Bước ngoặt quan hệ Việt - Mỹ sẽ dẫn tới điều gì?

Thứ Bảy, 17/05/2025

12:02 pm(VN)

-

3:02 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bước ngoặt quan hệ Việt - Mỹ sẽ dẫn tới điều gì?

06/09/2023

BBC và RFA dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng quan hệ Việt-Mỹ nếu được nâng lên tầm mức mới như “đối tác chiến lược” hay “đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới, nhất là ngay trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, sẽ là một “tiến triển” đáng hoan nghênh và sẽ có tác động ở tầm mức quốc tế.


“Đối tác chiến lược” hay “đối tác chiến lược toàn diện”?


Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak (Singapore), xét đến những nước mà Việt Nam nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” cho tới nay như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và sắp tới là Australia và Singapore, thì việc Việt Nam “nhảy cóc” quan hệ với Mỹ sẽ là bước đi khá bất ngờ đối với cách làm của Việt Nam về ngoại giao từ sau “Đổi mới”: “Lý do là Việt Nam vốn thận trọng và hạn chế những chuyển biến quá đột ngột có khả năng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước xung quanh”.


Cũng từ Viện nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng phải chờ đến ngày Biden sang thăm Việt Nam và đưa ra tuyên bố chính xác, “nhưng khả năng cao là hai bên sẽ nâng cấp lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Tầm mức quan hệ này sẽ tạo nền tảng chính trị và pháp lý cho hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ trên các lĩnh vực khác nhau”.


Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang và Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A cùng cho rằng nếu Việt-Mỹ quyết định thiết lập quan hệ đối tác ở mức độ mới cao hơn mức độ hiện nay, điều này cho thấy hai bên đã có sự hiểu biết khá rõ về nhau và cũng đã có những mức độ tương đồng khá cao trong nhiều vấn đề. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh: “Nếu Mỹ nâng cấp quan hệ lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ với Việt Nam thì điều này cho thấy Mỹ thực sự tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam và muốn cho Việt Nam thấy điều đó. Ngoài ra, Mỹ nhận ra vai trò quyết định của Đảng trong sách lược của Việt Nam từ kinh tế, ngoại giao cho đến quan hệ quốc tế và đặt ưu tiên giữ vững quan hệ đó”.


Điều gì xảy ra tiếp theo?


Theo nhà báo David Hutt (chuyên gia về châu Á), điều thực sự quan trọng là liệu Biden khi đến Hà Nội có mang theo hàng loạt khoản đầu tư mới đáng kể hay không: “Hà Nội muốn Bắc Kinh ngừng gây hấn, nhưng bằng lòng với tình trạng hiện có; Việt Nam được hưởng lợi từ một nền kinh tế Trung Quốc lành mạnh (mặc dù hiện tại điều đó có vẻ không ổn) và từ việc Mỹ không ngừng tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn”.


Ông Vũ Tú Thành, người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho biết, Mỹ có thể đề nghị nhiều lĩnh vực hợp tác: “Năng lượng là một lĩnh vực khác mà Mỹ-Việt có thể tăng cường hợp tác khi Việt Nam chuẩn bị tham gia vào lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và điện gió ngoài khơi. Việc nâng cấp quan hệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kế hoạch của các công ty Mỹ tại Việt Nam. Các nguồn thạo tin cho biết hãng sản xuất máy bay Boeing và công ty năng lượng AES có thể đưa ra thông báo trong chuyến thăm của Biden. Ngoài ra, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và các thủ tục hải quan của Mỹ có thể được nới lỏng để thúc đẩy thương mại”.


Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, về an ninh, Mỹ sẽ có các khuyến khích mới đối với Việt Nam - như giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn về thay đổi dàn vũ khí tự vệ. Trong vấn đề kinh tế, có thể dự báo sẽ có những làn sóng đầu tư mới với chất lượng cao hơn về cả kỹ thuật lẫn công nghệ. Việt Nam sẽ không còn “lay lắt” chỉ với khoản tiền gia công từ các công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mỹ đang có những hỗ trợ trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại hai đầu đất nước, đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; không loại trừ Việt Nam sẽ là cầu nối cho những tập đoàn và các công ty lớn của Mỹ tại Đông Nam Á.


Ông Đinh Hoàng Thắng nhận định: “Chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam có thể không chỉ nâng cấp quan hệ hai bên lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà còn đánh dấu sự chuyển biến, mở ra không gian đa chiều về địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều quan trọng là ‘đối tác chiến lược toàn diện’ Việt-Mỹ có cơ hội dẫn với các cặp ‘đối tác chiến lược toàn diện’ khác giữa Hà Nội với Tokyo, Canberra và Singapore…”.


Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A cùng có chung nhận định về “sức lan tỏa” của những tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ: “Tiến triển này tốt cho khu vực cũng như cho cả thế giới. Củng cố mối quan hệ với một nước lớn hàng đầu thế giới như Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam ở trong một mạng lưới những mối quan hệ quan trọng và điều đó chắc chắn sẽ tốt cho vấn đề an ninh quốc gia, an ninh khu vực, phát triển kinh tế, phát triển khoa học, phát triển văn hóa”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn BBC, RFA, TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage