THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo đài RFA, trong kỳ họp của các nước thành viên thuộc Công ước Di sản Thế giới ở thủ đô Paris của Pháp ngày 22/11, Việt Nam được bầu làm thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Ủy ban Di sản Thế giới là cơ quan quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), có chức năng công nhận di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, theo dõi tiến trình bảo tồn danh hiệu di sản thế giới của những địa danh trên toàn thế giới và quyết định chính sách cũng như ngân sách của Hội nghị Di sản Thế giới.
Việt Nam hiện có tổng cộng 22 di sản thế giới, gồm 3 di sản thiên nhiên, 15 di sản văn hóa và 4 di sản tư liệu.
Phát biểu tại kỳ họp của nhóm các nước thành viên Công ước Di sản Thế giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới là “sự công nhận các đóng góp thiết thực của Việt Nam vào công tác bảo tồn và quảng bá các di sản thế giới ở Việt Nam”.
Sự kiện này diễn ra trong lúc Vịnh Hạ Long của Việt Nam, một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận lần đầu tiên từ năm 1994, bị một tạp chí du lịch của Mỹ là Fodor’s Travel đưa vào danh sách “Đừng đến 2024” (No List 2024). Đây là danh sách khuyên khách du lịch nên xem xét lại quyết định đến thăm một nơi nào đó trên thế giới. Lý do được đưa ra là vì Vịnh Hạ Long quá đông khách và có quá nhiều rác.
Thời gian gần đây, Hạ Long cũng thu hút sự quan tâm của dư luận với hiện tượng lấn biển để xây dựng các khu du lịch và khu đô thị. Các hoạt động xây dựng ở ngay bờ biển cũng là một trong những tác nhân dẫn đến việc rác thải trôi ra Vịnh.
Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho hay, từ năm 2019, địa phương đã phát động phong trào ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”. Hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan cũng dần được nâng cấp, sử dụng công nghệ xử lý nước thải ngay tại nguồn bằng công nghệ sinh học Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh bằng các vật liệu bền vững được đẩy mạnh. Việc này đã dẫn đến tình trạng hàng nghìn phao xốp qua sử dụng trôi nổi trên vịnh trong tháng 3 và tháng 4/2023, gây bức xúc cho du khách, nhưng sau đó người dân và các cơ quan đã huy động hàng nghìn lượt phương tiện, nhân lực tham gia vớt để xử lý và đến nay môi trường được cho là đã trở nên sạch đẹp hơn./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn rfa, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved