THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 16/11, sau 4 giờ đàm phán trực tiếp, sâu sắc và toàn diện, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào ngày 15/11 (theo giờ địa phương). Sự kiện này được coi là “chiến lược, lịch sử và định hướng”, góp phần hình thành một “Tầm nhìn San Francisco” và thiết lập phương hướng cho một sự phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững của quan hệ Trung-Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau tại điền trang Filoli ở phía Nam San Francisco bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề chiến lược, bao quát và định hướng liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ cũng như các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và sự phát triển của thế giới.
Cụ thể, hai bên đã nhất trí thúc đẩy và tăng cường đối thoại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thiết lập các cuộc đàm phán giữa chính phủ Trung Quốc và Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI), thành lập một nhóm công tác về hợp tác chống ma túy và khôi phục (trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng) liên lạc quân sự cấp cao, các cuộc đàm phán phối hợp chính sách quốc phòng Trung-Mỹ và các cuộc họp Thỏa thuận tham vấn hàng hải quân sự Trung-Mỹ cũng như tiến hành các cuộc điện đàm giữa các chỉ huy quân sự. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nỗ lực hướng tới việc tăng đáng kể số chuyến bay chở khách theo lịch trình vào đầu năm 2024 tới và mở rộng trao đổi giáo dục, sinh viên, thanh niên, văn hóa, thể thao và kinh doanh.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ lần này đã gửi một tín hiệu tích cực và ổn định tới thế giới, cho thấy cả Bắc Kinh và Washington đều có ý định xoa dịu và ổn định quan hệ song phương cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Họ nhấn mạnh: cuộc gặp không chỉ thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề cụ thể, cải thiện quan hệ song phương mà còn thiết lập sự đồng thuận để phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong giai đoạn tiếp theo, lập các kế hoạch và hình thành “một lộ trình”.
Một số chuyên gia ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh rất được mong đợi này sẽ tiếp thêm sự chắc chắn và động lực mới lớn hơn cho một thế giới đầy bất ổn. Kết quả đạt được từ cuộc gặp cũng cho thấy rõ ràng rằng cả Bắc Kinh và Washington không còn nuôi dưỡng những hy vọng hão huyền về một bước đột phá nhanh chóng hoặc cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung cũng thừa nhận những lợi ích của việc kiềm giữ những căng thẳng ở mức hiện tại và ngăn chặn tình trạng xấu hơn.
Những kết quả khác nhau
Theo bài viết trên trang mạng cnn.com ngày 16/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện “một Trung Quốc thân thiện, sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ” trong cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/11 vừa qua, đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý trong giọng điệu của Bắc Kinh khi nước này tìm cách giảm thiểu xích mích với Washington. “Sự dịu dàng” này diễn ra khi Trung Quốc đang vật lộn với một nền kinh tế gặp khó khăn và mong muốn làm nổi bật Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo thế giới đầy quyền lực và có năng lực. Phía Trung Quốc gọi các cuộc đàm phán là “tích cực” và “toàn diện”, đồng thời nêu bật những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm giải thích những điểm không thể thương lượng của Bắc Kinh, chẳng hạn như lập trường đối với Đài Loan và nhận thấy những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bên cạnh đó, quang cảnh chào đón nồng nhiệt và sự hiện diện vai trò lãnh đạo được thể hiện rõ khi đứng bên cạnh Joe Biden là cực kỳ quan trọng đối với Tập Cận Bình. Các nhà phân tích cho rằng Tập Cận Bình không chỉ mong muốn ổn định mối quan hệ phức tạp vào thời điểm kinh tế Trung Quốc suy yếu mà còn muốn thể hiện bản thân trước khán giả trong nước, một động thái khéo léo để lèo lái công việc đối ngoại của quốc gia.
Những gì Mỹ nhận được từ hội nghị thượng đỉnh là sự khôi phục liên lạc và hợp tác trên nhiều kênh, bao gồm cả lực lượng thực thi pháp luật chống ma túy và quân đội. Ông Kim Xán Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, ngày 16/11 đã nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng điều Bắc Kinh muốn từ cuộc gặp là hình thành một cách công khai và tự tin một tương lai có thể quản lý được các mối quan hệ song phương từ cấp độ chiến lược. Trong khi đó, Lỗ Hướng, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh: “Mỹ rất quan ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza, và hai nhà lãnh đạo chắc chắn đã đề cập đến những chủ đề này” trong cuộc gặp vì Mỹ rất cần sự giúp đỡ. Trung Quốc sẽ kiên quyết duy trì lập trường trung lập và công bằng trong việc thúc đẩy hòa bình và tìm kiếm khả năng hòa giải”.
Chuyến đi Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, nợ chính quyền địa phương cao và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục. Đồng thời, các cuộc đàn áp trên một số lĩnh vực đã làm suy giảm niềm tin kinh doanh và khiến nhiều người đặt câu hỏi về những cơ hội còn lại ở Trung Quốc.
Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore được trang mạng cnn.com dẫn lời nói: “Những thách thức này rất lớn”. Ông lưu ý rằng ở California, ông Tập Cận Bình muốn cho người xem ở quê nhà thấy “khả năng lãnh đạo trong các vấn đề đối ngoại” và rằng ông được đánh giá cao ở Mỹ và là nhà lãnh đạo thế giới “ngang hàng” với Joe Biden.
Sự thống nhất không thể ngăn cản
Về vấn đề Đài Loan, Tập Cận Bình nhấn mạnh trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden rằng đây vẫn là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ và Bắc Kinh đánh giá cao những tuyên bố tích cực của Washington trong cuộc gặp ở Bali (Indonesia) hồi tháng 11/2022. Phía Mỹ cần có những hành động thực tế để tôn trọng cam kết không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, ngừng trang bị vũ khí cho Đài Bắc và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thống nhất đất nước và điều này là không thể ngăn cản.
Chuyên gia Kim Xán Vinh lưu ý rằng lần này, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã công khai và trực tiếp kêu gọi phía Mỹ ủng hộ các nỗ lực “thống nhất hòa bình” của Trung Quốc và đây là một thông điệp quan trọng đối với Mỹ và thế giới.
Chuyên gia Lỗ Hướng nói rằng do phía Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh ở Eo biển Đài Loan nên cần phải để Mỹ hiểu rằng “nếu một ngày chiến tranh nổ ra trong khu vực, đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn toàn mất hy vọng thống nhất hòa bình, nhiều khả năng nhất là do sự can thiệp của Mỹ” và đó là lý do tại sao Trung Quốc kêu gọi Mỹ không trang bị vũ khí cho Đài Loan.
Các chuyên gia nhận định rằng nếu Mỹ không muốn xảy ra chiến tranh, giải pháp đúng đắn là ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc thực hiện thống nhất một cách hòa bình. Và nếu Mỹ thể hiện sự dối trá trong vấn đề này hoặc làm điều ngược lại (phá hoại tiến trình thống nhất hòa bình của Trung Quốc), Washington sẽ phải gánh chịu những hậu quả không mong muốn.
Về phần mình, Tổng thống Biden cho biết trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình rằng Washington tuân thủ chính sách một Trung Quốc, hoan nghênh đối thoại giữa các cơ quan chính phủ các cấp đồng thời sẵn sàng duy trì liên lạc cởi mở và thẳng thắn với Bắc Kinh để tăng cường hiểu biết, tránh hiểu lầm và quản lý những bất đồng. Ông Joe Biden cho biết Mỹ không ủng hộ “Đài Loan độc lập” và không có ý định để xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn
Một số các chuyên gia cho rằng những kết quả đáng kể của hội nghị thượng đỉnh Tập-Biden giúp tạo ra “mối quan hệ kiên cường” hơn cho quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt là khi Trung Quốc thể hiện thiện chí rộng rãi trong việc khởi động lại hợp tác kiểm soát ma túy, chủ yếu theo yêu cầu từ phía Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng điều rất quan trọng là phải đảm bảo các nhóm công tác và kênh liên lạc đã được thành lập được sử dụng một cách hiệu quả, đồng thời lưu ý rằng chính trị nội bộ của Mỹ có thể gây ra một số thách thức đối với quan hệ song phương.
Về tương lai quan hệ Mỹ-Trung, các chuyên gia Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng bởi cho rằng sẽ có những bất ổn lớn đối với nước Mỹ trong năm 2024. Chuyên gia Kim Xán Vinh cho rằng nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đã thể hiện trách nhiệm, lòng dũng cảm và sự tự tin để tích cực định hình và quản lý quan hệ song phương. Tuy nhiên, trong năm 2024 tới, Mỹ sẽ bước vào năm bầu cử tổng thống và đồng thời cuộc bầu cử lãnh đạo khu vực ở đảo Đài Loan cũng sẽ diễn ra nên nhiều thách thức vẫn ở phía trước.
Chuyên gia Lỗ Hướng nhấn mạnh “mối quan hệ Trung-Mỹ có thể ngăn chặn tác động của năm 2024 ở mức độ nào phụ thuộc vào việc Mỹ giữ lời hứa như thế nào và biến những phát biểu tích cực của mình thành hành động như thế nào”. Ông nói thêm rằng vào năm 2024, việc chính quyền Joe Biden và Đảng Dân chủ có thể giữ quyền kiểm soát nước Mỹ ở mức độ nào vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Tập Cận Bình phát biểu trong bữa tiệc tối chào mừng ngày 15/11 vừa qua: “Nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ được đặt ra bởi người dân chúng ta”, nhấn mạnh “cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ đã được người dân chúng ta mở ra... Những câu chuyện về quan hệ Trung-Mỹ được viết bởi nhân dân chúng ta... và tương lai của mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ do nhân dân chúng ta tạo ra”./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn Thời báo hoàn cầu, TTXVN
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved