THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Đài RFA dẫn chia sẻ của một người trẻ tuổi sống trong một chung cư mini ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết sau vụ cháy ở tòa chung cư mini cao 9 tầng ở quận Thanh Xuân, khiến ít nhất 56 người bị chết và hàng chục người khác bị thương, anh không thấy chủ chung cư trang bị cho người thuê trọ hoặc khách một phương tiện chữa cháy nào.
Anh này cho biết anh cùng vợ con sống trong một căn phòng khoảng 30 m2 của chung cư mini cao 5 tầng ở trong ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận, đường rộng chỉ đủ cho xe ba gác. Anh cũng nhận thấy trong ngõ này không có vòi nước để sử dụng cho việc chữa cháy nếu hoả hoạn xảy ra.
Anh rất băn khoăn và lo lắng cho an toàn của cả gia đình, tuy nhiên, chủ nhà có vẻ không có cùng mối bận tâm: “Sau vụ việc xảy ra, tôi cũng có nghe ngóng xem là chủ nhà, hoặc đơn vị thầu lại từ chủ nhà, họ có cảnh báo hoặc trang bị gì không, nhưng cho đến thời điểm hiện nay tôi không thấy thông báo hoặc nhắc nhở hoặc là có trang bị thêm gì về phương tiện phòng cháy, chữa cháy”.
Tuy nhiên, anh và vợ dặn nhau đề phòng hoả hoạn và thống nhất trong việc ứng phó nếu điều không may xảy ra: “Tôi bảo là người thân trong gia đình là khi sử dụng điện và ga hoặc là khi có cháy nổ thì mình sẽ phải cẩn thận như thế nào. Ví dụ như thiết bị điện thì mình phải rút ra hoặc là ga thì mình phải kiểm tra kỹ xem có rò rỉ ga hay không.
Trong trường hợp cháy nổ thì chúng tôi sẽ tìm cách nào thoát thân, sử dụng những phương tiện gì, con cái tài sản ra sao, phải di chuyển thoát nạn như thế nào. Chúng tôi cũng đã có những phương án dự trù để khi mà nếu xảy ra cháy thật thì chúng tôi sẽ bình tĩnh và có phương án tốt nhất an toàn cho gia đình”.
Khi được hỏi anh có ý định chuyển đi nơi khác an toàn hơn không thì anh cho biết điều kiện kinh tế còn eo hẹp chưa cho phép anh có thể có lựa chọn tốt hơn.
Hà Nội có nhiều chung cư mini với tình trạng tương tự hoặc tệ hơn. Chẳng hạn như một chung cư mini ở gần đường Đội Cấn, anh biết được tình trạng của căn nhà này khi đi hỏi thuê nhà cho một người quen: “Chủ nhà trọ có tiết lộ với tôi họ xây “chui” 7 tầng và không bị cơ quan nhà nước phát hiện. Nhìn bên ngoài thì cái chung cư đấy nó có vẻ như nó rất đẹp, chỉ là một cái nhà cho người dân sinh sống thôi. Tuy nhiên, khi vào trong tôi thấy rằng họ chia thành rất nhiều phòng khác nhau cho những người thu nhập thấp và sinh viên ở trọ.
Vào chung cư đấy tôi thấy không có đèn đóm gì, đường điện và những vật dụng của những người thuê trọ ở đoa dể rất lộn xộn. Tôi nghĩ rằng nếu cháy nổ xảy ra thì những người trong đó rất khó thoát nạn”.
Ông Nguyễn Đình Hà, một cư dân của Vinhome Times City ở phường Vĩnh Tuy, cho biết khu nhà ông đang sống cũng như nhiều khu chung cư mới xây dựng khác ở thủ đô đạt quy chuẩn về xây dựng và phòng cháy chữa cháy trước khi được bàn giao cho người sử dụng. Do vậy, các khu nhà này không ảnh hưởng gì từ chương trình kiểm tra của thành phố.
Theo ông, vấn đề phòng cháy chữa cháy nên đặt ra với các nhà mặt đất trong ngõ ngách, và chung cư mini - bản chất là nhà đất xây cao tầng để cho thuê, chứ không phải là chung cư xây theo dự án.
Cũng theo ông này, nhiều dự án nhà chung cư cũ cũng đã được lắp đặt thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn hiện hành.
Ông Minh Tuấn, một người làm truyền thông ở thủ đô, cho biết ông mới rời khu chung cư VOV Mễ Trì ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm và đến sinh sống ở nhà riêng. Ông nói hiện chung cư cũ đã tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, chú ý hơn đến xe máy điện với quy định là không được sạc pin sau 23 giờ đêm.
Ông cho biết tâm lý chung là ai cũng e ngại vụ hoả hoạn gây chết hàng chục người vừa qua, và nhiều gia đình đi mua sắm các thiết bị giúp họ có thể thoát hiểm trong những sự cố tương tự.
Ông nói các chung cư cũ xây trước đó 5-6 năm không có hệ thống báo cháy tự động, là những toà nhà có giá thấp. Gần đây, công an phường các nơi siết quản lý phòng cháy chữa cháy, và giờ các tổ dân phố triển khai thêm các tủ có phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Phạm Mười, một người Hà Nội nhận xét chung về tình trạng của cả thành phố đông dân thứ hai ở Việt Nam: “Hiện nhiều khu dân cư ở Hà Nội có lối đi nhỏ, xe cứu hỏa không vào được, mật độ xây dựng cao, dây điện loằng ngoằng khắp nơi, thiếu an toàn, khiến công các cấp cứu khi có sự cố hay phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn”.
Sau vụ hoả hoạn ở Thanh Xuân, nhu cầu mua trang thiết bị và dụng cụ phòng chữa cháy tăng mạnh, có mặt hàng tăng gấp đôi./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn RFA
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved