"Con đường một chiều" khi Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Australia

Thứ Sáu, 16/05/2025

1:56 pm(VN)

-

4:56 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

"Con đường một chiều" khi Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Australia

08/11/2023

Trang mạng abc.net.au ngày 8/11 đăng bài viết cho rằng truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong tuần này nhìn chung là tích cực. Theo nhận định của giới chuyên gia, điều đó phản ánh cách tiếp cận đang thay đổi của Bắc Kinh trong mối quan hệ với Canberra.


Ngày 7/11, Thủ tướng Albanese đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc. Tại đây, ông đã có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường, đồng thời tham dự một hội chợ nhập khẩu quốc tế. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Australia đến Trung Quốc sau 7 năm.


Trong một loạt bản tin và bài xã luận, truyền thông Trung Quốc - bao gồm cả tờ “Thời báo Hoàn Cầu” và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành - đã mô tả chuyến thăm là một "chương mới" và "bước đột phá" trong quan hệ song phương.


Trong cuộc gặp, Thủ tướng Lý Cường nói với Thủ tướng Albanese rằng chuyến thăm đang được cả Australia và Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Ông Lý Cường cho biết các video về chuyến thăm - trong đó có cảnh Thủ tướng Albanese chạy dọc một con sông trong chiếc áo màu vàng - đang được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc. Thủ tướng Lý Cường nói: “Mọi người nói rằng chúng tôi đang đón tiếp một nhân vật điển trai đến từ đất nước Australia… Tất cả đều cảm thấy phấn khởi khi chứng kiến sự cải thiện hơn nữa trong mối quan hệ song phương của chúng ta”.


Truyền thông “thay mặt nhà nước”


Liều lượng cũng như nội dung thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về chuyến thăm của Thủ tướng Albanese nêu bật một bức tranh hoàn toàn khác so với những lời chỉ trích liên tục của truyền thông Trung Quốc đối với chính phủ liên minh trước đó của Australia, đặc biệt là liên quan đến lệnh cấm Huawei cung cấp thiết bị mạng 5G cho Australia và lời kêu gọi (của Australia) tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Chen Minglu, giảng viên cấp cao tại Khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Sydney, nói với ABC: “Điều rất khác biệt so với Australia là truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là các phương tiện truyền thông như 'Thời báo Hoàn Cầu', không phải là một cơ quan truyền thông độc lập… Họ đại diện cho nhà nước”.


Các cơ quan thông tấn nhà nước chính thức lớn nhất của Trung Quốc là Tân Hoa xã và ChinaNews cũng đã đăng các bài viết về cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Australia trên trang web của họ. Các cuộc gặp này cũng là trọng tâm của một bản tin thời sự Tân Văn Liên Bố (Xinwen Lianbo) - chương trình tin tức hằng ngày được xem nhiều nhất ở Trung Quốc, do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sản xuất. Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng đường lối trong các bài xã luận mà các cơ quan truyền thông tuân theo được xác định bởi cơ cấu chính trị “hạt nhân” của Trung Quốc. Tiến sĩ Wu nói: “Truyền thông Trung Quốc về cơ bản do Tập Cận Bình thống trị và họ sẽ đưa tin tích cực hơn bất cứ khi nào Tập Cận Bình gặp một nhà lãnh đạo. Có một tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc muốn hợp tác với Australia, nhưng đồng thời Bắc Kinh lại chỉ trích Mỹ. Vì vậy, đây thực sự là một nỗ lực nhằm chia rẽ các đồng minh phương Tây”.  


Theo thông tin từ các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Albanese rằng Trung Quốc và Australia nên "cảnh giác" và "phản đối" những "âm mưu gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Tiến sĩ Wu cho rằng thông điệp của giới truyền thông cũng phục vụ nhu cầu chính trị trong nước của Trung Quốc. Ông nói: “Hầu hết các phương tiện truyền thông của Trung Quốc hiện nay đều mang tính chất tuyên truyền, vì vậy nó nhằm phục vụ lợi ích trong nước. Nền kinh tế trong nước của Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ. Sự đột phá nhỏ từ bên ngoài ít nhất mang lại cho người ta ấn tượng rằng nhiều nước quan trọng đang đến để cải thiện quan hệ với Trung Quốc”.          

Ngoài Thủ tướng Albanese, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov, Thủ tướng Serbia Ana Brnabić và Thủ tướng Cuba Manuel Marrero đều đã đến thăm Trung Quốc trong tháng này.

 

Ngoại giao vẫn là “con đường một chiều”

             
Cho dù truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Albanese nhìn chung tích cực, song trước chuyến thăm, Australia vẫn tiếp tục bị miêu tả là một nước đi theo Mỹ. Tờ "China Daily" đăng tải một bài viết hồi tháng trước, trong đó viết: “Trong phần lớn lịch sử của mình, Australia đã miễn cưỡng thực hiện quyền độc lập và hợp tác với các nước trong khu vực. Australia và Trung Quốc đều phát triển thịnh vượng nhờ hòa bình khu vực trong những thập kỷ gần đây… Tất cả những điều này sẽ gặp rủi ro nếu chúng ta ngừng liên lạc, đối thoại và chấp nhận cách mô tả địa chính trị đơn giản về thế giới phức tạp của chúng ta như một bàn cờ”.             


Truyền thông Trung Quốc cũng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng kinh tế của Trung Quốc đối với Australia. Các bài đăng trên kênh truyền thông xã hội của CGTN nêu bật những bình luận của ông Albanese về việc chào đón khách du lịch Trung Quốc trở lại Australia cũng như việc đưa thực phẩm và nông sản Australia quay trở lại thị trường Trung Quốc. 

           
Theo Tiến sĩ Wu, các phương tiện truyền thông và tuyên truyền của Trung Quốc có xu hướng coi ngoại giao là “con đường một chiều”. Ông nói: “Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền việc Trung Quốc có thể mang lại bao nhiêu lợi ích cho Australia, chứ không phải Australia có thể mang lại bao nhiêu lợi ích cho Trung Quốc. Đặc biệt trong vài năm gần đây, Trung Quốc có một tâm lý chung rằng họ là một nước lớn và những nước còn lại đều nhỏ. Bạn sẽ không thấy những bài báo nói cụ thể về lợi ích chung”. 

 

Truyền thông Trung Quốc vẫn “kín tiếng” về chuyến thăm 


Mặc dù chuyến thăm của ông Albanese được đưa tin ở Trung Quốc, nhưng nó không được đưa tin rộng rãi như ở Australia. Tuy nhiên, theo Allan Behm - Giám đốc Chương trình An ninh và Quốc tế của Viện Australia, việc thiếu sự quan tâm có thể là một dấu hiệu tích cực. Ông nói: “Truyền thông Trung Quốc vẫn rất tập trung vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Dù Australia là đối tác quan trọng của Trung Quốc vào những năm 1970 sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao – một thành tựu lớn của chính phủ cố Thủ tướng Gough Whitlam – song Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thế giới và Australia đã trở thành một đối tác ít nổi bật và ít quan trọng hơn”.              


Theo Tiến sĩ Chen, hầu hết người Trung Quốc ở Trung Quốc “không đặc biệt quan tâm đến Australia”. Tiến sĩ Chen nói: “Hầu hết mọi người có thể biết rất ít về chuyến thăm”.             

 

Thủ tướng Albanese được cho là đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình về tình cảnh của nhà văn người Australia gốc Hoa Yang Hengjun đang bị giam giữ và các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng những khía cạnh của cuộc thảo luận đó hoàn toàn không được đưa lên báo chí Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Wu, đây là một “thói quen” cố hữu của Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc từ lâu đã tránh đề cập đến nhân quyền. Đó là điều đã diễn ra trong nhiều năm"./.   

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn ABC

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage