Dư luận về Luật đấu thầu trong thiết bị và vật tư y tế

Thứ Bảy, 17/05/2025

5:16 am(VN)

-

8:16 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Dư luận về Luật đấu thầu trong thiết bị và vật tư y tế

08/04/2024

Theo đài VOA, cuối tháng 2/2024, chính phủ đã ban hành nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Trong đó, riêng trong lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn một báo giá, bệnh viện được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu.


Do quy định đấu thầu của Bộ Y tế, việc sử dụng thiết bị tại bệnh viện, theo luật, phải sử dụng thiết bị đã qua các chương trình đấu thầu. Nếu không thì bị xem là sai luật hoặc các công ty bảo hiểm sẽ từ chối thanh toán tiền bảo hiểm. Đấu thầu tức là phải mua ở nơi rẻ nhất, trong khi chất lượng không thể bảo đảm.


Một số bác sĩ và chuyên gia y tế ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cho biết, sau một thời gian dài chờ đợi nghị định hướng dẫn luật mới, giờ đây, tình trạng khan hiếm thuốc điều trị và vật tư thiết bị y tế tại Việt Nam đang ở trong tình trạng “trầm trọng”.


Theo một chuyên gia phẫu thuật thần kinh hàng đầu Việt Nam ở Hà Nội, tình trạng thiết bị, vật tư y tế và cả thuốc điều trị giá rẻ nhưng chất lượng kém chiếm lĩnh gần như toàn bộ các hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân đang gây ra những hệ lụy khủng khiếp và “không thể đo lường được”. Chuyên gia này khẳng định, sức khỏe, tính mạng bệnh nhân bị đặt trong vòng nguy hiểm chỉ vì “sự tệ hại trong chính sách đấu thầu thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị” ở Việt Nam hiện nay.


Đồng tình với nhận định này, một bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Tình trạng ‘tiền mất, tật mang’ là có thật”. Bác sĩ này cho rằng việc niêm yết giá, thoạt nhìn, là sự thể hiện tính minh bạch, nhưng lại sinh ra vấn đề vì “không theo kịp cung-cầu của luật thị trường”.


Một cán bộ quản lý phụ trách hệ thống phòng phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, tình trạng bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân “phải đi mua từ cái kim, sợi chỉ, bông băng gạc y tế trước khi lên bàn mổ” là chuyện rất bình thường hiện nay tại hầu khắp các bệnh viện.


Do e ngại chất lượng thiết bị y tế kém, những người có khả năng tài chính thường tự chuẩn bị trước. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có được điều kiện đó. Chuyên gia ở TP. Hồ Chí Minh phân tích, tình trạng ở miền Nam cũng như vậy: “Thiết bị của các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu vẫn có trên thị trường tự do, nhưng bệnh viện không thể dùng vì ‘vướng quy định’. Nếu người nhà tự mua, mang vào bệnh viện thì bệnh viện cũng không thể dùng vì vướng các công ty bảo hiểm. Nếu bệnh nhân tự mua cũng không được vì họ không có kiến thức. Thế nên, phải có sự giới thiệu trực tiếp của bác sĩ đến các công ty bán thiết bị.


Chuyên gia phẫu thuật thần kinh cho biết rằng phần lớn các bệnh nhân dù biết phải dùng vật tư y tế, thuốc điều trị giá rẻ của bệnh viện là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải chấp nhận vì không phải ai cũng có điều kiện để tìm mua các loại vật tư và thuốc điều trị của Mỹ và châu Âu.


Bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam thiếu một cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối, giống như Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Ở Việt Nam, chỉ cần có những loại giấy tờ kiểu như “chứng nhận chất lượng” là có thể mang bán. Không ai có thể bảo đảm tính chính xác của các giấy “chứng nhận chất lượng” đi cùng các thiết bị y tế./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn voa, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage