THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Trang mạng Diễn đàn Đông Á ngày 30/10 đăng bài viết cho biết cuối tuần này, Thủ tướng Anthony Albanese sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của Australia đến thăm Trung Quốc kể từ khi cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hàng Châu hồi năm 2016.
Vào thời điểm đó, dường như mối quan hệ Australia-Trung Quốc đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, các cơ quan an ninh và báo chí chính thống của Australia đã bày tỏ sự lo lắng tột cùng về làn sóng “can thiệp của nước ngoài”, nổi bật là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm theo đuổi lợi ích của mình thông qua các kênh chính trị tại Australia.
Mọi chuyện trở nên xấu đi dưới thời cựu Thủ tướng Scott Morrison - người kế nhiệm ông Turnbull.
Khi Ngoại trưởng Australia lúc bấy giờ là bà Marise Payne đưa Australia lên tuyến đầu trong việc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, đó là điểm để Bắc Kinh làm mọi thứ có thể nhằm đáp trả Canberra. Than, lúa mạch, rượu vang, tôm hùm và các sản phẩm khác của Australia đã bị trừng phạt theo nhiều cách khác nhau. Các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai chính phủ cũng đã bị “đóng băng”.
Các hành động gây sức ép về mặt kinh tế của Trung Quốc rõ ràng đã đi ngược lại tinh thần của các cam kết thương mại song phương và đa phương của nước này.
Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế, vi phạm thô bạo các quy tắc được đàm phán chung trong quá trình này. Tuy nhiên, Australia cũng là một tấm gương hữu ích cho các quốc gia khác về cách ứng xử.
Như Giáo sư James Laurenceson - Giám đốc Viện quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) - đã viết trong một bài báo mới đây này, một “yếu tố quan trọng giúp khôi phục quan hệ thương mại” và mở đường cho chuyến thăm của Thủ tướng Albanese tới Bắc Kinh chính “là hệ thống thương mại đa phương được Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) giám sát”.
Việc áp dụng hệ thống này đã làm giảm tác động của các lệnh cấm của Bắc Kinh đối với Australia bằng cách tạo điều kiện chuyển hướng xuất khẩu than, lúa mạch và các mặt hàng khác của Australia - trước đây thường được xuất sang Trung Quốc - tới các nước khác. Giáo sư Laurenceson lập luận rằng việc Australia chống lại các nỗ lực ép buộc kinh tế của Bắc Kinh “chắc chắn là hành động đúng”, nhưng việc Trung Quốc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt (cũng như trả tự do cho Cheng Lei, một công dân Australia bị buộc tội làm gián điệp) không nên được coi là kết quả của sự “phản kháng kiên quyết” của Australia trước Bắc Kinh.
Với tư cách là thành viên của Thỏa thuận Trọng tài Kháng cáo Tạm thời Đa bên (MPIA), một giải pháp cho quy trình giải quyết tranh chấp không còn tồn tại của WTO, viễn cảnh không mong muốn về việc phải tự bảo vệ mình trong diễn đàn này đã khiến Bắc Kinh có động cơ hợp tác lặng lẽ với Canberra để tìm ra những sai phạm. Việc sử dụng các kênh WTO - và những ngôn từ ngoại giao hơn sau cuộc bầu cử của chính phủ Albanese - cũng giúp Australia có được thời gian quý báu để thực hiện sự điều chỉnh này từ phía Trung Quốc. Giáo sư Laurenceson nhận định Bắc Kinh đã nhận ra chiến dịch gia tăng sức ép thương mại đang gây ra nhiều tổn hại cho chính nước này hơn là làm thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại của Canberra.
Giới quan sát chỉ ra trong các cuộc thảo luận về tàu ngầm hạt nhân theo Hiệp ước an ninh ba bên (AUKUS) trong chuyến thăm Washington gần đây, ông Albanese đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống thương mại đa phương trong việc tạo ra không gian kinh tế và chính trị để Australia chống lại các nỗ lực chèn ép kinh tế từ một nền kinh tế lớn hơn mà không cần phải thay đổi đáng kể chính sách của mình.
Australia và các cường quốc tầm trung trên khắp châu Á-Thái Bình Dương cần nhiều thứ từ Mỹ hơn là những lời đảm bảo nửa vời rằng nước này sẽ duy trì vị thế quân sự ở châu Á vô thời hạn. Việc nối lại sự can dự thiện chí của Mỹ trong việc sửa đổi WTO và tham gia đàm phán đa phương về các quy tắc kinh tế và chuẩn mực an ninh ở Đông Á, thông qua các nền tảng mới hoặc hiện có tập trung vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ là một đóng góp có giá trị và lâu dài hơn nhiều cho hòa bình, tự chủ và thịnh vượng trên toàn khu vực.
Đối với câu hỏi Thủ tướng Albanese sẽ gửi thông điệp gì tới Chủ tịch Tập Cận Bình, thực tế là chuyến thăm sắp diễn ra và được báo chí Australia tung hô là một chiến thắng có thể khiến Thủ tướng và chính phủ của ông đặt kỳ vọng vào mối quan hệ với Trung Quốc. Cuộc gặp mang đến cơ hội, nếu không muốn nói là thiết lập lại mối quan hệ, cho nhiều điều có ý nghĩa. Một số điểm chung giữa hai chính phủ có thể là cơ sở cho sự hợp tác cùng có lợi trong tương lai.
Ngoài ra, điều quan trọng là phải tái cam kết nguyên tắc “một Trung Quốc”, hiểu biết về vai trò quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư đối với an ninh kinh tế của cả hai nước trong quá khứ và tương lai, cũng như lợi ích chung trong hợp tác đa phương về biến đổi khí hậu và vô số cơ hội hợp tác song phương trên mặt trận này. Bên cạnh đó, hai bên cần có sự hiểu biết thực tế về việc “không can thiệp”, rằng không quốc gia nào muốn tìm cách thay đổi bản chất của hệ thống chính trị của bên kia.
Trên hết, chuyến thăm là cơ sở để thừa nhận rằng mối quan hệ thương mại Australia-Trung Quốc không chỉ có tầm quan trọng to lớn, trực tiếp đối với mỗi quốc gia, mà quy mô và đặc điểm của mối quan hệ này cũng có tầm quan trọng trong các vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực. Do đó, cả Australia và Trung Quốc đều chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì mối quan hệ phù hợp với nghĩa vụ của mình theo các hiệp định đa phương dựa trên luật lệ mà cả hai đã phê chuẩn và cùng nhau hợp tác, nhằm củng cố cũng như mở rộng các quy tắc đó thông qua hợp tác khu vực và toàn cầu./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved