Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Việt Nam tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP) cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam thể hiện sự phát triển của lòng tin, sự hợp tác và ngoại giao hiệu quả giữa Hà Nội và Washington.
Theo ông, những người Mỹ đã đến Việt Nam trong hơn 30 năm qua luôn ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng nhiệt và không có sự thù địch nào. Có nhiều lý do về mặt văn hóa và tâm lý giải thích điều này, một trong số đó là chính sách chính thức: Tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ VII năm 1991, Việt Nam đã xác định mục tiêu “trở thành bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Người Việt Nam hiểu rằng các cường quốc có lợi ích xung đột với nhau. Thay vì liên minh với cường quốc này để chống lại một cường quốc khác, vốn đã gây ra những hậu quả tai hại trong một nước Việt Nam bị chia cắt, Việt Nam tìm cách hợp tác với tất cả các nước.
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc phái viên đầu tiên của Mỹ, Desaix Anderson đã đến Hà Nội để tìm kiếm khả năng hợp tác thay vì ý nghĩ thù địch. Mỹ chậm rãi đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam về rà phá bom mìn và chất độc da cam cũng như hỗ trợ những người khuyết tật do chiến tranh. Với sự thúc đẩy của các cựu thượng nghị sĩ như John McCain và Patrick Leahy, sự hỗ trợ của Mỹ đã tăng đều đặn cả về quy mô, phạm vi và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Để giải quyết những di sản do chiến tranh để lại, vào năm 2021, Mỹ và Việt Nam đã triển khai một chương trình hành động chung (trong đó Viện Hòa bình đóng góp một phần) nhằm tìm kiếm khoảng 300.000 người Việt Nam vẫn còn mất tích.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, và sau thỏa thuận mới về nâng cấp quan hệ, Washington sẽ giúp Hà Nội thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và xe điện, cùng với các hỗ trợ khác liên quan đến công nghệ .
Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao với các đối tác khác thông qua các bước đi được sắp xếp kỹ lưỡng. Các đối tác lâu đời Trung Quốc và Nga là những quốc gia đầu tiên được thiết lập quan hệ ở mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện” lần lượt vào các năm 2008 và 2012. Ấn Độ là quốc gia tiếp theo được thiết lập quan hệ ở mức này vào năm 2016. Khi Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2022, một số nhà quan sát đã than thở về đà quan hệ bị chậm lại và bỏ lỡ cơ hội đối với Mỹ. Trên thực tế, động thái này là tiền đề để nâng cấp quan hệ với Mỹ, trấn an nước láng giềng lớn của Việt Nam rằng chính sách đa phương vẫn được giữ nguyên.
Việc mở rộng quan hệ đối tác hiện nay không chỉ giới hạn đối với Mỹ. Trong năm qua, Việt Nam đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và chuẩn bị nâng cấp quan hệ với Australia và Singapore - tất cả đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, những bước đi này vẫn được thực hiện bất chấp việc các quan chức cấp cao của Việt Nam liên quan đến bê bối tham nhũng đã từ chức hoặc bị sa thải. Các thỏa thuận được thống nhất thể hiện sự ủng hộ từ Đảng.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang kết luận: Chuyến thăm của Biden đến Việt Nam chứng tỏ thế giới không phân chia rõ ràng thành bạn và thù. Có nhiều quốc gia có những khác biệt đáng kể về chính trị với Mỹ vẫn có thể hưởng lợi từ đối thoại, trao đổi và hợp tác an ninh chung. Mối quan hệ đối tác mới cho thấy tiềm năng của một hình thức ngoại giao đa phương độc đáo nhằm duy trì hòa bình./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN