THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo trang mạng Foreign Policy, Thái tử Mohammed bin Salman cao giọng rằng Saudi Arabia là quốc gia có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông, song trên thực tế lại sai lầm về chính sách ngoại giao.
Ngày 23/10, vào cùng thời điểm cả thế giới biết rằng chính phủ Qatar và Ai Cập đã giúp hai phụ nữ Israel bị Hamas bắt làm con tin được phóng thích, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman xuất hiện trên Instagram của Cristiano Ronaldo. Ngôi sao bóng đá người Bồ Đào Nha gặp Thái tử trong một cuộc trao đổi về tương lai của trò chơi điện tử thể thao khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ tổ chức Giải vô địch thể thao điện tử lần đầu tiên trên thế giới. Thật là một vấn đề quan trọng.
Nghịch cảnh giữa những nỗ lực của Qatar và Ai Cập nhằm giải thoát con tin ở Gaza và cuộc trò chuyện tay đôi giữa Ronaldo và Mohammed bin Salman ở Riyadh cho thấy rằng dù giới lãnh đạo Saudi Arabia có nói bao nhiêu chăng nữa với những người chịu lắng nghe rằng Vương quốc này là quốc gia quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Đông, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Quả thực, kể từ khi cuộc chiến giữa Hamas và Israel nổ ra, “người Saudi mới” đang hành động rất giống “người Saudi cũ” - có một số động thái ở Riyadh nhưng không có hành động thực tế. Điều này thật lạ bởi, bất chấp những sai lầm, Mohammed bin Salman và các cố vấn của mình đã thực hiện những thay đổi quan trọng, có ý nghĩa và tích cực ở Saudi Arabia.
Nói về chính sách đối ngoại và quản lý khủng hoảng, người Saudi dường như “vô dụng”, theo một cựu quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ. Điều này là bởi Saudi Arabia đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Họ vẫn phụ thuộc về an ninh vào Mỹ, cũng chính là quốc gia đang giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công tàn khốc vào Dải Gaza của Israel, đất nước mà chỉ vài tuần trước, Thái tử Saudi Arabia dường như sẵn sàng thỏa hiệp mà không cần lời hứa về tư cách nhà nước của Palestine.
Một cách để giải quyết những vấn đề và mâu thuẫn này là Chính phủ Saudi Arabia phải trở thành nhân tố mang tính xây dựng và có ảnh hưởng như họ tuyên bố. Thay vào đó, người Saudi đang bận rộn với các tuyên bố và cuộc họp.
Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, ngay sau là các cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Gaza, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi “ngay lập tức ngừng leo thang giữa hai bên”. Kể từ đó, Saudi Arabia đưa ra hàng loạt tuyên bố và thông tin từ các cuộc điện đàm và cuộc họp đa phương sắc nét hơn nhưng không góp phần thiết lập lại sự ổn định tại khu vực.
Ví dụ, ngay trước khi Mohammed bin Salman gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 15/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đưa ra tuyên bố, theo đó Riyadh khẳng định “thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi cưỡng bức di dời người dân Palestine khỏi Gaza và lặp lại lên án việc liên tục nhắm mục tiêu vào dân thường không có vũ khí”. Đó là một quan điểm mang tính nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu Saudi Arabia là ông lớn trong khu vực - như họ tuyên bố - họ không thể ngồi yên ở Riyadh và chẳng làm được gì hơn ngoài việc phản đối kịch liệt tình thế kinh hoàng ở Gaza.
Công bằng mà nói, người Saudi cũng có những động thái. Ngày 18/10, Saudi Arabia triệu tập cuộc họp ủy ban điều hành của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). OIC, với 57 thành viên, tìm cách thực hiện đúng như tên gọi của tổ chức: thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Trong bài phát biểu tại cuộc họp này, trong đó có Iran, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan chỉ trích việc cộng đồng quốc tế không hành động và có tiêu chuẩn kép trong việc phản ứng với các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, đúng theo thông lệ của những cuộc họp kiểu này.
Ông Faisal cũng khẳng định lại sự ủng hộ của Saudi Arabia đối với Sáng kiến Hòa bình Arập năm 2002. Dưới sự chủ trì của Thái tử Saudi Arabia lúc đó là Abdullah bin Abdulaziz, sáng kiến này cam kết các nước Arập và các nước Hồi giáo phi Arập bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy tư cách nhà nước của Palestine. Kế hoạch này đã “chết” từ lâu. Tuy nhiên, việc viện dẫn sáng kiến này của Ngoại trưởng Saudi Arabia là điểm nhấn trong số ít hành động cụ thể của Saudi Arabia trong trong quá trình kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine và nhấn mạnh cam kết của Riyadh đối với công lý cho người Palestine.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố ồn ào, cuộc họp IOC không phải là nỗ lực thực sự của Riyadh nhằm thực hiện chính sách ngoại giao mang tính xây dựng, mà chỉ là một động thái tuyên truyền nhằm tạo ra một số vỏ bọc sau nhiều tháng đàm phán với Mỹ về thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Saudi Arabia.
Có một dấu hiệu thú vị trong cách tiếp cận của Saudi Arabia đối với cuộc chiến Israel-Hamas. Một ngày trước cuộc họp OIC, Hoàng tử Turki bin Faisal- cựu giám đốc tình báo của Saudi Arabia và cựu đại sứ của Riyadh tại London và Washington – đã phát biểu tại Viện Chính sách công Baker, Đại học Rice ở Houston. Trong bài phát biểu, Turki đã chỉ trích không chỉ Israel và phương Tây vì sự đổ máu ở Gaza mà còn cả Hamas vì giết chóc ở Israel. Ông tuyên bố thẳng thừng việc sát hại trẻ em, phụ nữ và người già là trái với niềm tin Hồi giáo, nhấn mạnh “không có anh hùng” trong cuộc xung đột. Mặc dù Turki hiện là một công dân bình thường và không còn là quan chức chính phủ, ông đã nói trước công chúng những điều mà hoàng gia Saudi Arabia muốn nói nhưng không thể.
Những bình luận của ông Turki ở Houston quan trọng, song tất những tuyên bố đến từ Saudi Arabia chẳng hơn gì một tiếng động nhỏ trong cuộc xung đột bùng nổ ở khu vực.
Điều khiến việc Saudi Arabia không hành động thậm chí còn lạ hơn là sự thận trọng của người Saudi khi nói đến Iran. Bản tuyên bố của Saudi Arabia về cuộc gọi của ông Mohammed bin Salman với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi về cuộc chiến Israel-Hamas có thể được hiểu như một sự chỉ trích ngầm đối với Iran, đặc biệt là phần nội dung trong đó nhà lãnh đạo Saudi Arabia được cho là đã “khẳng định sự phản đối của Vương quốc đối với bất kỳ hình thức nào nhắm vào mục tiêu dân sự” và nhấn mạnh cam kết của ông đối với một “nền hòa bình toàn diện và công bằng”, ngụ ý ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Rõ ràng là Iran không cùng chung những cam kết này.
Nhưng tại sao phải vòng vo như vậy? Hamas, một thành viên trong cái gọi là trục kháng chiến của Tehran, vừa phá hỏng toàn bộ chiến lược khu vực của Thái tử bằng việc mà nhiều người ngờ rằng có sự trợ giúp của Iran. Thành công của Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman - lộ trình đầy tham vọng mà nước này mô tả là “các cơ hội đầu tư và tăng trưởng mới, sự tham gia toàn cầu lớn hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” - phần nào phụ thuộc vào sự ổn định và hội nhập sâu rộng hơn của các nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm cả Israel (mặc dù không có Iran).
Thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran hồi tháng 3 nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cho là sẽ làm giảm căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được với thế yếu thuộc về Saudi Arabia và chỉ tạm hoãn cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran. Thái tử rõ ràng không muốn hành động trong cuộc xung đột ở Gaza theo cách khơi dậy sự giận dữ của người Iran, thúc đẩy lực lượng ủy nhiệm của Tehran ở Yemen là Houthi, một lần nữa nhắm mục tiêu vào các trung tâm dân cư của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Sau khi cuộc nội chiến ở Sudan nổ ra vào tháng 4, quan hệ Mỹ-Saudi Arabia trở nên “tốt đẹp nhất cho đến nay”, theo lời các quan chức của cả hai chính phủ. Đó là bởi Saudi Arabia có thể hữu ích đối với Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột này, bao gồm việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên tham chiến, cung cấp 100 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Sudan và giúp sơ tán hàng nghìn người khỏi đất nước.
Washington một lần nữa cần hỗ trợ để ổn định khu vực khi đang có chiến tranh ở Gaza, nhưng lần này Saudi Arabia dường như không thể hoặc không muốn giúp đỡ. Mặc dù Thái tử Mohammed bin Salman phụ thuộc vào Washington để đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia là điểm dễ tổn thương đối với ông. Thái tử có thể đã củng cố được quyền lực, nhưng vẫn cần cẩn trọng.
Palestine vẫn là một vấn đề mang tính biểu tượng quan trọng ở Saudi Arabia và sẽ khó để nhà lãnh đạo Vương quốc này hợp tác chặt chẽ với Chính quyền Biden lúc này, bởi cách Mỹ kiên quyết hỗ trợ Israel có thể đã gây ấn tượng mạnh và tiêu cực đối với người dân Saudi, vốn đã có một cái nhìn tiêu cực về Mỹ.
Để Mohammed bin Salman tạo được hình ảnh mang tính xây dựng hơn trong cuộc xung đột ở Gaza có nghĩa là phải đối phó nhiều hơn với cả Washington và Israel. Người Saudi có thể thẳng thắn hơn trong việc chỉ trích Hamas, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người Palestine cần được chăm sóc y tế và sử dụng mối quan hệ tốt đẹp của họ với Chính phủ Israel để giúp định hình phản ứng của Israel đối với vụ tấn công ngày 7/10. Tuy nhiên, rõ ràng Thái tử đã đi đến kết luận rằng tốt hơn hết là không nên thể hiện theo cách này. Theo quan điểm của ông, việc đưa ra các tuyên bố, chỉ trích cộng đồng quốc tế, gọi điện cho các đối tác và giao lưu với các ngôi sao bóng đá là chiến lược tốt hơn. Có lẽ chiến lược này tốt hơn thật, song nó cũng phản ánh sự yếu kém hiện nay của Saudi Arabia./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Policy, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved