Các đại tập đoàn công nghệ có còn là doanh nghiệp thuần túy?

Thứ Bảy, 17/05/2025

9:15 pm(VN)

-

12:15 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Các đại tập đoàn công nghệ có còn là doanh nghiệp thuần túy?

04/12/2023

Elon Musk “chõ mũi” vào các mối quan hệ quốc tế. Sau khi được biết là đã can thiệp vào Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công vào hạm đội Nga ở Crimea, giờ đây ông ta lại ủng hộ việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc. Đơn giản vì muốn bảo vệ công việc kinh doanh của mình hay là ý định thực sự muốn gây ảnh hưởng đến nền ngoại giao thế giới?


Sau Ukraine, nơi Musk đã ngăn cản quân đội Ukraine tấn công vào hạm đội Nga tại Crimea bằng việc hạn chế kết nối của các vệ tinh Starlink và đảm nhiệm các “hoạt động ngoại giao” nhằm ủng hộ kế hoạch hòa bình giữa Kiev và Moskva (bao gồm cả việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của Liên hợp quốc, từ bỏ Crimea cho Nga và quy chế trung lập đối với Ukraine), chính Đài Loan mới là vấn đề cho thấy tham vọng ngoại giao của nhân vật này. Với việc cho rằng Đài Loan là một “bộ phận” của Trung Quốc, Musk đã gây ra những phản đối dữ dội về ngoại giao. Jeff Liu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố trên báo chí rằng Elon Musk “bợ đỡ Trung Quốc một cách mù quáng và nếu bình luận của ông ta bị tác động bởi lợi ích thương mại” thì chúng không đáng được xem xét.


Những ý tưởng và lời lẽ qua lại này dường như không đúng giữa một đại tỷ phú về công nghệ và các nhà lãnh đạo quốc gia, điều này gây ngạc nhiên và gợi lên sự suy ngẫm sâu sắc. Địa chính trị và quan hệ quốc tế truyền thống, ngay cả khi đã trải qua những phát triển quan trọng trong thế kỷ 20, đặc biệt với sự xuất hiện của các tổ chức quốc tế, đang sống những giờ phút cuối cùng của nó. Các tác nhân mới, mang tính cá nhân và đơn lẻ, đang xuất hiện.


Ngược lại lịch sử


Quay ngược lại lịch sử một chút có thể giúp chúng ta hiểu được vấn đề. Chúng ta có thể cho rằng những gã khổng lồ kỹ thuật số theo một cách nào đó đã lặp lại mô hình Zaibatsu của Nhật Bản, vốn bị phá bỏ vào những năm 1950. Theo đó, Mỹ coi sự gần gũi của những tập đoàn này với quân đội là nguy hiểm: các tập đoàn được tạo thành từ rất nhiều công ty với hoạt động rất đa dạng nhưng cho phép kiểm soát toàn bộ chuỗi kinh tế của một ngành, liên kết với nhau bằng sở hữu chéo (tập trung), hoạt động chung và truyền thống phối hợp (liên minh) đồng thời duy trì liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái quân sự (viện trợ nhà nước). Với những gã khổng lồ công nghệ, mô hình này sẽ không còn mang tính quốc gia nữa mà mang tính toàn cầu.


Một sự tương đồng lịch sử khác có thể đem ra so sánh là trường hợp các công ty khác nhau của người Ấn Độ được thành lập bởi một số quốc gia châu Âu vào thế kỷ 16 và 17. Đây là những công ty tư nhân hoạt động gần giống như các công ty nhà nước. Trong lịch sử, công ty Đông Ấn của Anh, được thành lập năm 1600 và giải thể năm 1874, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có được các chức năng quân sự và hành chính, mà theo truyền thống đây là lĩnh vực độc quyền nhà nước. Nhà nghiên cứu chuyên về Ấn Độ Roland Lardinois đánh giá đây là “công ty buôn bán tư nhân hùng mạnh được tổ chức theo mô hình gần như nhà nước”.


Doanh thu khổng lồ và vai trò đại sứ


Sự tương đồng này có phù hợp với GAFAM (tên viết tắt 5 tập đoàn công nghệ khổng lồ gồm Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft) không? Những tập đoàn này liệu có trở thành các nhà nước, gần như nhà nước, tổ chức quốc tế hay cái gì khác không? Thứ nhất, dường như không cần thiết phải chỉ ra rằng vốn hóa của GAFAM (2.700 tỷ USD của Apple, 2.496 tỷ USD của Microsoft, 1.728 tỷ USD của Alphabet (Google), 1.494 tỷ USD của Amazon và 784 tỷ USD của Meta) lớn hơn GDP hằng năm của hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới. Người ta cũng tìm thấy kết quả gần như tương tự nếu so sánh doanh thu hằng năm của họ với ngân sách của 170 quốc gia này. Tiếp theo, nếu chúng ta nhìn vào số lượng người dùng của các mạng này, Facebook ngày nay được coi là “lãnh địa kỹ thuật số lớn nhất thế giới”, với con số 3 tỷ người dùng hằng tháng được công bố. Tất nhiên, sự so sánh giữa người dùng mạng xã hội và công dân của một quốc gia là khá khập khiễng. Hãy xem xét sự tương đồng trong bối cảnh rộng hơn.


Hiện nay, lãnh đạo của những tập đoàn lớn này thường được tiếp đón như  nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới hơn là với vai trò lãnh đạo doanh nghiệp. Và nếu Đan Mạch là quốc gia đầu tiên có “đại sứ kỹ thuật số” tại GAFAM vào năm 2017 thì vài tháng sau đó, Pháp cũng làm theo khi bổ nhiệm David Martinon vào vị trí “đại sứ kỹ thuật số”. Ủy ban châu Âu cũng chạy theo phong trào này bằng cách mở “đại sứ quán công nghệ” ở San Francisco vào tháng 9/2022 và bổ nhiệm Gerard de Graaf làm đại sứ để đảm bảo thúc đẩy chính sách kỹ thuật số của châu Âu.


Đây là những dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Sở dĩ các quốc gia cử đại sứ tại GAFAM, đó là vì họ không còn coi đây là những doanh nghiệp thuần túy nữa. Một cách nhất cử lưỡng tiện, GAFAM cử đại sứ của họ đến các quốc gia với tư cách nhà vận động hành lang cỡ VIP và cấp cao, các cựu bộ trưởng hoặc nghị sĩ có ảnh hưởng.


Tòa án tối cao và tiền điện tử


Những gã khổng lồ kỹ thuật số đảm bảo “an ninh” nội bộ và duy trì trật tự công cộng trên mạng của họ, đưa ra “công lý” và thực thi nó thông qua các yêu cầu cung cấp thông tin, bằng chứng nhận dạng, khuyến nghị, đình chỉ hoặc đóng tài khoản. Thông qua các quy định của Luật dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act), Ủy ban châu Âu muốn tăng cường hơn nữa quyền hạn của cảnh sát bằng cách áp đặt nghĩa vụ kiểm duyệt trên các nền tảng kỹ thuật số nhằm chống lại hành vi kích động hận thù, bạo lực, quấy rối, khiêu dâm trẻ em, tôn vinh khủng bố. Facebook và Instagram thậm chí còn thành lập một “tòa án tối cao” để quyết định sau cùng việc một tin nhắn, ảnh, ý kiến, tài khoản hoặc trang có được tồn tại hay không. Mạng xã hội cũng quy định các giao dịch thương mại diễn ra trên nền tảng của họ (của chính họ và của bên thứ ba sử dụng mạng xã hội này) và dự định phát hành đồng tiền trong tương lai gần, cho dù hiện tại nó chỉ là tiền điện tử.


Cho đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có các quốc gia mới được coi là chủ thể của luật pháp quốc tế. Nhưng vì các quốc gia già cỗi đã thất bại trong hai cuộc xung đột toàn cầu gây ra quá nhiều chết chóc, một số nhà trí thức và các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng các quốc gia cần phải tuân theo một lý tưởng chung mới rộng lớn hơn lý tưởng chỉ dựa trên dân số và lãnh thổ của họ: một lý tưởng toàn cầu. Để đạt được lý tưởng này, các mô hình mới đã xuất hiện nhằm mục đích xóa bỏ, giảm bớt, ủy thác chủ quyền của các quốc gia trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế có sứ mệnh toàn cầu (Hội quốc liên, UN, WHO, UNESCO, ILO, IAEA), hoặc khu vực, mà Liên minh châu Âu (EU) là ví dụ rõ ràng và phù hợp nhất. Các tổ chức này được coi là chủ thể phụ hoặc phái sinh của luật pháp quốc tế được sinh ra từ ý muốn của những quốc gia quyết định thành lập ra chúng và hầu hết chúng đều có tư cách pháp nhân.


Các tổ chức quốc tế không điển hình


Quay trở lại với phép so sánh tương đồng ở trên, dường như các nền tảng kỹ thuật số lớn ngày càng giống các tổ chức quốc tế không điển hình như EU. Ngay cả khi không đánh thuế và không sở hữu bất kỳ lãnh thổ nào, EU vẫn có khả năng cấp một hình thức quốc tịch và một số quyền nhất định cho công dân châu Âu, một cách độc lập và song song với quốc tịch gốc của công dân đó. Tuy nhiên ngày nay, Elon Musk (Tesla), Mark Zuckerberg (Meta), Satya Nadella (Microsoft), Andy Jassy (Amazon) hay Sundar Pichai (Google) không ngần ngại tài trợ cho các hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ (hơn 100 triệu euro chỉ dành riêng cho EU), tham gia vào cuộc đấu tay đôi với các chính phủ (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v.) và các hoạt động “chiến tranh kinh tế” quy mô lớn, đồng thời tham gia tích cực vào hoạt động ngoại giao toàn cầu. Cần nói thêm rằng, ảnh hưởng của tập đoàn này đối với cuộc sống thường nhật của hàng tỷ cá nhân trên khắp thế giới đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, trong khi ảnh hưởng của các quốc gia-dân tộc và khuôn khổ truyền thống của chúng dường như ngày càng chậm thích nghi với xã hội linh hoạt và siêu kết nối này.


Về cơ bản, hiện tượng mới này là hậu quả của sự yếu kém của các quốc gia-dân tộc sa lầy trong những mâu thuẫn của chính họ kể từ khi toàn cầu hóa lên ngôi và thắng lợi của lý thuyết “ngôi làng toàn cầu”. Elon Musk chắc chắn là một tỷ phú ngông cuồng nhưng là người đánh giá hết sức chính xác sức mạnh mà những gã khổng lồ công nghệ có được do sự yếu kém của các quốc gia.


Và có lẽ đã quá muộn để các quốc gia thức tỉnh. Tháng 1 vừa qua, Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ “phải giải trình” và đặt ra các quy định để tăng cường kiểm soát của chính phủ. Phiên tòa vừa mở ra chống lại Google vì tội lạm dụng vị thế thống trị thị trường công cụ tìm kiếm chắc chắn được coi là lịch sử. Nhưng liệu chúng ta có thể hình dung khi nào Mỹ thực hiện việc tiêu diệt những gã khổng lồ kỹ thuật số, trong khi chính họ lại đang lao vào một cuộc chiến công nghệ khốc liệt, vốn là một trong những mặt trận chính của cuộc chiến giành quyền bá chủ toàn cầu chống lại Trung Quốc? Đó sẽ là tự sát./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Viện Thomas Moore, Pháp, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage