Phương Tây thực sự hiểu gì về Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình

Thứ Sáu, 16/05/2025

4:44 am(VN)

-

7:44 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Phương Tây thực sự hiểu gì về Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình

30/09/2023

Tổ chức truyền thông đa nền tảng Foreigner affairs, diễn đàn chuyên thảo luận về chính sách đối ngoại và các vấn đề toàn cầu của Mỹ mới đây đăng bài viết với tiêu đề "Phương Tây thực sự hiểu gì về Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình?" Nội dung bài viết như sau:

 

Hiểu được cách thức những chế độ toàn trị đưa ra quyết định chính sách luôn là công việc khó khăn. Winston Churchill từng có câu nói nổi tiếng mô tả việc hoạch định chính sách ở Liên Xô là “một câu đố được phủ một lớp màng huyền bí đặt trong một điều bí ẩn” và ông đã không sai. Giới quan sát phương Tây có thể nhận ra sản phẩm chính sách của Liên bang Xô Viết, dù là dưới thời Joseph Stalin hay Leonid Brezhnev, dựa trên những gì giới lãnh đạo tuyên bố công khai và cách thức họ hành động. Nhưng không dễ gì hiểu được những điều xảy ra bên trong các thiết chế Liên Xô, do quyền tiếp cận thông tin bị hạn chế, và những người trong cuộc vì lo sợ nên không mạo hiểm truyền thông tin ra bên ngoài, dù họ biết đâu là những điều dư luận cần phải biết. Dù thi thoảng đạt được đột phá về tình báo, nhưng giới hoạch định chính sách của Mỹ gặp trở ngại nghiêm trọng do không hiểu quy trình ra chính sách được đối thủ thực hiện ra sao.


Tình thế tương tự đang dần lặp lại, lần này là trường hợp của Trung Quốc. Việc nắm bắt quy trình ra quyết sách tại Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với 50 năm qua. Nguyên nhân chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giờ đã trở nên chuyên quyền hơn, kém cởi mở hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Mao Trạch Đông (Mao Zedong) cầm quyền. Khi những người ở gần quyền lực ngày một sợ hãi hơn, khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế, ngay cả trong những mạng lưới cấp cao hơn trong trong chính quyền. Hiểu biết của giới quan sát bên ngoài về cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc đi tới kết luận trong chính sách đối ngoại vì thế trở nên kém hơn nhiều so với những thập kỷ qua. Người dân Trung Quốc hiện chưa trải nghiệm sự sợ hãi và huyền bí ở mức độ như những gì từng xảy ra dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng họ đang tiến tới ngưỡng đó.


Vấn đề lớn đối với các nhà phân tích chính sách đối ngoại là họ phải phân biệt được giữa những điều mà họ có thể tin tưởng chắc chắn ở mức độ nào đó và những điều không thể tin chắc về hoạch định chính sách Trung Quốc. Và để tích lũy được kiến thức này, họ cần cảnh giác trước những sai lầm phổ biến trong phân tích, mà đáng chú ý là “phụ thuộc quá khứ” và “gương phản chiếu”. Vấn đề thứ nhất liên quan đến nhận thức cho rằng các mô hình trong quá khứ sẽ được lặp lại theo cách nào đó trong hiện tại. Vấn đề thứ hai liên quan đến giả định rằng mọi chính phủ và nền chính trị có xu hướng vận hành theo cùng một cách thức, dù có khác biệt về bối cảnh. Một vài Tổng thống Mỹ đã tin rằng cách nhìn nhận thế giới của lãnh đạo Trung Quốc gần như không thay đổi và do đó Bắc Kinh sẽ ra quyết định nhất quán với quá khứ. Một bộ phận lãnh đạo khác tại Mỹ cố tìm cách can dự với những người đồng cấp Trung Quốc như thể họ là các thượng nghị sĩ của đảng đối lập hay các đối tác thương mại miễn cưỡng. Những cách tiếp cận như vậy đều gánh kết cục thảm bại.


Sức mạnh có mục đích


Giới phân tích phương Tây hiểu gì về quy trình thiết lập chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình (Xi Jinping)? Họ biết rằng tại Trung Quốc cũng như ở tất cả các nước lớn khác, chính sách đối ngoại trước hết là sự phản ánh các ưu tiên trong nước. Tập Cận Bình đã dành thời gian cầm quyền để phá hủy mọi cát cứ quyền lực nội bộ, chỉ còn lại duy nhất lãnh địa của riêng mình. Tập Cận Bình muốn tập trung hóa quyền lực xung quanh vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ, diệt trừ phe nhóm trong đảng, các nhóm tỉnh thành và giới tài phiệt kinh doanh – những người có thể ngáng đường ông. Nhà lãnh đạo này tin rằng quyền lực này là cần thiết vì một số lý do liên quan đến nhau. Ông tin vào hệ thống cai trị chuyên chế, bị thuyết phục rằng đó chính là hình thức ưu việt của chính quyền tiến đến dân chủ. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã kết luận rằng những nhà lãnh đạo tiền nhiệm đều yếu kém và sự yếu kém đó đã dẫn tới tham nhũng và bất ổn trong nước, khiến Trung Quốc không sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích ở nước ngoài. Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của ông đã thực sự bước vào kỷ nguyên thắng lợi mới, với những thành công gây rúng động phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ông cũng cho rằng chính vì vậy, những nước này, với bản chất thù địch chống Trung Quốc, sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Mỹ đã tạo ra nhiều lý do khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ lo sợ sức mạnh Mỹ và không tin tưởng vào ý định của Mỹ. Nhưng những hành động như vậy, dù thiếu sáng suốt, nhiều khả năng không phải là động lực chính biến Tập Cận Bình thành một nhà lãnh đạo toàn trị quyết tâm thay đổi sâu sắc tiến trình phát triển của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã nhìn lại con đường của kỷ nguyên cải cách từ những năm 1970 và nhận thấy có nhiều thứ cá nhân ông không thích, đặc biệt là sự phân tán quyền lực về kinh tế, địa lý và thiết chế. Đương nhiên, Tập Cận Bình không phàn nàn về tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc, nhưng ông muốn tăng trưởng đó phải phục vụ một mục đích khác ngoài làm giàu cho người dân. Điều Tập Cận Bình hướng đến trong một thập kỷ qua là theo đuổi và hiện thực hóa mục tiêu đó, mà ông cho là nằm ở việc tái tập trung hóa, củng cố quyền lực lãnh đạo của đảng và đối đầu với Mỹ. Tất cả những sáng kiến của ông, từ “Vành đai và Con đường” (BRI), “Giấc mộng Trung Hoa” cho tới “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” đều nhắm đến mục tiêu này.


Rất khó để xác định mục đích của Tập Cận Bình ăn nhập đến mức nào với quan điểm của giới tinh hoa ĐCSTQ cũng như toàn thể dân chúng. Không nghi ngờ gì, quan ngại của Tập Cận Bình về tham nhũng và sự lỏng lẻo trong điều hành chính quyền cũng là mối quan tâm của nhiều người Trung Quốc từ những năm đầu thập kỷ 2010. Việc giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc ứng xử khinh miệt với cả giới chức lẫn dân thường Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tâm lý phản kháng, cay nghiệt. Hình ảnh của Tập Cận Bình như một vị hoàng đế của nhân dân, trừng phạt những kẻ tham nhũng và giới lãnh đạo doanh nghiệp ngạo mạn, đã thực sự được người dân yêu mến, ít nhất là trong một thời gian. Nhưng đến khi Tập Cận Bình có phản ứng quá mức cần thiết trong chống COVID-19, công chúng bắt đầu đặt câu hỏi trực diện hơn về ý định của ông. Chỉ có điều lúc đó đã quá muộn: Tập Cận Bình đã củng cố xong quyền lực trong đảng, còn ĐCSTQ đã mở rộng bàn tay can thiệp vào xã hội Trung Quốc với cấp độ sâu rộng nhất, hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ kỷ nguyên của Mao Trạch Đông. Đàn áp và giám sát hiện diện mọi nơi, dù ít người cho rằng sẽ tái diễn kịch bản quay trở lại trại cải tạo lao động và xử tử hàng loạt trong những năm 1950 và 1960. Nhưng những điều kiện hiện nay khắc nghiệt hơn nhiều so với thời kỳ tương đối tự do sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 cho đến trước thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền.


Người quan trọng nhất ở Bắc Kinh


Tập Cận Bình có thể tự theo đuổi việc đánh giá lại chính sách và lập ra những mục tiêu mới mà không cần tới bất kỳ hình thức thảo luận nào ngoại trừ ở cấp lãnh đạo cao nhất trong đảng là vì thiếu vắng chủ nghĩa đa nguyên chính trị tại Trung Quốc cũng như thực trạng thiếu dân chủ trong đảng. Tập Cận Bình, trên cương vị Tổng Bí thư ĐCSTQ, nắm quyền lực không giới hạn trong bộ máy lãnh đạo đảng nhờ nguyên tắc “tập trung dân chủ” thừa hưởng từ thời Lenin và Stalin thông qua Mao Trạch Đông. Khi một quyết định được đưa ra thảo luận tại trung tâm của đảng – mà về lý thuyết là Trung ương ĐCSTQ, nhưng trên thực tế là Tập Cận Bình và đội ngũ thân tín – các đảng viên ở tất cả các cấp chỉ có một nhiệm vụ: tuân thủ và triển khai chỉ thị. Trong những năm 1990 và 2000, giới chức ĐCSTQ khẳng định rằng không cần thiết phải thay đổi những cấu trúc này, bởi trong nhóm người trung thành với đảng đã hình thành nề nếp hoạt động dân chủ. Họ không nhận thấy, hoặc từ chối suy nghĩ về một thực tế rõ ràng rằng Tổng Bí thư có thể sử dụng triệt để quyền lực trên cương vị đó để diệt trừ mọi manh mối của chủ nghĩa tự do trong nội bộ đảng. Phong cách ra quyết định của Tập Cận Bình chính là một trong những hệ quả của sai lầm tư duy đó.


Trong gần như suốt 40 năm qua, giới lãnh đạo ĐCSTQ luôn muốn cân bằng quyền lực của bộ máy đảng với các thiết chế chính phủ mà – ít nhất là trên lý thuyết – đại diện cho cả nước, với 93% dân số không phải là đảng viên. Đảng cũng luôn là trung tâm quyền lực. Nhưng việc đa dạng hóa cách thức người dân bình thường tiếp cận với nhà nước tạo ra cảm giác về sự công bằng và cân bằng, đồng thời làm tăng tính chính danh của đảng. Người ngoài Trung Quốc có thể bị thuyết phục rằng ĐCSTQ về cơ bản giống với một chính đảng thông thường hơn là một tổ chức cách mạng từng chinh phạt đất nước bằng vũ lực. Ban lãnh đạo ĐCSTQ thường thể hiện bản thân trước công chúng không chỉ với tư cách nhân vật trong đảng, mà còn với tư cách quan chức chính phủ. Các nhà lý luận chính trị của ĐCSTQ bắt đầu thảo luận về vai trò hạn chế hơn, được phân định rõ ràng hơn của đảng trong hệ thống Chính quyền Trung Quốc, trong đó có thử nghiệm về tham gia chính trị ở cơ sở và bỏ phiếu thăm dò ý kiến đối với các vị trí lãnh đạo cấp thấp.


Tập Cận Bình đã đảo ngược toàn bộ những điều này. Giờ đây, các tổ chức Đảng và Trung ương ĐCSTQ được coi trọng hơn các định chế đại diện cho chính phủ. Nhiều hội đồng cấp cao về chính sách kinh tế, quy hoạch, quân vụ và chiến lược đã chuyển từ phục vụ Quốc vụ viện ‒ hay chính quyền trung ương ‒ sang phục vụ gần như chuyên biệt cho Bộ Chính trị ĐCSTQ. Quân ủy Trung ương - cơ quan chỉ đạo các lực lượng vũ trang Trung Quốc, luôn do quan chức cấp cao nhất trong đảng đứng đầu. Nhưng giờ đây, thiết chế này được đề cập rộng rãi với tên gọi “Quân ủy Trung ương ĐCSTQ” thay vì “Quân ủy Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đôi khi, những cách gọi tên truyền thống gắn với chính phủ được giữ lại chủ yếu để sử dụng ở ngoài nước. Cục An ninh mạng, một thiết chế chính phủ, trên thực tế là “Ủy ban các vấn đề An ninh mạng Trung ương ĐCSTQ”. Còn các văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan và Hong Kong thuộc Quốc vụ viện cũng giống với các văn phòng phụ trách những khu vực này dưới quyền Ban Bí thư ĐCSTQ.


Xu hướng nhấn mạnh quyền lực của đảng có lẽ dễ nhận thấy nhất trong những vấn đề an ninh quốc gia. Dưới thời Tập Cận Bình, Ủy ban An ninh quốc gia ĐCSTQ (CNSC) trở thành thiết chế then chốt trong mọi vấn đề an ninh, đối ngoại, thường đưa ra cho Bộ Chính trị những đề xuất đã hoàn thiện để ra quyết định. Trong một số trường hợp, ủy ban này đề xuất chính sách trực tiếp tới ông Tập Cận Bình thông qua văn phòng Tổng Bí thư mà không qua Bộ Chính trị. Mặc dù vẫn giữ ảnh hưởng nhất định, nhiều ủy ban khác của trung ương ĐCSTQ đặc trách các vấn đề quốc tế giờ đây trực thuộc Ủy ban An ninh quốc gia trong hoạt động hàng ngày. Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương ĐCSTQ, đứng đầu là Ngoại trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Vương Nghị (Wang Yi), chủ yếu phụ trách chính sách đối ngoại ở tầm chiến lược và không họp với tần suất như CNSC, ngay cả ở cấp phó.


Vai trò nổi trội mới của CNSC phần nào có thể được coi là nhằm ứng phó với một danh sách dài và phức tạp các thiết chế của đảng và chính phủ có tham gia vào hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Giới quan chức trong nội bộ Bắc Kinh vẫn liệt kê ra khoảng 18-19 tổ chức khác nhau mà, ít nhất trên giấy tờ, có quyền đề xuất chính sách tới Bộ Chính trị (trong đó Bộ Ngoại giao nằm ở nửa sau danh sách khi xếp theo sức ảnh hưởng). Sự tập trung hóa ở mức độ nào đó có thể là không thể tránh khỏi, nhưng ở đây nó mang đặc trưng Tập Cận Bình. Mục đích dường như là để biến tất cả các đầu mối hành chính an ninh quốc gia quy tập dưới một ủy ban, mà qua đó Tập Cận Bình có thể vận dụng quyền lực.


Biết về thành phần CNSC vì thế là điều quan trọng bậc nhất để hiểu quy trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Danh sách thành viên đầy đủ cũng như các vị trí chủ chốt trong CNSC là bí mật, nhưng cũng có thể hình dung được một phần bức tranh. Không bất ngờ khi Tập Cận Bình là chủ tịch CNSC, với hai cấp phó là Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) và Ủy viên trưởng Thường vụ Nhân đại, tức Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế (Zhao Leji). Vương Hộ Ninh (Wang Huning) – nhân vật thứ tư trong Bộ Chính trị, cũng là một thành viên trong CNSC. Theo các nguồn tin từ Bắc Kinh, ông Vương, người bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò chuyên gia về chính sách đối ngoại, có lẽ là người có ảnh hưởng lớn thứ hai chỉ sau Tập Cận Bình tại CNSC. Thái Kỳ (Cai Qi) - Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, người từng làm việc tại CNSC kể từ khi cơ quan này được thành lập, chịu trách nhiệm điều phối công việc hàng ngày. Hỗ trợ cho Thái Kỳ là cấp phó Lưu Hải Tinh (Liu Haixing). Lưu Hải Tinh là con trai của Lưu Thuật Khanh (Liu Shuqing) - quan chức ngoại giao và tình báo từng đứng đầu tổ chức tiền thân của CNSC trong những năm 1990. Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ và cấp phó Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), cũng là những nhân vật có ảnh hưởng trong CNSC, bởi Ban liên lạc đối ngoại là đơn vị cung ứng nhiều chuyên viên cho CNSC. Dưới quyền Tập Cận Bình, các Ủy viên Bộ Chính trị Vương Nghị (Wang Yi), Trần Văn Thanh (Chen Wenqing, Bí thư Ủy ban Chính pháp) và Tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương) đảm nhận công việc ở CNSC với vai trò lần lượt là lãnh đạo cao cấp ngành ngoại giao, người đứng đầu thiết chế an ninh-tình báo và nhà lãnh đạo quân đội. Dù xếp dưới những nhân vật quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực của mình, nhưng cựu Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đều được biết đến là người thân tín của ông Tập Cận Bình, có thể có sức ảnh hưởng lớn hơn trong CNSC so với những người tiền nhiệm khi còn đương chức. Tướng Lý Thượng Phúc là kỹ sư tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không, có quãng thời gian công tác chủ yếu trong các vấn đề không gian, an ninh mạng.


Thế giới của Tập Cận Bình


Tập Cận Bình đã thông qua khái niệm an ninh quốc gia rộng lớn hơn so với những người tiền nhiệm. CNSC có các nhóm chuyên viên về an ninh hạt nhân, an ninh mạng và an ninh sinh học, nhưng cũng có các nhóm nhỏ tạo lập chính sách về nguy cơ an ninh nội địa và khủng bố. Những lĩnh vực mới được CNSC ưu tiên tập trung là “an ninh tư tưởng” và “an ninh bản sắc”. An ninh tư tưởng đề cập đến lo ngại của giới lãnh đạo ĐCSTQ về các cuộc “cách mạng màu” mà họ cho rằng do Mỹ kích động ở những nước khác. An ninh bản sắc mang nghĩa rộng hơn, bao gồm cách thức xây dựng hình ảnh yêu nước của ĐCSTQ và biện pháp khiến người dân coi sự chỉ trích nhằm vào ĐCSTQ cũng tương tự như sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa. Nói cách khác, an ninh quốc gia gắn với chính trị trong nước không kém gì gắn với các vấn đề quốc tế. Đây là vấn đề về trái tim và khối óc người dân Trung Quốc, cũng là về khả năng sẵn sàng chiến đấu và các chủng loại vũ khí mới.


Không có gì phải nghi ngờ về việc Tập Cận Bình sử dụng khái niệm an ninh mở rộng để kiểm soát lời nói và hành động của những nhà lãnh đạo đảng khác, như cách ông từng làm trong chiến dịch chống tham nhũng. Tập Cận Bình thường đưa ra những lời chỉ trích bóng gió nhằm vào các cựu lãnh đạo, trong đó có cả Đặng Tiểu Bình và những nhân vật cải cách thời kỳ đầu. Ông cho rằng họ đã không đủ nỗ lực để giúp Trung Quốc an toàn và không sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Thông điệp chính là chỉ có Tập Cận Bình mới có thể đập tan các nguy cơ đe dọa mà Trung Quốc và ĐCSTQ đối mặt – rõ ràng như cách mà Tập Cận Bình đảm nhận cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ.


Khi nhìn đâu cũng thấy đe dọa an ninh, giới lãnh đạo đảng phơi bày một sự kết hợp đáng chú ý giữa vẻ hống hách bề ngoài và nỗi lo sợ thầm kín. Dù tin rằng tương lai thuộc về mình, nhưng những con người đó lại lo sợ bị lật đổ từ trong nước. Phong cách lãnh đạo mạnh bạo và đối đầu của Tập Cận Bình phù hợp hoàn hảo với tình thế lưỡng nan này. Tập Cận Bình đã trở thành người đảm bảo an ninh cho ĐCSTQ, và còn cho nhiều người dân Trung Quốc cho rằng thế giới bên ngoài đang đe dọa họ. Hầu hết các quan chức đang tìm cách áp dụng phong cách của ông và nỗ lực hướng tới mục tiêu của ông theo cách hiểu của họ – dù không phải lúc nào cũng hiểu rõ. 


Ngôn từ có vai trò quan trọng trong chính trị Trung Quốc. Việc đặc biệt nhấn mạnh vai trò cá nhân của Tập Cận Bình, ở mức độ chưa từng thấy kể từ khi Mao Trạch Đông được thờ phụng như một vị thần, không chỉ thể hiện tầm vóc quyền lực của ông mà còn cho thấy ĐCSTQ đang bấu víu vào vai trò lãnh đạo của ông đến mức độ nào. Khi hào hứng nói về “vị thế của đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương và của toàn thể ĐCSTQ” hay về “vai trò dẫn dắt của Tư tưởng Tập Cận Bình”, ĐCSTQ bộc lộ vẻ bất trắc và mất an toàn nhất định. Ngày nay, tăng trưởng kinh tế cũng phải xếp sau quyền lực của đảng. Đơn cử, kiểm soát các tập đoàn lớn là cần thiết ngay cả khi việc làm đó khiến các công ty hoạt động kém hiệu quả và làm giảm lợi nhuận. Đó là lý do tại sao một vài lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu coi kỷ nguyên cải cách là một cú lừa ngoạn mục phỏng theo Chính sách Kinh tế mới của Lênin: Với họ, dường như ĐCSTQ cho phép doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất chỉ nhằm mục đích thu hồi số của cải đó. Nhiều người giàu có muốn rời khỏi Trung Quốc, ít nhất là ở thời điểm hiện nay.


Tập Cận Bình hẳn là rất lo sợ rằng ông đang dẫn dắt một Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống chứ không phải một Trung Quốc tất yếu sẽ đi lên. Kinh tế không vận hành tốt do sự can dự không cần thiết và khó đoán định của chính phủ, tác động hậu COVID-19, cùng với đó là suy giảm tỷ lệ đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ĐCSTQ cũng góp phần kích động xung đột ngoại giao nghiêm trọng với tất cả các thị trường chủ chốt của Trung Quốc, từ Australia, Nhật Bản, châu Âu cho tới Bắc Mỹ. Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm nhân khẩu ở quy mô và cấp độ chưa từng thấy trong kỷ nguyên hiện đại. Tất cả những điều này hẳn đang khiến Tập Cận Bình lo sợ rằng ông sẽ kết thúc sự nghiệp như là một Brezhnev của Trung Quốc khi trở thành chất xúc tác cho việc bào mòn các giá trị mà ông coi trọng, thay vì là một Stalin hay Mao Trạch Đông của thế kỷ 21.


Giới quan sát chỉ có thể nhận thấy những đường nét khái quát trong tư duy của Tập Cận Bình. Vẫn còn nhiều điều không thể biết. Ví dụ, không thể xác định Tập Cận Bình chắc chắn đến đâu trong những ước đoán cá nhân về chính trị quốc tế. Người ngoại đạo không biết sức ảnh hưởng thực sự của các cơ quan quân sự và tình báo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhiều người ở phương Tây cho rằng phong cách hiếu chiến của giới ngoại giao Bắc Kinh xuất phát từ nhu cầu muốn chứng tỏ sức mạnh và mục tiêu mới của Trung Quốc cũng như vai trò lãnh đạo ưu việt của Tập Cận Bình. Nhưng chưa thể biết chắc được chủ nghĩa dân tộc cực đoan có ảnh hưởng quan trọng đến mức nào tới phong cách này, và liệu nó có trở thành yếu tố lâu dài trong quá trình ra quyết sách của Trung Quốc hay không. Điều quan trọng nhất với chính sách của Mỹ là việc giới phân tích phương Tây không biết được thời hạn Tập Cận Bình đề ra để đạt các mục tiêu ngầm, như thu phục Đài Loan hay thiết lập ưu thế quân sự vượt trội ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.


Tập Cận Bình được cho là đặc biệt ưa thích trích dẫn hai câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông, đều được đề cập trong “Hồng bảo thư”. Đầu tiên là câu: “Mọi quan điểm đề cao quá mức sức mạnh của kẻ thù và hạ thấp sức mạnh nhân dân đều sai lầm”. Câu trích dẫn thứ hai, là lời phát biểu của Mao Trạch Đông khi thăm Moskva năm 1975, thậm chí còn rõ ràng hơn: “Ngày nay trên thế giới có hai luồng gió, gió Đông và gió Tây. Hoặc là gió Đông thổi bạt gió Tây, hoặc là gió Tây thổi bạt gió Đông. Đó chính là đặc điểm tình hình hiện nay. Tôi tin rằng gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”. Tập Cận Bình Dường như đồng ý với điều đó. Nhưng rõ ràng Tập Cận Bình cần một đạo quân “dự báo thời tiết” khổng lồ để cho ông biết chính xác gió đang thổi theo hướng nào./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Affairs

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage