Australia nên tăng cường quan hệ với Đài Loan

Thứ Bảy, 17/05/2025

11:27 am(VN)

-

2:27 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Australia nên tăng cường quan hệ với Đài Loan

03/02/2024

Hai chuyên gia Benjamin Herscovitch và Mark Harrison có bài viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu Lowy trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc Australia tăng cường quan hệ với Đài Loan, nội dung như sau:


Vấn đề là gì?


Sự can dự về kinh tế và chính trị của Australia với hòn đảo tự trị Đài Loan bị hạn chế bởi chính sách không nhất quán và mang tính thăm dò do áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh. Về mặt kinh tế, lợi ích của Australia bị tổn hại bởi nỗ lực cho đến nay được cho là thành công của Trung Quốc nhằm ngăn cản Canberra theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Đài Bắc. Về mặt chính trị, Australia đã góp phần vào việc Đài Bắc bị cô lập quốc tế khi không tận dụng tối đa quyền tự do hành động có được nhờ sự không rõ ràng trong chính sách một Trung Quốc của nước này. Nếu không được kiểm soát, sự cô lập quốc tế ngày càng sâu sắc này cuối cùng có thể gây nguy hiểm cho cả nền độc lập trên thực tế và nền dân chủ tự do của Đài Loan.


Nên làm gì?


Canberra nên tăng cường can dự thương mại và chính trị với Đài Loan thông qua chiến lược chính sách và gửi thông điệp nhất quán chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập Đài Loan, tối đa hóa tiềm năng kinh tế cho Australia và khẳng định quyền tự do của Canberra trong tăng cường quan hệ với Đài Bắc. Australia nên ủng hộ nỗ lực của Đài Loan nhằm trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bắt đầu các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và cử các bộ trưởng đến thăm Đài Bắc theo lịch trình thường xuyên. Với cấu trúc chính sách Đài Loan này, Australia có thể xây dựng năng lực thể chế để quản lý mối quan hệ trên các lĩnh vực khác nhau, truyền đạt quan điểm rõ ràng, nhất quán và mạch lạc về Đài Loan tới các bên liên quan cả trong nước và quốc tế, đồng thời theo đuổi các cơ hội cùng có lợi trong mối quan hệ song phương.


Chiến lược Đài Loan được bài viết này ủng hộ có thể là yếu tố làm phức tạp thêm mối quan hệ của Australia với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh theo đuổi bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Canberra, tính nhất quán của các khuyến nghị này với chính sách một Trung Quốc của Australia, sự thống nhất của chiến lược này với quan điểm của các đồng minh và đối tác của Australia, cũng như bản chất vốn đã căng thẳng của mối quan hệ Australia-Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực chính sách có nghĩa là chiến lược Đài Loan này khó có thể phá vỡ hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc. Để giải quyết những lo ngại của Chính phủ Trung Quốc, chiến lược Đài Loan có thể được kết hợp với những lời trấn an Bắc Kinh rằng Canberra tiếp tục tuân thủ chính sách một Trung Quốc và không ủng hộ Đài Loan độc lập.


Sự quyết đoán của Trung Quốc và lựa chọn chính sách của Australia


Trong thời kỳ Tập Cận Bình, và đặc biệt là kể từ khi Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen) của đảng Dân chủ Tiến bộ được bầu làm Tổng thống Đài Loan năm 2016, Bắc Kinh áp dụng lập trường hiếu chiến và không khoan nhượng hơn đối với Đài Bắc. Năm 2022, sách trắng thứ ba về Đài Loan được Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện phát hành, trong đó nhắc lại cam kết của Bắc Kinh về thống nhất theo công thức "Một quốc gia, hai chế độ" và báo hiệu Trung Quốc sẵn sàng hành động chống lại những gì họ cho là "các phần tử ly khai hoặc các lực lượng bên ngoài". Chính sách Đài Loan của Bắc Kinh được hỗ trợ bởi mục tiêu phát triển Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với quân đội Mỹ và mạnh hơn nhiều so với lực lượng vũ trang Đài Loan. Bắc Kinh sử dụng những luận điệu chính trị có tính kích động hơn và leo thang đe dọa quân sự một cách có hệ thống bằng các hoạt động thường xuyên của lực lượng không quân và hải quân ở eo biển Đài Loan, nhằm mục đích thường xuyên hóa sự hiện diện quân sự của PLA xung quanh Đài Loan.


Những mối đe dọa quân sự ngày càng tăng này gặp phải cam kết bảo vệ Đài Loan được nhắc đi nhắc lại của Tổng thống Mỹ Joe Biden và sự tập trung ngày càng cao của thế giới về cái giá phải trả của xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan. Như Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Thượng nghị sĩ Penny Wong, tuyên bố rõ ràng hồi tháng 4/2023: "Một cuộc chiến tranh ở Đài Loan có thể là thảm họa đối với tất cả mọi người". Tất nhiên, là khôn ngoan khi tìm cách ngăn chặn xung đột và xây dựng kế hoạch cho khả năng bất ngờ xảy ra cuộc đổ bộ toàn diện của PLA qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, không nên vì khả năng tồi tệ này mà Australia bỏ qua tất cả các bước đi chính sách có rủi ro thấp vốn có thể thực hiện ngay để giúp duy trì hiện trạng hòa bình và ổn định xuyên eo biển. Không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Australia có nên và trong tình huống nào thì tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm đẩy lùi hành động xâm lược quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, bài viết này lập luận rằng Canberra có thể và nên tăng cường hợp tác thương mại và chính trị với Đài Bắc ngay bây giờ. Ngoài việc phục vụ lợi ích kinh tế của Australia, các biện pháp như vậy cũng hỗ trợ nỗ lực của Đài Loan nhằm bảo vệ không gian quốc tế và đảm bảo nền độc lập trên thực tế của Đài Loan.


Hơn nữa, việc tăng cường can dự kinh tế và chính trị là cần thiết nếu chính phủ của Thủ tướng Albanese hy vọng đạt được mục tiêu được nêu ra một cách thường xuyên là duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Như một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình, Bắc Kinh tìm cách cô lập Đài Bắc. Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược bền vững và có hệ thống nhằm mục đích lôi kéo các đối tác ngoại giao chính thức của Đài Loan và ngăn cản các quốc gia khác hợp tác với Đài Bắc. Sự sụt giảm mạnh các chuyến thăm cấp bộ trưởng của Australia tới Đài Loan cho thấy Canberra có thể đã để Bắc Kinh làm thay đổi hướng quan hệ của mình với Đài Bắc. Nếu Australia muốn góp phần duy trì hiện trạng xuyên eo biển, trong đó Đài Loan vẫn tiếp tục gắn kết về mặt chính trị và kinh tế với thế giới, thì Canberra cần phải làm nhiều hơn để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập hòn đảo này.
Nền tảng cho cách tiếp cận của Australia với mối quan hệ xuyên eo biển là chính sách một Trung Quốc được thiết lập khi Australia thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1972. Australia công nhận chính phủ ở Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và chấm dứt công nhận Đài Bắc, nhưng chỉ đi xa đến mức thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Với sự mơ hồ này, Canberra xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc trong đó Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đồng thời duy trì mối quan hệ đầy ý nghĩa với Đài Bắc thông qua các cơ chế không phải là quan hệ hay thông lệ chính thức giữa quốc gia với quốc gia. Bằng cách này, chính sách một Trung Quốc của Australia là một phần quan trọng trong quan hệ quốc tế đương đại của Australia.


Cấu trúc này phù hợp với Australia trong nhiều thập kỷ. Trong giới hạn của chính sách một Trung Quốc của Australia và tính toán của mối quan hệ Australia-Trung Quốc, việc Australia đặt trọng tâm vào tối đa hóa thương mại đã khiến Đài Loan trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Mối quan hệ kinh tế song phương cũng khiến Australia nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Đài Loan và trong quá khứ đã giúp Đài Bắc tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các sáng kiến như diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Nhưng trong thập kỷ qua, cấu trúc chính sách hiện tại của Canberra dường như trở nên dễ bị tác động hơn bởi áp lực từ Bắc Kinh nhằm dừng việc theo đuổi các hiệp định thương mại song phương và đa phương bổ sung với Đài Bắc, đồng thời hạn chế sự can dự chính trị của Australia với hòn đảo này.


Những hạn chế của cấu trúc chính sách hiện tại cũng được thể hiện rõ trong các bài thuyết trình công khai và chính sách về quan hệ của Australia với Đài Loan. Tranh luận về mối quan hệ song phương này thường tập trung vào câu hỏi liệu Australia có tham gia hành động quân sự cùng Mỹ chống lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột xuyên eo biển hay không. Mặc dù việc đặt câu hỏi về tình huống xấu nhất như vậy có ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng có nguy cơ hạ thấp Đài Loan xuống thành lực lượng ủy nhiệm của sức mạnh Mỹ ở khu vực và giới hạn câu hỏi về phản ứng đối với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trong phạm vi các lựa chọn trong cấu trúc liên minh của Mỹ. Một cấu trúc chính sách Đài Loan toàn diện hơn, tập trung vào quan hệ song phương Australia-Đài Loan sẽ mở rộng hiểu biết về diễn biến tình hình ở eo biển Đài Loan và có thể giải thích cho những tác động trong lĩnh vực thương mại, chính trị, giao lưu nhân dân và nhân đạo cũng như quân sự. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải có quan điểm chính sách rõ ràng và chủ động hơn nhằm nêu rõ và thúc đẩy chính sách một Trung Quốc của Australia cho sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với Đài Loan.


Điều này là kịp thời trong bối cảnh thỏa thuận chia sẻ công nghệ quân sự AUKUS giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ. Nếu được duy trì, AUKUS cuối cùng sẽ giúp Australia nâng cao đáng kể sức mạnh hải quân và khả năng tương tác quân sự trong khu vực. Tốc độ, khả năng tàng hình và hoạt động lâu dài của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có nghĩa là chúng có thể mang lại hiệu quả răn đe ở eo biển Đài Loan và khu vực xung quanh. Nhưng AUKUS nên được bổ sung bằng một chiến lược toàn diện về Đài Loan nhằm hỗ trợ các hành động hiệu chỉnh của Australia trên toàn bộ các công cụ quản lý nhà nước, bao gồm chính sách đối ngoại và thương mại của nước này. Chiến lược Đài Loan như vậy có thể trực tiếp giải quyết các lợi ích kinh tế trước mắt của Australia tại Đài Loan, chống lại những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm cô lập hòn đảo này và hỗ trợ Australia thực hiện nhiệm vụ khẳng định quyền tự do hành động của mình trong chính sách một Trung Quốc. Để đạt được những mục tiêu đó, Canberra cần trình bày rõ và thực thi một cách đầy đủ hơn các quyền hợp pháp của mình để hợp tác với Đài Bắc trên các lĩnh vực thương mại và chính trị.


Làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị và thương mại của Australia với Đài Loan


Canberra nên theo đuổi tự do hóa thương mại bổ sung với Đài Bắc, bao gồm ủng hộ nỗ lực của Đài Loan để trở thành thành viên CPTPP và bắt đầu đàm phán FTA song phương. Đài Loan tìm cách gia nhập CPTPP và tìm kiếm sự hỗ trợ của Australia. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Australia vào năm 2022, là đối tác thương mại hai chiều lớn thứ bảy của nước này và là thị trường duy nhất trong 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu mà Australia không có FTA song phương hoặc cùng là thành viên trong một FTA đa phương khu vực. Năm 2022, Đài Loan cũng vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của Australia. Đưa Đài Loan vào CPTPP và đàm phán FTA song phương với Đài Bắc sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Australia khả năng tiếp cận tốt hơn vào thị trường vốn đã là một trong những thị trường có giá trị nhất của Australia. Mặc dù Đài Loan nhìn chung có mức thuế suất thấp, nhưng các nhà xuất khẩu nông sản Australia có thể đặc biệt hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như vậy.


Tương tự, Trung Quốc cũng tìm kiếm tư cách thành viên CPTPP, công khai phản đối việc Đài Loan gia nhập và năm 2016–2017 đã gây áp lực buộc Australia phải từ bỏ đàm phán FTA song phương với Đài Loan. Tuy nhiên, Australia không nên nản lòng trước sự phản đối và áp lực trong quá khứ của Trung Quốc. Do các yêu cầu và kỷ luật của CPTPP đối với doanh nghiệp nhà nước, lao động và thương mại điện tử, cùng các vấn đề khác, Đài Loan có triển vọng trở thành thành viên lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Hơn nữa, trái ngược với việc Trung Quốc sử dụng rộng rãi cưỡng bức kinh tế chống lại Australia kể từ tháng 5/2020, Đài Loan từ lâu là đối tác kinh tế đáng tin cậy. Trong khi đó, FTA song phương của Australia với Trung Quốc cũng như việc cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực đều không bảo vệ được các nhà xuất khẩu Australia trước sự cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh.


Đài Loan từ lâu đã sử dụng các tổ chức thương mại đa phương để duy trì không gian quốc tế và tư cách thành viên CPTPP có thể phục vụ lợi ích của Đài Loan theo cách đó. Việc Bắc Kinh phản đối tư cách thành viên của Đài Bắc có thể nhằm mục đích ngăn chặn con đường quốc tế của Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh không có cơ sở chính đáng để phản đối nỗ lực của Đài Loan nhằm trở thành thành viên CPTPP hay cuộc đàm phán FTA song phương giữa Canberra và Đài Bắc. Trong cả hai trường hợp, Chính quyền Đài Loan có thể tham gia các hiệp định thương mại với tư cách là đại diện của một nền kinh tế - không phải một quốc gia có chủ quyền - như họ đã làm với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và APEC. Chính phủ Australia hoàn toàn có quyền ủng hộ việc Đài Loan trở thành thành viên CPTPP và bắt đầu cuộc đàm phán FTA song phương, mặc dù không công nhận Đài Loan là quốc gia có chủ quyền. Điều đó phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế chung, được minh họa bằng tiền lệ Australia đàm phán FTA với các nền kinh tế như Hong Kong chứ không phải là với các quốc gia, cũng như Điều 5 của hiệp định CPTPP.


Australia và Đài Loan cũng nên thiết lập một chương trình thương mại và họp mặt cấp bộ trưởng có liên quan thường xuyên và được quảng bá công khai. Với mối quan hệ thương mại rộng lớn giữa Australia và Đài Loan và kinh nghiệm chung trong việc quản lý sự cưỡng bức kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại thường niên có thể cho phép cả hai bên thúc đẩy các chương trình nghị sự về an ninh kinh tế và thương mại của mình. Vai trò quan trọng của Australia với tư cách là nhà cung cấp cả năng lượng và khoáng sản cho Đài Loan cũng có thể đảm bảo ít nhất có sự tham gia đặc biệt của cấp bộ trong danh mục tài nguyên và năng lượng. Australia và Đài Loan đã tổ chức các cuộc tham vấn kinh tế song phương, tham vấn chung về năng lượng và khoáng sản, tham vấn hợp tác thương mại và đầu tư cũng như cuộc họp nhóm làm việc về nông nghiệp. Thường xuyên nâng những cam kết này lên cấp bộ trưởng và việc quảng bá chúng một cách công khai sẽ vừa đảm bảo rằng Australia thực hiện quyền tự do hợp tác với Đài Loan theo chính sách một Trung Quốc, vừa mang lại cho Chính phủ Australia cơ hội nói rõ phạm vi mà họ mong muốn phát triển quan hệ với Đài Bắc một cách hợp pháp. Việc công khai nâng những cam kết này lên cấp bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp Australia tận dụng cơ hội kinh tế mà khu vực doanh nghiệp có thể bị ngăn cản theo đuổi do nhận thấy sự nhạy cảm khi can dự với Đài Loan.


Các cuộc họp cấp bộ trưởng thường xuyên và công khai giữa Australia và Đài Loan là phù hợp với thông lệ của Chính phủ Australia. Trong những thập kỷ gần đây, các bộ trưởng thương mại và các lĩnh vực liên quan của Australia tiếp tục gặp gỡ các đối tác Đài Loan, bao gồm cả các chuyến thăm chính thức tới Đài Loan. Các cuộc họp và chuyến thăm cấp bộ trưởng thường xuyên này diễn ra dù Australia không công nhận Đài Loan là quốc gia có chủ quyền. Điều này tuân theo thông lệ thông thường của các bộ trưởng khi theo đuổi lợi ích kinh tế và thương mại của Australia với một loạt vùng lãnh thổ và chủ thể quốc tế mà Chính phủ Australia không công nhận là quốc gia. Những ví dụ nổi bật về các chuyến thăm cấp bộ trưởng của Australia tới Đài Loan trước đây bao gồm chuyến đi năm 2011 của Bộ trưởng Tài nguyên và Năng lượng Martin Ferguson và chuyến thăm năm 2012 của Bộ trưởng Thương mại và Cạnh tranh Craig Emerson, chuyến thăm Đài Loan công khai gần nhất của một bộ trưởng Australia đương chức. Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan tham gia đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng Kinh tế Wang Mei-hua hồi tháng 7/2021 và được cho là đã gặp Bộ trưởng không bộ John Deng hồi tháng 4/2021, trong khi Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Don Farrell gặp Bộ trưởng không bộ John Deng bên lề hội nghị APEC hồi tháng 5/2023. Kể từ năm 1990, các bộ trưởng của cả hai phe chính trị Australia thuộc lĩnh vực thương mại và các lĩnh vực liên quan đã đến thăm Đài Loan.


Australia cũng nên thường xuyên trình bày một cách rõ ràng hơn phạm vi của chính sách một Trung Quốc của mình. Trung Quốc tuyên truyền thông tin sai lệch bằng hình thức tung ra lời nói dối rằng Australia cam kết tuân theo quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan đơn giản là một tỉnh của Trung Quốc và do đó Canberra không thể hợp pháp mở rộng quan hệ với Đài Bắc. Trong bối cảnh này, những nỗ lực quảng bá và giải thích công khai các cuộc gặp cấp bộ trưởng với người đồng cấp Đài Loan sẽ mang lại cơ hội quý giá để sửa lại cho đúng những thông điệp lừa đảo của Trung Quốc về giới hạn trong hợp tác hợp pháp của Australia với Đài Loan. Hơn nữa, việc giữ kín sự hợp tác hoặc né tránh hoàn toàn sự hợp tác này có nguy cơ gây ấn tượng sai lầm rằng những cuộc gặp kiểu này là bị cấm và do đó có thể vô tình phục vụ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế sự hợp tác của Australia với Đài Loan. Bên cạnh các sáng kiến khác, Chính phủ Australia cũng nên xem xét việc đính chính các thông tin sai lệch đặc biệt nghiêm trọng của Bắc Kinh về chính sách một Trung Quốc của Australia và đưa ra thông tin giải thích chính thức lý do lịch sử cũng như sự thích hợp đương thời của chính sách một Trung Quốc của Canberra.


Các nghị sĩ Australia cũng nên được khuyến khích can dự với Đài Loan một cách cởi mở hơn. Giống như những người đồng cấp từ nhiều nền dân chủ ở Bắc Đại Tây Dương và châu Á, các nghị sĩ Australia trong những năm gần đây tiếp tục đến thăm Đài Loan. Nhưng một số chuyến thăm này được giữ kín hoặc ít nhất là không được thảo luận công khai với giới truyền thông và công chúng Australia. Giống như sự can dự cấp bộ trưởng, các chuyến thăm của quốc hội như vậy hoàn toàn phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Australia và việc giữ kín chúng có thể vô tình phục vụ đúng ý đồ của Bắc Kinh ám chỉ rằng các nghị sĩ Australia nên cân nhắc sự nhạy cảm của chính phủ Trung Quốc bằng cách không đến thăm Đài Bắc. Các nghị sĩ nên được tự do phát biểu công khai những can dự này để đảm bảo rằng Canberra thực hiện và công chúng hiểu được quyền tự do mà Australia có khi quan hệ với Đài Loan như một phần trong chính sách một Trung Quốc lâu đời của Australia và của cả hai đảng.


Tác động đối với quan hệ Australia-Trung Quốc


Mặc dù Chính phủ Trung Quốc có thể phản đối các đề xuất chính sách được ủng hộ trong bài viết này, nhưng những đề xuất này gây ra những rủi ro hạn chế cho mối quan hệ Australia-Trung Quốc nói chung. Đầu tiên, không có biện pháp nào được ủng hộ trong bài viết này mâu thuẫn với chính sách một Trung Quốc lâu đời của Australia về việc công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc". Sự can dự về thương mại và chính trị được ủng hộ trong bài viết này hoàn toàn phù hợp với cách Australia can dự với nhiều vùng lãnh thổ và các chủ thể quốc tế mà nước này không công nhận chủ quyền. Thứ hai, các biện pháp được đề xuất trong bài viết này tương tự với các hình thức can dự mà nhiều đồng minh và đối tác của Australia theo đuổi. Các nhà lập pháp và nghị sĩ từ Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, nhiều nước châu Âu, Canada, Anh, Mỹ và những nước khác đã công khai quảng bá việc mình đến thăm Đài Loan. Trong khi Bộ trưởng Thương mại Anh đến thăm Đài Loan tháng 11/2022 và Bộ trưởng Giáo dục Đức đến thăm vào tháng 3/2023. Ngoài ra, Singapore và New Zealand đã có FTA song phương với Đài Loan và Washington đã ký thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại song phương với Đài Bắc. Các lựa chọn chính sách được đề xuất ở đây không quyết đoán hơn những lựa chọn chính sách hiện đang được nhiều quốc gia đồng chí hướng theo đuổi. Điều quan trọng là trong đó có cả các quốc gia như Singapore và New Zealand, những quốc gia có mối quan hệ với Trung Quốc ít căng thẳng hơn đáng kể so với Australia và không có liên kết chiến lược với Washington như Canberra.


Tất nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ phản đối những nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác với Đài Loan như vậy, ngay cả khi những nỗ lực đó phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Australia và chính sách của nhiều quốc gia khác. Thật vậy, Trung Quốc đã gây áp lực riêng với Australia khi nước này tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Đài Loan thông qua một FTA song phương vốn bị chính phủ Turnbull từ bỏ vào năm 2016–2017. Đồng thời, Trung Quốc chỉ trích các nước khác vì đã hợp tác với Đài Loan theo những cách được nêu trong bài viết này, bao gồm cả những phản đối về ngoại giao đối với chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Anh và Bộ trưởng Giáo dục Đức. Tuy nhiên, dựa trên cách ứng xử gần đây của Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng giới hạn bản thân ở việc đưa ra những lời phản đối riêng và chỉ trích Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát nếu Canberra theo đuổi chiến lược Đài Loan được ủng hộ trong bài viết này. Điều quan trọng là, trong nhiều trường hợp, các chuyến thăm của bộ trưởng và nghị sĩ đến Đài Bắc và các FTA với Đài Loan không dẫn đến việc các quốc gia liên quan phải chứng kiến sự suy sụp đáng kể hoặc kéo dài trong quan hệ của mình với Trung Quốc.


Việc Australia theo đuổi tự do hóa thương mại bổ sung với Đài Loan thông qua FTA song phương và ủng hộ tư cách thành viên CPTPP có thể khiến Trung Quốc thất vọng hơn so với các hiệp định tương ứng của Singapore và New Zealand được ký kết vào năm 2013 khi Trung Quốc yếu hơn, cách quản lý nhà nước của nước này ít quyết đoán hơn và chính quyền theo đường lối dân tộc chủ nghĩa thân với Bắc Kinh hơn nắm quyền ở Đài Bắc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa tìm cách công khai gây áp lực đòi Singapore hoặc New Zealand rút khỏi FTA của họ với Đài Loan, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận việc các quốc gia theo đuổi cam kết thương mại mở rộng với Đài Loan ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế các kết nối quốc tế của Đài Bắc. Những lời chỉ trích công khai và kín đáo của Trung Quốc đối với Chính phủ Australia cũng như những nỗ lực ngăn cản Canberra đưa Đài Bắc tham gia vào các hiệp định thương mại mới sẽ không được hoan nghênh ở Australia, nhưng sự phản đối từ Bắc Kinh là đặc điểm chung của mối quan hệ song phương trong nhiều vấn đề. Do đó, các chính sách nhằm mở rộng quan hệ thương mại và chính trị với Đài Loan được ủng hộ trong bài viết này có thể chỉ gây khó chịu thêm mà không gây nguy hiểm cho mối quan hệ Australia-Trung Quốc nói chung.


Không giống như các quốc gia khác, Litva đã trải qua thời kỳ suy thoái nghiêm trọng trong quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc sau khi nước này mở rộng hợp tác với Đài Loan. Sau khi thành lập Văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius vào năm 2021, không dùng thuật ngữ Bắc Kinh muốn là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Trung Quốc cắt giảm gần 90% nhập khẩu từ Litva và áp đặt một số biện pháp trừng phạt thứ cấp không chính thức đối với các công ty phụ thuộc vào Litva. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Litva không phải là chỉ dẫn tin cậy cho những gì có thể xảy ra với mối quan hệ Australia-Trung Quốc nếu chiến lược Đài Loan trong bài viết này được theo đuổi. Đầu tiên và quan trọng nhất, chiến lược Đài Loan của bài viết này không bao gồm việc thay đổi tên gọi vốn khiến Chính phủ Trung Quốc thất vọng sâu sắc trong trường hợp quan hệ Litva-Đài Loan. Thứ hai, chính sách một Trung Quốc của Litva khác với chính sách của Australia và gần giống với nguyên tắc một Trung Quốc của Bắc Kinh hơn, điều này có thể góp phần khiến Trung Quốc phản ứng đặc biệt gay gắt. Thứ ba, lịch sử hợp tác của Australia với Đài Loan lâu dài và sâu sắc hơn nhiều so với Litva, có nghĩa là Trung Quốc quen với các mối quan hệ thương mại, chính trị, giao lưu nhân dân, văn hóa và các mối quan hệ khác bền vững và mạnh mẽ hơn giữa Australia và Đài Loan. Thứ tư và cuối cùng, đối với Trung Quốc, Australia quan trọng hơn nhiều so với Litva về mặt kinh tế và chiến lược, vì vậy Bắc Kinh sẽ chịu tổn thất lớn hơn về kinh tế và ngoại giao nếu tìm cách áp đặt các hạn chế thương mại khắc nghiệt như vậy đối với Australia.


 Chiến lược Đài Loan được ủng hộ trong bài viết này sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Australia-Trung Quốc, nhưng khó có thể làm xáo trộn mối quan hệ này hơn so với một loạt chính sách của Australia vốn khiến Bắc Kinh thất vọng, như việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chính phủ Australia phản đối việc Trung Quốc đóng vai trò an ninh ở các Quần đảo Thái Bình Dương. Mặc dù Đài Loan được coi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, nhưng không có biện pháp nào ở đây ảnh hưởng đến lợi ích đó nhiều hơn các chính sách được theo đuổi bởi một loạt quốc gia khác mà những quốc gia này có quan hệ ít căng thẳng hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây. Do đó, mọi thiệt hại đối với mối quan hệ Australia-Trung Quốc đều có thể kiểm soát. Việc Trung Quốc theo đuổi việc hàn gắn quan hệ với Australia hiện nay cũng là thời điểm tốt nhất để Canberra tăng cường can dự với Đài Bắc. Mặc dù không đạt được bất kỳ sự đảo ngược chính sách lớn nào từ Chính phủ Albanese kể từ khi họ lên nắm quyền hồi tháng 5/2022, nhưng Trung Quốc đã nhượng bộ trong chiến dịch trừng phạt ngoại giao đối với Australia và tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế thương mại. Sau khi dần dần quay trở lại các mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Australia, Trung Quốc có thể không muốn nhanh chóng đảo ngược lộ trình, đặc biệt là trong bối cảnh mục tiêu của Bắc Kinh là giữ mối quan hệ với Canberra theo quỹ đạo tích cực để theo đuổi các mục tiêu ngoại giao và thương mại của riêng mình. Điều này có thể mang lại cho Australia thêm không gian để có các quan điểm làm Trung Quốc thất vọng mà không phải chịu hậu quả đáng kể về thương mại và ngoại giao./. 
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage