay không? John Mearsheimer, học giả theo chủ nghĩa tân hiện thực nổi tiếng nhất nước Mỹ, từng sử dụng “hòa bình hạt nhân” (học thuyết quan hệ quốc tế cho rằng sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp có thể làm giảm nguy cơ leo thang khủng hoảng vì các bên sẽ tìm cách tránh những tình huống có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân – ND) đối với bán đảo Triều Tiên trong bài phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu năm 2023 ở Seoul hôm 30/8. Ông lập luận: “Tôi cho rằng một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân tốt hơn một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Bán đảo Triều Tiên khi có một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ hòa bình hơn”.


Mearsheimer cho biết Triều Tiên mua vũ khí hạt nhân để đối phó với hai mối đe dọa an ninh: Thứ nhất, lực lượng quân sự thông thường của nước này trở nên yếu hơn so với Hàn Quốc, khiến Triều Tiên dễ bị nước láng giềng phía Nam xâm lược. Thứ hai, Bình Nhưỡng “phải hết sức lo lắng về Mỹ, vốn bị ám ảnh về việc thay đổi chế độ, và chỉ muốn thực hiện thay đổi chế độ ở Triều Tiên”. Theo ông, hiện Triều Tiên đã được trang bị vũ khí hạt nhân, nên “chiến tranh trên bán đảo là điều rất khó xảy ra”. Mỹ và Hàn Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng không dám sử dụng vũ khí hạt nhân vì có thể bị Mỹ trả đũa bằng vũ khí tương tự.


Mearsheimer lập luận rằng giống như trường hợp của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các kho vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn sở hữu buộc hai bên đều phải hành xử thận trọng, củng cố hòa bình và sự ổn định. Tuy nhiên, xét từ nhiều góc độ, quan điểm cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên là sai lầm. Phần quan trọng trong lập luận của Mearsheimer là Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân vì tin rằng Hàn Quốc, Mỹ hoặc cả hai sẽ tấn công họ, trừ khi bị ngăn cản bởi thứ gì đó mạnh hơn lực lượng thông thường của Triều Tiên.


Nhận định đó rõ ràng là sai lầm. Sức mạnh tổng hợp của các lực lượng thông thường của Mỹ và Hàn Quốc đã vượt quá sức mạnh quân sự của Triều Tiên, ít nhất kể từ những năm 1990. Trên hết, Mỹ có ưu thế về vũ khí hạt nhân so với Triều Tiên trong 6 thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tuy nhiên, Washington và Seoul đã lựa chọn không xâm lược hay thậm chí là tấn công Bình Nhưỡng.


Lập luận có thể bác bỏ nhận định trên là ngay cả khi không có nguy cơ Mỹ/Hàn Quốc vô cớ tấn công, thì điều quan trọng là chế độ Kim Jong-un vẫn tin rằng nguy cơ đó luôn hiện hữu. Chế độ này có lý do để luôn canh cánh về nguy cơ như vậy. Vụ ném bom của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy phần lớn Triều Tiên; Chính phủ Mỹ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi Bình Nhưỡng sở hữu loại vũ khí này; và quan chức Triều Tiên liên tục cáo buộc – nhất là trong các cuộc tập trận Mỹ-Hàn – rằng Mỹ có ý định gây chiến với Triều Tiên.


Tuy nhiên, hành động của Triều Tiên làm dấy lên nghi ngờ về quan điểm cho rằng chế độ Kim Jong-un thực sự lo sợ một cuộc tấn công từ Mỹ, chứ không phải nói vậy vì mục đích tuyên truyền trong nước. Việc tạo ra hình ảnh một kẻ thù hùng mạnh và hiếu chiến mang lại cho chế độ cái cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả về kinh tế trong nước và khiến Kim Jong-un được tán dương là người có công ngăn chặn hành vi gây hấn của kẻ thù.


Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng cảm thấy tự tin rằng đối thủ của họ sẽ không công kích việc họ thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ và đôi khi gây chết người vào Hàn Quốc. Các cuộc tấn công bao gồm cả vụ đánh bom tại thủ đô Rangoon, Myanmar, năm 1983 khiến 3 quan chức Hàn Quốc thiệt mạng; vụ đánh bom máy bay chở khách của hãng Korean Airlines năm 1987 khiến toàn bộ 115 hành khách trên máy bay thiệt mạng; và vụ đánh chìm tàu Cheonan của Hải quân Hàn Quốc năm 2010 khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.


Có hai lý do khiến Hàn Quốc không muốn rơi vào xung đột quân sự với Triều Tiên. Thứ nhất, cả chính phủ lẫn xã hội Hàn Quốc đều không quan tâm đến việc chinh phục Triều Tiên, ngay cả khi họ có thể làm vậy với chi phí quân sự thấp. Cho dù ủng hộ ý tưởng thống nhất về nguyên tắc, nhưng họ vẫn cảnh giác về chi phí tái thiết Triều Tiên và khó khăn trong việc quản lý một dân tộc chưa từng được hưởng nền dân chủ và chưa được trang bị đầy đủ để làm việc hiệu quả trong nền kinh tế thị trường tự do tiên tiến. 


Thứ hai, Seoul, và nói rộng ra là Washington, lâu nay vẫn chưa có hành động quân sự bởi lo ngại rằng việc Triều Tiên trả đũa bằng cách sử dụng đạn dược thông thường được bắn từ các loại pháo và tên lửa sẽ tàn phá Seoul, nơi tập trung phần lớn tài sản và dân số Hàn Quốc. Trên thực tế, Triều Tiên đã có đủ năng lực ngăn chặn một cuộc tấn công đáng gờm của Mỹ/Hàn Quốc trước khi họ sở hữu vũ khí hạt nhân.


Về phần Mỹ, thay vì “bị ám ảnh về việc thay đổi chế độ” ở Bình Nhưỡng, Washington đã nỗ lực đáng kể, từ khi cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân kéo dài bắt đầu, nhằm trấn an chế độ Kim Jong-un rằng Mỹ không có ý định lật đổ họ. Điểm chung trong các nỗ lực chính thức của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ các nước không thân thiện là gây sức ép vì lý do vi phạm nhân quyền, nhưng Chính quyền Trump và Chính quyền Biden đã để trống vị trí đặc phái viên của Chính phủ Mỹ về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên trong giai đoạn 2017-2023.


Nếu Chính phủ Triều Tiên khi chưa sở hữu vũ khí hạt nhân lo sợ cuộc tấn công từ Mỹ, thì về mặt logic, họ sẽ coi khoảng thời gian phát triển vũ khí hạt nhân là thời kỳ dễ bị tổn thương nhất. Washington hẳn có nhiều động cơ nhất để tiến hành một cuộc tấn công phòng ngừa hoặc xâm lược chấm dứt chế độ trước khi Triều Tiên đạt được thế cân bằng hạt nhân với Mỹ và có lẽ là cả năng lực đe dọa lãnh thổ Mỹ. Nếu sợ hãi thì Bình Nhưỡng lẽ ra nên giữ kín tham vọng hạt nhân của mình.


Tuy nhiên, thay vào đó, Chính phủ Triều Tiên lại thách thức Mỹ với những lời lẽ ám chỉ việc họ nôn nóng muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để gây thiệt mạng cho người Mỹ nhiều năm trước khi năng lực này được phát huy. Khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry dẫn đầu một phái đoàn tới Triều Tiên vào năm 1999, một sĩ quan đã nói với ông rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể tấn công quê hương ông ở Palo Alto, California, “ngay ngày hôm sau”.


Triều Tiên đã tung ra một đoạn video mô phỏng cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào New York vào năm 2013 và một đoạn video khác mô phỏng cuộc tấn công tương tự vào Washington DC năm 2016. Như Mearsheimer lập luận, nếu nỗi lo sợ về một cuộc xâm lược của Mỹ hoặc Hàn Quốc là yếu tố thúc đẩy Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, thì những vũ khí này có thể góp phần củng cố hòa bình vì cảm giác an toàn mà chúng mang lại cho nước này. Nhưng nếu Triều Tiên không sợ bị tấn công ngay cả khi họ chưa có vũ khí hạt nhân, thì lập luận của Mearsheimer chưa đủ sức thuyết phục. Bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng tìm kiếm năng lực hạt nhân vì một lý do khác – có thể là vì một quân bài mặc cả để củng cố uy tín của chế độ hoặc để buộc các đối thủ phải nhượng bộ.


Dù lập luận của Mearsheimer có đủ sức hấp dẫn về mặt lý thuyết hay không, thì trên thực tế, việc Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân đã làm tăng, chứ không làm giảm, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Washington và Seoul đã chứng minh rằng họ sẵn sàng phớt lờ Triều Tiên, trừ khi Bình Nhưỡng khiến họ rơi vào khủng hoảng.


Việc Chính phủ Triều Tiên phô diễn năng lực hạt nhân và sau đó công khai ý định tăng cường khả năng đe dọa đối thủ đã khiến Mỹ và Hàn Quốc phản ứng lại, dẫn tới hành động đáp trả của Bình Nhưỡng. Thay vì trở nên “hòa bình hơn”, bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến tình trạng suy thoái. Việc Triều Tiên tiến hành chương trình hạt nhân khiến Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra động thái hung hăng, mạo hiểm là nhắm mục tiêu vào giới lãnh đạo Triều Tiên bằng các cuộc tấn công tên lửa trong trường hợp một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân sắp xảy ra.


Washington đã nỗ lực khôi phục niềm tin của Hàn Quốc vào khả năng răn đe mở rộng của Mỹ bằng cách tuyên bố rằng “các vũ khí chiến lược” của Mỹ sẽ thường xuyên ghé thăm Hàn Quốc. Đáp lại, cuối năm 2022, Bình Nhưỡng đã thông qua đạo luật cho phép tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào đối thủ bị nghi ngờ nhắm mục tiêu vào ban lãnh đạo Triều Tiên.


Đầu năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên cho biết việc Mỹ triển khai các tàu có năng lực hạt nhân tới Hàn Quốc có thể thỏa mãn yêu cầu được đặt ra trong đạo luật mới cho phép Bình Nhưỡng tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Đây không phải là động thái mang lại hòa bình và sự ổn định.


Cuối cùng, lập luận của Mearsheimer không lý giải được điều mà các học giả quan hệ quốc tế gọi là nghịch lý ổn định-bất ổn: Các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tự tin rằng đối phương không dám sử dụng vũ khí hạt nhân đến mức một hoặc cả hai bên đều lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự bằng vũ khí thông thường.


Nếu và khi Bình Nhưỡng tin rằng họ có đủ năng lực tấn công lần hai – nghĩa là họ có thể chống đỡ cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ mà vẫn có thể đánh trả đến mức khiến Mỹ phải hứng chịu thương vong và tổn thất không thể chấp nhận được – chế độ Kim Jong-un có thể sử dụng các đòn tấn công thông thường mạnh mẽ và thường xuyên hơn để chống lại Hàn Quốc, vì họ sẽ vô hiệu hóa chiếc ô hạt nhân của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.


Điều này có thể giúp Triều Tiên định ra chiến lược nhằm mục đích trước tiên là phá hủy niềm tin của Hàn Quốc vào sự bảo vệ của Mỹ, sau đó là phá vỡ liên minh Mỹ-Hàn và cuối cùng là sử dụng vũ khí hạt nhân để buộc Seoul phải phục tùng các yêu cầu chính trị của Bình Nhưỡng.


Dường như khó áp dụng khái niệm về hòa bình hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho trường hợp bán đảo Triều Tiên, vì không nước nào trong số ba nước liên quan nhất thiết phải hành xử theo dự đoán của một học thuyết chung. Việc Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn asiatimes.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage