Việt Nam tìm cách ngăn việc rút tiền bảo hiểm xã hội sớm

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:19 am(VN)

-

8:19 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Việt Nam tìm cách ngăn việc rút tiền bảo hiểm xã hội sớm

19/10/2023

Trang mạng Diễn đàn Đông Á (EAF) ngày 17/10 đăng bài viết của tác giả Tú Phương Nguyễn, nghiên cứu sinh tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Adelaide (Australia) với tiêu đề “Ngăn chặn việc rút tiền bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”, nội dung như sau:


Việt Nam đang sửa đổi luật bảo hiểm xã hội để ngăn người lao động rút tiền bảo hiểm xã hội sớm và từ bỏ lương hưu. Có ý kiến lo ngại rằng những thay đổi được đề xuất có thể khiến công nhân trong các nhà máy bất mãn vì nhiều người trong số họ đã phải rút tiền bảo hiểm xã hội để khắc phục những khó khăn tài chính.


Theo luật, cả người sử dụng lao động lẫn người lao động đều phải đóng góp vào phí bảo hiểm xã hội của người lao động để trả lương hưu và các phúc lợi khác, ví dụ như nghỉ thai sản. Một trong những điều kiện để người lao động có thể yêu cầu được lĩnh tiền bảo hiểm xã hội trọn gói là khi họ nghỉ việc và ngừng đóng bảo hiểm xã hội trong 1 năm.


Kể từ những năm 2010, ngày càng có nhiều người lao động nộp đơn yêu cầu được lĩnh bảo hiểm xã hội trọn gói theo điều kiện này. Vì lương hưu là trụ cột chính của bảo hiểm xã hội, nên việc ngày càng có nhiều người chọn không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ đặt gánh nặng lớn hơn lên nhà nước trong việc chăm sóc và hỗ trợ những người này khi họ về già.


Trong báo cáo gần đây gửi Quốc hội về Dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ thừa nhận tầm quan trọng và tính phức tạp của việc rút tiền sớm. Vấn đề nan giải là làm thế nào để giảm thiểu một cách hiệu quả tình trạng nghỉ việc sớm trong những năm tới mà không gây bất bình cho người lao động. Chính phủ không muốn lặp lại những gì đã xảy ra với luật sửa đổi năm 2014, khiến hàng nghìn công nhân phản đối và luật sửa đổi đó không có hiệu lực.


Dự thảo luật đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế việc rút tiền sớm và giữ nhiều người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội lâu hơn. Một trong những biện pháp này giới hạn số tiền mà một người có thể rút trước thời hạn ở mức 50% tổng số tiền đóng góp, phần còn lại nằm trong quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước quản lý.


Khi nhà nước ngày càng tạo điều kiện để công chúng tham gia vào các vấn đề luật pháp và chính sách, người dân đã tích cực tận dụng cơ hội để lên tiếng. Trong quá trình tham vấn cộng đồng và tranh luận về dự thảo luật, nhiều ý kiến đã ủng hộ việc người lao động có “quyền quyết định” quyền lợi bảo hiểm xã hội của họ. Có sự thừa nhận rằng người lao động thường coi khoản đóng góp bảo hiểm xã hội là khoản tiết kiệm cá nhân mà họ tin rằng họ được hưởng khi có nhu cầu.


Lập luận này dựa trên điều kiện sống và làm việc bấp bênh của công nhân nhà máy làm việc trong các lĩnh vực xuất khẩu như may mặc, giày dép và các ngành công nghiệp chế biến khác. Mức lương thấp và số tiền tiết kiệm hạn chế đã đẩy nhiều người vào tình trạng khó khăn về tài chính khi họ mất việc làm - thường là do hậu quả của sự gián đoạn và biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi ngành lắp ráp ưu ái giới trẻ, nhiều công nhân buộc phải “nghỉ hưu” ở độ tuổi 40. Cũng có nhiều trường hợp người lao động quyết định rút tiền sớm vì họ không thể đợi đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp để nhận lương hưu.


Sự thiếu minh bạch của nhà nước trong việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và việc không trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng được viện dẫn để hỗ trợ quyền quyết định chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.


Việc sửa đổi pháp luật cũng nhằm mục đích làm cho lương hưu trở nên dễ đạt được hơn bằng cách giảm thời gian đóng góp tối thiểu cần thiết để nhận lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Tuy nhiên, còn có một thách thức khác, đó là trợ cấp lương hưu hàng tháng mà một công nhân nghỉ hưu điển hình nhận được không đủ đáp ứng nhu cầu sống của họ. Điều này là do thu nhập thấp và tổng thời gian làm việc tương đối ngắn, khiến họ khó có thể đủ điều kiện nhận mức trợ cấp hưu trí tối đa.


Nhiều người đã kêu gọi chính phủ xem xét những thay đổi có ý nghĩa hơn để giải quyết những thách thức này, chẳng hạn như giảm tuổi nghỉ hưu hợp pháp cho công nhân làm trong ngành công nghiệp, sửa đổi phương pháp tính trợ cấp lương hưu và tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.


Những đề xuất này khó có thể được chấp nhận, đặc biệt khi độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp nằm trong phạm vi của Bộ luật Lao động chứ không phải Luật Bảo hiểm xã hội. Mặc dù việc tăng phúc lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với chương trình nghị sự lớn hơn về cải cách bảo hiểm xã hội, nhưng đây không phải là ưu tiên hàng đầu của cải cách pháp lý hiện hành.


Do dự thảo luật dự kiến được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, nên số lượng đơn xin rút tiền trước hạn tiếp tục tăng. Đã có báo cáo về việc nhiều người lao động nghỉ việc để có thể nhận được khoản tiền trợ cấp trọn gói vào năm 2024 trước khi luật mới có hiệu lực vào năm 2025. Những thay đổi tiềm tàng - nhằm hạn chế việc rút tiền sớm - đã tạo ra cảm giác không chắc chắn cho người lao động, khiến họ quyết định rút tiền sớm khi mà điều này vẫn được cho phép.


Khi tranh luận về các vấn đề bảo hiểm xã hội, người dân đã kêu gọi sự chú ý đến những thách thức chính sách đang diễn ra và đề xuất những thay đổi vượt ra ngoài phạm vi của dự thảo luật sửa đổi. Kinh nghiệm trước đây cho thấy Chính phủ Việt Nam thường sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân để duy trì ổn định xã hội. Vì luật bảo hiểm xã hội hướng tới một nhóm lớn người thụ hưởng, nhà nước sẽ cần xem xét mức độ phù hợp trong việc cân bằng giữa mục tiêu của mình với lợi ích của người dân./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn EAF

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage