Mỹ đặt cược vào Chiến tranh AI

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:13 am(VN)

-

9:13 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Mỹ đặt cược vào Chiến tranh AI

28/09/2023

Trong suốt lịch sử loài người, tiến bộ công nghệ đã chuyển thành sức mạnh quân sự. Trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia kết hợp công nghệ mới nhanh chóng và hiệu quả hơn vào quân đội của họ sẽ giành được lợi thế đáng kể so với đối thủ. Điều tương tự cũng có thể đúng với trí tuệ nhân tạo (AI), khi Mỹ và Trung Quốc hiện đang trong cuộc cạnh tranh giành ưu thế AI toàn cầu. Cuộc cạnh tranh về AI và ưu thế công nghệ này rất có thể sẽ quyết định bối cảnh toàn cầu trong tương lai.
          

Mặc dù Trung Quốc có thể không đồng tình với sự tồn tại của một cuộc cạnh tranh công nghệ như vậy, nhưng Mỹ vẫn tin tưởng chắc chắn vào điều đó. Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks hôm 28/8 vừa qua. Bài phát biểu của bà Hicks rất có ý nghĩa vì nhiều lý do, chủ yếu vì nó mang lại cái nhìn sâu sắc có giá trị về tư duy chiến lược của quân đội Mỹ về Trung Quốc, AI, các hệ thống tự động và đổi mới công nghệ.
          

Điểm chính trong bài phát biểu của bà Hicks là Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) hướng tới mục tiêu có một “quân đội được vận hành bằng dữ liệu và được hỗ trợ bởi AI”. Mặc dù AI đã trở nên phổ biến rộng rãi trong vài năm qua nhưng các cường quốc vẫn đang xem xét các ứng dụng quân sự của AI trong nhiều thập kỷ nay. Từ năm 2014 trở đi, khi Mỹ công bố “Chiến lược bù đắp lần thứ ba”, nước này đã xây dựng nền tảng để kết hợp AI vào quân đội của mình. Báo cáo của Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) năm 2021có lẽ là báo cáo đáng chú ý nhất. Báo cáo này cho biết DOD còn lâu mới “sẵn sàng cho AI” và kêu gọi tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào năm 2025 và “tích hợp các công nghệ hỗ trợ AI vào mọi khía cạnh của cuộc chiến”. Chính lối tư duy này đã hình thành nên bài phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks.
          

Bà Hicks đã công bố “Sáng kiến Replicator”, mà bà mô tả là một sáng kiến mới của DOD nhằm phát triển nhanh chóng và triển khai “các bày đàn máy bay không người lái trên không, trên bộ hoặc trên biển với chi phí thấp nhưng vẫn có thể tấn công kẻ thù một cách hiệu quả”. Bà gọi đó là một “vụ đặt cược lớn” để chống lại lợi thế quan trọng nhất của Trung Quốc – với khả năng đưa hàng loạt nền tảng và con người vào chiến trường. DOD hy vọng sẽ tận dụng “các hệ thống tự động, có thể sử dụng được trong tất cả các lĩnh vực - ít tốn kém hơn, con người ít gặp nguy hiểm hơn và có thể thay đổi, cập nhật hoặc cải thiện với thời gian thực hiện ngắn hơn đáng kể”.
          

Sáng kiến này sẽ tập trung vào các nền tảng “nhỏ, thông minh, giá rẻ và nhiều mục đích”. Theo bà Hicks, mục tiêu trước mắt của Sáng kiến Replicator là để quân đội Mỹ “triển khai các hệ thống tự động có thể sử dụng được ở quy mô hàng nghìn, trong nhiều lĩnh vực, trong vòng từ 18-24 tháng tới”.
          

Thứ nhất, quy mô của các hệ thống tự động là rất lớn và sẽ áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bối cảnh Mỹ hiện là trung tâm công nghệ của thế giới, việc quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi các hệ thống tự động có thể sẽ buộc các quốc gia khác áp dụng các hệ thống tương tự để duy trì cân bằng chiến lược. Các hệ thống tự động có thể sẽ phổ biến rộng rãi đối với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ.
          

Thứ hai và quan trọng hơn là mốc thời gian đã nêu trong vòng từ 18-24 tháng tới. Điều này khá đáng báo động, đặc biệt khi các vấn đề xung quanh đạo đức và quy định về AI đang ngày càng phát triển gần đây. Mặc dù Mỹ tuyên bố tuân theo cách tiếp cận “có trách nhiệm và đạo đức” đối với AI trong Sáng kiến Replicator của mình, nhưng mốc thời gian cụ thể khiến những tuyên bố này trở nên khó đáng tin. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là quân đội Mỹ có thể đã thực hiện sáng kiến này được một thời gian, vì vậy họ sẽ có các quy định cụ thể để giảm thiểu rủi ro khi tích hợp AI vào quân đội. Các tiêu chuẩn và quy định về AI sẽ ảnh hưởng như thế nào đến một cuộc khủng hoảng vẫn còn là một cuộc tranh luận lâu dài.
          

Ngay cả khi Mỹ đã lên kế hoạch cho một sáng kiến như vậy trong nhiều năm thì giờ đây nước này cảm thấy đủ tự tin để công bố và thực hiện nó. Ukraine đã đóng vai trò là nơi thử nghiệm việc sử dụng máy bay không người lái, hệ thống tự động trên chiến trường và chúng đã thể hiện rõ sức mạnh của mình. Nga và Ukraine thường xuyên triển khai máy bay không người lái trong các hoạt động quân sự. Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ước tính Ukraine đã mất 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng. Những máy bay không người lái này rất hữu ích cho các mục đích tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), cũng như nhắm mục tiêu trực tiếp vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của đối phương.
          

Thứ trưởng Hicks cũng trực tiếp đề cập đến Trung Quốc là mục tiêu duy nhất của Sáng kiến Replicator. Bà nói thêm: “Chúng ta phải đảm bảo rằng giới lãnh đạo Trung Quốc tỉnh giấc mỗi ngày, xem xét các nguy cơ gây hấn và kết luận, 'hôm nay không phải là ngày tốt' - và không chỉ hôm nay, mà là mọi ngày, từ nay đến năm 2027, từ nay đến năm 2035, từ nay đến năm 2049 và hơn thế nữa”. Bà cũng đề cập rằng “các hệ thống tự động, có thể được sử dụng trong “các hệ thống tự trị toàn miền, có thể phân bổ (ADA2) sẽ giúp vượt qua thách thức của các hệ thống chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2AD). ADA2 của chúng tôi là để ngăn chặn A2AD của họ”. Đây là một điểm quan trọng.
          

Chiến lược A2AD của Trung Quốc tập trung vào Biển Hoa Nam (Biển Đông). Việc Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng máy bay không người lái để chống lại chiến lược A2AD của Trung Quốc cho thấy rằng họ sẵn sàng, trực tiếp hoặc gián tiếp, can thiệp quân sự vào khu vực.
          

Mặt khác, Trung Quốc có cách hiểu về AI hoàn toàn khác so với Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030, nhưng cho đến nay nước này vẫn đặc biệt giữ bí mật về việc tích hợp AI vào quân đội. Tuy nhiên, điều này không ngăn được Mỹ coi tiến bộ AI của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
          

Cuối cùng, tương lai của chiến tranh sẽ dựa trên dữ liệu và sự hỗ trợ của AI, và theo nhiều cách, nó đã như vậy. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn khi tích hợp AI vào các hệ thống quân sự tự động. Với tốc độ tiến bộ nhanh chóng của AI và tầm quan trọng của các ứng dụng quân sự AI của các nước lớn, việc đưa AI vào quân đội của các nước lớn chỉ là vấn đề khi nào mà thôi. Bài phát biểu của Thứ trưởng Hicks đề cập đến tác động của Sáng kiến Replicator đối với tốc độ và quy mô của quân đội Mỹ. Đó có thể sẽ là đặc điểm của chiến tranh trong tương lai: cuộc chiến sẽ diễn ra nhanh chóng và các binh sĩ sẽ hoạt động cùng với nhiều hệ thống tự động. Mặc dù đây có vẻ là một phương pháp chiến đấu hiệu quả hơn đối với một số người, nhưng nguy cơ leo thang từ các hệ thống tự động có thể là quá lớn./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn nationalinterest.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage