Trái Đất đang thay đổi hoàn toàn…

Thứ Sáu, 16/05/2025

6:27 am(VN)

-

9:27 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Trái Đất đang thay đổi hoàn toàn…

06/10/2023

Nhật báo "Libération" dẫn báo cáo của Đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus cho biết trong tháng 9 vừa qua, nhiệt độ Trái Đất ấm hơn 1,75°C so với tháng 9 thời kỳ tiền công nghiệp và năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng kỷ lục.
 

Sau những tháng 6, 7, 8 nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, tháng 9 tiếp tục lập kỷ lục đáng buồn của một năm “sôi sục”. Trong tháng này, nhiệt độ toàn cầu đặc biệt cao, đủ để khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục. Trong báo cáo hằng tháng ra ngày 5/10, Copernicus đã công bố những dữ liệu cho thấy Trái Đất đang thay đổi hoàn toàn.


Với nhiệt độ trung bình 16,38°C, những ngày đầu Thu trở nên đặc biệt nóng, phá kỷ lục tháng nóng nhất được ghi nhận trước đó là tháng 9/2020. Như vậy, tháng 9 năm nay ấm hơn 1,75°C so với cùng kỳ tháng 9 ở thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng thời gian tham chiếu từ năm 1850 đến 1900.


Nếu các tháng khác ấm hơn, chẳng hạn như tháng 6 năm nay với 16,7°C, tháng 9 là tháng có nhiệt độ bất thường cao nhất kể từ năm 1940. Copernicus khẳng định tháng này đã đạt mức bất thường là +0,93°C so với mức trung bình trong tháng 9 của giai đoạn 1991-2020, thời kỳ bắt đầu ghi nhận sự nóng lên toàn cầu.


Chín tháng đầu năm 2023 phá vỡ mọi kỷ lục


Từ tháng 1 đến tháng 9/2023, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,4°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ đã gần chạm mức nguy hiểm so với mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris, theo đó nhân loại phải hạn chế sự nóng lên ở mức +1,5°C - ngưỡng mà từ đó các tác động của khí hậu sẽ đặc biệt có hại cho các hệ sinh thái và sinh vật sống.


Nhiệt độ tăng 1,5°C trong một năm không có nghĩa là chúng ta đã vượt qua cột mốc biểu tượng của Thỏa thuận Paris, vì phải mất một khoảng thời gian dài vượt quá ngưỡng này thì mới chính thức được công nhận. Mặc dù vậy, với tốc độ nóng lên hiện nay, nhiệt độ có thể đạt tới +1,5°C vào thập kỷ 30 của thế kỷ này, theo dự báo của Copernicus dựa trên các số liệu quan sát về sự phát triển của nhiệt độ toàn cầu.


Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn so với khoảng thời gian tương đương của năm 2016 - năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, đủ để đưa năm 2023 chạm tới kỷ lục mới. Ở châu Âu, nơi tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với những nơi khác trên thế giới, tháng 9/2023 cũng là tháng nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ ở đây đã vượt quá mức trung bình của tháng 9 trong giai đoạn 1991-2020 tới 2,51°C.


Đại dương nóng lên, băng tan chảy và mưa nhiều


Ở đại dương, nhiệt độ thủy ngân cũng tăng vọt: nhiệt độ trung bình mặt nước biển trong tháng 9 đạt 20,92°C, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong cùng kỳ ở các năm trước và cao thứ hai sau tháng 8/2023.


Dữ liệu này cũng thảm khốc không kém đối với băng biển ở Nam Cực, vốn vẫn ở mức thấp kỷ lục. Copernicus nhấn mạnh: “Độ bao phủ của bề mặt băng luôn ở mức thấp nhất kể cả thống kê theo ngày hay theo tháng và thấp hơn 9% so với mức trung bình, theo số liệu được vệ tinh ghi lại vào tháng 9”. Bên kia bán cầu, ở Bắc Cực, diện tích bề mặt của băng biển được ghi nhận trong tháng 9 cũng thấp hơn 18% so với mức trung bình hằng tháng.


Lượng mưa trong tháng đầu tiên của mùa Thu năm này thật khủng khiếp ở một số khu vực trên thế giới. Tại Hy Lạp, mưa lớn kết hợp với bão Daniel đã mang đến “không khí ẩm ướt hơn mức trung bình”. Cơn bão này cũng là nguyên nhân gây ra lũ lụt thảm khốc ở Libya. Miền Nam Brazil và miền Nam Chile cũng hứng chịu lượng mưa cực lớn.


Ở châu Âu, tháng 9 cũng ẩm ướt hơn mức trung bình, đặc biệt là ở một số khu vực bao gồm phía Tây bán đảo Iberia, Ireland, miền Bắc nước Anh và bán đảo Scandinavia. Trong khi đó, nhiều khu vực khác trên thế giới lại phải chịu hạn hán bất thường như một số nơi ở châu Âu, Đông Nam nước Mỹ, Mexico, Trung Á và Australia, nơi tháng 9 trở thành mùa Hè khô kỷ lục.


Phá vỡ vòng luẩn quẩn


Samantha Burgess, Phó Giám đốc của Copernicus, lưu ý: “Nhiệt độ chưa từng có vào thời điểm này trong năm - được quan sát thấy sau một mùa Hè đặc biệt - đã phá vỡ các kỷ lục cũ. Hai tháng trước COP28, tính cấp bách của hành động vì khí hậu đầy tham vọng chưa bao giờ lớn hơn thế”.
 

Ngày càng có nhiều nhà khoa học tin rằng sóng nhiệt sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng và mức độ nghiêm trọng của chúng. Trong những tháng qua, các vụ cháy rừng đã cho thấy những hậu quả thảm khốc. Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas nhớ lại: “Các đám cháy đã tàn phá các khu vực rộng lớn của Canada, gây thiệt hại và tử vong kinh hoàng ở Hawaii, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của ở khu vực Địa Trung Hải”. Chúng là nguyên nhân làm giảm chất lượng không khí xuống mức nguy hiểm đối với hàng chục triệu người và di chuyển các đám khói qua Đại Tây Dương, lên tận Bắc Cực.

 

Lorenzo Labrador, nhà khoa học của WMO giải thích: Khói cháy rừng “chứa hỗn hợp các hóa chất không chỉ gây hại cho chất lượng không khí và sức khỏe mà còn cả thực vật, hệ sinh thái và cây trồng, đồng thời dẫn đến tăng lượng khí thải carbon và do đó làm tăng mức độ GHG trong khí quyển”. Taalas cảnh báo: “Những gì chúng ta đang chứng kiến trong năm 2023 thậm chí còn cực đoan hơn”, và theo ông, “biến đổi khí hậu và chất lượng không khí phải được giải quyết cùng lúc để phá vỡ vòng luẩn quẩn này”.


Để thoát khỏi tình trạng hiện nay và tránh cho mọi thứ có thể cháy thành than, câu trả lời đã rõ: Hãy thoát khỏi cơn nghiện “tự sát” của chúng ta đối với nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gây ra hơn 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”, Tổng thư ký Liên hợp quốc  (LHQ) António Guterres nhấn mạnh, trong khi người đứng đầu Cơ quan Khí hậu LHQ Simon Stiell chỉ trích Tuyên bố của các thành viên G20 về cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu là “chưa thỏa đáng”. Nếu COP28, hội nghị về khí hậu của LHQ sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại Dubai, “không dẫn đến việc giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ có thể chính thức gọi những năm 2020 là 'thập kỷ ngu ngốc'”, theo cách so sánh của David Reay, Giám đốc Viện biến đổi khí hậu Edinburgh. Và đến lúc đó, không còn gì để nói nữa./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Libération

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage