THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo đã kết thúc hôm 21/10 tại thủ đô hành chính mới của Ai Cập ở phía Đông Cairo, nơi các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng của một số quốc gia kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột vũ trang Israel-Hamas đang diễn ra ở Dải Gaza.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo Arab và phương Tây, trong đó có Tổng thống Palestine, Quốc vương Jordan, Tiểu vương Qatar, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thủ tướng Italy, Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Hy Lạp, và Tổng thống Cyprus. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), và đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Trung Đông cũng tham dự.
Quan điểm của các bên
Tại hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã kêu gọi giảm leo thang xung đột ở Gaza, theo đuổi lệnh ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp cho xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine thông qua "giải pháp Hai nhà nước". Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, ông El-Sisi nói rằng Ai Cập lên án hành động "khủng bố dân thường" và bày tỏ sự ngạc nhiên trước phản ứng của thế giới đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập bác bỏ việc di dời người Palestine sang Ai Cập, khẳng định rằng nếu không có một giải pháp thích đáng, vấn đề Palestine sẽ không bao giờ được giải quyết và không thể giải quyết theo cách gây tổn tại tới Ai Cập. Ông El-Sisi cũng nhấn mạnh phải đạt được giải pháp toàn diện và công bằng cho vấn đề Palestine trên cơ sở "giải pháp Hai nhà nước".
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh hòa bình và an ninh chỉ có thể đạt được bằng cách thực hiện giải pháp hai nhà nước và giải quyết vấn đề người tị nạn dựa trên Nghị quyết 194 của LHQ. Ông lên án "hành động xâm lược dã man" của Israel đối với Dải Gaza, kêu gọi ngừng ngay lập tức hành vi xâm lược và mở các hành lang nhân đạo để cho phép thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác vào Dải Gaza hiện đang bị bao vây, cảnh báo chống lại những nỗ lực nhằm di dời người Palestine ở Gaza. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm nhận trách nhiệm bảo vệ người dân Palestine và triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế về cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong khi đó, Quốc vương Abdullah II của Jordan kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Gaza, bảo vệ dân thường và cho thông qua một lập trường thống nhất nhằm lên án việc nhắm mục tiêu bừa bãi vào dân thường. Quốc vương Jordan tái khẳng định việc dứt khoát bác bỏ hành vi cưỡng bức di tản đối với người Palestine. Ông nói: "Con đường duy nhất dẫn đến một tương lai an toàn và chắc chắn cho người dân Trung Đông và toàn thế giới bắt đầu với niềm tin rằng mạng sống của mỗi con người đều có giá trị như nhau và kết thúc với việc hai nhà nước Palestine và Israel chia sẻ đất đai và hòa bình từ sông ra biển”.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết những bất bình của người dân Palestine là chính đáng và đã tồn tại từ lâu. Ông nói: “Chúng ta không thể và không được bỏ qua bối cảnh rộng lớn hơn của những sự kiện bi thảm này: cuộc xung đột kéo dài và 56 năm chiếm đóng không có hồi kết”. Ông hoan nghênh việc đoàn 20 xe tải của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập vào Gaza hôm 21/10. Tuy nhiên, ông Guterres nói rằng các xe tải chở hàng viện trợ cần phải di chuyển càng nhanh càng tốt theo con đường lớn, bền vững và an toàn từ Ai Cập đến Gaza.
Người đứng đầu Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit trong bài phát biểu của mình đã nói rằng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và chấm dứt việc Israel đánh bom nhằm vào dân thường ở Dải Gaza. Ông nói thêm rằng cộng đồng quốc tế cũng cần khẩn trương mở hành lang an toàn để cung cấp viện trợ nhân đạo bền vững cho người dân Gaza. Aboul-Gheit lưu ý rằng các cường quốc quốc tế phải khẩn trương nhất trí về một tầm nhìn rõ ràng và cụ thể cho một giải pháp chính trị toàn diện nhằm mang lại cho người dân Palestine một nhà nước độc lập để họ có thể sống trong hòa bình và an ninh mà họ xứng đáng có được như những dân tộc khác.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Anh rõ ràng và luôn thể hiện rõ rằng Israel có quyền tự vệ và có quyền đảm bảo những người bị bắt cóc hôm 7/10 được trả tự do. Ông nói thêm: “Tôi vẫn tin vào sức mạnh của ngoại giao và tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để đảm bảo một tương lai nơi người Israel và người Palestine sống trong hòa bình”.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho rằng cuộc xung đột Israel-Palestine đòi hỏi một cơ chế bảo đảm mới và cần phải đảm bảo các bước đi của các bên vì nền hòa bình chính đáng. Ông nói nếu Israel tiếp tục các cuộc tấn công, điều đó sẽ đe dọa sự ổn định và hòa bình toàn cầu với sự leo thang về mặt địa lý.
Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Ai Cập
Tính đến ngày 21/10/2023, xung đột giữa Israel và phe Hamas Hồi giáo người Palestine đã kéo dài được hai tuần. Số liệu thống kê tính đến ngày 17/10 cho thấy đòn trả đũa của Israel đã làm cho gần 3.000 người Palestine thiệt mạng, phần đông là thường dân, hơn 12.500 người khác bị thương. Giới quan sát nói đến một “thảm họa nhân đạo” có quy mô “vượt ngoài sức tưởng tượng”.
Những cuộc oanh kích dữ dội và chiến dịch bao vây toàn diện mà Israel áp đặt đối với dải Gaza làm hàng triệu người dân Palestine phải sống trong cảnh khổ ải, không điện, không nước và không lương thực. Tình trạng này còn thêm trầm trọng khi quân đội Israel ngày 13/10 ra lệnh cho người dân có 24 giờ để sơ tán trước khả năng một chiến dịch đổ bộ sắp bắt đầu. 24 giờ để chạy trốn, nhưng chạy đi đâu? Người dân Palestine tự hỏi.
Trong một nỗ lực ngoại giao, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 chỉ thuyết phục được Israel mở hành lang nhân đạo để đưa hàng viện trợ của cộng đồng quốc tế vào Gaza qua ngả cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Đây là kết quả sau cuộc hội đàm giữa nguyên thủ Mỹ với người đồng cấp Ai Cập El-Sisi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Mặc dù Ai Cập cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo, song Tổng thống El-Sisi cũng kêu gọi người Palestine nên “ở lại trên mảnh đất của mình”. Cánh cổng biên giới ở Rafah, lối thoát duy nhất, vẫn khép lại với người tị nạn Palestine. Trả lời kênh truyền hình France 24, Didier Billion - Trợ lý Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS - trước hết giải thích: “Ai Cập không muốn một mình gánh vác tình trạng nhân đạo thảm hại này. Giới lãnh đạo sẵn sàng tham gia vào một chiến dịch nhân đạo nếu cần thiết, nhưng Ai Cập không muốn cũng không thể một mình thực hiện do tình hình kinh tế trong nước rất sa sút. Họ không có khả năng xử lý một chiến dịch triển khai nhân đạo có quy mô lớn như thế với một số lượng tiềm năng lớn đến như vậy”.
Ủng hộ một giải pháp ngoại giao và kêu gọi các bên kiềm chế, nhưng chính quyền Cairo hiện nay có mối quan hệ xung khắc với Hamas, có nguồn gốc từ Huynh đệ Hồi giáo, một tổ chức mà Tổng thống El-Sisi căm thù sâu sắc. Chuyên gia Didier Billion nhắc lại: “Tổng thống Ai Cập hiện nay lên cầm quyền vào năm 2013 nhờ vào cuộc đảo chính quân sự, chống lại Mohamed Morsi, xuất thân từ phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Từ 10 năm qua, phong trào này chịu sự trấn áp từ chính quyền Ai Cập. Việc hàng nghìn nhà đấu tranh bị cầm tù đã làm suy yếu đáng kể phong trào này. Ai Cập thật sự lo sợ nhìn thấy nhiều nhà đấu tranh gần gũi với phong trào Hồi giáo đó đổ vào trong nước”.
Cũng theo nhà nghiên cứu thuộc IRIS, ngay cả với giả thuyết Ai Cập chấp nhận mở cửa biên giới, các nhà lãnh đạo nước này cũng sợ rằng khó thể kiểm soát làn sóng di dân ồ ạt: “Có lẽ không một nước nào chấp nhận một rủi ro như thế. Hơn nữa, nếu như hàng chục hay hàng trăm người dân ở dải Gaza vượt qua biên giới, những người này vẫn sẽ trụ lại ở Sinai. Nhưng bán đảo Sinai không phải là một vùng an toàn. Đây là điểm buôn lậu, nơi hoạt động của các băng đảng mafia, nơi sinh sống của nhiều ổ thánh chiến. Điều đó khiến chính quyền Ai Cập lo lắng”./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn THX/RFI/VNA
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved