Căng thẳng eo biển Đài Loan tăng lên cấp độ mới

Thứ Sáu, 16/05/2025

2:46 am(VN)

-

5:46 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Căng thẳng eo biển Đài Loan tăng lên cấp độ mới

22/09/2023

Theo RFI, căng thẳng tại eo biển Đài Loan đã tăng lên một cấp độ: Ngày 19/9, Đài Bắc thông báo trong vòng 24 giờ đồng hồ đã phát hiện 55 máy bay chiến đấu Trung Quốc bay xung quanh hòn đảo này. Trước đó, cũng trong vòng 24 giờ đồng hồ, từ tối 17-18/9, Bắc Kinh đã điều tổng cộng 103 máy bay chiến đấu đến vùng biển chung quanh hòn đảo, một con số kỷ lục trong những năm gần đây.
         

Trong số 55 máy bay chiến đấu Trung Quốc bị phát hiện từ 18/9 đến sáng 19/9, khoảng 1/2 đã vượt qua “đường trung tuyến” trên eo biển Đài Loan, được coi như là ranh giới không chính thức giữa hòn đảo với Trung Quốc Đại lục. Theo Đài Bắc, các máy bay chiến đấu này cũng đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực phía Tây Nam và Đông Nam của Đài Loan.
         

Đài Loan sẽ phản ứng như thế nào?
         

Trên nguyên tắc, bất cứ máy bay của nước nào khi vào ADIZ của một nước khác thì phải thông báo cho cơ quan hàng không của nước đó. ADIZ của Đài Loan chồng lấn một phần lên ADIZ của Trung Quốc và một phần lãnh thổ Đại lục. Nhưng ADIZ không có giá trị như không phận của một quốc gia vì có phạm vi bao trùm lớn hơn.
         

Khi đưa các máy bay chiến đấu ồ ạt xâm nhập ADIZ của Đài Loan, Bắc Kinh gia tăng áp lực với Đài Bắc, nhưng vẫn không chính thức vi phạm luật quốc tế, bởi vì các máy bay này chưa xâm phạm không phận của Đài Loan. Nhưng với việc các máy bay chiến đấu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập ADIZ và vượt qua đường trung tuyến, phải chăng giai đoạn kế tiếp sẽ là xâm phạm luôn cả không phận của hòn đảo, tức là tiến vào khu vực chưa tới 12 hải lý (22 km) tính từ các bờ biển Đài Loan. Phản ứng của Đài Bắc lúc đó sẽ như thế nào?
         

Theo nhận định của chuyên gia về chiến lược hàng hải Alessio Patalano của trường King’s College ở London, nhiều khả năng Đài Loan sẽ lại phản ứng giống như hiện nay, đó là kích hoạt hệ thống phòng không, điều máy bay tiêm kích bay lên chặn các máy bay chiến đấu Trung Quốc và đưa các máy bay này ra khỏi không phận Đài Loan. Với vị thế quân sự yếu hơn nhiều so với Đại lục, Đài Bắc khó mà làm khác hơn được. Cho nên, nếu quốc tế cũng không có phản ứng thì coi như mặc nhiên chấp nhận là Đài Loan không còn chủ quyền trên các vùng biển của họ.
         

Động cơ đằng sau của Trung Quốc
         

Về mặt chính trị, rõ ràng đưa các máy bay chiến đấu và tàu chiến Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến là một cách để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Sau khi Đài Bắc yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt ngay lập tức những hành động đơn phương này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là Đài Loan thuộc về Trung Quốc và “cái gọi là đường trung tuyến không hề tồn tại”. Nói cách khác, theo chuyên gia Alessio Patalano, Bắc Kinh kể từ nay “bình thường hoá” việc không còn tuân thủ thông lệ đối với Đài Loan, vốn đã được xác định từ thập niên 1960.
          

Về mặt quân sự, các vụ xâm nhập thường xuyên đang làm “hao mòn” lực lượng phòng không của Đài Loan mà Trung Quốc không cần bắn một viên đạn nào. Việc các máy bay tiêm kích F-16 của Đài Loan phải cất cánh thường xuyên hơn để chặn các máy bay chiến đấu Trung Quốc gây tổn phí rất lớn cho Đài Bắc.
          

Mỹ sẽ tăng cường răn đe tại eo biển Đài Loan
          

Theo RFI, ngoài việc đưa ngày càng nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu xâm nhập vùng trời và vùng biển của Đài Loan, trong thời gian gần đây Trung Quốc còn đã gia tăng các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc bao vây hòn đảo. Theo hãng tin AFP, ngày 19/9, các quan chức Lầu Năm Góc đã lên tiếng cảnh cáo rằng một mưu toan phong toả Đài Loan “sẽ thất bại” và sẽ tạo ra “một nguy cơ leo thang rất lớn” đối với Trung Quốc, vì lúc đó cộng đồng quốc tế sẽ buộc phải có phản ứng, điều mà Bắc Kinh muốn tránh.
          

Theo trang mạng defense.gov, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 19/9, ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, đồng minh và bạn bè khác để tăng cường năng lực răn đe tại eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Ratner đã trình bày về tình hình ở eo biển Đài Loan và các động thái mà Mỹ đang thực hiện nhằm ngăn chặn Trung Quốc có các hoạt động hiếu chiến đối với Đài Loan. Theo ông, các hoạt động của Bộ Quốc phòng hoàn toàn phù hợp với chính sách lâu dài của Mỹ và Mỹ “vẫn cam kết thực hiện chính sách Một Trung Quốc đã được thiết lập tốt… được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, 3 thông cáo chung và 6 đảm bảo”. Chính sách này đã giúp duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan trong hơn 4 thập kỷ. Ông nói: “Đó là lý do tại sao chính quyền hiện nay phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng”.  
          

Tuy nhiên, ông nói rằng Trung Quốc đang vượt quá giới hạn bằng cách tiến hành một chiến dịch gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan. Ratner nói: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự, trong khi họ ngày càng sử dụng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) như một công cụ cưỡng chế nhằm hỗ trợ các mục tiêu xét lại của họ, tiến hành các hoạt động nguy hiểm hơn trong và xung quanh eo biển Đài Loan”.   
          

Trung Quốc vẫn là thách thức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo ông, các hành động của Trung Quốc cũng khiến Mỹ tập trung sự chú ý vào việc “đáp ứng các cam kết phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan – cung cấp cho Đài Loan khả năng tự vệ, cũng như duy trì khả năng của Bộ Quốc phòng Mỹ để chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào gây nguy hiểm cho an ninh của người dân Đài Loan”.
          

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, trật tự dựa trên luật lệ quốc tế đã góp phần duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó cũng đã nâng tầm kinh tế của các quốc gia trong khu vực - bao gồm cả Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin đã nói rằng "xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ rất tàn khốc." 
          

Một cuộc xung đột lớn ở eo biển sẽ dẫn đến hàng nghìn người thương vong và gây nguy hiểm cho hoạt động kinh tế toàn cầu trị giá hơn 2.000 tỷ USD, gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Ratner khẳng định một cuộc xung đột sẽ cực kỳ tốn kém trên toàn thế giới và không ai bị ảnh hưởng nhiều hơn chính Trung Quốc. Ông cho biết: “Những rủi ro này nhấn mạnh mức độ mà hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống hiện tại trong toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự thịnh vượng toàn cầu trên toàn thế giới cũng như lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của người dân Mỹ. Sự xâm lược quân sự qua eo biển - dù dưới hình thức xâm lược trực tiếp, phong tỏa hay các biện pháp khác - sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người và sự thịnh vượng toàn cầu là điều không thể tưởng tượng được trong thế kỷ này".
           

Điều quan trọng không kém là Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực. Ratner nói: “Trong năm qua, chúng tôi đã công bố những thành tựu mang tính thay đổi với Nhật Bản, Australia, Philippines và một số quốc gia khác, điều này sẽ khiến lực lượng của chúng tôi trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng phân tán, cơ động, kiên cường và mạnh mẽ hơn”. 
          

Hiện nay, Mỹ cũng đang cung cấp cho Đài Loan các hệ thống phòng thủ mà họ cần. Ratner nhấn mạnh: “Nhìn về phía trước, chúng tôi biết rằng việc tài trợ để hỗ trợ các cơ quan chức năng này sẽ thúc đẩy cam kết của toàn chính phủ và lưỡng đảng của chúng tôi trong việc tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan. Chúng tôi tin tưởng rằng cách tiếp cận của chúng tôi đang mang lại kết quả”.
         

Theo RFI, dẫu sao thì trước mắt, lực lượng Trung Quốc được huy động trong những lần xâm nhập gần đây còn quá ít để tính đến chuyện tấn công trực diện Đài Loan, vì theo các chuyên gia quân sự, để vượt qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh cần phải tập trung một lực lượng mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia Alessio Patalano lưu ý, nếu số phi cơ vượt qua đường trung tuyến cứ tiếp tục gia tăng, chúng ta sẽ khó mà xác định ý đồ của Trung Quốc: Đây vẫn chỉ là hành động hù dọa hay là nhằm mở màn cho một cuộc tấn công thật sự vào Đài Loan?./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn RFI, defense.gov

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage