Giới phân tích: “Kết thân” với Mỹ - bước ngoặt phát triển cho Việt Nam

Thứ Bảy, 17/05/2025

12:27 pm(VN)

-

3:27 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Giới phân tích: “Kết thân” với Mỹ - bước ngoặt phát triển cho Việt Nam

11/09/2023

Giới phân tích của Việt Nam và quốc tế cho rằng kinh tế chính là nhân tố chủ chốt thúc đẩy Hà Nội muốn kết thân hơn với Mỹ. Nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ mở đường cho Việt Nam tiếp cận công nghệ cũng như được giúp đỡ xây dựng nguồn nhân lực để chuyển đổi tăng trưởng sang hướng có chất lượng và bền vững hơn, từ đó mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của Việt Nam.
 

Công nghệ và nhân lực


Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với các lãnh đạo Việt Nam là làm sao phát triển kinh tế trong tình hình khó khăn: “Việt Nam cần công nghệ tiên tiến của Mỹ. Việt Nam cần đi tắt đón đầu để nhận đầu tư của Mỹ. Trong tình hình mới, chỉ có Mỹ và các đồng minh của Mỹ mới có thể giúp Việt Nam phát triển vượt bậc so với trình độ”.


Theo bà Phạm Chi Lan, từng là thành viên trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, với khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước, Mỹ có thể chia sẻ với Việt Nam về công nghệ và giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế nên rất cần tiếp cận những công nghệ tiên tiến của Mỹ. Nếu được sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc phát triển con người, nâng cấp giáo dục đào tạo thì Việt Nam có thể tạo ra những người trẻ của thế hệ mới, bắt kịp những xu hướng phát triển mới.


Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư không phải là ít, nhưng khả năng ứng dụng những công nghệ mới còn khá hạn chế. Nếu Việt Nam có thể chuyển đổi số thành công, thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ được giúp ích rất nhiều, nhất là về quản trị, cả trong quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp.


Về chuyển đổi xanh, năng lực thực hiện của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Đây là lĩnh vực bao trùm tất cả khu vực phát triển của Việt Nam từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cho đến dịch vụ, nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi xanh nên khả năng xuất khẩu bị hạn chế vì một số thị trường có tiêu chuẩn khắt khe về khí thải không chấp nhận. Nếu không làm được chuyển đổi xanh thì Việt Nam không thể đảm bảo phát triển bền vững.


Xây dựng chuỗi cung ứng


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một cựu thành viên khác của tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định: “Nếu có sự hợp tác của Mỹ thì Việt Nam có thể vượt qua thách thức về thiếu nguồn nhân lực. Ngoài ra, khác với Trung Quốc đang gặp phải chiến tranh thương mại với Mỹ, giữa Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định thương mại song phương nên hàng hóa sản xuất ở Việt Nam xuất sang Mỹ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa, nhất là vận tải hàng không, thì mới đáp ứng được yêu cầu của Mỹ”.


Khía cạnh an ninh


BBC dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng, xung quanh việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ, dư luận trong nước nói nhiều đến hợp tác kinh tế, mặc dù khía cạnh quan trọng bậc nhất là vấn đề về an ninh khu  vực và trên biển: “Mỹ tìm mọi cách để làm sao có càng nhiều đồng minh càng tốt, hay những bên chưa phải là đồng minh cũng ngả theo hướng như thế trong cuộc đối chọi với Trung Quốc, do đó, với Mỹ, an ninh là điểm đầu tiên. Việc này cũng phù hợp với khía cạnh nào đó trong chiến lược của Việt Nam”.


Bước ngoặt phát triển


Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hà Nội, không có nhiều quốc gia được Tổng thống Mỹ đến thăm nhiều như Việt Nam và điều này củng cố cam kết của Mỹ về một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, kiên cường và độc lập. AmCham hiện đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 doanh nhân trên khắp Việt Nam. Các công ty cũng như các nhà đầu tư Mỹ hiện đang hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, giúp đưa Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng, cũng như làm cho đất nước có năng suất cao hơn, an toàn hơn và sạch hơn.


Bà Phạm Chi Lan dự báo nâng cấp quan hệ với Mỹ là bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam vì sẽ giúp nước này thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế: “Trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, các lĩnh vực đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu của Việt Nam cũng cho thấy những giới hạn. Nếu Việt Nam không chuyển đổi thì sẽ không có cách nào bứt lên được để thực hiện khát vọng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Mặt khác, khi Việt Nam hợp tác với Mỹ để chuyển đổi nền kinh tế, các nước đồng minh của Mỹ như các nước châu Âu, Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ sẵn sàng hơn trong việc chung tay với Mỹ giúp đỡ Việt Nam phát triển theo hướng đó”.


Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia gọi bước tiến trong quan hệ Việt-Mỹ là “bước đi thực dụng” của Việt Nam: “Việt Nam đang nhìn thấy môi trường địa chính trị quốc tế ngày càng phân cực, tăng trưởng toàn cầu suy giảm, nước Nga bị suy yếu và cô lập, còn Trung Quốc vật lộn với những khó khăn kinh tế. Tất cả những điều này đang đe dọa mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận đầu tư và các công nghệ mới nổi để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội dài hạn”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage