THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo đài Sputnik, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều biến động, số lượng người Việt ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, kinh doanh ngày càng nhiều. Khảo sát của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy, 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài đang xem xét khả năng quay trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới.
Tập đoàn Robert Walters phân tích, với mức tăng trưởng GDP duy trì ở khoảng 6% trong trung hạn và ngày càng có nhiều công ty đạt doanh thu vượt qua 1 tỷ USD, Việt Nam trở thành điểm sáng cho các doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài và nhân tài quốc tế. Cơ hội việc làm cũng vì thế tăng lên.
Neo Chu, Việt kiều Thụy Sĩ hiện làm trong lĩnh vực tài chính, chia sẻ: “Làm việc ở đâu cũng vậy, nhưng làm việc ở Việt Nam có điều kiện thăng tiến tốt hơn. Môi trường quen thuộc cũng là một yếu tố ra quyết định”.
Moaz Nguyễn, Việt kiều New Zealand quyết định quay về quê hương để làm việc trong ngành công nghệ, cho biết: “Tôi cảm thấy cuộc sống tại New Zealand không có nhiều việc để sáng tạo hoặc làm ra cái gì có tính đột phá. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhiều rủi ro, nhưng trẻ và vận động nhanh, cơ hội việc làm đa dạng và hấp dẫn”.
Sức mạnh của nền kinh tế ổn định
Theo khảo sát của Robert Walters, có đến 66% Việt kiều cho biết họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp củng cố quyết định trở về quê hương của người Việt Nam ở nước ngoài.
Neo Chu nhận định: “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam có nhiều cơ hội, năng động và ổn định chính trị. Chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ với kiều bào đã vượt qua rào cản về tư tưởng, chính sách cũng mở hơn nhiều”.
Trong những năm gần đây, việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh đã tạo động lực cho sự trở về của người Việt đang định cư ở nước ngoài. Không chỉ vậy, đây còn là một cách đóng góp thiết thực cho quê hương.
Neo Chu phân tích: “Làm ở đâu cũng phải đóng thuế, đóng thuế đầy đủ là thực hiện nghĩa vụ công dân với quốc gia. Kinh tế Việt Nam và tư tưởng kinh doanh ở Việt Nam coi trọng tinh thần tập thể. Do vậy, ít hay nhiều, về quê hương kinh doanh chắc chắn sẽ tạo được phần đóng góp cho đất nước và con người Việt Nam: thứ nhất là vốn đầu tư; thứ hai là thuế; thứ ba là tạo công ăn việc làm và quỹ BHXH, thứ tư là công nghệ và cách làm việc tiên tiến; cuối cùng là góp phần kết nối mạng lưới quốc tế”.
Moaz Nguyễn cũng cho rằng, những kinh nghiệm và trải nghiệm của kiều bào tại nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích trong công việc.
Cuộc sống thoải mái, chất lượng hơn
Một yếu tố hấp dẫn đối với những kiều bào quyết định trở về Việt Nam làm việc, kinh doanh là tỷ lệ chênh lệch giữa mức lương cao và chi phí sinh hoạt thấp tại Việt Nam. Đặc biệt, khi trở về nước, kiều bào cũng mong muốn công việc kinh doanh và việc làm của họ ngày một tốt hơn. Moaz Nguyễn bày tỏ: “Tôi hy vọng sẽ tạo ra một công nghệ nào đó tốt hơn các công nghệ hiện có và thay đổi cách mọi người đang làm việc trong lĩnh vực của mình. Tất nhiên, tạo ra thu nhập tốt hơn nữa cũng là mong muốn của tôi”.
Môi trường kinh tế sôi động và cạnh tranh hiện nay mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài muốn khẳng định bản thân và góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Với xu hướng người Việt ở nước ngoài trở về thời gian tới, chắc chắn thị trường lao động tại Việt Nam sẽ trở nên rất sôi động. Đây còn là “mỏ vàng” nhân sự chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, nếu các mong muốn và nhu cầu thiết thực được đáp ứng, doanh nghiệp của kiều bào chắc chắc sẽ phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của đất nước./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Sputnik, vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved