Mẫu số chung lớn nhất trong cuộc gặp Tập-Biden

Thứ Sáu, 16/05/2025

5:21 pm(VN)

-

8:21 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Mẫu số chung lớn nhất trong cuộc gặp Tập-Biden

20/11/2023

Theo tờ “Minh báo” (Hong Kong) ngày 17/11, tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco ngày 15/11, Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí khôi phục kênh đối thoại quân sự song phương, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

 

Việc này có ý nghĩa tích cực trong việc giúp quan hệ hai nước ngừng đi xuống và ổn định, tuy nhiên kết quả và sự đồng thuận đạt được tại cuộc gặp lại khá mong manh. Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào đầu năm 2024, cuối năm đó Mỹ cũng tổ chức bầu cử tổng thống, vấn đề Đài Loan và chính trị bầu cử Mỹ sẽ khiến quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng trở lại bất cứ lúc nào.

 

Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước phải tìm ra con đường đúng đắn để hòa hợp với nhau, đưa ra lựa chọn đúng đắn mang tính lịch sử về việc “Trung Quốc và Mỹ là đối tác hay đối thủ” là vấn đề cơ bản nhất, nhưng Joe Biden chỉ quan tâm đến việc đảm bảo rằng cạnh tranh Trung-Mỹ là “có lý trí và có thể kiểm soát được”. Có thể thấy trong cách nhìn nhận quan hệ Trung-Mỹ, sự bất đồng cơ bản về mặt nhận thức, tránh xung đột đã trở thành mẫu số chung lớn nhất, đồng nghĩa với việc quan hệ giữa hai nước có thể ngừng sa sút nhưng sẽ khó phục hồi.


Hối thúc Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan, Tập Cận Bình đưa ra cách diễn đạt mới tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ


Tháng 11/2022, Tập Cận Bình và Joe Biden đã gặp nhau lần đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Cuộc gặp Tập-Biden lần này mặc dù lấy bối cảnh là hội nghị APEC ở San Francisco nhưng về cơ bản bản chất khác với cuộc gặp ở Bali. Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) cho biết cuộc gặp lần này của Tập Cận Bình là lời mời riêng từ phía Mỹ để gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, nói cách khác, đây không phải là cuộc gặp không chính thức được hai bên sắp xếp bên lề hội nghị APEC.

 

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại trang viên Filoli ở Woodside, cách xa địa điểm tổ chức APEC và đặc biệt còn cùng đi dạo trong trang viên để thực hiện các thủ tục thường lệ mà Tập Cận Bình thường thực hiện trong các chuyến thăm Mỹ trước đây, mục đích nhằm nhấn mạnh đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tập Cận Bình sau 6 năm để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh chính thức Trung-Mỹ. Xét về quy mô và tầm quan trọng, cuộc gặp lần này vượt qua chuyến thăm Bali.


Trong năm qua, quan hệ Trung-Mỹ như “tàu lượn siêu tốc”, bầu không khí hòa dịu sau chuyến thăm Bali của Tập Cận Bình chỉ kéo dài vài tháng trước khi cái gọi là sự cố “khinh khí cầu” nổ ra, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ. Liên lạc giữa các quan chức quân sự cấp cao bị gián đoạn trong nhiều tháng. Phải đến chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào tháng 6 năm nay, quan hệ Trung-Mỹ mới ổn định, cuối cùng dẫn đến cuộc gặp Tập-Biden ở Mỹ. Tại cuộc gặp, Joe Biden đã nhắc lại quan điểm “bốn không và một không có ý định”, tức là Mỹ không tìm kiếm Chiến tranh lạnh mới, không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm cách tăng cường quan hệ đồng minh để chống lại Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập và không có ý định xung đột với Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ được xem là trở lại trạng thái khi Tập Cận Bình đến thăm Bali.


Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ này, hai bên đã đạt được một loạt đồng thuận về thúc đẩy và tăng cường đối thoại, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thành lập nhóm công tác hợp tác chống ma túy; trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, khôi phục liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước và thực hiện cuộc gặp làm việc của Bộ Quốc phòng Trung-Mỹ. Ngoài ra, Tập Cận Bình và Joe Biden cũng nhất trí thiết lập đối thoại liên chính phủ về trí tuệ nhân tạo và tăng đáng kể số chuyến bay trong năm tới. Tuy nhiên, giữa hai bên không có nhiều bước đột phá trong các vấn đề lớn như vấn đề Đài Loan, xung đột kinh tế, thương mại…


Các biện pháp thuế quan kéo dài của Mỹ đối với Trung Quốc đã gây tổn hại cho lợi ích của cả hai bên và Nhà Trắng chưa có điều chỉnh lớn nào. Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 1/2024. Nhà Trắng một mặt nhấn mạnh chính sách “một Trung Quốc” mặt khác tăng cường cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Tại cuộc gặp lần này, Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, tức là việc Mỹ ngăn chặn, chèn ép Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học và công nghệ không phải là “loại bỏ rủi ro”, mà là "tạo ra rủi ro" cho quan hệ song phương. Về vấn đề Đài Loan, Tập Cận Bình đã có những bổ sung mới trong cách diễn đạt. Tập Cận Bình cho biết Mỹ nên thể hiện việc không ủng hộ Đài Loan độc lập bằng các hành động cụ thể, tức là ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó Joe Biden nói rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Có hai biến số chính trong định hướng quan hệ Trung-Mỹ trong một năm rưỡi tới và tình hình ở Đài Loan là một trong số đó. Tất nhiên, một biến số khác là cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.


Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, Joe Biden nói rằng Trung Quốc và Mỹ phải tiếp tục đi theo quỹ đạo trao đổi bình thường. Sau cuộc gặp, Joe Biden cho biết cuộc hội đàm với Tập Cận Bình đã đạt được tiến triển quan trọng. Các quan chức Mỹ cho biết tại cuộc họp báo rằng Trung Quốc đã đồng ý thiết lập cơ chế liên lạc giữa quân đội hai nước và giải quyết những phán đoán sai, sau khi Trung Quốc bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới, bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên, Joe Biden nhắc lại rằng ông sẽ không thay đổi quan điểm trước đây rằng "Tập Cận Bình là kẻ độc tài". Điều này như dội một gáo nước lạnh vào bầu không khí hòa dịu mà cuộc gặp thượng đỉnh cố gắng tạo ra. Tâm lý chống Trung Quốc đang lan rộng ở Mỹ, Biden đã đưa ra những nhận xét liên quan tại một sự kiện gây quỹ chính trị trước đó và sau đó Trung Quốc cũng bày tỏ bất bình mạnh mẽ. Lần này Biden vẫn đưa ra những tuyên bố tương tự, điều này phản ánh logic của ông là chính trị bầu cử nên được xem xét ưu tiên hơn đại cục chung của quan hệ Trung- Mỹ, càng gần đến ngày bầu cử, nhiều khả năng quan hệ Trung-Mỹ sẽ trở nên tồi tệ hơn.


Sự tồn tại cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là thực tế khách quan, nhưng không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước. Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ lần này phản ánh đầy đủ những khác biệt cơ bản trong hiểu biết giữa hai bên về cách họ nên đối xử với mối quan hệ của mình. Tại cuộc gặp, Tập Cận Bình đề xuất với Joe Biden hai nước nên hợp tác để xây dựng 5 trụ cột trong quan hệ Trung-Mỹ dựa trên "bốn không và một không có ý định". Sau cuộc gặp, Vương Nghị gọi đây là "Tầm nhìn San Francisco" cho tương lai. Trụ cột đầu tiên trong 5 trụ cột là cùng thiết lập sự hiểu biết đúng đắn, sau đó quản lý hiệu quả những bất đồng và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Về vấn đề hiểu biết đúng đắn, Tập Cận Bình đã nói rất rõ tại Mỹ: Cạnh tranh giữa các nước lớn không thể giải quyết được các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ và thế giới đang phải đối mặt, để cải thiện dần quan hệ Trung-Mỹ, câu hỏi đầu tiên cần trả lời là hai nước là đối tác hay đối thủ và đưa ra lựa chọn lịch sử đúng đắn, nếu coi bên kia là đối thủ và mối đe dọa chính thì chắc chắn sẽ dẫn đến những chính sách, hành động và kết quả sai lầm. Tuy nhiên, Biden nói: “Trung Quốc và Mỹ đang trong mối quan hệ cạnh tranh và trách nhiệm của tôi là làm cho mối quan hệ trở nên có lý trí và có thể kiểm soát để không dẫn đến xung đột”.


Trung Quốc đề xuất "Tầm nhìn San Francisco", Biden chỉ quan tâm tránh xung đột


Quan điểm ngoại giao của nước lớn chắc chắn liên quan đến chính trị quyền lực và lợi ích quốc gia, quan điểm của Trung Quốc là hy vọng đặt các yếu tố như cạnh tranh Trung-Mỹ, cạnh tranh lợi ích vào khuôn khổ lý luận chính trị, tìm ra “con đường đúng đắn để hòa hợp” giúp quan hệ Trung-Mỹ có thể phát triển lành mạnh. Nhưng logic của ngoại giao Mỹ là chính trị quyền lực và ai chiếm thế thượng phong sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Trước thềm cuộc gặp này, một số ý kiến từ phía Mỹ cho rằng tình hình kinh tế hiện tại của Mỹ tốt hơn Trung Quốc nên Mỹ có thể chiếm thế thượng phong tại cuộc họp. Đây thực chất là một biểu hiện tư duy chính trị cường quyền. Người ta nghi ngờ liệu Mỹ có lắng nghe "Tầm nhìn San Francisco" do Trung Quốc chủ trương hay không. Khi điều mà Biden quan tâm nhất chỉ là tránh xung đột thì quan hệ Trung-Mỹ chỉ có thể tiếp tục lấy “chung sống hòa bình” là điểm mấu chốt./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Minh Báo, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage