Mỹ có thể học được gì từ chính sách "bốn không" của Việt Nam

Thứ Sáu, 16/05/2025

3:56 am(VN)

-

6:56 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Mỹ có thể học được gì từ chính sách "bốn không" của Việt Nam

18/09/2023

Trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ ngày càng sâu sắc, Washington cần nhận ra rằng chiến lược khu vực của Hà Nội vượt xa bất kỳ sự tập trung đơn lẻ nào vào Trung Quốc.
 

Việt Nam đã in sâu vào lịch sử và ký ức của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia xa xôi nào khác kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tưởng chừng như đây là quân domino đầu tiên trong sự sụp đổ liên hoàn của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Nam Á, cuộc chiến ở Việt Nam sau đó đã dẫn tới sự sa sút của một vị tổng thống và để lại dấu vết của nước mắt cũng như những lời buộc tội còn vang vọng rất lâu sau đó cho đến tận Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Và nó đã mở ra cơ hội – dù chỉ trong một vài năm ngắn ngủi – để những câu hỏi nghiêm túc cả về phương tiện lẫn mục đích của chính sách đối ngoại Mỹ được đặt ra ngay trong chính nước này.
 

Thời thế đã thay đổi rất nhiều. Sự chào đón xa hoa dành cho Tổng thống Biden tại Việt Nam chỉ là dấu hiệu mới nhất về thay đổi mạnh mẽ này. Rõ ràng, với những suy nghĩ dành cho Trung Quốc, Mỹ mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng nếu Washington cho rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, Hà Nội sẽ liên kết với Washington để chống lại Trung Quốc trên bình diện an ninh, thì đó sẽ là một sai lầm đáng buồn. Việt Nam quả thật có chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng đó không phải là chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Nhận thức rõ ràng về điều này có thể mở ra cánh cửa để suy nghĩ về lợi ích thực sự của mối quan hệ.
 

Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện” có nghĩa là quan hệ Việt-Mỹ đã ngang hàng với các mối quan hệ ở cấp độ tương tự giữa Việt Nam với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc trước đó. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vượt xa các nước khác. Mặc dù Hà Nội từng chào đón Hải quân Mỹ, nhưng cũng đã đón các chuyến thăm tương tự từ Nhật Bản và Ấn Độ, cùng nhiều nước khác. Và không giống như một số đối tác khác của Mỹ ở châu Á, doanh số bán khí tài quốc phòng của Mỹ cho Việt Nam vẫn còn hạn chế và chỉ giới hạn ở các sản phẩm có giá trị thấp hơn. Việt Nam tiến hành tập trận với các cường quốc bên ngoài, nhưng chủ yếu tập trung vào cứu trợ thiên tai và gìn giữ hòa bình, hoặc diễn ra dưới các hình thức rất rộng, gần như là đa phương, chẳng hạn như RIMPAC. Vốn có tranh chấp trên biển gay gắt với Bắc Kinh, nhưng Hà Nội không theo đuổi mục tiêu liên kết địa chính trị với Washington mà thực hiện chiến lược phòng ngừa liên quan đến tất cả các cường quốc châu Á.
 

Câu chuyện thực sự về quan hệ Việt-Mỹ liên quan đến địa kinh tế. Việt Nam – nơi Washington đã chuốc lấy vết nhơ sau những đợt ném bom và đánh phá  để đưa nơi này “trở về thời kỳ đồ đá” vào những năm 1960 và 1970 – giờ đây lại là “con hổ kinh tế” mới của châu Á một cách đáng kinh ngạc. Đáng chú ý hơn nữa, nước này đã trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 8 của Mỹ và có vẻ sẽ sớm vượt qua Anh (hiện là đối tác lớn thứ 7). Thương mại hàng hóa song phương của Mỹ với Việt Nam đạt 139 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 20 lần sau 20 năm.
 

Việc Washington thúc đẩy di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc phù hợp với mong muốn của Việt Nam là thu hút nhiều thương mại, đầu tư và sản xuất nhất có thể. Việt Nam cũng sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới – một tài sản quan trọng khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang diễn ra. Gần đây, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ở Việt Nam đã gia tăng và Việt Nam đã đăng ký tham gia sáng kiến do Mỹ dẫn đầu về giảm phụ thuộc vào than đá. Việt Nam cũng đã tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden và là thành viên của cả hai hiệp định thương mại CPTPP và RCEP. Rõ ràng, giữa hai bên có sự hội tụ đáng kể về lợi ích địa kinh tế và hai bên đều đang hành động dựa trên nhận thức này.
 

Tuy nhiên, dù hướng tới sự trỗi dậy nhanh chóng, nhưng Việt Nam dường như vẫn rất thực tế. “Chiếc mỏ neo” được tạo ra bởi chính sách “Bốn không” nổi tiếng của Việt Nam: không đứng về phía nước này để chống lại nước khác, không liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ mình và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này không loại trừ quan hệ quân sự với các cường quốc khác, nhưng ngay cả trong các mối quan hệ này, Việt Nam vẫn theo đuổi sự cân bằng.
 

Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống. Chẳng hạn, Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân biển hùng mạnh của riêng mình để chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên biển. Nếu có quốc gia nào ở châu Á thể hiện được cả quyền tự chủ chiến lược kiên quyết và cam kết không liên kết thì đó chính là Việt Nam. Phải cần tới một sai lầm chiến lược lớn của Trung Quốc mới thay đổi được điều đó.
 

Tổng thống Biden phủ nhận việc chống Trung Quốc là động lực cho chuyến thăm của ông. Biden nói rằng Mỹ không tìm cách khởi xướng “chiến tranh lạnh mới”, mà tập trung vào “sự ổn định” ở châu Á. Tuy nhiên, hành động của Washington có ý nghĩa hơn lời nói. Philippines là một ví dụ điển hình. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Philippines và tăng cường phối hợp quân sự sâu rộng với Manila, với sự tham gia của cả các đồng minh khác. Điều này đã làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc và rốt cuộc còn gây chia rẽ chính trị nội bộ Philippines.
 

Tất nhiên, các hành động mang tính xâm lược của Trung Quốc – gần đây nhất là việc cố gắng ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh lính nước này khi họ đang trong tình thế bấp bênh trên bãi Cỏ Mây, và việc đưa ra bản đồ đường đứt đoạn mới, bất hợp pháp – cũng là những yếu tố tác động. Đương nhiên, Philippines cũng có những hành động góp phần dẫn tới tình hình này. Nhưng sự bất cân xứng về quyền lực trong liên minh Washington-Manila là lý do để nghi ngờ rằng “quyền hành động” của Mỹ có tác động lớn hơn nhiều tới sự thay đổi đột ngột đầy kịch tính trong quỹ đạo của liên minh. Việc Biden bỏ qua các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á ở Jakarta mà thay vào đó tới Hà Nội cũng gửi đi tín hiệu đáng tiếc rằng Washington đang tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các thế lực có tiềm năng đối trọng với Trung Quốc hơn là ưu tiên vai trò trung tâm của ASEAN.
 

Bất chấp những lời phủ nhận mạnh mẽ, lý lẽ về một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc vẫn còn được nhắc tới ở nhiều nơi tại Washington. Mỹ nên phản bác lý lẽ này, bao gồm cả việc coi những rạn nứt nghiêm trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển là cơ hội để kéo Hà Nội về “phe ta”. Mục tiêu quan trọng cần theo đuổi là hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực hợp lý. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương và đương nhiên sẽ giúp tạo ra một châu Á đa cực hơn, làm giảm cơ hội thống trị tuyệt đối của Trung Quốc. Nhưng chúng ta có thể sẽ không thấy Washington và Hà Nội tăng cường khả năng phối hợp hoạt động quân sự hay tiến hành các cuộc tập trận hạng nặng. Trong quan hệ song phương, các điều kiện của Hà Nội sẽ được coi là tiêu chuẩn, cũng bởi vì Việt Nam có những lo ngại riêng về các chính sách của Mỹ, tương tự như đối với chính sách của Trung Quốc. Hà Nội vẫn rất cảnh giác với lối hùng biện “dân chủ đối đầu với chuyên chế” của Washington và cái gọi là sự can thiệp dựa trên giá trị. Các cuộc “cách mạng màu” và “chính trị hóa nhân quyền” thậm chí còn được đưa vào tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh vào tháng 11/2022.
 

Sự trỗi dậy của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy một cường quốc tầm trung ở châu Á và Nam bán cầu có thể tìm được ý chí như thế nào để không tiếp tục chìm đắm trong nỗi đau khổ của hai cuộc chiến tranh diệt chủng (chống Pháp và Mỹ) và một cuộc xâm lược gây thiệt hại khác (của Trung Quốc), ngay cả khi trên thực tế Hà Nội đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến này. Việt Nam là ví dụ điển hình của việc chuyển những tổn thương trong quá khứ thành sự tập trung tuyệt đối để vươn lên – “đừng nổi giận mà hãy làm giàu”. Nhà nước độc đảng của Việt Nam đạt được điều này nhờ nhấn mạnh một cách có chủ ý vào việc liên kết với nhiều bên ở ngoài nước, đầu tư vào năng lực của người dân, và tập trung vào thương mại và đầu tư.
 

Ngược lại, Mỹ say sưa trong chiến thắng của mình sau Chiến tranh Lạnh với các cuộc xâm lược thảm khốc và các dự án mang tính uy hiếp nhằm tái thiết toàn bộ khu vực. Và ngày nay, động lực thôi thúc Mỹ là ngăn chặn các cường quốc thương mại và đối thủ lớn, đồng thời theo đuổi sự hiện diện ở tiền phương để ngăn chặn các đối thủ. Phần lớn tầng lớp chính trị Mỹ cũng vô cùng e ngại các hiệp định thương mại. Việt Nam và Mỹ là hai quốc gia rất khác nhau, nhưng Việt Nam đem lại một mô hình địa chính trị mang tính giải pháp đáng để Mỹ suy ngẫm./.

 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn responsiblestatecraft.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage