Liệu vỉa hè TP. Hồ Chí Minh sẽ hết bị “xẻ thịt” khi chính quyền cho thuê?

Thứ Sáu, 16/05/2025

5:15 pm(VN)

-

8:15 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Liệu vỉa hè TP. Hồ Chí Minh sẽ hết bị “xẻ thịt” khi chính quyền cho thuê?

03/01/2024

Theo đài BBC, vỉa hè tại các thành phố lớn ở Việt Nam vốn chật hẹp lại phải mang nhiều chức năng cùng lúc, vừa là chốn mưu sinh, vừa là lối đi bộ. Những vỉa hè bị “xẻ thịt” là vấn đề đã không được giải quyết triệt để trong nhiều năm qua.


Sự kiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh triển khai cho thuê vỉa hè tại một số tuyến đường ngay ngày đầu tiên của năm mới 2024 và Hà Nội đang nghiên cứu giải pháp tương tự, một lần nữa tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của vỉa hè, cũng như chính quyền phải làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.


Vỉa hè là không gian văn hóa


Theo nhà văn Nguyễn Viện, một người gắn bó với Sài Gòn từ 1961 đến nay, vỉa hè không chỉ đơn thuần là lối dành riêng cho người đi bộ mà là một góc để nép mình, nhìn ngắm cuộc sống thường nhật. “Niềm vui được cộng hưởng bởi sự thoải mái của sự bình dị”. Theo ông, vỉa hè “không chỉ hấp dẫn ở chỗ cái gì cũng rẻ hơn trong hàng quán tử tế, mà vỉa hè còn ban tặng cho người ta cái không gian thoáng đãng, cũng như sự nhộn nhịp của đời sống một cách đơn giản, tự nhiên nhất”.

 

Bên cạnh những cảm xúc về nền văn hóa vỉa hè, ông cũng đồng tình rằng xét về mặt nguyên tắc, vỉa hè phải là lối đi dành cho người đi bộ. Từ cảm nhận của ông, buôn bán vỉa hè cho đến nay “đã trở thành một thứ văn hóa không phải là đặc quyền của người ít tiền mà nó là một cách sống, một cách chọn niềm vui ở cuộc đời này”. Do đó phải làm thế nào để luôn gìn giữ nét văn hóa vỉa hè đặc trưng của thành phố, đồng thời đảm bảo cuộc sống của người dân nghèo là điều ông mong muốn từ đề án này.


“Không chỉ là những vạch sơn”


Theo truyền thông Việt Nam, thu phí là giải pháp mới nhất được chính quyền TP. Hồ Chí Minh triển khai, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Theo quan sát của BBC, tình hình cho thuê vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường.


Vấn đề thu phí vỉa hè theo từng tuyến đường được Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề cập năm 2017, nhưng chỉ được đưa ra lấy ý kiến các sở ngành từ tháng 2/2023.


Đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố” đã được thông qua sau 6 tháng đề xuất Mức phí được dựa trên 5 khu vực, với giá cho thuê từ 20.000 - 100.000 đồng/m2, không khác so với đề xuất năm 2017.


Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng đây là điều nên thực hiện để đảm bảo lối đi bộ cho người dân, nhưng cũng có ý kiến chỉ trích rằng chính quyền đã “tận thu” trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.


Về những vạch sơn vàng được kẻ trên đường ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện cho thuê vỉa hè, kiến trúc sư Bùi Uyên, tiến sĩ chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc tại Pháp cho rằng, cô chỉ ủng hộ việc thu phí và cho thuê sử dụng tạm thời vỉa hè nếu là một phần “trong tư duy tổng thể quản lý, quy hoạch và thiết kế đô thị”. Bùi Uyên cho biết: “Tiếc là khi tìm hiểu thông tin về chủ trương này, tôi chỉ thấy Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ việc phân loại, quản lý và khai thác thu phí. Vai trò của Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa được đánh giá đúng tầm trong quyết định quan trọng đối với bộ mặt đô thị này”.


Theo tiến sĩ Bùi Uyên, không gian vỉa hè là “một thành phần quan trọng của quy hoạch đô thị, là cầu nối, giao tuyến giữa không gian tư nhân và không gian công cộng”. “Việc định vị một giới hạn, không gian cho sử dụng khai thác lòng đường, vỉa hè, không đơn thuần là một vạch sơn mà còn phải là sự thống nhất, thuận tiện và mỹ quan trong tổng thể chung với các yếu tố liên quan như lối đi bộ, bố trí cây xanh, trang thiết bị đô thị, mặt tiền nhà. Vì vậy, quản lý để thu phí sử dụng vỉa hè cần phải nhìn nhận thêm như công tác thiết kế đô thị, chứ không chỉ đơn thuần là một không gian chức năng giao thông vận tải”.


Kiến trúc sư Sơn Đặng nhận định: “Những cuộc bàn luận về kinh tế vỉa hè và quản lý không gian đô thị đã nổ ra từ nhiều năm trước, nay lại đang nóng lên bởi việc chính quyền đô thị thu phí sử dụng vỉa hè. Áp dụng cách quản lý vỉa hè của các nước phương Tây vào đô thị Việt Nam chỉ chứng tỏ những người đề xuất chính sách chưa thật sự hiểu sâu về cấu trúc của các đô thị Việt Nam.


Chính vỉa hè, lòng đường là nơi giúp nhiều triệu người Việt Nam nuôi được gia đình họ, tạo ra sự dẻo dai thần kỳ cho nền kinh tế còn khá nhỏ bé của Việt Nam, đóng vai trò như một mạng lưới an sinh xã hội. Việt Nam cũng đang gặp suy thoái, thiết nghĩ đây không phải là thời điểm để ‘làm khó’ miếng cơm của thành phần yếu thế sống nhờ vỉa hè”.


Chống được nạn “bảo kê” hay không?


Nhìn lại những năm qua, cuộc chiến chống nạn lấn chiếm vỉa hè từ năm 2017 đến 2018 của cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 Đoàn Ngọc Hải dường như là thu hút đông đảo dư luận nhất. Vấn đề “bảo kê” vỉa hè từ lâu cũng đã được nói đến rộng rãi ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo truyền thông Việt Nam, năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cho biết: “Thời điểm làm Giám đốc Công an Hà Nội, ông đã thống kê trong 180 quán bia vỉa hè, có hơn 150 quán bia có công an đứng đằng sau”.


Năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Tường, lúc đó là Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP. Hồ Chí Minh, cho rằng “tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể do có người bảo kê, bao che dung túng hoặc người đứng đầu địa phương buông lỏng địa bàn, năng lực quản lý yếu kém”.


Từ Hà Nội, luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định về việc phải phân định rạch ròi đâu là không gian chung và riêng khi cho thuê vỉa hè: “Việc quản lý cho thuê phải đảm bảo những không gian xung quanh để cho người đi thuê - khi đó đã có quyền chiếm hữu sử dụng - phải có quyền định đoạt trong phạm vi đã thuê. Tôi cho rằng đây là việc hoàn toàn có thể làm được, chỉ có áp dụng thực tế mới biết hết những vấn đề nảy sinh”.


Đề cập đến những mức phạt nếu trường hợp lấn vỉa hè, luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh đến việc đo đạc đầy đủ và phải có “đúng, sai”, tránh áp đặt mức chế tài quá tiêu cực, ảnh hưởng đến người dân: “Tôi thấy cho thuê xe trên lòng đường có nguồn thu nhiều hơn. Nếu họ có thu nhập và tái đầu tư tốt, làm môi trường xã hội tốt hơn là điều tích cực”.


Để dập tắt những suy đoán trong dư luận, theo luật sư Ngô Anh Tuấn, chính sách cho thuê vỉa hè cần phải đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt là về nguồn thu. Ngoài ra, mức giá cho thuê không cao, chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/m2, để người cho thuê, nếu thuộc dạng khó khăn, vẫn có thể chi trả được.


Kiến trúc sư Sơn Đặng đưa ra một ví dụ của Trung Quốc trong phát triển nền kinh tế vỉa hè và hạn chế tình trạng “bảo kê”. Để quản lý tốt kinh tế vỉa hè không cần học đâu xa, có thể nghiên cứu chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ra tay tiêu diệt kinh tế vỉa hè trước đây. Từ những năm 1990, họ lập ra các nhóm quản lý đô thị chuyên đi tịch thu tài sản hàng rong. Các nhóm này nhanh chóng biến tướng thành các nhóm nhận bảo kê. Sau đó, Trung Quốc bỏ cách làm này và chuyển sang xây các khu bán hàng rong tập trung. Tiếp tục thất bại vì các khu này không có người mua lẫn kẻ bán vì bất cập về mặt vị trí, sự thuận tiện.


Khi dịch COVID-19 bùng nổ, Chính quyền Trung Quốc “đổi chiều”', chủ động mở đường cho nhân dân tràn xuống đường kiếm sống. Hiện Chính quyền Trung Quốc đã xây dựng một bộ cẩm nang cho phép người dân được sử dụng vỉa hè để buôn bán. Mùa suy thoái mới thấy sức mạnh của nền kinh tế hàng rong sẽ nuôi sống được rất nhiều triệu dân đô thị”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn BBC, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage