Triều Tiên đã sẵn sàng phóng vệ tinh do thám lần thứ 3?

Thứ Sáu, 16/05/2025

11:04 am(VN)

-

2:04 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Triều Tiên đã sẵn sàng phóng vệ tinh do thám lần thứ 3?

04/11/2023

Ngày 1/11, truyền thông quốc tế đồng loạt dẫn lời Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết Triều Tiên đang ở trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho hoạt động phóng vệ tinh do thám lần thứ 3 và khả năng thành công của lần thử nghiệm này là rất cao.

 

Nghị sĩ Yoo Sang-bum của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền được dẫn lời cho biết thông tin trên được NIS đưa ra trong cuộc họp kín mới đây của Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc.
           

Triều Tiên nỗ lực cho lần phóng thử thứ 3
          

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn báo cáo của NIS cho biết thêm rằng “Triều Tiên được cho là đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, chẳng hạn như tiến hành kiểm tra động cơ và hệ thống phóng”.
          

Triều Tiên đã thực hiện 2 nỗ lực phóng vệ tinh do thám đầu tiên trong năm 2023, song đều thất bại do tên lửa đẩy gặp trục trặc. Vụ phóng thứ 3 này là một phần trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tăng cường năng lực quân sự, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh. Triều Tiên trước đó đã cam kết thực hiện vụ phóng tên lửa lần thứ 3 vào tháng 10/2023, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ tiến hành vụ phóng.
          

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần mô tả năng lực trinh sát trên không gian là rất quan trọng để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc cũng như tăng cường mối đe dọa từ tên lửa có khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng quyết định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cơ sở phóng vệ tinh Vostochny Cosmodrome ở vùng Viễn Đông của Nga  ám chỉ mong muốn của ông Kim Jong-un tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ của Nga đối với các vệ tinh do thám của Triều Tiên.
          

Đổi vũ khí lấy công nghệ vệ tinh
          

Nghị sĩ Yoo Sang-bum của PPP cho biết NIS cũng bổ sung thêm chi tiết cho thấy Triều Tiên dường như đã nhận được hỗ trợ công nghệ từ Nga và do đó khả năng thành công của lần thử nghiệm sắp tới có thể cao hơn. Hỗ trợ công nghệ vũ trụ được nhiều người cho là một trong những kết quả đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong tháng 9/2023 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
          

Nghị sĩ Yoo cho biết NIS đánh giá rằng Triều Tiên đã vận hành hết công suất các nhà máy sản xuất vũ khí của mình để đáp ứng nhu cầu về đạn dược của Nga và cũng đang huy động người dân tăng cường sản xuất. Cũng có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã cử chuyên gia vũ khí tới Nga vào tháng 10 để tư vấn cho các quan chức Nga về cách sử dụng vũ khí Triều Tiên xuất khẩu.
          

Tuy nhiên, NIS lưu ý rằng hiện Triều Tiên vẫn thiếu kinh phí và công nghệ cũng như chưa làm chủ được công nghệ tái nhập khí quyển và công nghệ đa đầu đạn cần thiết cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngoài ra, NIS cũng thu được thông tin tình báo nói rằng Triều Tiên đã cử một phái đoàn gồm các chuyên gia về bệ phóng tên lửa tới Nga vào khoảng giữa tháng 10 vừa qua.
          

Trang mạng aljazeera.com nhận định Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga (sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine) để đổi lấy công nghệ vệ tinh. Theo NIS, hơn 1 triệu quả đạn pháo đã được vận chuyển bằng đường biển, xuất phát từ cảng Najin và đến các cảng Dunai và Vostochny của Nga sau đó được chuyển bằng tàu hỏa tới Ukraine, gần kho đạn Toretsk. Người ta ước tính rằng những đợt giao hàng này sẽ giúp các lực lượng Nga ở Ukraine được “tiếp tế” lượng đạn dược sử dụng trong 2 tháng. Nghị sĩ Yoo cho biết thêm: “Triều Tiên đang vận hành hết công suất các nhà máy sản xuất đạn dược của mình để đáp ứng nhu cầu cung cấp quân sự cho Nga và thậm chí huy động người dân và các nhà máy dân sự sản xuất hộp đạn để xuất khẩu”.
          

Hãng tin AP nhận định rằng Triều Tiên và Nga đang tích cực tăng cường thể hiện mối quan hệ đối tác giữa họ để làm đối trọng với những cuộc đối đầu ngày càng sâu sắc và riêng biệt với Mỹ. Chính sách ngoại giao của Triều Tiên và Nga - được nhấn mạnh sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng 9 vừa qua - đã gây ra mối lo ngại về một thỏa thuận vũ khí trong đó việc Bình Nhưỡng cung cấp cho Moskva những loại đạn dược rất cần thiết để đổi lấy các công nghệ tiên tiến của Nga nhằm củng cố năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
          

Phản ứng trái chiều
          

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã lên án việc Triều Tiên cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Nga đồng thời đưa ra những bằng chứng xác nhận việc giao nhận các lô hàng như vậy. Nghị sĩ Yoo Sang-bum cho hay: “Triều Tiên được cho là đang cố gắng lợi dụng cuộc chiến Israel-Hamas theo nhiều cách. Và cũng đã có những dấu hiệu cho thấy lệnh của ông Kim Jong-un nhằm tìm cách hỗ trợ toàn diện cho người Palestine”. Báo cáo của NIS cũng cho biết Triều Tiên đã cử một phái đoàn chủ yếu gồm các chuyên gia về pháo binh tới Nga vào giữa tháng 10/2023.
          

Liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas, NIS nhận định rằng đã có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho các quan chức đưa ra các biện pháp hỗ trợ toàn diện cho Palestine. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) mới đây cũng dẫn lời Đại sứ Israel tại Hàn Quốc Akiva Tor nói rằng chính quyền Israel biết vũ khí do Triều Tiên sản xuất đang được Hamas sử dụng.
          

Hôm 26/10, cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung lên án mạnh mẽ điều mà họ mô tả là việc Triều Tiên cung cấp đạn dược và thiết bị quân sự cho Nga, đồng thời nói rằng những chuyến hàng vũ khí như vậy đã làm tăng mạnh số người thiệt mạng do hành động xâm lược Ukraine của Nga. Tuyên bố do các nhà ngoại giao hàng đầu của ba nước trên được đưa ra được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận tuyên bố của Mỹ rằng Nga đã nhận được đạn dược từ Triều Tiên khi ông trở về sau chuyến đi kéo dài 2 ngày tới Bình Nhưỡng./.

 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Reuters,AP,Yonhap, aljazeera.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage