Vì sao tân Thủ tướng Campuchia chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên?

Thứ Sáu, 16/05/2025

5:36 am(VN)

-

8:36 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Vì sao tân Thủ tướng Campuchia chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên?

25/09/2023

Nhận lời mời của Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 14 đến ngày 16/9. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo thế hệ mới 45 tuổi kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 22/8.

 

Việc Hun Manet chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên sau chưa đầy 1 tháng nhậm chức đã gửi đến những tín hiệu mang ý nghĩa đặc biệt và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Giới phân tích cho rằng điều này thể hiện tính tiếp nối của “tình hữu nghị bền vững” giữa Trung Quốc và Campuchia, đồng thời cũng tiếp thêm năng lượng và sức sống mới cho quan hệ giữa hai nước.


Tiếp nối “tình hữu nghị bền vững”


Là nước láng giềng thân thiết của Trung Quốc, Campuchia mặc dù không giáp Trung Quốc nhưng Thủ tướng Campuchia là chính khách thường xuyên của Bắc Kinh. Tháng 2/2023, Thủ tướng Campuchia lúc đó là Hun Sen đến thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi ông là “người bạn thân thiết”.


Ba năm trước, vào tháng 2, thời điểm mà Trung Quốc đang chống chọi với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Hun Sen đã quyết định đến thăm Trung Quốc ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh bùng phát, thể hiện cho dư luận thế giới thấy tình hữu nghị anh em thân thiết “hoạn nạn có nhau” giữa Campuchia và Trung Quốc.


Giờ đây, tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet lại lên đường và đích đến vẫn là Trung Quốc. Không giống như các hoạt động như chuyến đi tới Jakarta, Indonesia để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vài ngày trước đó, đây sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Hun Manet trong nhiệm kỳ của ông và được coi là mang ý nghĩa định hướng.


Vậy tại sao ông lại chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình?


Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, chỉ ra rằng đây là dấu hiệu của sự tiếp nối “tình hữu nghị bền vững” giữa Trung Quốc và Campuchia, đồng thời cũng khiến tình hữu nghị này được tiếp thêm năng lượng và sức sống mới. Ông nói: "Hun Manet luôn là người tham gia và thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Campuchia. Trong hai chuyến thăm gần đây của Hun Sen đến Trung Quốc, Hun Manet đều là thành viên của đoàn tháp tùng, đã chứng kiến sự hợp tác mật thiết và lợi ích chung giữa hai nước. Chuyến thăm này nêu bật việc chính phủ mới của Campuchia rất coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc”. 


Chu Sĩ Tân, Trưởng Phòng Ngoại giao xung quanh của Viện Chính sách đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Thượng Hải, chỉ ra rằng Hun Manet đã tham dự nhiều sự kiện đối ngoại kể từ khi nhậm chức, nhưng chưa có chuyến thăm chính thức. Lần này, ông chọn Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình, đây không chỉ là yêu cầu của chương trình nghị sự mà còn là lựa chọn chính sách, thể hiện sự coi trọng của Campuchia đối với Trung Quốc và cũng phản ánh nỗ lực của Chính phủ mới Campuchia trong việc thúc đẩy chiến lược phát triển mới. Chu Sĩ Tân nói: “Kể từ đầu năm nay, một số nước Đông Nam Á, trong đó có Campuchia, đã chịu áp lực đáng kể về phát triển kinh tế và tất cả các nước đều ưu tiên phát triển kinh tế. Trọng tâm của 'chiến lược ngũ giác' do Chính quyền Hun Manet đề ra là phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và phúc lợi của người dân”. Trung Quốc và Campuchia là đối tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc cũng phản ánh phương hướng ưu tiên của Chính phủ mới Campuchia trong việc điều hành đất nước.


Thúc đẩy hội nhập kinh tế


Không những là chuyến thăm chính thức đầu tiên, chuyến đi của Hun Manet còn trùng với một số thời điểm quan trọng trong hợp tác Trung Quốc-Campuchia: kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm hữu hảo Trung Quốc-Campuchia, kỷ niệm 10 năm đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”.


Nhìn lại 65 năm qua, quan hệ giữa hai nước vẫn bền chặt bất chấp những biến động và thăng trầm của tình hình quốc tế, hợp tác trên nhiều lĩnh vực đạt được nhiều thành quả. Lấy kinh tế-thương mại làm ví dụ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong 11 năm liên tiếp. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 16,02 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao kỷ lục.


Trong chuyến thăm lần này của Hun Manet đến Trung Quốc, hai bên sẽ thảo luận những vấn đề gì? Hai nước sẽ coi chuyến thăm này như một cơ hội để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương như thế nào?


Theo Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc có ba kỳ vọng đối với chuyến thăm này. Về mặt chiến lược, lập kế hoạch tổng thể về hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Campuchia trong giai đoạn tới; về đề tài thảo luận, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác như “Hành lang phát triển công nghiệp” và “Hành lang gạo-cá” sớm triển khai và phát huy hiệu quả; về mục tiêu, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Campuchia thời đại mới với chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao.


Bộ Ngoại giao Campuchia cũng đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm này - thúc đẩy việc tạo dựng cơ cấu hợp tác “lục giác kim cương” (chính trị, năng lực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, nhân văn) giữa Trung Quốc và Campuchia, mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước.


Hai nhà phân tích cho rằng trọng tâm chuyến thăm của Hun Manet gắn với chiến lược phát triển trong nước đầy tham vọng của Chính phủ mới Campuchia.


Hứa Lợi Bình dự đoán Campuchia có thể tập trung vào hai chủ đề: giới thiệu khái niệm và đường hướng quản trị của mình cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có “chiến lược ngũ giác” mới được đề xuất; đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác thiết thực giữa hai nước.


Chu Sĩ Tân cũng đề cập tới “chiến lược ngũ giác” của Campuchia. Ông cho rằng từ “chiến lược tứ giác” ban đầu đến “chiến lược ngũ giác” hiện nay là sự kế thừa và phát triển chiến lược phát triển quốc gia của Chính quyền Hun Manet. Trong quan hệ với Trung Quốc cũng như vậy, Chính phủ mới của Campuchia đã kế thừa thành quả hợp tác trước đây giữa hai nước (bao gồm việc xây dựng các “hành lang” và các đặc khu kinh tế, thực hiện các hiệp định thương mại tự do…), đồng thời cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế-thương mại.


Theo Chu Sĩ Tân, Campuchia đang trong quá trình chuyển đổi và nâng cấp cơ cấu công nghiệp và đặt nhiều kỳ vọng vào sự hợp tác liền mạch với Trung Quốc. Ông nói: “Chương trình nghị sự quan trọng nhất của chuyến thăm này là thúc đẩy hơn nữa sự hòa hợp trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là về phát triển chất lượng cao”. Phía Campuchia có thể hy vọng Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như xe sử dụng năng lượng mới, thương mại điện tử và kinh tế số để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Campuchia, đồng thời mở rộng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, mở thêm không gian cho sự phát triển của ngành du lịch Campuchia để thúc đẩy kinh tế Campuchia nhanh chóng phục hồi.


Nhìn vào cơ cấu hợp tác “lục giác kim cương”, Hứa Lợi Bình cho rằng năng lực sản xuất và nông nghiệp được coi là trọng tâm và đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế Campuchia, phù hợp với “Hành lang phát triển công nghiệp” và “hành lang gạo-cá” mà Trung Quốc đề cập. Việc xây dựng hai hành lang này là sự đồng thuận đạt được giữa hai bên trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 2, cũng là hai trụ cột, dự án chủ lực mới của “lục giác kim cương”. Hiện tại, kế hoạch đã được phác thảo, mấu chốt là thực hiện như thế nào.


Trong quá trình này, Trung Quốc và Campuchia mỗi nước có thể tận dụng thế mạnh của mình. Hai nước đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và có sự chênh lệch nhất định về trình độ công nghiệp hóa, điều này tình cờ hình thành một mối quan hệ tương hỗ. Trung Quốc có thể sử dụng kinh nghiệm và năng lực của mình trong phát triển công nghiệp để giúp Campuchia thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đặc biệt là phương diện xây dựng năng lực sản xuất và khu công nghiệp.


Tạo hiệu ứng thị phạm


Ngoài chuyến thăm chính thức, Hun Manet còn tới Nam Ninh, Quảng Tây để tham dự lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS).


Hứa Lợi Bình cho biết: "Thủ tướng Campuchia là khách mời quen thuộc của CAEXPO. Hun Sen gần như năm nào cũng dẫn đầu phái đoàn tham gia CAEXPO kể từ khi triển lãm này ra đời vào năm 2004". CAEXPO là một phần quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, có thể gọi là một sân chơi toàn diện để công bố sáng kiến, trưng bày và thực hành sản phẩm, mở ra các kênh để thúc đẩy việc thực hiện sự đồng thuận của lãnh đạo hai bên bằng cách tổ chức hàng loạt hội nghị, diễn đàn cấp cao. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm CAEXPO ra đời, với sự tham gia của hơn 40 quốc gia.


Chu Sĩ Tân nói: "Từ trước đến nay, CAEXPO luôn đóng vai trò bàn đạp trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, do đó rất được các nước ASEAN coi trọng". Giờ đây sau 20 năm phát triển, CAEXPO không còn chỉ giới hạn ở một hội chợ xúc tiến kinh tế-thương mại đơn thuần mà đã có nhiều chức năng đa dạng hơn, ngày càng trở thành một nền tảng tương tác kết hợp hữu cơ các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến, cung cấp nhiều động lực hơn cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết chiến lược và hội nhập kinh tế. 


Từ góc độ này, việc Thủ tướng Campuchia tham dự hằng năm không chỉ thể hiện sự ủng hộ và coi trọng CAEXPO mà còn đưa hợp tác Trung Quốc-Campuchia trở thành hình mẫu hợp tác giữa các nước và hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong CAEXPO.


Hứa Lợi Bình cũng chỉ ra: “Campuchia không những là một phần quan trọng trong hợp tác Lan Thương-Mekong và hợp tác Trung Quốc-ASEAN mà Trung Quốc đã triển khai, mà còn là một quốc gia quan trọng trong tiến trình cùng xây dựng 'Vành đai và Con đường' chất lượng cao”. Sự tìm tòi và nỗ lực của cả hai bên trong lĩnh vực hợp tác song phương có thể cung cấp những bài học tham khảo để Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á khác, thậm chí còn đóng vai trò hình mẫu và dẫn dắt, đặc biệt là đối với các nước láng giềng Myanmar và Lào.


Theo Chu Sĩ Tân, Trung Quốc và Campuchia đang dẫn đầu trong việc xây dựng các khu thương mại tự do. Trong khối ASEAN, chỉ có 2 nước đạt được hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc là Singapore và Campuchia. Từ khi bắt đầu đàm phán vào đầu năm 2020 đến khi công bố hoàn tất, Trung Quốc và Campuchia chỉ mất 7 tháng. So với “thường lệ quốc tế” là đàm phán các hiệp định thương mại tự do thường kéo dài vài năm, thậm chí hơn chục năm, việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Campuchia khá nhanh chóng và hiệu quả. Chu Sĩ Tân nói: "So với Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Campuchia linh hoạt và có mục tiêu hơn, phản ánh tốt hơn sự bổ trợ về kinh tế-thương mại cũng như lợi thế địa phương của hai nước. Năng lực sản xuất của Campuchia tương đối yếu, dưới sự thỏa thuận trong hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, Trung Quốc đã giúp đỡ và hỗ trợ rất nhiều cho phát triển nông nghiệp của Campuchia, Campuchia có thể phát huy tối đa lợi thế về nông sản và mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc.


Nhìn về tương lai, cả hai nhà phân tích đều tự tin về quan hệ Trung Quốc-Campuchia cũng như triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.


Chu Sĩ Tân chỉ ra rằng chính phủ mới của Campuchia hy vọng có thể thúc đẩy đường lối ngoại giao tương đối cân bằng, bao gồm phát triển quan hệ tốt hơn với châu Âu và Mỹ, nhưng châu Âu và Mỹ dường như không có hứng thú. Bước tiếp theo, Chính quyền Hun Manet có thể sẽ mở rộng hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để thu hút thêm được nhiều đầu tư và hỗ trợ. Tuy nhiên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này.


Hứa Lợi Bình nói: “Một số thành viên trong chính phủ mới của Campuchia - có nền tảng học tập ở Mỹ và phương Tây – đang nắm giữ một số chức vụ quan trọng, sẽ giúp chính phủ mới cải thiện quan hệ với phương Tây, điều này cũng có lợi cho Campuchia”. Tuy nhiên, cải thiện quan hệ với phương Tây không có nghĩa là sẽ tạo thành rào cản, hạn chế hoặc thách thức đối với quan hệ Trung Quốc-Campuchia. Bởi vì bản thân “tình hữu nghị bền vững” giữa Trung Quốc và Campuchia không nhằm vào bên thứ ba mà dựa trên nền tảng hợp tác thực chất giữa hai bên và phù hợp với lợi ích của hai nước cũng như nhân dân hai nước. Và hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN khác cũng như vậy./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage