Con đường đến Bắc Kinh của Thủ tướng Australia

Thứ Bảy, 17/05/2025

9:25 pm(VN)

-

12:25 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Con đường đến Bắc Kinh của Thủ tướng Australia

12/12/2023

Theo báo The Australian Financial Review, Thủ tướng Australia, Anthony Albanese, đã đặt chân đến Bắc Kinh với toàn bộ lịch sử của mối quan hệ Australia-Trung Quốc đầy biến động trong những năm gần đây cùng những mâu thuẫn và tổn thương. Chuyến thăm này là nền tảng cho chính sách “ổn định” quan hệ giữa hai nước của ông và Ngoại trưởng Penny Wong.
         

Giới chức Australia và Trung Quốc đã tận dụng khoảng thời gian kể từ cuộc bầu cử liên bang năm 2022 để loại bỏ nhiều yếu tố gây tổn thương cho mối quan hệ song phương kể từ năm 2017. Tuy nhiên, một công dân Australia là Vương Hằng Quân (Yang Hengjun) vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc vì những cáo buộc không rõ ràng. Bên cạnh đó, một số biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt đối với thịt và rượu vang Australia, vẫn được giữ nguyên.
         

Vì vậy, những phát biểu của Thủ tướng Albanese tại Bắc Kinh thể hiện thái độ thận trọng, không hưng phấn hay hân hoan. Ông chỉ bước đi chứ không sải bước trên tấm thảm chào mừng được trải sẵn ở thủ đô của Trung Quốc.
         

Thủ tướng Albanese cho biết ông muốn một mối quan hệ trong tương lai không có những bất ngờ và muốn biết rõ căn nguyên mọi việc. Có lẽ điều này có nghĩa là một mối quan hệ vừa đủ và không có thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào nữa. Lý tưởng nhất là không còn những lo ngại về chiến lược mới nhất của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, điều dường như ít có khả năng trở thành hiện thực. Chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liệu diễn biến của các sự kiện, bao gồm cả những tham vọng và mục tiêu đã được công bố của Trung Quốc, có mang lại cho Thủ tướng Albanese sự thoải mái như vậy hay không.
         

Ít nhất ở thời điểm hiện tại, Canberra cảm thấy hài lòng với mối quan hệ được xác định bằng sự ổn định lâu dài. Sau khi Australia bị tổn thương trước chính sách ngoại giao chiến lang và vũ khí hóa các biện pháp trừng phạt thương mại, Thủ tướng Albanese không muốn đi quá xa trước dư luận mà theo các cuộc thăm dò gần đây có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Ông biết những nhân vật có tư tưởng hiếu chiến trong giới an ninh và người phát ngôn của phe đối lập về các vấn đề đối ngoại Simon Birmingham đang rình rập để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào của ông đối với Trung Quốc của Tập Cận Bình.
         

Nhưng những gì nổi lên từ chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Albanese tới Washington được cho là nhằm đảm bảo Chính quyền Biden đưa ra những tuyên bố tích cực về việc đàm phán với Bắc Kinh. Khối Liên đảng chắc hẳn không hài lòng về điều này.
         

Tuy nhiên, rõ ràng người Mỹ đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm của Thủ tướng Albanese tới Trung Quốc. Tuy nhiên, có cảm giác Australia và Mỹ đều nhất trí rằng việc đối thoại với Trung Quốc là động thái tích cực. Do đó, đây là thời điểm cách tiếp cận của Australia và Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc có sự tương đồng một cách đáng chú ý.
         

Mỹ và Trung Quốc đều mong chờ những dấu hiệu tích cực trong cuộc thảo luận của Tổng thống Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco cuối tháng 11/2023. Đối với Washington, đó là cuộc họp nghiêm túc và có tác động nhất định đối với Australia. Để cuộc đối thoại của Australia với Trung Quốc tiến triển, mối quan hệ Mỹ-Trung cũng sẽ cần phải tốt đẹp hơn.
         

Cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình không được coi là dấu hiệu báo trước thời điểm huy hoàng sắp tới, mà được xem là cơ hội để thể hiện sự ổn định của mối quan hệ và thăm dò thái độ của Tập Cận Bình trước cuộc bầu cử ở Đài Loan ở thời điểm Mỹ có khả năng đẩy mối quan hệ này vào trạng thái rơi tự do. Người Trung Quốc chắc chắn cũng nhận thức được rằng họ khó có thể nhận được sự lắng nghe tốt hơn từ bất kỳ người Mỹ nào khác ngoài Tổng thống Biden.
         

Tìm đường vượt qua trở ngại
         

Đối với Albanese, có 2 vấn đề khác trong chuyến thăm Trung Quốc. Thứ nhất, chính sách đối ngoại dường như đang mang lại cho ông chút thời gian "thư giãn" trước áp lực chính trị trong nước ngày càng tăng. Trong khi tất cả các thủ tướng khác đều có xu hướng tìm được chỗ dựa trên trường quốc tế, thì Thủ tướng Albanese lại tìm thấy điều đó ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền. Việc uy tín bị ảnh hưởng sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại về vấn đề người bản địa dường như không theo ông ra nước ngoài.
         

Thứ hai, ngay từ đầu, Thủ tướng Albanese đã khẳng định quan điểm của ông về đối thoại với Trung Quốc. Phát biểu với tư cách lãnh đạo Công đảng hồi tháng 10/2020, Thủ tướng Albanese tuyên bố Chính quyền Morrison cần đưa ra những tuyên bố mang tính chiến lược hơn và ít mang tính chính trị hơn. Ông khẳng định chính quyền này dường như chưa nỗ lực để có mối quan hệ tích cực, mang tính xây dựng và vì lợi ích chung của hai bên.
         

Sau đó, đầu năm 2021, khi các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với Australia ngày càng tăng, Thủ tướng Albanese phát biểu rằng chính Trung Quốc mới là bên phải chịu trách nhiệm vì đã phá vỡ mối quan hệ đó, và điệp khúc này tiếp tục được nhắc lại trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Tuy nhiên, ông khẳng định cần phải tìm cách vượt qua.
         

Đến tháng 6/2021, những nét chính trong chính sách của Công đảng đối với Trung Quốc đã được hình thành, theo sự dẫn dắt của Nhà Trắng. Thủ tướng Albanese cho biết chính quyền Công đảng sẽ tham gia và nhất trí với quan điểm của Chính quyền Biden về việc cạnh tranh không gây thảm họa và quay trở lại con đường ngoại giao.
         

Vậy là Thủ tướng Albanese đã tìm được đường đi cho mình. Đó cũng là điều Chính phủ Australia mong muốn từ chuyến thăm của ông tới Trung Quốc. Điều mà Thủ tướng Albanese không thể chấp nhận là ông bị cáo buộc bác bỏ các chính sách của Liên đảng đối với Trung Quốc và tìm cách can dự trở lại với nước này. Điều đó bao gồm cả yếu tố lịch sử. Như nhà phân tích Elena Collinson từng đánh giá, chuyến thăm của Whitlam tới Trung Quốc cách đây 50 năm là bóng ma mà Công đảng hy vọng sẽ lặng lẽ tan biến. Di sản của Whitlam liên quan đến Trung Quốc giờ đây giống như tài liệu lưu trữ chứ không phải tài liệu hiện hành.
         

Mặc dù khó khăn trong mối quan hệ những năm gần đây bắt nguồn từ một loạt hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngoại giao được phục hồi để vực dậy mối quan hệ đang gặp khó khăn. Trong các năm 1989, 1996 và 2009, Chính phủ Australia đã phải tìm cách giải quyết những cuộc khủng hoảng khác nhau trong mối quan hệ này. Điều được tiết lộ từ những phản ứng của họ không phải là danh sách bài học được rút ra, mà là quan điểm thực dụng trong cách Canberra xử lý những mối quan hệ đang đi xuống.
         

Vì vậy, mặc dù Bob Hawke thừa nhận rằng vụ thảm sát tàn bạo những người biểu tình ủng hộ dân chủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989 đã “làm biến dạng bộ mặt của Trung Quốc trong mắt thế giới”, nhưng ông vẫn quyết tâm “mở đường cho Australia tiếp cận xã hội Trung Quốc nhiều nhất có thể”. Ông nói: “Việc thực hiện chính sách cô lập một cách thiếu suy nghĩ đối với những người ở Trung Quốc mà chúng ta có thể hợp tác và duy trì cầu nối đối thoại sẽ không có lợi cho Australia”.
         

Trong bản báo cáo đệ trình lên nội các, Ngoại trưởng lúc bấy giờ là Gareth Evans, đã viết: “Cho dù căm ghét, Australia có thể vẫn phải làm việc với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc trong một thời gian. Không giống như châu Âu, Australia không thể rời xa Trung Quốc. Dù tốt hay xấu, Trung Quốc vẫn sẽ là một trong những mối quan tâm lớn nhất của Australia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và thương mại. Cần đối mặt với những thực tế này, bất kể ai cai trị Trung Quốc”.
         

Mặc dù có đề nghị về việc trừng phạt thương mại và cắt giảm viện trợ, nhưng hầu như chưa có hành động nào được thực hiện, cho dù đó là tạm dừng các chuyến thăm cấp bộ trưởng, đình chỉ các đề xuất viện trợ mới hay hoãn các khoản vay mới. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, thậm chí tất cả những cử chỉ mang tính biểu tượng này đều bị Hawke hủy bỏ, và Australia đã quay trở lại hoạt động như bình thường.
         

Năm 1996, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của đảng Tự do, Australia lại bất hòa với Trung Quốc, lần này là về một loạt vấn đề chủ yếu tập trung vào Đài Loan. Khi Trung Quốc cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan bằng cách phóng tên lửa qua eo biển Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở khu vực lân cận, Australia đã công khai tán thành phản ứng của Mỹ là điều một hạm đội chiến đấu – bao gồm cả 2 tàu sân bay – đến khu vực này. Đây là hạm đội lớn nhất mà Mỹ điều đến khu vực kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
         

Australia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực ủng hộ động thái này – quốc gia được ủng hộ bởi luận điệu lạc quan của Mỹ nhắc Trung Quốc về vị trí của mình trong khu vực. William Perry, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, từng tuyên bố: “Bắc Kinh cần phải biết, và hạm đội này của Mỹ sẽ nhắc nhở họ, rằng mặc dù Trung Quốc là cường quốc quân sự, nhưng cường quốc quân sự mạnh nhất ở Tây Thái Bình Dương là Mỹ”. Trung Quốc tố cáo hành động của Australia là sự ủng hộ vô lý chính sách kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh nhận định Tokyo và Canberra là “móng vuốt” của Washington trong khu vực.
         

Sau này, trong hồi ký của mình, Howard viết rằng mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ của ông chỉ trích vụ thử hạt nhân của Trung Quốc, cho phép Thị trưởng Đài Bắc ủng hộ độc lập đến thăm Australia, cử Bộ trưởng phụ trách các ngành công nghiệp cơ bản John Anderson đến thăm Đài Loan và hủy bỏ chương trình tài chính ưu đãi có lợi cho các nước châu Á đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc. Howard đã gặp nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nhớ lại rằng mối quan hệ này đã “đóng băng sâu” vào khoảng tháng 8-9/1996, và Trung Quốc đã cấm các bộ trưởng Australia đến thăm Trung Quốc.
         

Tuy nhiên, cũng giống như năm 1989, mâu thuẫn nhanh chóng qua đi. Đại sứ Australia tại Trung Quốc lúc bấy giờ là Ric Smith nhớ lại: “Trung Quốc từng kết luận rằng họ đã dạy cho chúng tôi một bài học”. Smith cho biết Howard nhận ra rằng cần phải tìm ra cách vạch ra ranh giới cho những gì đã xảy ra và theo một nghĩa nào đó là bắt đầu lại”.
         

Howard đã làm vậy trong cuộc gặp song phương với Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC ở Manila vào tháng 11/1996. Trong cuộc gặp đó, Howard đã đặt mối quan hệ trên “nền tảng hợp lý”. Các “mối quan hệ đặc biệt” không được đề cập đến, cho dù cái mác này đã được gán cho mối quan hệ song phương hơn một thập kỷ qua, và hai nước cần phải thừa nhận sự khác biệt to lớn về văn minh, lịch sử và văn hóa, đồng thời phải “tập trung vào những điểm chung cũng như gác lại những điều không bao giờ có thể giải quyết được giữa hai quốc gia”. Cuối cuộc gặp, Giang Trạch Dân đã nói bằng tiếng Anh: “Mặt đối mặt tốt hơn nhiều, phải không?”.
         

Smith cho biết phong cách của Howard “đơn giản, không phức tạp, trực tiếp… không để lại điều gì, thể hiện sự không đồng tình khi cần thiết mà không mang tính xúc phạm… nó tạo ra sự tin tưởng”. Howard đã đặt nền tảng cho các mối quan hệ. Và điều đó tạo nền móng cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông, với việc hai nước đều nhất trí không đặt câu hỏi thăm dò đối phương. Câu hỏi chưa được giải đáp là liệu bằng cách kiểm soát những khác biệt về văn hóa, lịch sử và quản trị, hai nước còn có gì để dựa vào khi cuộc khủng hoảng tiếp theo trong quan hệ xảy ra hay không.
         

Năm 2009, một loạt khủng hoảng khác đã làm lung lay mối quan hệ, lần này là với Kevin Rudd. Những cuộc khủng hoảng này liên quan đến sự ủng hộ của Chính phủ Australia đối với quyết định vào phút cuối của Tập đoàn Rio Tinto nhằm ngăn chặn Tập đoàn Chinalco của Trung Quốc đấu thầu để giành cổ phần lớn hơn trong công ty và quyền sở hữu trực tiếp các mỏ chính; vụ bắt giữ Stern Hu, doanh nhân người Australia có trụ sở tại Thượng Hải và là người quản lý của Rio Tinto, tại Trung Quốc dựa trên cáo buộc tham nhũng; mối lo ngại của Rudd về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc khi bạo bùng nổ giữa người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Urumqi. Việc chiếu một bộ phim tài liệu ở Australia liên quan đến nhà lãnh đạo Duy Ngô Nhĩ Rebiya Kadeer cũng vấp phải sự phản đối của dư luận Trung Quốc.
         

Ngoài những sự cố này, nhân kỷ niệm 20 năm cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, Rudd đã phát biểu trước Quốc hội rằng ông ủng hộ lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc “công khai danh tính các nạn nhân ngày 4/6/1989” để giúp “Trung Quốc chữa lành và học hỏi”. Rudd là người đứng đầu chính phủ duy nhất bình luận theo kiểu như vậy vào dịp này. Động lực ngăn chặn vòng xoáy đi xuống này trong mối quan hệ đến từ Trung Quốc. Cuối tháng 10/2009, Chính phủ Trung Quốc đã cử Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) tới Australia mà hầu như không báo trước. Kết quả là một tuyên bố chung đã được đưa ra nhằm khôi phục sự cân bằng trong mối quan hệ. Tuyên bố có đoạn viết: “Hai bên lưu ý rằng các điều kiện quốc gia khác nhau có thể dẫn đến những khác biệt về khía cạnh này hay khía cạnh khác”. Tuyên bố cũng cho biết hai bên sẽ “xử lý thỏa đáng những khác biệt và các vấn đề nhạy cảm theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp và bình đẳng”.
         

Về bản chất, đó là cách tiếp cận tổng thể của Howard, thể hiện sự quan tâm đến việc duy trì sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương. Vì vậy, Rudd đã khẳng định trong một tài liệu chính thức – lần đầu tiên một thông cáo chung được công bố kể từ năm 1972 – rằng những nguyên tắc tương tự đã được người tiền nhiệm của ông đưa ra./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn The Australian Financial Review, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage