THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là nội dung quan trọng được công bố tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, chiều 12/4.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính được thực hiện với tinh thần "khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn và có tầm nhìn 100 năm". Mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy là để xây dựng chính quyền địa phương hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nâng cao đời sống người dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, quá trình sáp nhập sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng, nhất là trong việc bố trí nhân sự. “Tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”, ông nói, đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ cấp tỉnh bàn bạc kỹ để tạo sự thống nhất khi sắp xếp người đứng đầu cơ quan sau sáp nhập.
Sau khi Trung ương thống nhất chủ trương, Chính phủ và các địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết về việc sáp nhập, xác định tên gọi và trung tâm hành chính mới, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5-6 tới.
Chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo 2 cấp, cấp huyện bị xóa bỏ
Theo nghị quyết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ được chuyển đổi từ 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) xuống còn 2 cấp: tỉnh (bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và xã (gồm xã, phường, thị trấn, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung, dự kiến thông qua vào năm 2025.
Từ đó, hệ thống tổ chức đảng cũng sẽ tương ứng với cấp hành chính mới, nghĩa là kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện. Đồng thời, cấp xã sẽ được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi của mình.
Tòa án, Viện kiểm sát cấp huyện và cấp cao sẽ kết thúc hoạt động
Trung ương đồng ý chủ trương kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện và cấp cao. Hệ thống tư pháp mới sẽ được tổ chức theo mô hình ba cấp, tương ứng với mô hình hành chính mới.
Sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội
Một nội dung quan trọng khác là việc sáp nhập, tinh gọn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cả ba cấp. Công đoàn viên chức và công đoàn lực lượng vũ trang sẽ kết thúc hoạt động. Đồng thời, mức đóng công đoàn phí của cán bộ, công chức và người lao động cũng sẽ được điều chỉnh giảm.
Các quy định pháp luật liên quan tới mô hình tổ chức chính quyền mới cần được hoàn thiện trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với thời gian chuyển tiếp hợp lý để đảm bảo không gián đoạn hoạt động bộ máy.
Danh sách các địa phương được giữ nguyên và thuộc diện sáp nhập
Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên hiện trạng, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
52 địa phương còn lại thuộc diện sáp nhập, bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như:
Đà Nẵng và Quảng Nam
Hải Phòng và Hải Dương
Bắc Giang và Bắc Ninh
Lào Cai và Yên Bái
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là một bước đi chiến lược trong cải cách tổ chức bộ máy, nhằm xây dựng một hệ thống chính quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân./.
Nguồn: VnExpress
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved