THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Đài RFA dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, dù đã tuyển mới được hơn 17.000 giáo viên, Việt Nam vẫn thiếu 118.000 giáo viên, con số này cao hơn năm ngoái cả chục nghìn.
Nguyên nhân thiếu giáo viên được ông Sơn đưa ra là do số trẻ mầm non tăng, tỷ lệ học hai buổi/ngày của học sinh tiểu học cũng cao hơn trước. Ngoài ra, trong năm học 2022-2023, đã có 19.300 giáo viên nghỉ hưu, bỏ việc, trong số đó người bỏ việc lên tới hơn 9.000. (Thống kê của Bộ GD&ĐT được truyền thông loan trong ngày 22/7).
Tình hình thực tế
Một giáo viên ở tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm nguyên nhân thực tế thiếu giáo viên: “Thứ nhất, do giáo viên nghỉ hưu theo chế độ. Thứ hai, do học sinh đông và các em lựa chọn hầu như đầy đủ các môn. Trong các môn các em lựa chọn lại theo chương trình phổ thông mới, nhưng nhà trường lại chưa có giáo viên môn này. Thứ ba, số lớp của năm học năm 2023 – 2024 nhiều hơn so với năm học 2022 – 2023”.
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, cho hay: “Hiện nhiều tỉnh, thành thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là các tỉnh miền núi, trung du. Ví dụ, tỉnh Sơn La, được biết thiếu khoảng 10.000 giáo viên. Các tỉnh miền núi trên cả nước nơi nào cũng thiếu giáo viên và hầu như không tuyển được”.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường tại các tỉnh, thành phải tự tìm giải pháp. Ví dụ như Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk phải tăng sĩ số học sinh mỗi lớp để giải quyết tình trạng thiếu 1.200 giáo viên, nhân viên. Một số trường ở vùng sâu vùng xa của tỉnh này cũng phải nhập lớp, ghép lớp do thiếu giáo viên.
Ở Nghệ An, Sở GD&ĐT phải điều chỉnh, thay vì giáo viên tiểu học phải đáp ứng 1,5 giáo viên/lớp thì chỉ giao 1,2 giáo viên/lớp và hiện phải giảm nữa. Thậm chí do thiếu giáo viên, ở vùng cao thuộc tỉnh Bắc Kạn phải tổ chức học ghép hai lớp ngồi quay lưng vào nhau.
Với những giải pháp như trên, thầy Đỗ Việt Khoa, cho biết ông không đồng tình và gọi đó là “biện pháp chữa cháy”: “Chắc chắn giải pháp tạm thời của nhiều địa phương là tuyển học sinh ít đi, vì lực lượng giáo viên không đủ, hay là tăng sĩ số học sinh một lớp, những biện pháp chữa cháy tạm thời đó đi ngược lại với những chuẩn hóa của trường học hiện nay…”.
Ngoài ra, thầy giáo Khoa cũng cho rằng, những giải pháp trên đều sẽ khiến chất lượng giáo dục xấu đi. Ông giải thích: “Mỗi một giáo viên đứng lớp bao quát tới 50 – 60 học sinh, đây là một con số rất lớn trong điều kiện phòng học chật hẹp, nóng bức, thiết trang thiết bị thì giáo viên sẽ mệt mỏi, nhất là chấm bài một lúc 60 học sinh. Chế độ đãi ngộ có thể tính thêm giờ một chút, nhưng không ăn thua với sự vất vả của giáo viên. Cho nên giải pháp lâu dài là phải thay đổi mạnh từ trên xuống dưới, khắc phục tất cả những bất cập… thì may ra mới có thể tuyển thêm được nhiều giáo viên”.
Chưa có giải pháp khắc phục
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2022-2023, Việt Nam có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó gần 90% làm việc ở trường công lập. Hầu hết tỉnh, thành hiện thiếu giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội với số thiếu khoảng 9.000 - 10.000 người.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Tất nhiên khi người ta đã đưa ra tiêu chuẩn một thầy, cô giáo phụ trách bao nhiêu học sinh, trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Bây giờ lại tăng số học trò trong một lớp thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, điều đó là chắc chắn. Nhưng vấn đề ở chỗ khác, việc thiếu giáo viên không phải chuyện xảy ra đột ngột, tất cả những nhà quản lý đều phải thấy, vấn đề là thấy mà vẫn để cho nó xảy ra mới đáng nói”.
Nghịch lý này theo PGS.TS Hoàng Dũng cũng giống như mọi nghịch lý khác trong đất nước Việt Nam. Để thay đổi, không hề dễ. Ông Dũng nói tiếp: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng nói trước Quốc hội rằng, Bộ Giáo dục không nắm hai việc, một là không nắm tiền, hai là không nắm người. Do đó việc thiếu giáo viên không phải là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Nói trắng ra, với giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì phải thay đổi cách quản lý, còn nếu chúng ta cứ trách móc Bộ Giáo dục, thì rõ ràng không đúng địa chỉ.”
Cuối năm ngoái, khi Bộ GD&ĐT đưa ra con số thống kê cho thấy hàng nghìn giáo viên đã bỏ việc, nghỉ hưu, lúc bây giờ các chuyên gia đã đưa ra kiến nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo với các Bộ, ngành liên quan như Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để cân đối ngân sách, có giải pháp khắc phục nhanh chóng việc lượng lớn giáo viên nghỉ việc, tránh để kéo dài càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc dạy và học. Tuy nhiên, với báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giải pháp “bù” con số thiếu chưa có, nay ngành giáo dục Việt Nam lại “gồng” thêm con số cộng, khi số lượng giáo viên thiếu đã lên đến hơn 100.000 người.
Mới đây, vẫn theo giải pháp “chữa cháy”, Bộ GD&ĐT đề nghị, những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực thì sẽ tổ chức đào tạo giáo viên văn bằng hai, bồi dưỡng chuyên môn để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu... Tuy nhiên, Phó GS-TS Hoàng Dũng cho rằng, ông không dám khẳng định các nhà quản lý có thể đủ sức để trong thời gian ngắn có thể làm cho các giáo viên có thể chuyển chuyên ngành mà vẫn đạt chất lượng.
Theo đài RFA, giới quan sát thời sự và xã hội Việt Nam cho rằng hiện tượng giáo viên bỏ nghề, bỏ việc hàng loạt đang trở thành một vấn đề “thực sự đáng lo ngại và báo động” đối với Việt Nam ngay vào đầu năm học mới 2023-2024.
VTC News ngày 6/9 đăng bài viết “5 thách thức lớn với ngành giáo dục năm học 2023 - 2024”, trong đó nêu rõ ngành giáo dục sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề lớn như lương giáo viên thấp, tỷ lệ bỏ việc vẫn tiếp diễn; tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp vẫn tồn tại ở hầu hết các thành phố lớn.
Bình luận về vấn đề giáo viên bỏ nghề trong khi ngành giáo dục đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực sư phạm ở các cấp giáo dục, TS. xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng: “Vấn đề này thực sự rất lo lắng, là một vấn đề đáng báo động. Giáo viên mà chán công việc của mình, hoặc không thấy công việc của mình đem lại mức sống có thể tái sản xuất sức lao động và buộc phải bỏ nghề để đi làm công việc khác thì thực sự rất đáng tiếc. Cả một đội ngũ đã được đào tạo và làm việc trong nhiều năm, rất nhiều kinh nghiệm, giờ họ từ bỏ thì phải tuyển một đội ngũ khác, nhưng quan trọng là chưa chắc đã tuyển được do số lượng quá lớn, khó hy vọng có thể tuyển lại được số lượng lớn giáo viên như vậy”.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, nguyên nhân chính khiến giáo viên bỏ việc là do lương thấp không đủ sống, trong khi áp lực công việc và áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên quá nặng. Nếu không có cải cách thật căn bản, “bức tranh” về giáo dục Việt Nam còn mất nhiều thời gian để có thể trở nên tươi sáng: “Nếu không có những thay đổi, cải cách căn bản về chế độ đãi ngộ cho giáo viên, về cách quản lý, về triết lý giáo dục, bức tranh giáo dục hơi buồn hiện nay sẽ mất rất nhiều thời gian để khôi phục”.
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, “bệnh thành tích” cũng là một nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, do không chịu nổi áp lực công việc, áp lực tâm lý.
Ông Lê Văn Sinh, giảng viên và nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, nhận định về nguyên nhân cốt lõi của các thách thức trong giáo dục Việt Nam hiện nay: “Khi nền kinh tế đã vận hành theo mô hình thị trường, quản lý giáo dục không thể cứ sử dụng lối quản lý cũ. Hiện giáo dục của Việt Nam một phần là mới, nhưng phần cốt lõi và cách quản lý vẫn là của nền kinh tế chính trị cũ. Như bài báo trên VTC News với 5 thách thức, nghĩa là khi nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, chúng ta không thể vẫn quản lý giáo dục theo mô hình cũ, mô hình trước thời kỳ đổi mới”./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn RFA
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved