THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Trang mạng Quan sát Thượng Hải, Trung Quốc vừa qua có bài phân tích về mục đích chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden. Theo bài báo, sau khi Biden tiết lộ trước thông tin này, Nhà Trắng Mỹ ngay sau đó đã ra thông báo chính thức vào ngày 28/8, tuyên bố rằng Tổng thống Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10/9.
Kể từ đầu năm 2023, các quan chức cấp cao của Mỹ liên tiếp đến thăm Hà Nội, và chuyến thăm của Biden sẽ đẩy làn sóng ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam lên đến đỉnh điểm. Giới phân tích cho rằng, để phục vụ nhu cầu cạnh tranh với Trung Quốc và thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, chuyến thăm của Biden nhằm nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt và chung tay với Việt Nam cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, do sự khác biệt về chế độ chính trị và ý thức hệ, cũng như việc Việt Nam chọn con đường ngoại giao cân bằng và độc lập, nên cho dù Mỹ ra sức lôi kéo thì không gian để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn hạn chế.
Đối tượng lôi kéo lý tưởng
Theo tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đăng trên trang web chính thức của Nhà Trắng, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Biden sẽ gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo quan trọng khác của Việt Nam để thảo luận việc thúc đẩy hơn hơn nữa hợp tác giữa hai nước.
Tuyên bố cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lấy công nghệ là trọng tâm và lấy đổi mới là động lực, đồng thời thảo luận việc làm thế nào để mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình thịnh vượng và ổn định khu vực...
Theo lịch trình, ông Biden dự kiến sẽ đến thăm Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. Từ đầu năm đến nay, các quan chức Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam. Từ Phó Tổng thống Harris đến Ngoại trưởng Blinken, từ Bộ trưởng Tài chính Yellen đến Đại diện Thương mại Katherine Tai, và giờ đây được nâng lên cấp nguyên thủ quốc gia - đích thân Tổng thống Biden dẫn đầu chuyến thăm.
Tại sao một quốc gia Đông Nam Á với dân số, đất đai, quy mô kinh tế hạn chế lại thu hút nhiều quan chức cấp cao Mỹ đến thăm? Một bối cảnh thực tế trong đó là năm nay chính là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Năm 2013, dưới thời Chính quyền Obama, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như y tế công cộng, hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và chống tội phạm xuyên quốc gia. Mỹ muốn nhân cơ hội kỷ niệm 10 năm này để nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm bắt kịp mối quan hệ sâu sắc hơn mà Hà Nội đã đạt được với Bắc Kinh và Moskva.
Một bối cảnh tiềm tàng khác là Việt Nam được coi là đối tác lý tưởng đáng để lôi kéo trong bố cục chiến lược của Mỹ thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” nhằm cân bằng Trung Quốc. Triệu Vệ Hoa, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu xung quanh Trung Quốc, Giáo sư của Viện nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán cho biết: "Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất và là thách thức đối với quyền bá chủ toàn cầu của mình nên cần tìm đồng minh, đối tác trên phạm vi toàn cầu để kiềm chế và cân bằng Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một đối tượng lý tưởng".
Thứ nhất, Việt Nam có thực lực quân sự mạnh nhất ASEAN, đồng thời cũng được Mỹ đánh giá là quốc gia có mong muốn kiềm chế Trung Quốc mạnh mẽ nhất, bởi Trung Quốc và Việt Nam có những tranh chấp về quyền lợi biển và lãnh thổ cũng như những vướng mắc lịch sử phức tạp ở Nam Hải (Biển Đông).
Thứ hai, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng. Vịnh Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Philippines được mệnh danh là hai chốt chặn quan trọng ở Nam Hải. Nếu hai căn cứ quân sự này kết hợp với nhau, chúng có thể phong tỏa Nam Hải, ngăn chặn đường tiếp cận Thái Bình Dương của Trung Quốc và kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch của Trung Quốc.
Vương Dũng, giáo sư của Học viện Quan hệ Quốc tế, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng xuất phát từ nhu cầu chiến lược cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc, Mỹ muốn hỗ trợ một số nước xung quanh Trung Quốc, tăng cường quan hệ với các quốc gia này trong nhiều lĩnh vực để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Từ góc nhìn của Mỹ, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược khu vực và quốc tế của Mỹ. Một mặt, Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, có những hiềm khích lịch sử và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, không có sự đồng nhất về lợi ích với Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ muốn lợi dụng Việt Nam để thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy “chuyển sản xuất đến những nước cùng phe” (friend-shoring), chuyển một số dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc và đơn hàng đặt của các công ty Trung Quốc đến Việt Nam, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng “gạt Trung Quốc ra bên ngoài”.
Nâng cấp quan hệ đối tác?
Liên quan đến chuyến thăm của Biden đến Việt Nam, một điểm nổi bật đáng chú ý là Mỹ và Việt Nam có thể ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược. Khi đến thăm Việt Nam hồi tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Blinken bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của hai học giả, khả năng hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là rất cao. Vương Dũng nói: "Cả hai bên đều có nguyện vọng này, nên rất có thể sẽ đạt được mục tiêu".
Đối với Mỹ, ngoài nhu cầu chiến lược cân bằng sức mạnh của Trung Quốc, Mỹ còn có ý định hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam và thắt chặt quan hệ giữa hai nước.
Đối với Việt Nam, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy Việt Nam mong muốn mở rộng thêm thị phần tại Mỹ, thu hút thêm đầu tư từ Mỹ, được Mỹ chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện nhiều hợp tác khoa học công nghệ hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong vấn đề Nam Hải, Việt Nam cũng mong muốn dựa vào các lực lượng bên ngoài như Mỹ để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhìn vào bối cảnh chung, hiện nay, cơ cấu khu vực và quốc tế đang có những thay đổi mạnh mẽ. Cùng với việc các mối quan hệ nước lớn như Trung-Mỹ có sự thay đổi, các mối quan hệ thứ cấp khác cũng sẽ thay đổi.
Vương Dũng chỉ ra thêm rằng nếu Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, điều đó có nghĩa là hai bên sẽ coi trọng hơn mối quan hệ song phương, cấp bậc và tầm quan trọng của đối phương trong quan hệ đối ngoại của mình sẽ tăng lên. Đồng thời, hai nước sẽ phát triển mối quan hệ toàn diện, không còn giới hạn ở các lĩnh vực như chính trị, kinh tế và thương mại mà sẽ mở rộng sang tăng cường hợp tác quân sự và an ninh.
Triệu Vệ Hoa nói: "Sự thăng cấp trong quan hệ Mỹ-Việt đã hình thành trong vài năm gần đây và bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong chuyến thăm của Biden lần này, hai bên nhiều khả năng sẽ đạt được sự nâng cấp trong quan hệ". Điều này đồng nghĩa với việc hợp tác quân sự hiện có giữa hai bên, đặc biệt là trao đổi thông tin tình báo sẽ trở nên mật thiết hơn. Tuy nhiên, do mối quan hệ Mỹ-Việt ở một chừng mực nào đó đã mang ý nghĩa chiến lược, nên cho dù nâng cấp cũng chỉ là nâng cấp về mặt danh nghĩa, còn về bản chất sẽ không có thay đổi lớn nào.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng nhận thấy, mặc dù Mỹ luôn tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhưng Hà Nội vẫn luôn thận trọng trước những động thái “lấy lòng” của Washington. Liên quan việc Biden tiết lộ giới lãnh đạo Việt Nam muốn nâng cấp mối quan hệ song phương, hiện vẫn chưa rõ đó là sự thật hay do phía Mỹ tự đưa ra.
Đối với vấn đề này, Triệu Vệ Hoa giải thích cho rằng chiến lược ngoại giao của Việt Nam là duy trì cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, không nghiêng về bên nào, họ cho rằng như vậy mới tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi nhất và tối đa hóa lợi ích của mình. Vì vậy, Việt Nam lo ngại thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ sẽ kích thích Trung Quốc. Trên thực tế, Việt Nam muốn duy trì mối quan hệ chiến lược thực chất hơn với Mỹ, nhưng không cần có danh nghĩa cụ thể.
Ngoài việc nâng cấp quan hệ song phương thu hút sự chú ý của dư luận, Triệu Vệ Hoa dự báo chuyến thăm lần này của Biden cũng sẽ tập trung vào Trung Quốc, bởi yếu tố Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy Biden thăm Việt Nam. Chẳng hạn, trong vấn đề Nam Hải, Biden được cho là sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các quyền hợp pháp của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, đồng thời chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong vấn đề chuỗi cung ứng, dự kiến sẽ nhấn mạnh việc thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt và không có rủi ro, đồng thời kích động Việt Nam “tách rời” khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng có thể là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của Biden, nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng xanh để đối phó với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Không muốn làm quân cờ
Hơn nửa thế kỷ trước, Mỹ và Việt Nam đã đọ sức trong chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, cùng với sự thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế, đối thủ trước đây đã trở thành đối tác và đang chuẩn bị thắt chặt quan hệ. Thậm chí có những tuyên bố cực đoan cho rằng với sự hỗ trợ của Mỹ, Việt Nam sẽ trở thành Philippines thứ hai. Đối với phân tích này, giới chuyên gia không cho là đúng.
Theo Vương Dũng, do nhu cầu chung của cả hai bên, nên quan hệ Mỹ-Việt được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa, nhưng cũng sẽ bị hạn chế bởi một số yếu tố.
Đầu tiên, hai bên có những khác biệt về một số khía cạnh như hệ thống chính trị, tư tưởng, giá trị quan. Sự phát triển quan hệ đối ngoại của Mỹ chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố tư tưởng, sẽ lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào chính trị Việt Nam và sử dụng một số thế lực ở Việt Nam để kích động cái gọi là cách mạng màu. Xuất phát từ tính toán an ninh chính quyền quốc gia, Việt Nam duy trì cảnh giác khi hợp tác với Mỹ. Ngoài ra, vết thương lịch sử và ký ức đau thương về Chiến tranh Việt Nam cũng sẽ khiến Việt Nam cảnh giác với Mỹ.
Thứ hai, ảnh hưởng của yếu tố Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng duy trì quan hệ quan trọng với ASEAN và Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN. Khi phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ thận trọng trước thái độ và phản ứng của Trung Quốc, không xích lại gần quá mức với Mỹ trong các lĩnh vực nhạy cảm như quân sự, an ninh, chẳng hạn cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở Việt Nam. Quan trọng hơn, theo Vương Dũng: “Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, nỗ lực duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, duy trì chính sách đối ngoại độc lập, không muốn trở thành chư hầu của Mỹ và là quân cờ đối phó với Trung Quốc”.
Triệu Vệ Hoa nhận định, trong bối cảnh tình hình hiện nay, không gian để phát triển hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ khá hạn chế. Một là, do chính sách láng giềng hữu nghị tốt đẹp của Trung Quốc nên quan hệ Trung - Việt rất gần gũi. Bất chấp tranh chấp Nam Hải, hai nước vẫn duy trì tương tác tích cực và trao đổi những khác biệt thông qua nhiều kênh khác nhau.
Trong xu hướng chung là quan hệ Trung - Việt ổn định và thân thiện, quan hệ Mỹ - Việt khó thắt chặt gần hơn. Điều ấn tượng sâu sắc là sau khi bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX (Đại hội XX) vào năm 2022, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là nguyên thủ cấp cao nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc, nêu bật tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước và cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược. Hai là, Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam nêu rõ chính sách “4 không”, tức là không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước khác, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Ba là, chính sách nhất quán của Việt Nam là duy trì một nền ngoại giao cân bằng hợp lý hoặc tương đối bình đẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này sẽ không dễ dàng thay đổi.
Trên thực tế, mặc dù những năm gần đây Việt Nam ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ nhưng Việt Nam vẫn có những có sự đề phòng nhất định, đặc biệt là đề phòng Mỹ tiến hành các cuộc cách mạng màu và tiến hành diễn biến hòa bình trong bối cảnh tình hình thay đổi. Triệu Vệ Hoa cho biết: “Dù quan hệ Mỹ - Việt phát triển thế nào, Việt Nam cũng sẽ xử lý tốt mối quan hệ với Trung Quốc, chú ý cân bằng giữa quan hệ Mỹ - Việt và quan hệ Trung - Việt”. Việt Nam thường gọi phong cách ngoại giao của mình là “ngoại giao cây tre”, có nghĩa là linh hoạt, thông minh, quyết đoán và ngay thẳng như cây tre. Từ quan điểm này, có lẽ việc lôi kéo Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc, chia rẽ quan hệ Trung - Việt chỉ là mong muốn đơn phương của phía Mỹ./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved