Theo đài RFA, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây ký ban hành Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán dù công điện nêu rõ, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, bình luận: “Rút kinh nghiệm qua vụ thiếu năng lượng năm 2023, cả điện lẫn xăng dầu do ta dự báo không đúng. Năm nay, Nhà nước giao cho Bộ Công Thương quản lý và chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì”.
Một số nhà quan sát trong nước cho rằng, việc thiếu xăng dầu ở Việt Nam là do mức chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng không hợp lý khiến họ không bán xăng nữa. Điều này cũng được Bộ Công Thương đề cập và Bộ này còn kiến nghị nên để cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán lẻ, bán buôn. Đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu ý kiến: “Hiện nay chưa thấy có biểu hiện khan hiếm xăng dầu, nhưng đến Tết thì chưa biết như thế nào. Bộ Công Thương phải chuẩn bị kỹ lưỡng phương thức để không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu ngày Tết. Những thay đổi địa chính trị trên thế giới cũng làm thay đổi nguồn cung ứng xăng dầu cho Việt Nam. Bộ Công Thương phải dự đoán việc này”.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Việt Nam là quốc gia khai thác dầu thô, xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập một lượng dầu thô rất lớn về để lọc. Nguyên nhân là do chủng loại dầu thô trong nước không hoàn toàn phù hợp với các nhà máy hiện có. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu. Hiện việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia đang bị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đùn đẩy cho nhau. Cụ thể, Bộ Công Thương có đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính với lý do để thống nhất đầu mối quản lý. Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu nên cần chuyển mặt hàng này cho Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025.
Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ phân công Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương. Trong báo cáo Chính phủ cuối năm 2023, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia sang Bộ Tài chính.
Trước đây, tại họp báo thường kỳ chiều 16/6/2022, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), từng cho rằng “nguồn lực Nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước”.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho hay, cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ ba nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu; dự trữ quốc gia. Nguồn đầu tiên ưu tiên sử dụng là dự trữ thương mại của doanh nghiệp, sau đó là nguồn dự trữ sản xuất tại các doanh nghiệp lọc dầu, cuối cùng mới dùng tới nguồn dự trữ quốc gia./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn rfa